04.04.2015
Tất cả các bệnh nhân phẫu thuật đều muốn vết thương của họ nhanh lành với càng ít sẹo càng tốt. Thế nhưng các mũi khâu, kẹp và keo hóa học hiện đại đều có những nhược điểm của chúng. Các nhà khoa học người Israel cho biết họ đã phát triển một dụng cụ dùng tia laser nối liền các mô theo cách gần như không để lại dấu vết.
Trong nhiều thập niên, các bác sĩ đều biết rằng các vết cắt trên mô sống có thể được “hàn” lại bằng nhiệt. Thế nhưng việc giữ nhiệt độ của công cụ hàn không đổi lại là một vấn đề… theo ông Abraham Katzir, đứng đầu Khoa Vật lý Ứng dụng của trường đại học Tel Aviv. Ông giải thích:
“Nếu bạn đốt nóng một điểm trên đường rạch với nhiệt độ thấp hơn 50 hay 55 độ C thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu bạn dung trên 65 độ C, bạn sẽ gây ra sẹo”.
Một nhóm do ông Katzir đứng đầu đã tạo ra một loại laser có thể chiếu một điểm của tia hồng ngoại, hay nhiệt và cùng lúc điều khiển chính xác nhiệt độ của mô mục tiêu. Ông Katzir cho biết:
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều thử nghiệm trên một số lớn các mô, trên da, trên giác mạc. trên các mạch máu và chúng tôi thấy kết quả dần dần tốt lên”.
Nhiệt được chuyển qua một ống cáp quang đã khiến cho các phân tử collagen – một loại protein cấu trúc chính của tất cả các mô liên kết – nối liền và khép lại vết thương.
Bác sĩ phẫu thuật mắt David Versano của Trung tâm Y tế Ichilov nói rằng điều này tạo ra công cụ mới thích hợp cho vi phẫu các mạch máu và dây thần kinh. Phương pháp đã được sử dụng thành công để làm lành các vết rạch ở giác mạc được lấy từ những con bò chết. Ông nói:
“Lợi thế của phẫu thuật này là chúng tôi có thể có vết nối chắc hơn nhiều so với chỉ khâu. Chúng tôi hy vọng là sẹo cũng ít hơn so với chỉ khâu và cuối cùng chúng tôi sẽ đạt được sự an toàn cao hơn cho việc phẫu thuật”.
Các vết thương của 10 bệnh nhân được điều trị với kỹ thuật laser đã lành lại với sẹo tối thiểu. Các nhà nghiên cứu cho biết với một số cải tiến thêm công cụ phẫu thuật mới có thể sớm được sử dụng rộng rãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét