Trong đời
người, từ thuở tập nói đến lúc vào học lớp mẫu giáo, tập viết và tập đọc, tiếp
tục học lên các cấp một, cấp hai, cấp ba rồi đại học hay cả trên đại học, hầu
như mọi người chúng ta chưa hề được nghe nói tới – và vì thế, chưa học – một
môn học rất quan trọng cho cuộc sống của chính ta và cho cả cộng đồng quanh ta,
đó là “Học Cảm Động”.
Cảm động là gì? Tại sao
lại phải học cảm động?
Theo
nguyên ngữ - cảm động là sự “biểu
lộ phức tạp của sự sống tình cảm. Cảm động là cảm giác xem như là phương diện
tình cảm, như cảm giác khoái lạc hoặc đau khổ” (Việt Nam tự điển, Thanh
Nghị-1960). Theo Việt Hán tự điển của Đào Duy Anh (Nxb Trường Thi năm 1957) thì
“Cảm
động là trong lòng có cảm xúc mà sinh ra hoạt động”.
Cảm động
như thế là một hoạt động tình cảm được sinh khởi từ trong sâu khuất của tâm hồn
mỗi người; được thể hiện tùy mức độ, qua sắc diện, lời nói, cử chỉ, và việc
làm. Cảm động sẽ được nhận biết qua sự bày tỏ trong mọi giao tiếp, mọi sinh
hoạt tình cảm hằng ngày của tất cả. Chính vì sự tiềm ẩn mơ hồ của trạng thái
tâm lý này nên cảm động được gọi là “sự biểu lộ phức tạp của sự sống
tình cảm”. Như thi hào Victor Hugo cũng đã
nhận xét:” Cảm xúc luôn mới mẻ, nhưng tên gọi của nó đã trở thành cũ kỹ; bởi
thế, không thể diễn tả hết được cảm xúc”.
Tuy sự “cảm động” không thể “nhìn
tận mặt” được, nhưng bóng dáng của nó sẽ luôn được tái hiện một cách hết
sức rõ ràng qua những hoạt động hàng ngày của từng người trong mọi giao tiếp;
từ lời nói, đến từng cử chỉ và hành động. Do cảm động nắm giữ vai trò chủ động,
chủ chốt cho mọi hoạt động của đời sống như vậy, nên trạng thái tâm lý này luôn
chi phối kết quả của mọi việc, từ tinh thần đến vật chất: Thiện - Ác, Tốt – Xấu
hay Thành – Bại…
Cường độ
của làn sóng cảm động có thể biết được qua những tín- hiệu- xanh mạnh hay yếu phát
xuất từ trái tim nhân hậu.
Đức
Đạt-lai Lạt-ma đã có lần chia sẻ kinh nghiệm:” Cảm động là tâm thương yêu, tâm
Bồ-tát, tâm Bồ-đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu
chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nổ lực tìm cách
làm cho người khác cảm động”.
Một ý
kiến do Edward Gibbon đưa ra cũng rất đáng chú ý:” Mọi người đều hưởng
thụ được hai thứ giáo dục: Một thứ do người khác tặng cho mình; và thứ kia,
quan trọng hơn nhiều, do chính mình tự tặng cho bản thân. Cảm động chính là bài
học tối quan trọng của đời sống, do chính mình tự tặng cho bản thân mình vậy”.
Cảm động
được nuôi dưỡng và xuất phát từ tâm, cho nên việc chuyển hóa và rèn luyện tâm
là điều hết sức cần thiết.
Muốn học
cảm động có kết quả lâu dài, viên mãn, điều kiện tiên quyết là luôn nuôi dưỡng
tâm Từ Bi.
Tâm từ là
tình yêu thương rộng mở đến với đời sống, với con người, với cả muôn loài, và
thiên nhiên…Tâm từ chính là lòng mong mỏi chân thành của một người bạn tốt muốn
cho những người chung quanh mình luôn được hạnh phúc yên ổn. Người có tâm từ
luôn mong muốn mang lại an vui cho tất cả mọi người mọi vật và sự bình lặng của
môi trường sống, trong đó có sự sống an vui của chính mình.
Tâm bi là
sự thương xót trước nỗi khổ của cuộc đời, không chỉ với con người quanh mình mà
còn cả nhân loại, và cả những sinh vật cùng chung sống trên mặt đất này. Tâm bi
là động lực khiến một người đem hết năng lực của mình ra xoa dịu sự đau khổ của
cuộc đời. Người có tâm bi luôn luôn nghĩ đến việc cứu giúp tất cả những ai đang
chìm trong nghịch cảnh, nhờ đó môi trường sống trở thành thanh tịnh, đáng sống,
mang lại sự thanh tịnh cho chính mình. Tâm từ và tâm bi luôn song hành với
nhau, tạo thành nền tảng của sự yêu thương chân chánh; nhờ đó, người mang tâm từ bi luôn có sự cảm thông
sâu sắc, có sự sẻ chia chân tình, có tâm hồn hòa hợp với tất cả.
Phương
pháp “tự học” bài học cảm động tuy đơn giản là thế,
nhưng luôn đòi hỏi “người học trò” phải luôn nổ
lực, kiên trì, và nhìn lại mình hàng ngày, để kịp thời tỉnh giác, giữ gìn; bởi
vì “Tâm khó thấy, tế nhị, Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm, Tâm hộ, an lạc đến” (kệ 36, Kinh Pháp Cú, Phẩm Tâm, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch). Và như lời khuyên
của ngài Đạt-lai Lạt-ma: “Học làm người là việc học
suốt đời, chẳng thế nào tốt nghiệp được”.
Ngày nay,
đối diện với cuộc sống đổi thay nhanh chóng của nền văn minh tôn thờ khoa học
kỷ thuật và chỉ lấy thành đạt vật chất làm cứu cánh, đời sống tình cảm và tâm
linh của con người đã dần bị thu hẹp, lãng quên; biến con người thành phương
tiện, đã dồn đẩy con người trở nên vô cảm, thờ ơ với mọi trạng thái tâm lý tích
cực và xa cách với nhịp sống chung quanh. Con người chỉ biết sống ích kỳ, khép
kín với những nhu cầu hưởng thụ vật chất ngày càng nhiều. Hệ quả sau cùng là
biến trái tim nhân hậu thành trái tim sắt đá. Vì thế, bài học “cảm động” càng trở nên bức
thiết cho chính mỗi người, để không trở thành là những người máy lạnh lùng, mòn
mỏi, sống và làm việc theo lập trình sẵn có, cho đến khi phải rời xa cõi tạm
này!
Xin chớ
nên coi thường môn hoc “cảm động” này, một môn học
không đem lại danh vọng và tiền bạc cho ta. Thay vào đó, hãy luôn tự hỏi rằng:
Nếu ta và mọi người chung sống trên hành tinh này không có sự quan hệ, thiếu
thấu hiểu, thiếu cảm thông, không biết chia sẻ và yêu thương nhau, thì xã hội
sẽ hỗn độn và cằn khô đến như thế nào? Đời sống sẽ buồn thảm và vô nghĩa đến
như thế nào? Phải chăng những tín hiệu đỏ từ những trái tim sắt đá kia sẽ thiêu đốt
chính ta và tất cả mà không có một phép màu nào có thể cứu vãn được? Phải chăng
trái đất rồi sẽ rơi dần vào cảnh hỗn mang, ở đó loài người cũng chẳng hơn gì
loài cầm thú, nếu không có những trái tim nhân hậu ?.
Phật Giáo số 222
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét