HỒI ĐÓ
Hồi đó ba đứa tụi này hiền lành quê một cục. Ba đứa ở ba xã khác nhau cùng đến trường tiểu học ở quận để học lớp nhứt, cái lớp cuối cùng của bậc Tiểu học.Hồi đó học tiểu học phải mặc đồng phục. Áo trắng quần dài đen. Cái áo trắng cổ lá sen kín đáo dễ thương của tuổi chưa dậy thì ngực còn xẹp lép. Khi tập thể dục phải mặc cái quần phùn màu xanh, áo trắng tay phùn ngắn tay trông thật ngố. Nhưng mà hồi đó đâu có thấy ngố, vì cả trường đều như vậy, nhất là khi tập thể dục đồng diễn. Cả trường nghe theo chiếc còi của thầy hiệu trưởng hoạt động tay chân đồng loạt ở sân thật đẹp. Tập chung xong, thầy cô lớp nào dẫn học sinh lớp mình sinh hoạt trò chơi riêng. Từng toán nhỏ vui đùa ở sân trường. Tiếng vỗ tay, tiếng cười, chạy rượt nhau vui tở mở. Dưới tàng những cây phượng tuổi lớn hơn các học trò và thầy cô còn trẻ. Các lão phượng gốc rất to, ở trên cành lá xòe ra che mát cả sân trường rộng lớn. Màu đỏ rực rỡ của hoa phượng và tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đã về sắp phải chia tay. Các lớp tập vợt văn nghệ chuẩn bị cho ngày phát thưởng cuối năm và nghỉ hè.
Hồi đó thầy hiệu trưởng già ốm nhom mà oai lắm. Học trò sợ thầy cô giáo một, sợ thầy hiệu trưởng tới số mười. Thầy đi ngang qua hành lang lớp nào thì cả lớp đó im phăng phắc. Thầybước vô lớp, học trò đồng loạt đứng lên cúi đầu chào. Suốt cả năm học chưa thấy thầy đánh một học trò nào, chưa đuổi học đứa nào mà sao học trò lớp nào cũng sợ.
Hồi đó ba đứa học chung một lớp, cùng ngồi bàn thứ nhì. Hai đứa học thật giỏi còn một đứa học tàng tàng nhưng chưa bao giờ bị cô khẽ tay hay la mắng.Một lần con nhỏ người Bắc rủ hai nhỏ kia đi tới nhà cô giáo:- Chi vậy! Sợ lắm- Sợ gì! Cô hôm nay trả bài chính tả và toán. Một mình tao ôm không hết. Tụi bây phụ tao .Thế là ba đứa đi tới nhà cô. Trong lòng vừa mừng rộn ràng, vừa sợ.Cô giáo của ba đứa nổi tiếng nhất trường là nghiêm và dữ. Cô đẹp sắc sảo với đôi mắt to đen và có uy. Da cô ngâm ngâm, mũi thanh tú và miệng rất có duyên. Cô tuy lớn tuổi nhưng đẹp nhất trường. Đứa nào học lớp nhì nghe được lên lớp cô là rét.Nhà cô không xa, rộng rãi và rất đẹp trong mắt học trò. Ba đứa không dám bước vào, lí nhí đứng ngoài cửa gọi cô. Cô cười kêu vào nhà chỉ đám vở đã chấm xong rồi dặn dò ôm cẩn thận đừng để rớt.Vậy mà ba đứa mừng rơn, hí hửng hãnh diện vì được cô cười, cô kêu vô nhà và nói chuyện ngọt ngào. Trong lòng đứa nào cũng sung sướng được giúp cô.
Hồi đó ba đứa đều ở xa nên mỗi ngày đều phải đem cơm theo. Hết giờ học buổi sáng học trò ở tại quận về nhà ăn cơm. Ba đứa lôi cơm ra ăn trưa. Ban đầu ba đứa ngồi riêng ba góc, ăn xong mới túm lại chơi chung. Một lần nhỏ người Bắc đề nghị ăn chung một chỗ cho vui. Con nhỏ người Nam xì một cái:- Ăn cơm không được nói chiện. Ba tao biểu dzậy. Rồi nó tính đi ra chỗ khác ngồi ăn.- Thì ăn đừng có nói gì! Thế mày đem đồ ăn ngon sợ tụi này ăn ké hả?Rồi hai đứa quỷ quái kia kéo con nhỏ này lại giở gà mên cơm ra phá. Nhìn vào cà mèn cơm hai đứa kia chết lặng. Con nhỏ nạn nhân nước mắt sắp chảy ra:- Tao đã nói để tao ăn riêng. Nhà tao nghèo, em đông nên tao ...- Từ nay tụi mình ăn cơm chung, có gì chia nhau ăn. Đừng khóc! Tụi mình là bạn thân nhấtmà.Rồi ba đứa ôm nhau khóc. Hồi đó ôm nhau như vậy là kỳ cục lắm nhưng không hiểu sao ba đứa không nghĩ tới, chỉ biết là thân thiệt thân như chị em một nhà. Nếu ngày xưa chắc phải làm lễ rồi thề thốt kết nghĩa đào nguyên.Chơi quá thân nên ba đứa coi ba má của nhau như ba má mình. Ba má Sáu, ba má Bảy, ba má Tám. Mà cũng lạ, thứ gọi miền Nam của các má lại xếp thứ tự 6, 7, 8 ngon lành. Gọi miết rồi quen, ba má cũng chấp nhận luôn mỗi người có thêm hai đứa con gái.
Hồi đó học xong lớp nhứt phải thi để lấy bằng Tiểu học. Bà dì Bảy nói với ba:- Con gái học vậy đủ rồi. Biết đọc biết viết là được. Ở nhà phụ gia đình. Học cao, nhiều chữ khó lấy chồng.Cho nên trong kỳ thi Tiểu học hay thi tuyển vào đệ thất trường công nhỏ người Trung chẳng có gì lo lắng. Nó làm bài như thi lục cá nguyệt ở lớp, bởi vì nó biết đây là chặng chót của cuộc đời đi học của mình.Vậy mà trời bất dung gian Tiểu học nó đậu là thường, thi tuyển vô đệ thất trường công một chọi mấy chục vậy mà nó đậu thủ khoa mới chết. Hai đứa còn lại chạy vô nhà nó la lớn:- Mày đậu hạng nhứt kỳ thi tuyển, trường gọi tên mày quá chừng sao mày không đi?Nhỏ nói tỉnh bơ:- Đi làm gì, ba tao đâu có cho đi học nữa đâu. Rồi nó chỉ mớ chuối cây đang băm:- Chờ tao một chút, tao trộn cám cho heo ăn rồi ra chơi với tụi mày.
Gần ngày tựu trường, cô giáo nghe học trò kể lại, cô mời ba nhỏ tới nhà. Ba tưởng nhỏ làm gì sai nên dẫn nhỏ theo để xin lỗi cô giáo. Cô nói với ba cô hãnh diện với toàn trường, với cả quận là học trò lớp cô đậu thủ khoa nên nhỏ nghỉ học cô rất tiếc. Nếu ba nhỏ không cho đi học tiếp, cô sẽ lo cho nhỏ học bốn năm đến khi nào thi đậu bằng trung học đệ nhất cấp. Tới chừng đó nhỏ có thể tìm một công việc tương ứng với bằng cấp.Ba hiểu ra, cám ơn cô và dẫn nhỏ đi may áo dài liền để kịp mặc tựu trường. Vậy là nhờ cô nhỏ được đi học tiếp.(Sau này khi đã phiêu bạt cả đời người, về Việt Nam thăm lại cô giáo cũ nhỏ đã ôm cô mà khóc. Cũng căn nhà đó nhưng bây giờ sao nhìn nó nhỏ xíu, chật chội và hôi mùi của đồ vật ẩm thấp để lâu năm. Nhà như thiếu không khí và tối tăm bởi xung quanh người ta lên lầu che kín cả ánh sáng. Cô giáo già về hưu hiu hắt bên ba đứa con bệnh tật nằm một chỗ chờ mẹ chăm sóc. Cô già yếu, đôi mắt đẹp tinh anh giờ chất chứa đầy muộn phiền. Gửi chút quà cho cô, nhắc chuyện xưa nhỏ khóc, còn cô cười:- Cô quên rồi chuyện đó. Cám ơn em nhắc lạiCô ơi! Trái tim người mẹ vĩ đại. Cô ơi! Một cô giáo tuyệt vời. Mãi mãi em biết ơn và kính yêu cô.)
Hồi đó bậc trung học mỗi thứ hai nam sinh mặc quần trắng, áo sơ mi trắng bỏ thùng lịch sự, nữ sinh phải mặc áo dài xanh để chào cờ. Ngày thường nữ sinh mặc áo dài trắng, nam sinh mặc quần dài xanh. Áo dài mới ba đem về buổi tối, sáng tựu trường nhỏ đi học áo còn y nguyên màu đỏ, xanh phấn vạch. Nhỏ tới lớp lúng ta lúng túng với bộ đồ dài lượt thượt lần đầu trong đời được mặc.Ba đứa cùng thi đậu, cùng được xếp chung một lớp. Ba đứa thân càng thêm thân. Vì nhà nghèo lại thi đậu hạng nhất, nhỏ được nhà nước cấp học bổng suốt 4 năm trung học. Tiền mỗi kỳ học bổng ba dẫn nhỏ đi lãnh nên nhỏ không nhớ làđược bao nhiêu.
Hồi đó lên trung học con gái bắt đầu trổ mã. Ngực bắt đầu num núm chóp cau rồi lớn dần. Tóc ba đứa đều dài mượt mà nên khi có khi cột túm lên cao cà nhỏng như đuôi ngựa. Có khi thì thắt bím rồi gấp lại thành hai bím đôi ở phía trước. Giờ thể dục nhảy cao, nhảy xa, nhảy sào, ném tạ, chạy đua. Hai cái bím to đập vào bộ ngực mới dậy thì thật đau mà không đứa nào dám nói. À! hồi đó lên trung học giờ thể dục con gái phải mặc quần dài xanh áo trắng ngắn tay, con trai lại được mặc quần đùi hay quần sọt ngắn áo thun ba lỗ. Con trai, con gái tập riêng và khác giờ ở bãi tập của trường.
Hồi đó giờ thể dục sợ nhất là môn leo dây. Cuối sân trường có một cây me già thật to. Thấy cột một sợi dây thừng lên nhánh me trên cao và một đầu dây thòng xuống. Thầy bảo nắm sợi dây rồi leo lên. Thầy bấm giờ, leo được tới đâu thầy cho điểm tới đó. Sợi dây lúc lắc đong đưa, hai tay nắm chặt dây, hai ngón chân cái và trỏ nghéo vào sợi dây để làm thế cũng không thể nào lên cao được. Lần nào ba đứa với mấy học trò dân quận cũng bị điểm thấp và làm trò cười cho cả lớp. Mấy học trò ở miệt vườn quá rành leo cau, leo dừa nên phăng một hồi là lên tới nơi. Tụi nó hái trái me quăng xuống rồi cười đắc thắng.Trong tất cả các môn của thời đi học nhỏ không ngán môn nào chỉ duy nhất môn leo dây là phải đầu hàng và biến thành ký ức không thể nào quên.
Hồi đó trường trung học mới thành lập, phải mượn trường cũ bên tiểu học để dạy tạm các năm đầu. Sát hông trường còn mấy cây cao su. Con gái mỗi lần chơi đánh đũa ưa lấy mủ quấn banh. Banh quấn không đều tưng xéo xẹo chụp hụt hoài. Bọn con trai quấn làm banh để đá. Xe đạp bị bể bánh lấy mũ cao su dán thế keo. Nhóm con gái cột hai vạt áo dài lại để nhảy dây, chơi lò cò dưới tàng cây cao su vì chưa biết mình đã lớn.
Hồi đó trường không có trống. Ông hiệu trưởng lượm được một cục sắt to đem về treo lên và dùng một cây que sắt đánh làm kẻng lệnh. Vậy mà tiếng kẻng uy lực đó đã đi theo ký ức tuổi học trò của hàng nghìn cựu học sinh tản mạn trên khắp thế giới. Cái kẻng cũ kỹ nhưng đáng nhớ đó xuất hiện trên rất nhiều bài viết, bài thơ với tất cả thương yêu. Trường cũng không có cổng, học trò nào đi trễ sẽ bị đuổi về hoặc phải chép phạt và ghi vào học bạ.
Hồi đó lên trung học đứa nào cũng bỡ ngỡ. Các thầy cô được gọi là giáo sư. Các giáo sư đều ở xa, tốt nghiệp Sư Phạm được bộ giáo dục bổ nhiệm về dạy đầu tiên nên đa số còn rất trẻ. Các thầy cô chỉ đến lớp dạy đúng môn mình phụ trách, hết giờ thì ra khỏi lớp. Văn phòng gần các lớp, nhà tạm của ông Hiệu Trưởng nằm sau văn phòng kế chỗ để xe đạp của học sinh. Trường có hai giám thị và một cô thư ký lo việc hành chánh. Vì trường mới mở nên thiếu giáo sư, các thầy cô phải dạy thêm các môn phụ. Dạy đủ giờ trong tuần là đón xe đò về Sài Gòn. Dạy một thời gian các thầy cô xin chuyển trường về dạy nơi mình thích.
Hồi đó mỗi lớp có một giáo sư hướng dẫn. Vị giáo sư này chịu trách nhiệm hầu hết các sinh hoạt của lớp mình phụ trách . Mỗi lớp phải bầu chọn trưởng ban văn nghệ, thể thao, báo chí, học tập... Gần bãi trường hay Tết trường phát động thi đua Bích Báo, Văn Nghệ, Thể thao vv. Cả ba đứa đều hát không hay, múa không dẻo, nhảy cao thành nhảy thấp nên chỉ dám tham gia về bích báo và học tập mà thôi.
Hồi đó thầy mới ra trường còn trẻ măng nên được các nữ sinh chú ý kỹ. Các cô cũng vậy" yểu điệu thục nữ" nên nam sinh hay bàn tán và mê cô giáo. Dù vậy lễ nghĩa luôn được phụ huynh và thầy cô chọn làm rào cản Trong lớp hay ngoài đời các giáo sư vẫn là những mẫu mực mô phạm mà xã hội kính trọng.
Hồi đó lên tới năm đệ ngũ, đệ tứ là các nữ sinh đã thành thiếu nữ. Nét phù dung đã tới độ mãn khai nên đẹp tinh khiết và quyến rũ. Trong lớp đã có mấy đứa theo chồng và cũng đã xuất hiệnmối tình nảy nở giữa thầy và trò. Cuối hè đám cưới được hai bên gia đình tổ chức đúng lễ nghi.Ba đứa lần đầu tiên biết điệu. Kéo nhau may áo dài màu, mua guốc Đakao, tập trang điểm làm người lớn để đi đám cưới. Cô dâu không còn là trò A, trò B mà là một giai nhân rực rỡ bên chú rể thầy rất đẹp trai.
Ờ! mà hồi đó sao con gái lấy chồng sớm vậy không biết. Ba má cứ sợ con gái ế không ai cưới xấu hổ với bà con. "Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn" Một bài hát đã có lời như vậy.- Lấy chồng là mang gông vào cổ. Con nhỏ Nam Kỳ đi đám cưới về nó nói như vậy. Rồi nó quả quyết:- Tao không thèm lấy chồng coi ai cười cho biết- Ừa! Để tụi tao lấy tăm chống mắt coi mày nói ngon nhaSau này khỏi cần lấy tăm chống mắt nhìn cho rõ, nó lấy chồng có 2 đứa con mà hai đứa còn lại vẫn mình ên.
Hồi đó ở trường học sinh phải đứng lên hát bài: "Suy Tôn Ngô Tổng Thống" Thầy bắt hát thì hát vậy thôi chứ không chú ý gì đến chính trị, về người Tổng Thống mà mình phải suy tônHồi đó có một lần nhỏ được nhận giải thưởng viết văn của Ngô Tổng Thống. Giải thưởng lớn cả trường chỉ có một. Phần thưởng là tiền và một giấy khen có chữ ký của ngài. Học trò được phần thưởng của Tổng Thống là vinh dự lắm, nhưng Tổng Thống xa vời quá trong đầu một con bé nhà quê.Khi nhà Ngô bị lật đổ, nghe xong cả nhóm bạnchung lớp ngồi khóc một trận. Mấy đứa "Dân ri cư Bắc kỳ rau muống" khóc nhiều nhất. Hôm đó cả lớp ủ rủ như có đám tang: "Thương Tổng Thống quá đi, ông thương dân lo cho dân no ấm. Ông chủ trương cải cách điền địa, người cày có ruộng, lo cho dân di cư từ Bắc vào Nam ổn định cuộc sống" Riêng nhỏ còn khóc vì thương bà Nhu. Bà là một phụ nữ tài ba và can trường dám đứng ra tranh đấu bảo vệ đạo luật gia đình "Một vợ một chồng" để giải phóng phụ nữ thoát kiếp lấy chồng chung.Mãi tới bây giờ tuy già rồi, cuộc đời đã chứng kiến bao nhiêu thay đổi trên chính trường, nhưng người Tổng Thống đáng kính nhất trong lòng nhỏ vẫn là Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Hồi đó hè năm Đệ tứ miệt mài ôn bài để thi lấy bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. Gần ngày thi hẹn gặp nhau cùng quyết định ở trọ chỗ nào trên tỉnh để đi thi. Con nhỏ người nam bây giờ mập lên thấy rõ.- Ê! Sao mày mập ú thù lù vậy?- Tao không biết. Chắc tại tao lo- Lo người ta ốm nhom. Sao mày mập?- Tao lo thi rớt nên tối nào tao cũng thức khuya học bài- Tao thức khuya ốm nhom, sao mày thức khuya mà mập?- Tao thức rồi đói bụng tao kiếm gì ăn để học tiếp. Cứ vậy...Từ đó mỗi khi kể chuyện "Lo học thi đến mập ú" cả mấy đứa lại ôm bụng cười.
Ba nhỏ người Trung quyết định gửi cả ba đứa ở trọ nhà người quen gần nơi thi là trường trung học lớn nhất tỉnh. Ba đích thân đem ba đứa đến nhà đó để gửi gắm trước một ngày. Ba dẫn cả ba đứa đến tận trường để biết chỗ, dặn dò, khuyến khích rồi ba về.Tối đó ba đứa thức ôn thi. Con nhỏ người Bắc bố nó mới mở tiệm tạp hóa nên đem theo ê hề là thức ăn vặt. Me ngào đường, kẹo me, mứt chùm ruột, mứt me... nghĩa là mấy món tủ của con gái chua chua ngọt ngọt nên tha hồ bóc lủm rồi ôn bài. Quá nửa khuya bụng đứa này kêu rột rột, bụng đứa kia thổn thức không yên. Cả xóm đều đi cầu ở sau khu mả hoang cách xa nhà. Trời ơi là trời ba con nhỏ sợ ma mà phải xách cái đèn bảo đi tim nơi trút bầu tâm sự. Vừa về tới nhà thì lại mắc đi tiếp, bụng vừa đau vừa kêu như nước chảy qua lỗ cống. Không nhịn được lại kéo nhau cả bọn xách đèn bão đi nữa. Chó nhà hàng xóm sủa vang trời. Lớp sợ ma, lớp sợ chó cái gì trong bụng cũng muốn trào ra hết.Cũng may trước khi đi má nhỏ người Trung nhét vào túi xách con chai dầu gió "Nhị Thiên Đường" Lại ưu ái bỏ thêm vào túi áo hộp "Dầu Cù Là Hiệu Con Cọp" sợ nhỏ đi xe đò say sóngtrét vô mũi cho dịu cơn buồn ói. Nhờ vậy ba đứa trét, xoa, hít túi bụi. Gần sáng bụng mới êm mà đứa nào cũng tàn hơi hết xí quách. Sợ ngủ quên trễ giờ thi nên chỉ dám ngủ chập chờn.Buổi sáng lên trường thi người như say sóng, mắt mở không lên, đầu óc loạng quạng. Cũng may bài thi không mấy khó nên làm cũng được. Khăn gói đi về không dám kể cho ba nghe chỉ nhìn nhau cười đau khổ mặt mày méo xẹo.Kết quả kỳ thi con nó Bắc Kỳ, Trung kỳ thi đậu, con nó Nam kỳ rớt cái ạch thảm thương. Nó mếu máo:- Tao thua trận này thê thảm. Vừa mập ra lại vừa thi rớt cái bịchHai đứa chọc nó- May là mày mập ra té cái bịch toàn thịt mỡnên không đau....Chuyện "Hồi đó" còn dài viết hoài không hết. Chỉ là bây giờ ba đứa vẫn khỏe nhưng sống ở ba nơi VN, Pháp, Mỹ. Ba má của ba đứa đều đã quy tiên. Những người muôn năm cũ đã về với thiên thu. Ba đứa đều già, con cháu cả bầy nhưng chưa thể xếp đặt để một lần bộ ba gặp nhau đầy đủ để kể chuyện xưa.Hồi đó mình ên muốn đi đâu cũng được. Bây giờ hết lo cho con tới lo cho cháu. Nó kêu một tiếng :"Ngoại ơi! Con muốn đi tè " là bận gì cũng bỏ, cắm đầu chạy lo cho nó. Thấy chưa! Nó là hoàng đế không ngai, là tất cả yêu thương trong cuộc đời mình. Từng tuổi này rồi dù già háp vẫn hết sức mình hiến dâng phục vụ.Nguyễn Thị Thêm11/2022
HỒI ĐÓ.
Bà Bảy nói cho mình nghỉ họcHọc cho nhiều chỉ thư viết cho traiGái đảm đang phải biết trong ngoài
Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024
Hồi đó ( Nguyễn Thị Thêm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2) Như ta đã biết, trong bài trước《T...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét