Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

NỒI “XÀ BẦN” CỦA MÁ - Hồ Thủy

 


Gió từ dưới ruộng lùa lên mát rười rượi, mùa này lúa bắt đầu trổ bông nên có một màu xanh mượt mà như nhung, khi có gió thổi qua thì nó lại dập dềnh như những con sóng nhỏ. Anh hít một hơi thật dài, thật sâu vào buồng phổi cái mùi của lúa non, của ruộng đồng và của cả những giọt sương mai đang còn đọng trên từng ngọn cỏ hai bên đường, con đường làng đất đỏ sẽ đưa anh về đến nhà của mình, một nếp nhà tranh xinh xắn, nên thơ với sự thanh bình; điều quan trọng hơn hết là trong mái nhà tranh ấy có má của anh, một bà má già bảy mươi hai tuổi…năm nay anh cũng đã bốn sáu tuổi rồi chứ ít gì.

Hình như má anh đang ở sau vườn; một mảnh vườn trồng đủ thứ rau, mỗi thứ chỉ chiếm một khoảnh đất nhỏ, có thêm một cái giàn tre để trồng cây bầu, cây mướp, tuy là nó cũng nhỏ xíu nhưng có đủ má ăn và còn dư để cho xóm giềng nữa; đó là niềm vui của má…chỉ cần có ai đó từ ngoài cửa gọi vào:

- Bác Bảy ơi, cho con ít cọng rau…(rau thơm, diếp cá, rau răm, rau húng, hành lá, mồng tơi, trái bầu, trái mướp…)…

Là má anh vui lắm, không vui sao được khi người đến xin ít cọng rau, cọng hành, trái mướp ấy sẽ ngồi lại và nói vài ba câu chuyện ở xóm trên, xóm dưới hay chuyện giá cả của thịt cá, gạo thóc... Lúc đó má anh vừa têm một miếng trầu, quẹt tí vôi, vo vo nhúm thuốc rê…cho vào miệng và cùng “bàn luận thế sự” với chị Ba, chị Sáu, ông Tám, bà Tư…nói chung là những người qua xin má ít cọng rau, cọng hành… Đôi khi má sẽ nhờ họ cạo gió vì cái lưng ê ẩm bởi thời tiết đổi thay…thích nhất là khi người qua xin ít cọng rau đó lại là một đứa nhỏ thì má còn cho nó thêm năm trăm hoặc một ngàn, có khi là vài cục kẹo để nhờ nó bóp dùm má đôi chân đang nhức mỏi bởi nắng chợt lên hay mưa bất ngờ rớt xuống.

Anh xa má đã mười mấy năm nay rồi, xa má bắt đầu từ cái lúc má thui thủi có một mình sau khi gả đứa con gái út đi theo chồng, ngộ quá, con gái của má theo chồng về làm dâu nhà người ta, còn con trai má lại theo vợ đi làm rể, cái số của má là phải sống một mình nên chi sau khi anh cưới vợ thành phố được ba năm thì cha mất. Thời gian đầu anh cũng thường xuyên một năm vài ba lần về thăm má, rồi từ từ…một năm chỉ một lần, rồi sự thăm viếng càng lúc càng thưa đi và thời gian ở lại với má cũng ngắn dần nhưng được cái nó tỉ lệ nghịch với số tiền anh gởi về cho má xài từng kỳ; như một sự xoa dịu lương tâm của đứa con…có hiếu…Cũng may là má chỉ cô đơn vì thiếu vắng chồng và buồn vì thương nhớ các con thôi, chớ má không cô quạnh, nhờ bên cạnh má luôn có hàng xóm láng giềng.

Anh vào gần tới cổng nhà, cái cổng tre có trồng cây dây leo màu vàng, dù má đã già nhưng vẫn thích trồng hoa leo để mỗi lần nhìn ra cổng thấy màu xanh của lá, màu vàng của hoa cũng vui con mắt. Tự nhiên lòng anh bồi hồi xốn xang kèm thêm một chút nao nao trong tâm hồn, anh gọi lớn:

- Má ơi…con về đây…má ơi.

Có tiếng nước xối từ sau chái nhà, sau đó là tiếng bước chân của má vừa cập rập, vừa run run. Má anh đó…sao mà má già quá vậy?

- Con…thằng ba…con về thăm má hả…?

Anh nhào tới và má ôm gọn anh vào lòng. Mùi thân thể của má dù già vẫn không thay đổi, một mùi thơm nồng ấm của tấm áo được phơi và hấp thu rất nhiều ánh nắng mặt trời, tóc của má vẫn là mùi của bồ kết nấu với chanh, ôi cái mùi tóc mà má thường ru anh ngủ ngày còn bé:

“Má ơi ông Chánh đòi hầu,

Mua chanh bồ kết gội đầu cho thơm.”

Má khóc vì mừng còn anh khóc vì tủi. Anh dìu má tới bộ ván kê ở góc nhà, bộ ván này có lắm kỷ niệm với anh; là nơi anh nằm đọc truyện, là nơi má dọn cơm, cũng là nơi anh phải nằm dài để má đánh đòn mỗi khi anh có lổi…nhiều lắm và nhiều lắm, nay thì nó bóng ngời. Má hỏi:

- Sao con về có mình ên vậy? Vợ con với cháu nội má đâu?

Anh cười buồn:

- Mẹ con tụi nó đi du lịch Thái Lan rồi.

- Vậy chớ sao con không đi du lịch với vợ con của con?

Anh nắm bàn tay của má, da tay má nhăn nheo trổ đồi mồi làm anh ứa nước mắt:

- Con nhớ má quá nên về thăm…để cho tụi nó đi du lịch với nhau cũng được.

Má anh với tay lấy cơi trầu ở cuối góc bộ ván để têm trầu, vo thuốc rê…má vừa ăn trầu xĩa thuốc, vừa nói với giọng buồn buồn:

- Có những người…trong nước mình có nhiều cảnh đẹp còn chưa biết hết…lại bon chen đi coi cảnh đẹp nước người ta.

Anh nói mà như thú tội với má:

- Có được mấy ngày nghỉ, con năn nỉ nó…về quê thăm má, cho thằng Tâm chơi với ruộng đồng, cuốc đất trồng rau với má cho vui mà vợ con nó không chịu…nhất định đòi đi du lịch Thái Lan đặng có cái để mà khoe với bạn bè…

Má thở dài:

- Có văn minh đẹp đẽ cách mấy thì cũng là xứ sở của người ta…có xấu có dở cũng là quê cha đất tổ của mình. “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”…Má chỉ mong được đi du lịch khắp đất nước mình để được biết những cảnh đẹp của quê hương mình; nhưng nay già rồi nên má chỉ có thể đi ra đi vào trong mảnh vườn của má mà thôi…với lại cũng tốn bộn tiền, mà má thì…

Có tiếng kêu của người hàng xóm:

- Bác Bảy ơi, cho con hái mớ rau mồng tơi nấu canh nghen bác.

Má vui mừng cũng như khi thấy anh về:

- Ưà, vô đây…vô đây coi…thằng Ba con tui về thăm tui nè, vô chơi chút xíu rồi ra sau hè…muốn hái nhiêu thì hái…

Anh cúi chào người đàn bà vừa bước vào nhà, ôi…đâu ai xa lạ; đây chính là cô “láng giềng” ngày xưa của anh, cô bé Thảo có nước da bánh mật, đôi mắt tròn to và hai cái búi tóc thật xinh, anh đã có bao nhiêu đêm không ngủ vì nhớ nhung, cũng đã có bao ngày quên ăn vì xao xuyến… nhưng khi anh lên thành phố học thì…cô không đánh bật nổi người con gái thành thị có nước da trắng nõn và mái tóc ưa nhuộm màu vàng nâu uốn từng lọn lã lơi, thế nên chi anh mới phải đi ở rể nhà người ta xa tít tắp.

Thào hỏi đùa:

- Lâu lắm rồi anh mới về thăm bác Bảy, chắc là ở trên thành phố…lo làm giàu quá chớ gì?

Anh cười nhẹ:

- Bị vì cũng bận rộn chuyện nọ chuyện kia nên chi…lắm khi cũng nhớ má với làng quê mình lắm mà không rảnh để về.

Má đỡ lời cho anh:

- Còn trẻ, còn khỏe thì cũng phải ráng mần ăn kiếm tiền lo cho sắp nhỏ chớ, má ở đây có bà con láng giềng nên cũng không buồn chi mấy.

Chuyện “má không buồn chi mấy” thì chỉ có một mình má biết mà thôi, má dấu kín trong lòng để anh không bận tâm lo lắng chớ làm mẹ, mà lại là mẹ già nữa…ai không mong muốn được ở gần con, gần cháu kia chứ? Đêm đêm nằm nghe tiếng con thằng lằn tắc lưỡi trên nóc nhà, tiếng con dế mèn rĩ rích sau vườn nhà, má nhớ và thèm được nghe tiếng cháu thỏ thẻ: “nội kể chuyện cổ tích cho con nghe nha”…hoặc là tiếng con trai hỏi vói vào: “má ngủ được không vậy má”?...Có những đêm trời mưa, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái lá, tiếng nước nhiễu từng giọt xuống lu nước bên hông nhà, má lăn qua trở lại trên chiếc giường tre mà nhớ vô cùng các con, các cháu ở nơi xa; con gái phải làm dâu, con trai chịu ở rể…buồn quá má nằm khóc rồi mong cho trời mau sáng để có ai đó bước qua xin má cọng hành, trái ớt đặng trong nhà có tiếng đở buồn…Thôi, nói làm chi để cho lòng các con xao xuyến vấn vương theo má mà chểnh mãng công việc làm ăn, vài ba tháng thì đứa này, đứa kia gởi tiền về cho má tiêu xài, như thế má cũng được an ủi lắm rồi.

Thảo hỏi:

- Anh về chơi được bao lâu?

- Chừng năm…sáu ngày gì đó.

Thảo reo lên:

- Vậy là bác Bảy vui quá hen…ý chà, đi xin ít lá mồng tơi nấu canh mà ngồi dính đây luôn. Thôi, chừng mai chiều “guỗng guỗng” em qua chơi.

Anh hỏi vớt một câu:

- Bộ Thảo thích ăn canh rau mồng tơi lắm hả?

Thảo cười đơn sơ:

- Bị ông xã em đi làm ngoài đồng mệt, nấu canh rau mồng tơi để ảnh ăn cho mát ấy mà.

Anh nhìn theo Thảo rồi thở dài, ở thành phố lắm khi anh cũng rất muốn ăn một chén canh rau mồng tơi cho mát ruột nhưng vợ anh nói: “nghe tên mồng tơi là thấy nghèo rồi, ăn chi thứ rau nghèo rớt mồng tơi ấy, để em nấu súp cho anh ăn”.

Má nhìn anh âu yếm., với má thì anh vẫn chỉ là một đứa con trai bé nhỏ của má nên má thèm được chăm sóc cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ như ngày xưa. Má vuốt tóc anh hỏi:

- Con đi hồi mấy giờ mà về tới đây sớm qúa vậy?

Anh chuồi người nằm xuống trên bộ ván mát rượi, đầu anh gối lên đùi má, lim dim mắt trả lời:

- Con đi chuyến xe đò sớm nhất nhờ vậy mới không bị kẹt xe, từ ngoài đường lộ đi bộ vô tới nhà mình chừng hai mươi phút…

Má lấy cây quạt bằng mo cau và quạt cho anh ngủ, trời ơi…má muốn ru lắm như câu ru ngày xưa:

“Ầu ơ…mẹ già như chuối chín cây,

Gió lay mẹ rụng con rày…mồ côi”.

Nhưng má sợ chính má sẽ khóc khi ru câu đó. Anh thiu thiu ngủ, má nhẹ nhàng nâng đầu anh ra khỏi đùi mình rồi cũng nhẹ thật là nhẹ, má đi vào trong lấy chiếc gối ra, cũng thật nhẹ nhàng nâng đầu anh lên để đút chiếc gối vào dưới đầu anh.

Má ra sau vườn hái một nắm lá mồng tơi, ngắt một trái mướp non, nhổ mấy cây hành…những thứ này nấu với ít tôm tươi thì ngon lắm đây. Bấy lâu nay má không đi chợ, muốn mua chút thịt, chút cá…thì gởi nhờ người hàng xóm, đôi khi hàng xóm tốt bụng, thấy miếng thịt ngon hay con cá còn tươi rói thì mua biếu má. Nhưng hôm nay con trai yêu dấu của má về thăm, má sung sướng tự mình đi chợ, má sẽ nấu cho anh những món mà ngày xưa còn bé anh thích ăn…

Niềm vui của má rãi đều từ nhà ra đến chợ, ai cũng biết con trai má về thăm, ai cũng mừng cho má…giỏ xách của má nặng lên theo niềm vui có ở trong lòng. Thảo từ trong nhà chạy ra thấy má xệ một bên vai vì cái giỏ nặng, cô xách phụ má một đoạn đường từ nhà cô qua nhà má rồi vào trong bếp. Anh vẫn còn say ngủ. Má ra dấu cho Thảo đi thật nhẹ để không làm anh thức giấc.

Thảo hỏi nho nhỏ:

- Bác Bảy mua chi mà nhiều thứ quá vậy?

Má cười:

- Lâu lắm con Bác mới về thăm, bác muốn nấu thật nhiều món cho con bác ăn, những món của ngày xưa ấy…

Lặm cặm lụi cụi khá lâu thì má cũng nấu xong bữa cơm, hình như có bao nhiêu tình thương má đều dồn hết lên mâm cơm nhưng má thấy chưa đủ, vẫn còn thiếu rất nhiều thứ…thôi, ngày mai sẽ nấu những món khác…

Anh lóa mắt trước mâm cơm với rất nhiều thức ăn, má cười sung sướng đồng thời cũng ngậm ngùi khi nói với anh:

- Lâu rồi má mới được nấu cho con ăn…không biết con còn nhớ, còn thích đồ ăn má nấu không?.

Anh cảm động cầm đôi đũa trên tay, vừa trả lời vừa hỏi:

-Má ơi, con làm sao mà quên được, làm sao mà không thích đồ ăn do má nấu hả má? Nhưng má nấu chi nhiều vậy? Làm sao mà ăn cho hết?

Má cười, đôi mắt nhăn nheo nhưng rạng ngời niềm vui:

- Ối ăn không hết thì má làm “nồi xà bần”…như hồi đó…con quên rồi sao?

Anh giật mình…ừ nhỉ; “nồi xà bần” của má…hồi mới lên thành phố để đi học; có lúc anh nhớ và thèm lắm nhưng rồi với thời gian và cuộc sống bon chen đã đưa đẩy vào miệng anh những hương vị của chốn thành thị nên dần dần anh quên khuấy đi mất cái món ăn đặc biệt rất lạ lùng mà không nơi nào có.

Má nhắc lại:

- Lúc còn nhỏ con rất thích món “xà bần”của má, mỗi lần có nồi xà bần là con ăn được nhiều cơm hơn bình thường, có khi má phải nhịn cơm để cho con ăn thêm…

Ngày xưa…khi đó cha má anh còn nghèo, các thức ăn thừa má không dám đem đổ bỏ, mà lại để dành rồi cho vào chung một nồi nhỏ, bỏ thêm trái ớt, có khi là mấy lát gừng, hay mớ sã băm nhỏ…rồi nấu cho nó sôi lên, đặc quánh lại, để dành hôm sau hâm nóng cũng thành một món ăn mặn khỏi phải tốn tiền đi chợ, má gọi đùa đó là món “xà bần”. Không ngờ cái món ăn “xà bần” ấy lại có một hương vị rất lạ và rất ngon làm anh rất thích, nhờ tiện tặn từng đồng nên mới có tiền cho con ăn học…chớp con mắt có mấy cái…thấy má đã đi xa hàng vạn dặm đường…

Có mùi thơm khen khét từ dưới bếp đưa lên, anh chưa kịp hỏi thì má đã cười, khoe:

- Má có nướng mấy củ khoai lang ở dưới bếp…bị lữa than còn nhiều…món này hồi xưa con cũng thích ăn lắm mà, con còn nhớ không?

Anh ứa nước mắt, nhưng không muốn má thấy anh khóc nên lại giả bộ than:

- Cá má kho cay quá trời…

Điều anh muốn nói với má sao mà khó quá, biết má có chịu hay không? Nhưng nếu không nói thì anh sẽ không yên lòng. Nằm trên bộ ván này suốt một đêm dài anh cứ thao thức trăn trở. Chỉ còn được ở lại với má một ngày hôm nay nữa mà thôi, mai sớm anh phải về thành phố để tiếp tục cuộc sống lăn tròn theo kim đồng hồ.

Má dọn cơm ra, mỗi bữa cơm má lại thay đổi thức ăn, làm như má muốn đến bù cho anh hay chính má muốn đến bù cho má? Trên mâm cơm luôn có những món mới. Anh hỏi má:

- Sao má không làm món xà bần cho con ăn?

Má cười:

- Có bữa cơm nào dư đồ ăn đâu đặng để cho má làm món xà bần? Bữa nào con cũng ăn hết sạch…

- Bao nhiêu năm không được ăn cơm má nấu nên chi…

Hình như có điều gì đó mà con má buồn? Phải chăng con má đang mang tâm sự…? Má hỏi:

- Con có chuyện gì buồn phải không? Có thật buồn nên con mới về đây với má, đúng không?

Anh lắc đầu…làm sao dám cho má biết nỗi buồn của anh đây? Có ích gì đâu hay chỉ làm cho má khổ tâm thêm mà thôi.

Anh ôm bờ vai gầy của má và nói:

- Má ơi, mấy năm nay con đã cố gắng làm việc hết sức nên vừa mua được một căn nhà nhỏ…con muốn đón má lên thành phố ở với gia đình con.

Má giật mình xoay người làm tay anh tuột khỏi bờ vai của má, bây giờ thì hai tay má nắm hai vai anh mà lắc mạnh, ngạc nhiên đầy thán phục và mừng rỡ:

- Úi cha…con giỏi quá…má mừng cho con lắm…

Anh nói nỗi lòng của mình:

- Má già rồi mà con thì ở xa nên không chăm sóc cho má được, lòng con rất lo lắng và áy náy không yên, má thu xếp nơi quê này mà lên ở với con nghe má.

Má anh ngồi thừ người trầm ngâm suy nghỉ, chuyện này đột ngột quá trời mà cũng thật là khó xử, nó làm đảo lộn tâm trí vốn xưa nay đã rất bình yên của má với cuộc sống dù có phần cô đơn nhưng không đến nỗi buồn tẻ, và dẫu rằng lòng má thương nhớ con cháu thì thật là vô bờ.

Anh chờ đợi câu trả lời của má nhưng má lại lặng thinh đứng lên đi ra sau vườn, dù cố dấu nhưng anh vẫn thấy má đưa tay áo lên lau nước mắt.

Thảo qua nhà xin má mấy cọng hành, nàng ngồi chơi hơi lâu một tí. Nhìn nét hồn nhiên thư thái của Thảo, nhìn sự thân tình giữa Thảo và má, lòng anh bỗng nhói lên một nỗi buồn và thầm tiếc…Nhưng thôi, chọn lựa nào mà không có một cái giá phải trả kia chứ? Má ăn trầu xĩa thuốc và cười vui với những câu chuyện “tào lao” của Thảo. Vạt nắng cuối ngày héo hắt như lòng anh. Ngày mai anh phải trở về thành phố, ngày mai…chỉ mới nghỉ đến thôi mà chao ơi là ngán ngẫm.

Lúc sáng má đã cho anh một câu trả lời là KHÔNG khi má ngậm ngùi nói với anh rằng:

- Ngày cha con cưới má, ông bà nội đã cho cha má mảnh đất này mà cất nhà sống riêng để má không phải chịu hệ lụy chuyện làm dâu. Mảnh đất này chứa đựng rất nhiều kỷ niệm của cha má, rồi anh em con lần lượt được má sanh ra và cũng đã lớn lên tại nơi này…rồi thì cha con qua đời…con ơi…má đọc cho con nghe câu thơ này nhé, một câu thơ mà má chỉ nhớ mài mại nhưng rất hợp với tình cảnh và nỗi lòng của má:

“Tôi đâu biết thịt, xương là sông núi,

Chia biệt đôi miền từng mảnh đau thương.”

Mảnh đất này ví như là thịt da, là xương máu của má từ lâu lắm rồi, má rời khỏi nơi đây thì cũng giống như là má bị chia cắt thành hai mảnh thịt với xương…đau đớn lắm con à. Nay thì con đã mua được nhà rồi, vậy nếu có thời gian rảnh rỗi con đưa cháu về đây thăm má, ở chơi với má ít ngày cũng đủ cho má vui sướng, nơi đây có hàng xóm láng giềng thân quen đến nổi còn hơn cả ruột thịt, con đừng lo lắng cho má mà chi…

Anh muốn khóc lắm nhưng mà không dám, lại nói lạc đề câu chuyện:

- Trưa nay má cho con ăn món “xà bần” của má nghen, bây giờ thì con đâm ra nhớ và thèm nồi “xà bần của má” lắm má à.

Má cười vuốt tóc anh như là anh còn bé lắm ấy:

- Không có đồ ăn dư thì làm gì có “nồi xà bần” cho con?

Hồ Thủy

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy. Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến Lời truyền ...