Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Nghiệp Chướng - Hồ thị Đậm


Trời chưa sáng hẳn, tôi vừa tỉnh giấc, đang lắng nghe tiếng xe lôi chạy cọc cạch trên đường gồ ghề, tiếng va chạm nồi niêu của bà bán cháo lòng trước ngõ. Bỗng một người la to:
                        -Có người chết ở đây bà con ơi! 
                                    Rồi tiếp theo là tiếng phình-phịch của nhiều người chạy nhanh về hướng nhà chị Thắm, tiếng ồn ào của những kẻ hiếu kỳ đang bàn tán xôn-xao trên đường vắng lặng. Tôi choàng dậy ra xem.
Sau khi mở cửa, tôi thấy nhiều bà con lối xóm đang đứng vây quanh một người nằm trên chiếc chiếu cũ trước nhà chị Thắm. Có người tò-mò đến gần xem tận mặt, một người nói với vẻ bình tĩnh:
-Người nầy chưa chết, ông ta mở mắt kìa!
Người đàn ông đứng gần đó vội giở khăn trùm đầu của người đàn ông nằm bất động, rồi tuyên bố:
-Thằng cha ba mà!
Người khác thắc mắc:
-Bây giờ ốm quá tôi nhìn không ra.
Ông Tư ở kế nhà chị Thắm lên tiếng quả quyết:
-Rõ ràng là ông ba, các ông hãy nhìn cặp mắt và hàm râu quai nón
 của  ông ta  đi. Thỉnh thoảng tôi gặp thằng chả đi trên xe đò Sài-gòn _Tây   ninh; gần đây  tôi thấy ông ta về thăm con, làm sao tôi lầm lẫn được.
Người đứng cạnh ông Tư nói mai mỉa:
-Hồi bỏ nhà ra đi còn thật điển trai, tại sao bây giờ ông ấy ra nông- nỗi     nầy?
Một người pha trò:
-Đi theo cô vợ bé trẻ tuổi, bỏ đàn con nheo nhóc nên trời phạt ông ta đó.
Ông Tư đập cửa nhà chị Thắm, kêu to:
-Ông ba đã về nè bà ba ơi! Mau mở cửa ra.
Nghe tiếng đập cửa, bà ba và người con gái lớn, cô Cầu ra mở cửa. Bốn  đứa em cô Cầu nghe tiếng ồn ào cũng thức dậy, đứng ngơ- ngác nhìn người đàn ông nằm như khúc gỗ!
Tuần trước, có người bạn thân của chị Thắm (bà ba) , người ở gần nhà mẹ  vợ  bé của ông ba, cho biết rằng : “ Ông ba và cô vợ nhỏ làm ăn thất bại, mất hết tiền bạc, đã rời Cà mau trở về Tây ninh, hiện đang tá túc nhà mẹ vợ gần nửa năm rồi  và ông ba đau bán thân hơn một tháng nay.”
Vì biết trước bịnh tình của người chồng bạc nghĩa, nên khi thấy ông ba nằm bất động trước nhà, chị Thắm hiểu rõ dã tâm của cô vợ bé . Chị lặng-lẽ trở vào nhà sau, ngồi phệt trên bộ ván, nước mắt ràn rụa, không nói một lời nào, để mặc cho cô Cầu giải quyết sự việc.Bao nhiêu năm cách biệt,mọi sự đã chìm lắng sâu tận trong ký ức. Trước mặt chị, bao khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, chị phải chạy lo cho con quần quật. Tưởng chừng nỗi khổ đau dừng ở mức đó. Các con lớn dần, niềm vui chưa lố dạng, bây giờ đứng trước hoàn cảnh nầy, chị thấy như mình sa vào địa ngục! Một cơn gió thổi mạnh làm bậc cánh cửa sau, chị Thắm nhìn qua khung cửa, một đám mây đen lãng-đãng bay trên bầu trời xám-xịt, chúng hiệp rồi tan, biến đổi không khác gì cuộc đời của chị.Một cuộc đời nghiệt-ngã, đắng cay! Càng nghĩ chị càng buồn, chị khóc nấc lên như một trẻ thơ.
Cô Cầu vội giở mền ra, bỗng cô thấy một cái giỏ bằng vải, trong đó có quần áo của ông ba, một số thuốc, toa bác sĩ cùng một bức thư. Cô nhớ mấy tháng trước, ba cô còn khỏe mạnh, nhân lúc mẹ cô đi vắng, ông đã đem hai đứa con riêng của ông về nhà, yêu cầu cô và em cô nhìn nhận hai đứa con ngoại hôn của ông. Cô Cầu và các em đã căm ghét ông nhiều, vì ông đã bỏ mẹ con cô trong lúc chị em cô còn quá nhỏ; đứa em út chỉ hơn tám tháng. Mẹ cô làm lụng vất vả biết bao nhưng cũng không đủ nuôi chị em cô. Nếu bà ngoại và cậu cô không trợ giúp, có lẽ gia đình cô chết đói. Nhớ đến điều nầy, cô không thể tha thứ cho người cha tội lỗi, vô trách nhiệm với vợ con được. Vì vậy cô từ chối hai đứa em cùng cha khác mẹ với cô. Cô nói:
-Ba bỏ nhà ra đi lúc chúng con còn quá nhỏ, mặc dầu mẹ tảo tần làm việc suốt ngày cũng  không lo cho chúng con no đủ.Ba có biết chúng con sống cơ-cực như thế nào không? Ba đi theo vợ lẽ, ba đã vơ vét tiền của gia đình rất nhiều để ba gây dựng gia đình mới của ba. Ba không cần biết năm  đứa con của ba sống như thế nào, đói rét ra sao. Nếu không nhờ mẹ con chịu khó và bên ngoại giúp đỡ , thì có lẽ chúng con sống vô gia đình, sống lang-thang ở đầu đường,xó chợ. Ba buồn con, con chịu. Con chỉ biết, con có năm chị em, ngoài ra, chúng con không có đứa em nào nữa!

Câu nói của cô, có lẽ làm cho ba cô hổ thẹn, ông buồn bã chỉ nói: “ Dù sao hai đứa bé nầy cũng là em của các con!” Nói xong ông lủi-thủi dắt hai đứa trẻ ra về. Trưa hè oi bức, nắng chang-chang, hai đứa nhỏ đầu trần, đi dép cũ mòn, ăn mặc thật lôi thôi, cô Cầu biết gia đình của ba cô đã xuống dốc. Nhìn cha, lòng thương cha cũng trỗi dậy trong tim cô, nhưng vì ba cô đã đối xử quá tệ bạc với mẹ con cô, nên cô không thể giải quyết khác được.
Thấy ba cô đang bịnh ngặt nghèo, cô hối hận và tự hỏi: “Có phải vì cách đối  xử lạnh nhạt của mình làm cho cha đau khổ, dẫn đến bịnh tình như thế nầy không?”  Đang miên-man suy nghĩ, cô sực tĩnh vì có người thúc-giục cô đọc thư. Cô vội mở thư,người vợ bé của ba cô chỉ viết ngắn gọn vài dòng, đại ý than gia đình túng thiếu, không có khả năng lo thuốc thang cho ông ba, nhờ chị ba lớn và mấy đứa con lo cho ông.
Lúc bấy giờ mọi người đã hiểu rõ, ông ba theo vợ bé hơn mười năm nay, bây giờ bị bệnh bán thân, người vợ bé đem trả chồng lại cho chịThắm!
Không chờ sự phản ứng của gia chủ, những người đang đứng xem, mỗi người nói lên sự bất mãn của mình:
                      -Mặt mũi nào trở lại gia đình, thà chết còn hơn.
Người khác lên tiếng:
-Ông ta không còn đi đứng được, nằm như khúc gỗ, kể cũng tội nghiệp. Nhưng không biết ông ấy làm khổ bà ba đến chừng nào, nếu còn nhận thức được có lẽ ông ta cũng hổ thẹn lắm.      
Cô Cầu biết mẹ đau buồn nhiều, cô đem cha vào nhà nuôi dưỡng, chẳng khác nào cô đeo gông vào cổ mẹ. Mặc dù cô không còn tình thương với người cha, nhưng cô không có cách nào khác hơn là nhờ mấy người    đàn ông khiêng ba cô vào nhà. Sau  khi để ba cô nằm ngay-ngắn trên giường, cô Cầu đến van xin mẹ :
-Con biết là ba đã làm khổ mẹ nhiều. Mẹ tha lỗi cho con, con đem ba vô nhà mà không xin ý kiến mẹ trước. Con biết mẹ hờn giận ba, nhưng con nghĩ cuối cùng mẹ cũng làm như con, chẳng lẽ mẹ để ba ở ngoài đường hoài sao? Con chỉ đem ba vào nhà đỡ , rồi mẹ con mình tìm cách giải quyết sau cho ổn thỏa.
            Chị Thắm không nói một lời nào, ánh mắt ngó xa xăm như nhớ lại những nỗi đau buồn, khổ cực chị đã gánh chịu đằng-đẵng hơn mười năm nay, nước mắt cứ tuôn dài hai bên má. Bạn bè chòm xóm, nhìn chị ai cũng xót xa, họ quây quần bên chị, chỉ biết nhìn chị thở dài, thương mến.
Mẹ chị Thắm nghe tin vợ bé của người con rể đã đem trả của nợ về cho đứa con gái đau thương của bà. Bà cảm thấy tức giận vô cùng. Bà đến để an ủi con.
                      Khi vào nhà, bà mẹ vợ cũng ghé mắt nhìn người con rể, người luôn làm khổ con bà. Khi  thương thì y ngọt ngào, hứa hẹn đủ điều để cưới được con bà như chàng Thúc Sinh trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:
“ Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trong vào một ta”
Khi cưới được con bà, chàng rể nầy sống vô trách nhiệm với vợ con, những lời hứa hẹn bay theo mây khói.
                 
“ Ái ân ta có ngần nầy mà thôi.”
Tính bà vốn hay thương người, khi thấy ai bệnh nặng, lòng bà cũng quặn thắt đau thương. Trái lại khi gặp chàng rể đáng ghét đang nằm trên giường bệnh, lòng bà như vô cảm. Bà vội ra nhà sau để an ủi đứa con gái khổ đau của bà. Vừa bước vài bước, bà nghe tiếng khóc thút-thít của chị , tim bà se thắt. Bà nhẹ nhàng đến ngồi bên cạnh con gái, bà cụ vuốt tóc chị Thắm cho  ngay ngắn lại, bà thủ thỉ:
-Tội cho con tôi, nghiệp chướng gì mà nặng nề quá! Hãy bình tĩnh lại con. Má biết lòng con bây giờ lạnh giá, nỗi khổ của con lớn biết bao nhiêu. Có lẽ nghiệp của con chưa dứt. Nhưng bù lại, con ở phải trời thương, hiện con có năm đứa con ngoan-ngoãn và học giỏi.
Bà mẹ vừa nói đến đây, dường như chị Thắm không kềm được cảm xúc khổ đau đã chất đầy ấp trong lòng, chị gục đầu vào vai mẹ, khóc nức nở trông thật thảm thương.
                      -Không biết kiếp trước con làm gì nên tội, cả đời con khổ quá má ơi!
Bà cụ cũng khóc theo chị, rồi bà cố trấn tĩnh, vỗ vai con an ủi:
-Cả chục năm nay má cũng buồn lây với con. Đứng trước hoàn cảnh như thế nầy thật khó xử. Con vợ bé đã từ chối không nuôi chồng con. Tuy con không còn trách nhiệm đối với nó. Nhưng con cũng nên xét kỹ, mặc dù các con của con không còn tình thương với cha chúng nó, nhưng dù sao cũng  là cha con mà. Bọn trẻ làm sao bỏ cha trong cơn đau yếu như thế .

Lấy khăn đưa cho con lau nước mắt, bà cụ nhỏ nhẹ nói tiếp:
-Nhiều khi thấy người dưng khổ mình cũng thương. Má khuyên con nên nghĩ như thế nầy để tự an ủi mình. Con nghĩ là kiếp trước con đã làm tội ác với nó, bây giờ con trả cho hết nghiệp xấu của con đi.
Chị Thắm không bằng lòng với mẹ điều đó, chị lên tiếng phản đối mẹ.
-Ai vay ai? Biết đâu thằng chả đang vay con?
Bà cụ biết con đang cơn tức giận, bà dịu giọng, cố gắng dẫn giải thêm:
-Nếu kiếp trước con không  có lỗi với nó, kiếp nầy nó gây nghiệp, thì kiếp sau nó trả vậy.
Chị Thắm mím chặt môi như nuốt cơn giận chồng vào lòng. Nhưng cuối cùng chị lên tiếng:
                      -Thưa thật với má, con không  muốn vay trả với ông ta. Dù có kiếp sau, con xin thề là muôn vạn kiếp con không muốn gặp mặt ông ta nữa!
Biết con đã đau khổ nhiều, bây giờ còn phải lãnh thêm nghiệp chướng, khổ đau lên đến tột đỉnh, lòng bà đau nhói, bà vỗ nhẹ vai con, nói nhỏ:
-Má chỉ khuyên con vậy thôi, má hy vọng lúc bình tâm con suy nghĩ lại. Con nên quên quá khứ, tập tha thứ để tâm hồn con được thoải mái hơn. Những việc làm của con sắp tới, con nên nghĩ, con vì thương chúng sinh đau khổ, con cứu giúp thế thôi.Nói xong bà cụ mang giỏ thức ăn, gồm rau và cá mà bà đã mua ở khu chợ nhỏ gần nhà bà.Bà vào bếp lụm-cụm lo nấu cơm cho con, bà biết trong lúc nầy con bà còn sức đâu vào bếp. Mỗi lần đến nhà con, bà thường nhín tiền mua chút ít thức ăn cho con, vì bà biết rõ rằng, con bà lúc nào cũng túng thiếu. Với tuổi già, bà không làm ra tiền, nhưng vì thương con, bà hay bù chì cho con. Những đứa con khác có của ăn của để, thỉnh thoảng cho tiền bà, bà xài tiện-tặn hầu có dư tiền, lén giúp cho đứa con nghèo khổ .
Sau vài giờ suy nghĩ, cơn giận nguôi dần. Chị Thắm thấy mình không có lối thoát. Chị đành tin ở quả báo theo học thuyết nhà Phật mà mẹ chị đã  nói cho chị  biết khi nãy. Rõ ràng cái nghiệp lực đã dẫn dắt chị vào  con đường gian khổ, đau thương, chị không có cách nào tránh khỏi:Chọn sai người  để gởi thân và bây giờ lại không đành lòng làm ngơ  với người bạc nghĩa. Gánh chịu đau khổ triền miên. Rõ ràng chị đã bị:
   “ Ma đưa lối, quỉ đưa đường,
    Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.”
Thôi đành chấp nhận số phận nghiệt ngã đau thương vậy, có lẽ chị phải trả quả đến hơi cùng, kiệt lực. Phải trả nghiệp cho xong để thoát khỏi cuộc đời  ô- trọc nầy!.
                                                                     Hồ thị Đậm
                                    Louisville, ngày 30-12-2014 .

ảnh:Google.- Viết theo 1 chuyện có thật 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...