Solomon Islands sau 4 năm gặp lại.
Sau 4 năm gặp lại quốc đảo nhỏ bằng cỡ 1/12 Việt Nam (28.400km2), dân số gần nửa triệu với thu nhập thua anh Vincom, GDP khoảng gần 1 tỷ đô la. Nhưng chia ra đầu người (1800$/người/năm) thì họ vẫn hơn Việt Nam (1200$/người/năm).
Từ sân bay quốc tế giống sân bay Gia Lâm của ta thời kỳ 1960, có mỗi một đường duy nhất chạy theo bờ biển, dài khoảng 10 km là đến trung tâm thủ đô. Trung tâm có mỗi một phố chính, sau phố chính là núi, trước mặt là biển, hết cách mở rộng. Vì thế, Honiara bắt đầu tắc đường. Chưa có đèn tín hiệu giao thông, y chang như miền Bắc sau 1975. Họ làm cái bùng binh để xe lượn vòng tròn, tránh nhau và đi vào đường rẽ. Lái xe đây làm xiếc rất siêu.
Dân chúng đi giầy dép nhiều hơn, nhưng vẫn còn các bác, các cô, các thanh niên trai trẻ, đi chân đất, ăn trầu và nhổ toẹt dưới đường, đỏ loẹt cả phố. Phố bẩn và bụi, dân chúng lam lũ, nhưng được cái hay cười. Mình sang đó thành người đẹp giai vì da trắng nõn so với các cụ Solomon đen xì. Tối tối không dám ra đường vì sợ va phải say rượu, nhỡ các cụ xin tí tiết thì toi. Ban ngày trông khá hiền hòa. Với lại chỉ có mỗi một phố, đi lại một lúc là hết.
Vào trong chơ như chợ Đồng Xuân của ta, bán thượng vàng hạ cám, từ con cua đến mớ rau, củ khoai lang để từng đống nhỏ, mỗi đống 4-5$ Solomon (6$ Solomon = 1USD), quả mít giá vài chục đô la. Lần trước thấy cả cá bán nhiều, nhưng lần này có lẽ chợ cá chưa mở.
Lần trước chưa thấy cell phone nhưng bây giờ ngoài đường cánh trẻ thi nhau chát chít, miệng nhai trầu bỏm bẻm, cổ khoác cell phone, tay gẩy iPad nhoay nhoáy. Nhưng cái giá trị trầu cau thế nào cũng mất vì rất nhiều chỗ treo bảng “Cấm ăn trầu”, giống như cấm thuốc lá. Nhà giầu chút thì rào xung quanh, chắc trộm cắp cũng nhiều, dù trên phố dân chúng ăn mặc lành lặn.
Người Nhật rất khôn. Ngày xưa “xuất” xe máy second hand sang Việt Nam, biến quốc gia này thành bãi rác xe cũ. Bây giờ Solomon cũng toàn xe hơi (không phải xe máy) cũ nhập từ xứ mặt trời mọc. Không thấy xe máy của Nhật. Anh bạn IT, người Philippines, cũng thửa một cái Toyota, phóng vèo vèo ngoài đường. Rủ đi cafe, anh làm một chai vodka trắng 50ml, bằng chai bia Henken của mình, vừa uống, vừa lượn xe quanh phố. Công an cả ngày chẳng thấy ai. Có lẽ họ cũng say như lái xe hết rồi. Bây giờ người Nhật cũng đầu tư khá tại những nơi nghèo khó này.
Dân Trung Quốc chiếm khá đông trong thành phố, có khu phố Hoa. Hôm lên máy bay thấy một cụ cỡ tuổi ông Cua 60 đang bế đứa con bé tý, cho con bú sữa, còn bà vợ lòe loẹt ngồi bên, ngắm cảnh. Dễ đến nửa máy bay là người Hoa.
Nói với vài người bạn, họ đều than, có độc lập tự do từ tay Úc nhưng hiện dân vẫn nghèo, thì độc lập tự do để làm gì. Một nửa dân muốn Úc quay lại, một nửa khác không thích da trắng. Họ bảo Solomon như chùm khế ngọt, để dân Aussie trèo hái mỗi ngày.
Các bạn ý không biết rằng, Việt Nam xây dựng CNXH được gần thế kỷ rồi mà còn chưa ra gì, bác tổng Trọng nói, đến thế kỷ sau mới xong, làm gì cũng phải kiên nhẫn. Các bạn cười, nhe răng toàn trầu đỏ, bảo, hừ, các anh giỏi. Chúng tôi á, 5 năm nữa mà vẫn thế này là không xong đâu.
Vài hình ảnh gửi các bạn xem cho vui mắt.
Bài liên quan (2009) Solomon – xứ đảo thần tiên
(chép từ blog HieuMinh)