Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

10 cách đơn giản để làm sạch không khí trong nhà

10 cách đơn giản làm sạch không khí trong nhà


Tại sao không khí trong nhà ô nhiễm hơn ngoài trời?
Theo một cảnh báo gần đây của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), không khí trong nhà cũng có thể ô nhiễm và gây hại cho sức khỏe hơn cả không khí ngoài trời.
Không khí ô nhiễm đã tạo thành hiểm họa vô hình ngay trong ngôi nhà bạn. Những người dành phần lớn thời gian ở nhà (65-90%), chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, những người bị bệnh mãn tính và cả những người chăm sóc họ là người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh do ô nhiễm không khí trong nhà. Theo WHO, ô nhiễm không khí trong nhà có liên quan tới khoảng 900.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi. Và ở các nước có thu nhập thấp, ô nhiễm không khí trong nhà gây ra khoảng 4% gánh nặng bệnh tật và làm gia tăng nguy cơ mất trí nhớ ở người già. Trong báo cáo mới nhất của WHO ngày 8.4.2013, ô nhiễm không khí trong nhà đã trở thành một trong những nhân tố hàng đầu gây nên “gánh nặng bệnh tật” ở các nước Đông Nam Á. Trước đó, tổ chức này cho biết, có đến 2,7% gánh nặng bệnh tật toàn cầu xuất phát từ ô nhiễm không khí trong chính “tổ ấm” của gia đình bạn. Theo bà Maria Neira, giám đốc phụ trách sức khoẻ và môi trường công cộng thuộc WHO, ước tính có khoảng 3,5 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí trong nhà, cao hơn con số 3,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời.
Nguồn chính gây ô nhiễm trong nhà là bụi thông thường. Khảo sát tại EPA (Mỹ) cũng từng đưa ra một con số thống kê gây “sốc”: Cứ 6 phòng trong ngôi nhà (tổng diện tích khoảng 450m2) sẽ “thu” được tới 18kg bụi/năm. Và những hạt bụi li ti này sẽ được tích lũy trong vải bọc ghế, màn, gối, khăn và các đồ nội thất trong nhà… Ngoài ra, bụi còn tích tụ ở lông vật nuôi, côn trùng, thức ăn, phấn hoa, bào tử, nấm mốc… Tất cả tạo thành một môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển, gây bệnh. Thêm vào đó, nếu trong nhà ẩm ướt do thời tiết hay do máy tạo ẩm thì sẽ tạo điều kiện cho bụi ve, nấm mốc phát triển.
Tiếp đến là khói thuốc lá. Ở những nhà có người lớn hút thuốc, không khí độc hại đến mức trẻ em sẽ có nguy cơ rất cao bị hen suyễn, viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản; còn người già có nguy cơ bị chứng mất trí. Các hợp chất hữu cơ và vô cơ dễ bay hơi có trong sơn, dung môi, chất tẩy rửa, nước xịt phòng… đều có thể là nguồn gây ô nhiễm. Và vào mùa đông, khi thời tiết trở lạnh, nhiều gia đình dùng tới máy sưởi ấm làm không khí trở nên khô hơn mà không biết rằng họ đang làm cho mức ô nhiễm cao hơn gấp nhiều lần do các chất độc hại bay hòa vào không khí.
Không khí trong nhà bị ô nhiễm có thể dẫn tới các bệnh như dị ứng, hen suyễn nặng, thậm chí phải nhập viện do mắc các bệnh liên quan tới tim mạch và hô hấp. 
Khoa học chứng minh, hít thở không khí trong lành, sạch sẽ là một cách để giảm căng thẳng, giải tỏa âu lo, tăng sức đề kháng, giúp tinh thần sảng khoái và cơ thể khỏe khoắn hơn. Ảnh minh họa
Con người dành tới 60% thời gian sống ở môi trường trong nhà, vì vậy, việc làm sạch không khí trong nhà là rất cần thiết. Các chuyên gia sức khỏe đã đưa ra lời khuyên cho các gia đình để làm sạch căn nhà của mình như một phương thức phòng tránh bệnh tật.

1. Giúp không khí được lưu thông
Nhiều người có thói quen đóng cửa thường xuyên với mục đích chống bụi bẩn, tiếng ồn vào nhà. Nhưng bạn nên biết rằng, nếu luôn đóng kín không gian như vậy, lương oxy mới sẽ không thể nào vào được bên trong nhà và lượng carbon dioxit mà bạn thải ra cũng không có cơ hội thoát ra ngoài.  Không khí cần được tạo “con đường” để lưu chuyển. 
Tạo cho luồng không khí lưu thông giúp ngôi nhà của bạn mát mẻ hơn. Ảnh minh họa
Ngay cả những sản phẩm, máy móc gia dụng cũng thải ra nhiều chất, khí độc hại mà bạn có thể không nghĩ đến như khí radon – một loại khí độc được cho là có nguy cơ gây ung thư phổi. Khí radon là sản phẩm của quá trình phân rã uranium trong tự nhiên, khí thoát lên từ lòng đất, qua những kẽ hở của nền nhà. Trong các loại vật liệu xây dựng cũng có chứa chất khi phân hủy sẽ thoát ra loại khí này, những nơi được coi là dễ bị tích tụ khí này trong nhà là phòng ngủ, phòng làm việc. Ngoài ra, khí cac bon mo-nô-xít, khí clo từ những hóa chất dùng trong việc tẩy rửa của gia đình cũng tụ lại trong không khí. Điều này có thể thấy ngay tác hại là khiến cho cơ thể bạn bị thiếu đi lượng oxy cần thiết, gây ra mệt mỏi và chứng ngủ lịm.
Chính vì vậy, mở cửa số phòng ngủ khoảng 5 đến 10 phút sau khi thức giấc vào buổi sáng và trước khi đi ngủ mỗi tối là một việc làm rất cần thiết giúp cho không khí trong căn phòng của bạn được làm mới.

2. Hút bụi thường xuyên
Hút bụi là một trong những việc quan trọng nhất bạn có thể làm để giữ cho ngôi nhà của mình sạch sẽ và hết bụi. Việc này không chỉ giữ cho không khí trong nhà sạch hơn mà còn là công việc dễ nhất mà làm cho ngôi nhà của bạn trông lúc nào cũng sạch sẽ. Phòng ngủ, với các loại vải vóc của nệm, gối, giường, màn cửa, rèm che và thảm là một trong những “khối nam châm khổng lồ” chuyên hút bụi, làm cho việc lau bụi trong phòng trở nên cần thiết. Bạn có bao giờ nhận thấy khi đi ngủ đột nhiên mũi mình bị nghẹt đến nỗi phải thở thật mạnh? Nhiều người đã gặp phải chứng này. Nguyên nhân của nó có thể không phải là do bệnh viêm xoang, mà chính là bụi.
Lau chùi nhà thường xuyên giúp bạn tránh các loại bụi gây ô nhiễm.
Phòng khách cũng là một trung tâm hút bụi vì các thiết bị điện tử và đồ nội thất được bao bọc đều hút bụi khá nhạy. Nhà bếp (phần trên đầu tủ lạnh có làm bạn cảm thấy sợ không?) và phòng giặt ủi (chỉ cần nhìn phía sau máy sấy là thấy). Ở hai khu vực này càng nhiều vết bẩn thì càng cần phải lau bụi thường xuyên hơn. Do vậy, chúng ta nên thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa, khử bụi. Hút bụi sàn nhà, ghế sa lông, nếu nhà có trải thảm thì càng cần phải duy trì lịch hút bụi thường xuyên hơn nữa. Giặt áo gối, drap trải giường bằng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn. Thảm và rèm cửa trong gia đình bạn thường dễ bắt bụi nhất. Do vậy, bạn nên hút bụi cho chúng ít nhất 1 lần/tuần và thỉnh thoảng bạn cũng nên mang chúng đi giặt. Tối thiểu mỗi tuần bạn nên hút bụi và vệ sinh nhà cửa tối thiểu một lần. 

3. Để vật nuôi luôn sạch sẽ
Nếu nhà bạn có nuôi thú cưng thì nên nhớ rằng cần phải chăm sóc và giữ vệ sinh cho chúng thật tốt, chải lông cho chúng, hút bụi và lau sàn nơi thú cưng thường nằm ngủ. Mùi hôi từ vật nuôi có thể phát sinh từ dấu vết do vật nuôi để lại trong thảm hoặc đồ nội thất, hoặc có thể là từ lông động vật ẩm ướt. Trong trường hợp này, bạn nên giặt thảm thường xuyên và tốt nhất huấn luyện vật nuôi của bạn để giữ thảm luôn sạch sẽ. Bạn cũng nên tường xuyên tắm rửa cho vật nuôi và loại bỏ những loại vật sống ký sinh trên cơ thể vật nuôi như ve, bọ chét…

4. Tránh các loại nấm mốc
Nấm mốc có thể phát triển ở khu vực ẩm ướt như gác mái, tầng hầm, hoặc bồn rửa chén, phòng tắm và các chất hữu cơ như gỗ, thảm và thực phẩm, tạo thành các đốm đen trên bề mặt ẩm ướt hoặc bay trong không khí. Những hạt bụi nhỏ li ti do nấm mốc là nguyên nhân gây ra dị ứng hay bệnh dị ứng. Một số loài nấm độc hại có thể gây nhức đầu, phát ban, nguy cơ cao ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Trong trường hợp hiếm gặp, việc tiếp xúc với nấm mốc độc hại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như ảnh hưởng đến gan, hệ thống thần kinh trung ương, thậm chí có thể gây ung thư. Những loại nấm mốc thường phát triển rất nhanh trong môi trường nóng ẩm.
Giữ nhà luôn khô thoáng để hạn chế nấm mốc nảy sinh. Ảnh minh họa
Do vậy, bạn nên giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc phát triển. Những nơi như nhà tắm, bếp thường dễ bị ẩm, mốc nên cần chú ý không để nước đọng. Mở cửa phòng tắm khi không sử dụng để thoáng khí và phòng tắm được khô thoáng. Bồn rửa chén cũng cần chà rửa và không nên để chén dơ trong bồn rửa lâu. Nếu tường bị thấm nước nên xử lý ngay để tránh nấm, mốc. Nếu có nhà kho hoặc một nơi thường xuyên dùng để chứa đồ không dùng của gia đình, bạn nên đều đặn dọn dẹp gọn gàng, làm vệ sinh, vì đó là nơi dễ tích tụ bụi bẩn, mốc ẩm, thường xuyên làm sạch các nơi dễ xuất hiện nấm mốc để luôn được khô ráo, sạch sẽ. Mùa hè, bạn có thể sử dụng máy hút ẩm giúp ngăn ngừa vi khuẩn nấm mốc phát triển mà lại không phải chạy máy điều hòa không khí thường xuyên.

5. Dùng các chất tẩy rửa tự nhiên
Thay vì dùng những chất tẩy rửa đồ dùng nhà bếp, nước tẩy quần áo bằng hóa chất, bạn nên dùng những loại chất tẩy rửa hữu cơ không gây hại cho chính bản thân người dùng và môi trường. Tận dụng công dụng tẩy chất bẩn của chanh, giấm, bột nở – những nguyên liệu có sẵn trong nhà để pha chế chất tẩy rửa. Khi mua những sản phẩm dùng để tẩy rửa được bán trên thị trường, nên chú ý đến thành phần, tránh mua những loại chứa nhiều hóa chất gây độc cho cơ thể. Ngoài ra, việc trộn chung nhiều loại chất tẩy rửa với nhau với mục đích tạo ra chất tẩy rửa mạnh cũng sẽ mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe cũng như làm giảm độ trong lành của không khí trong nhà.

6. Giải pháp với máy lọc không khí
Với những gia đình có điều kiện thì có thể dùng loại máy làm sạch hoặc máy lọc không khí, đây cũng là giải pháp tốt cho gia đình có người dễ bị dị ứng hoặc bị hen suyễn. Nhiều gia đình lại trang bị  máy điều hòa có tích hợp chức năng lọc không khí cùng với việc vệ sinh định kì theo hướng dẫn của các nhà sản xuất để lọc sạch bụi bẩn và duy trì nhiệt độ mát mẻ trong phòng để cả nhà được hít thở bầu không khí trong lành, sảng khoái. Khi chọn các loại máy này bạn cũng nên tham khảo nhiều loại sản phẩm và không chọn loại máy phát ra ôzôn, vì tự bản thân khí này cũng là một chất gây ô nhiễm.
7. Lọc không khí bằng cây xanh
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), mức độ ô nhiễm không khí trong nhà có thể vượt xa môi trường bên ngoài do các chất độc hại thải ra từ những sản phẩm vệ sinh nhà cửa, thiết bị gia dụng, nấm mốc…Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết trồng cây xanh trong nhà không chỉ cung cấp độ ẩm thích hợp mà còn lọc hiệu quả các độc tố như benzen (trong khói thuốc lá), formaldehyde (thường có trong đồ nhựa hoặc thảm trải sàn). Tính độc hại của từng chất được biết một cách riêng lẻ, nhưng người ta không rõ tác động sẽ ra sao nếu chúng tập hợp lại trong một bầu không khí nhỏ hẹp.
Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết trồng cây xanh trong nhà không chỉ cung cấp độ ẩm thích hợp mà còn lọc hiệu quả các độc tố. Ảnh minh họa
Do đó, họ khuyến cáo chúng ta nên đưa một số loại cây có đặc tính lọc không khí vào nhà. Bạn nên chọn những loại cây có khả năng xanh tốt quanh năm vì khả năng hấp thụ khí CO2 sẽ được nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh các loại cây xanh có độc tố gây chết người. Nhà có trẻ nhỏ thì bạn nên để các loại cây xanh ở xa tầm tay của chúng để tránh việc các bé nuốt phải lá, thân, rễ.. gây ngộ độc đáng tiếc.
8. Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa có mùi thơm
Có vô số sản phẩm gia dụng mang lại mùi thơm mà chúng ta sử dụng hàng ngày nhưng không hề biết chúng rất có hại cho sức khỏe, như sáp khử mùi và nước hoa xịt phòng, chất tẩy rửa có mùi thơm… Những vòng benzen tạo ra mùi thơm nhân tạo nhưng cũng có nguy cơ gây khó thở, viêm đường hô hấp, kích thích cơn hen, thậm chí có thể gây rối loạn hóc-môn, đột biến ở tế bào. Không chỉ gây hại cho “thân chủ” (tức người trực tiếp sử dụng những hương thơm nhân tạo này), mà những hóa chất tạo hương thơm nhân tạo thường có khả năng khuếch tán mạnh, lan tỏa vào một vùng không gian rộng, gây ô nhiễm không khí.
Những hóa chất tạo hương thơm nhân tạo thường có khả năng khuếch tán mạnh, lan tỏa vào một vùng không gian rộng, gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa
Vì thế nên hạn chế sử dụng những sản phẩm này để đảm bảo sức khỏe, nhất là những gia đình có con nhỏ.
9. Tắt quạt thông gió khi không cần thiết
Tác dụng của quạt thông gió là thúc đẩy dòng khí lưu thông ở trong và ngoài nhà. Tuy nhiên, nếu như bạn quá lạm dụng tác dụng này thì nó sẽ mất đi hiệu quả. Thay vào đó, các quạt thông gió làm việc suốt ngày đêm sẽ gián tiếp sản sinh ra các khí độc như cacbon monoxit gây nguy hại tới sức khỏe của gia chủ.
10. Loại bỏ mùi khó chịu từ thực phẩm
Các loại thực phẩm bạn chế biến cho gia đình hàng ngày cũng có thể là một nguyên nhân gây mùi khó chịu trong nhà bạn. Điều này không có nghĩa là bạn phải thay đổi thói quen nấu nướng của bạn nhưng thường xuyên vệ sinh và tách biệt phần bếp ăn là điều nên làm.
Loại bỏ mùi hôi của thực phẩm giúp nhà bạn luôn thơm tho, sạch sẽ.
Dùng máy hút mùi khí khi nấu ăn để đẩy hết mùi thực phẩm trong quá trình chế biến. Bỏ hết rác ngay khi ăn uống và nếu cần thiết bạn nên bọc túi rác trong nhiều lớp túi.

1 nhận xét:

GHÉT : Thơ Sông Thu Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GHÉT Em ghét anh nhiều, có biết không ? Người sao vô ý đến đau lòng Hôn nhau, mãi ước làn môi mọng Ngó mặt, hoài mơ ánh mắt nồng Lại bảo bồ ...