Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Giải Nobel Kinh tế 20149( Khoahoc.com.vn)


5 học thuyết đặc biệt được nhận giải Nobel Kinh tế


Mùa giải Nobel 2013 đã chính thức bắt đầu vào ngày 7/10 vừa qua. Dự kiến, giải Nobel Kinh tế sẽ được trao vào ngày 14/10. Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại những học thuyết tưởng chừng "không liên quan" được nhận giải Nobel Kinh tế trong mấy thập kỷ qua
.

1.Quản lý nguồn lực

Năm 2009, Giải Nobel Kinh tế đã thuộc về bà Elinor Ostrom thuộc Đại học Indiana. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, giải Nobel Kinh tế được trao cho một phụ nữ.
Bà Ostrom đã có công trình nghiên cứu trong lĩnh vực điều hành kinh tế. Theo đó, một nhóm người cùng sử dụng tài sản chung của cộng đồng hoàn toàn có thể quản lý khoản tài sản đó một cách tối ưu.
Bà Ostrom phản bác luận điểm cho rằng tài sản chung thì không ai quan tâm quản lý nhằm đề cao vai trò cá nhân trong việc sở hữu và sử dụng.
Bản thân bà Elinor Ostrom cũng là người khá xa lạ với giới kinh tế học. Bà là nhà khoa học chính trị, nhận bằng đại học và bằng tiến sỹ về khoa học chính trị ở Đại học California tại Los Angeles và giảng dạy khoa học chính trị.
Các công trình nghiên cứu của Elinor Ostrom đã mở ra những hướng đi mới cho kinh tế học: Thay vì chỉ quan tâm tới thị trường, giá cả, mô hình và các công cụ toán học như là chiếc chìa khóa vạn năng, các nhà kinh tế cần quan tâm tới thể chế và những trường hợp đặc thù mà tại đó thị trường thiếu hiệu quả.
Họ cũng chỉ ra rằng kinh tế học không tồn tại như một ngành khoa học riêng rẽ mà có sự liên kết chặt chẽ với những ngành khoa học khác.
Khi một nhà khoa học chính trị tiến hành những nghiên cứu về quản lý tài nguyên và nhận được giải Nobel Kinh tế học, thì rõ ràng kinh tế học không chỉ đơn giản là câu chuyện về những con số và mô hình, thất nghiệp và lạm phát, giá vàng và giá USD như nhiều người vẫn lầm tưởng.
5 học thuyết đặc biệt được nhận giải Nobel Kinh tế
Với học thuyết Quản lý nguồn lực, bà Elinor Ostrom đã được trao giải Nobel Kinh tế 2009. (Ảnh: aapss.org)


2. Tâm lý học trong kinh tế

Năm 2002, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Kinh tế cho giáo sư Daniel Kahneman, Đại học Princeton, Mỹ, vì đã kết hợp những nhận thức từ nghiên cứu tâm lý cho khoa học kinh tế, đặc biệt là đề cập đến cách nhìn và việc tạo quyết định của con người trong điều kiện có rủi ro.
Những quan điểm thịnh hành trong tâm lý học coi con người là một hệ thống mã hóa và hiểu những thông tin sẵn có một cách có ý thức, nhưng trong đó những nhân tố ít ý thức hơn cũng chi phối các quyết định theo một chu trình tương tác lẫn nhau. Những nhân tố này bao gồm các mô hình tri giác và trí tuệ để hiểu rõ những tình huống nhất định, những xúc cảm, thái độ và trí nhớ về những quyết định trước và các hậu quả của chúng.
Trong một nghiên cứu quy mô về hành vi con người dựa trên khảo sát và thí nghiệm, giáo sư Daniel Kahneman và các nhà tâm lý khác đã đề cập đến giả thuyết tính hợp lý về kinh tế trong một số quyết định kinh tế.
Thực tế những người tạo quyết định thường không đánh giá những sự kiện rủi ro theo các quy luật xác suất, và họ cũng không tạo quyết định theo lý thuyết tối đa hóa lợi ích dự kiến.
Nghiên cứu hiện đại trong ranh giới giữa kinh tế học và tâm lý học đã cho thấy rằng những khái niệm như tính hợp lý giới hạn, tư lợi hạn chế và sự tự chủ hữu hạn là những nhân tố quan trọng đằng sau các hiện tượng kinh tế. Cụ thể, những hiểu biết về tâm lý học đã có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển hiện thời của kinh tế tài chính.


3.Thông tin không đối xứng

Năm 2001 Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Kinh tế cho ba nhà nghiên cứu George A. Akerlof, Đại học California, Mỹ; A. Michael Spence, Đại học Stanford, Mỹ và Joseph E. Stiglitz, Đại học Columbia, Mỹ về những phân tích về thị trường của họ.
Tại sao lãi suất lại quá cao ở thị trường cho vay địa phương tại các nước thuộc thế giới thứ ba? Tại sao người ta muốn mua một chiếc xe đã qua sử dụng với một nhà bán buôn hơn là một nhà bán tư nhân? Tại sao các địa chủ giàu có lại không chịu rủi ro mùa màng trong hợp đồng với các tá điền nghèo? Các nhà khoa học đạt giải năm 2001 đã đưa ra các câu trả lời chung cho các câu hỏi này và mở rộng lý thuyết này khi họ bàn luận về nó với giải thuyết thực tế về thông tin không cân xứng: Một chủ thể trên thị trường có nhiều thông tin tốt hơn chủ thể kia.
Rõ ràng hơn, Akerlof đã chứng minh rằng thông tin không cân xứng có thể gây ra lựa chọn đối nghịch trên thị trường. Spence chứng minh rằng trong những điều kiện nào đó những chủ thể có thông tin tốt có thể cải thiện kết quả thị trường của mình bằng cách cung cấp thông tin riêng tư cho những chủ thể có thông tin nghèo nàn.
Stiglitz cho thấy một chủ thể không được thông tin đôi khi có thể có được thông tin từ một chủ thể có thông tin nhờ sàng lọc, chẳng hạn bằng cách đưa ra lựa chọn từ một bảng chọn các hợp đồng cho một giao dịch cụ thể.
Những đóng góp của ba nhà nghiên cứu đã thay đổi cách nghĩ của các nhà kinh tế về sự vận hành của thị trường, đồng thời tạo nên hạt nhân kinh tế thông tin hiện đại.

4.Lý thuyết trò chơi

Năm 1994, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Kinh tế cho giáo sư John C. Harsanyi, Đại học California, Berkeley, CA, Mỹ; tiến sỹ John F. Nash, Đại học Princeton, Princeton, NJ, Mỹ; giáo sư-tiến sỹ Reinhard Selten, Đại học Rheinische Friedrich-Wilhelms, Bonn, Đức vì đã tiên phong phân tích về điểm cân bằng trong lý thuyết trò chơi không hợp tác.
Lý thuyết trò chơi bắt nguồn từ những nghiên cứu về các trò chơi như cờ hay bài poke. Mọi người đều biết rõ là trong những trò chơi này, người chơi phải nghĩ trước - nghĩ ra một chiến lược dựa trên những nước đối dự tính từ những người chơi khác. Những tương tác chiến lược như thế cũng tiêu biểu cho nhiều tình huống kinh tế, và lý thuyết trò chơi do đó đã chứng tỏ hữu ích trong phân tích kinh tế.
Điểm chủ yếu của lý thuyết này là khái niệm điểm cân bằng, điểm cân bằng được dùng để dự đoán về kết quả tương tác chiến lược. John F. Nash, Reinhard Selten và John C. Harsanyi là ba nhà khoa học đã có những đóng góp xuất sắc cho loại phân tích này.
Khi một số doanh nghiệp chiếm lĩnh một thị trường, khi các quốc gia phải tạo một thỏa thuận về chính sách thương mại hay chính sách môi trường, khi các bên trên thị trường lao động thương lượng về lương, và khi một chính phủ bãi bỏ quy định trên một thị trường, tư hữu hóa các công ty hay theo đuổi các chính sách kinh tế, mỗi chủ thể được nói đến ở trên cần xem xét phản ứng và kì vọng của các chủ thể khác liên quan đến các quyết định của họ, đó là tương tác chiến lược.


5.Lựa chọn công cộng

Nhà kinh tế học người Mỹ James M. Buchanan Jr. đã nhận giải Nobel về kinh tế học năm 1986 vì những đóng góp của ông đối với lý thuyết ra quyết định chính trị và sự lựa chọn công cộng. Kết quả cụ thể của các chính sách đều có thể đoán được và được định trước bởi chính các quy tắc.
Ông James McGill Buchanan là một trong những nhà kinh tế lớn nhất của thế kỷ 20, cha đẻ của chuyên ngành kinh tế Lựa chọn Công cộng. Đây là chuyên ngành về các vấn đề liên quan đến việc các nhà chính trị và chính quyền các cấp ngân sách cho khu vực kinh tế và phúc lợi như thế nào, các cơ chế và luật pháp ảnh hưởng tốt xấu ra sao đến khu vực kinh tế công cộng…
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Buchanan vào kinh tế là sự phân biệt hai mức của sự lựa chọn công cộng: mức hiến pháp, và mức sau hiến pháp. Mức hiến pháp là mức đặt ra các luật lệ quy trình về việc các lựa chọn công cộng phải được quyết định như thế nào, còn mức sau hiến pháp là mức sử dụng các luật lệ quy trình để đạt được các lựa chọn công cộng.
Buchanan đặc biệt chú ý đến mức đầu tiên, tức là mức hiến pháp, và cũng kéo được các nhà kinh tế nghiên cứu về mức hiến pháp này: hiến pháp ảnh hưởng đến các lựa chọn công ra sao, so sánh giữa các hiến pháp có các điểm mạnh yếu của chúng thế nào, hiến pháp thế nào là tốt cho dân chủ...
Sử dụng những hiểu biết của Buchanan về tiến trình chính trị, bản chất con người và thị trường tự do, chúng ta có thể dự đoán tốt hơn các quyết định chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...