Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Những mảnh ghép - Cẩm Giang


Nắng.
Mới hết tháng giêng thôi mà nắng quái. Nắng như muốn thiêu mọi thứ ra tro. 
Những vạt nắng vàng buổi sáng trong như mật ong tuôn chảy trên cây lá, mới còn tươi rói mát mẻ đó đã vàng rực, phả hơi nóng hầm hập. Ngồi trong nhà ngột ngạt hơn ngoài sân. Mà ở ngoài sân không khéo sẽ bị nắng táp cho da đen cháy. Cũng may, khu vườn gần bờ sông. Thỉnh thoảng gió từ phía sông thổi vào, mang theo mùi bùn ngai ngái.
Thảo ngồi dưới bóng cây mít trong vườn, vừa đưa võng cho con vừa luôn tay làm việc. Cô móc từng dải vải thun làm thành tấm thảm lau chân. Ở khu vườn mênh mông ba ngàn mét vuông, chỉ vài chỗ có bóng mát. Bữa Thảo hỏi sao không đặt chừng ít chục cây dừa dâu hay dừa dứa, có trái mà ăn, cậu Tám nói tính trồng mớ dây gấc, vừa làm kinh tế vừa làm thuốc nam. Trồng dừa có lợi nhưng e sẽ rập đất, trồng mấy thứ khác không được. Thảo ngó ra ngoài khu vườn mênh mông đầy nắng, cỏ cháy rụi từng vạt, thở dài. Cái vườn này, cậu Tám mua lại chưa lâu, vốn là một cái lò đường thủ công bỏ hoang, giờ cải tạo lại nên phải còn cực nhiều mới có màu xanh. 
Thảo vẫn chưa quen lắm với không khí và công việc ở đây. Lịch làm việc của Thảo không hở tay. Sáng sáng dậy xách cuốc đi dẫy cỏ, tưới đám đậu xanh, đậu rồng, rau cải ở góc vườn. Có khi cô ngồi bầu hột giống, trồng hoa kiểng theo sự hướng dẫn của dì Bảy. Rồi vô khuấy bột cho con, cho nó ăn uống, chơi giỡn chút rồi dỗ ngủ. Hết việc, Thảo ra gốc mít, vừa quơ củi nhóm bếp nấu cơm, vừa coi chừng con ngủ, vừa móc thảm vải. Chiều chiều, lại ra tưới cây, tưới rau… Thảo không muốn nghỉ dù chỉ một phút. Chỉ cần ngơi tay là cái đầu nhỏ bé của Thảo bắt đầu suy nghĩ lung tung.
***
Thảo từng sống dưới tán cao su ở mảnh đất biên giới nóng như lò thiêu. Mười hai tuổi, Thảo cầm con dao cạo mủ, bắt đầu theo mẹ đi rạch những đường dao đầu đời lên cây cao su, bắt đầu biết đi trút mủ, lượm mủ đất. Đêm trong rừng cao su tối đen, chỉ có cây đèn trên đầu là sáng. Thảo cặm cụi làm hết phần việc của mình cho tới gần sáng. Chưa hết tuổi thiếu niên, Thảo đã trổ mã như con gái. Cha mẹ cô sao quá chừng việc, không thấy lúc nào ở nhà lâu. Cơm nước có sẵn, con cái ăn chừng nào thì ăn. Trừ những dịp giỗ tết, Thảo ăn cơm với cả niềm vui chộn rộn cùng mọi người, những ngày còn lại, bữa ăn với Thảo không có gì thú vị. Sự học hành với Thảo cũng thật tẻ nhạt. Cô giáo bận rộn với cái điện thoại để tám nhiều hơn là quan tâm tới đám học trò, nên Thảo thấy chuyện nhảy dây ngoài sân vui hơn là phải ngồi trong lớp. Lình xình rồi Thảo cũng học hết lớp 4. Vừa rành rẽ mấy phép cộng trừ nhân chia, viết cho ngay ngắn lá đơn xin phép thì Thảo xin nghỉ học. Thảo nói Thảo không quen với mấy cuốn sách, sợ học không vô, tốn tiền cha mẹ. Mỗi lần tới hạn đóng học phí, thấy cha mẹ móc tiền mà Thảo xót ruột. 
Không biết nhiều ít, nhưng cái kiểu mẹ đóng tiền học coi khó khăn quá. Thảo nghỉ học, mẹ Thảo có người giữ nhà, giữ em, càng hay ra đường nhiều hơn. Không biết mẹ đi làm hay đi buôn đi bán gì mà lúc nào thấy mẹ cũng son phấn sực nức, vàng đeo đầy cổ, đầy tay. Đôi chân đen thui, nứt ngang nứt dọc được trùm kỹ trong đôi vớ dày. Cha Thảo thì khuya đi cạo mủ xong, về nhà nếu không ngủ là nhậu. 
Bữa gầy độ với đám bạn ngồi lê lết tới chiều, bữa ngồi nhậu mình ên coi bộ suy nghĩ lung. Chưa bao giờ cha con nói chuyện dài tới ba câu. Riết, Thảo nghĩ ủa sao người ta có ba có má vui gần chết, còn nhà mình có ba có má mà như không vầy nè, kỳ quá!
Mãi vẫn không có câu trả lời. Thảo không thèm nghĩ nữa. Mười lăm tuổi, lần đầu Thảo biết đến… mùi đàn ông. Một bữa đi cạo về, Thảo nghe như có ai đi sau lưng mình. Quay lại thì không thấy người. Cứ quay đầu mấy lần mà vẫn chưa tới đường lớn. Thảo sợ, vừa tính kêu thì ai đó đã bịt miệng Thảo. Thảo giãy dụa không xong với thân hình to lớn đó. Thảo bị nhồi bóp như nhồi bột làm bánh, đến lúc được buông ra thì đã giống như một thứ trái cây thúi, mềm nhũn, bầm giập, hôi hám. Thảo chỉ còn rên chứ không khóc nổi, vì tủi thân, vì sợ hãi và đau đớn. Thảo không dám nói cho ai biết. Chỉ thấy từ đó, Thảo đòi đi cạo mủ chung với mẹ chứ không chịu đi một mình. Thảo chỉ thấy lạ lạ là, mấy bữa Thảo đau đớn, bỏ cơm, tối ngủ còn rên mà mẹ như không hay biết, không hỏi han. Cũng mừng. Thảo chưa biết nói sao với mẹ vụ đó…
Nhưng tai họa không chỉ có vậy. Một tháng sau đó, Thảo bắt đầu bị hành bởi nhiều cơn nôn ói, không ăn được cơm. Vậy mà, tới khi cái bụng Thảo hơi nhô ra, tướng đi cứng lại thì mẹ mới phát hiện. Bà kêu Thảo, hỏi. Nghe Thảo kể chưa hết chuyện, bà đã lồng lên, đánh chửi Thảo một trận tơi bời. Ý nói con gái có thân không biết lo, để ra cớ sự như vậy mà hỏi ai “làm gì” Thảo cũng không biết. Mẹ đuổi Thảo khỏi nhà vì không muốn thấy một đứa ngu xuẩn và “mất nết” như vậy… Thảo nằm chết giấc trong đau đớn tột cùng, không hay có một người đứng ngoài hè cũng đau đớn như Thảo. Vừa thấy bóng mẹ Thảo bước ra ngoài, người đó cũng ngồi sụp xuống.
Đó là Hải, thằng bạn bắn bi nhảy dây chơi u với Thảo từ hồi nhỏ xíu. Nói bạn chớ Hải cũng lớn hơn Thảo mấy tuổi. Ở cái xóm này, dường như chỉ có Hải là không bao giờ gây lộn với Thảo. Nó tỏ ra rất chững chạc, người lớn. Lâu nay nó ít qua nhà Thảo vì còn bận học hành và đi làm phụ ông cậu. Bữa đó Hải tính thông báo cho Thảo hay, nó phải về dưới xã đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nghe lén câu chuyện, Hải rối bời… Đợi mẹ Thảo đi khuất, Hải mới bước vô nhà. Thấy Thảo nằm co ro dưới đất, Hải xốc dậy. Tự nhiên Thảo bật khóc mùi mẫn, ôm chặt lấy bờ vai Hải. Hải nín thinh chẳng an ủi bạn được lời nào, chỉ tội nghiệp con nhỏ. Hai đứa ngồi nói chuyện một lúc thì mẹ Thảo quay về. Thấy cảnh hai đứa châu đầu với nhau nói chuyện, bà không cần hỏi, nổi cơn chửi xối xả và ném hết đồ đạc của Thảo ra sân. Mặc nhiên, bà coi Hải là thủ phạm khiến con gái bà “đổ đốn”. Hải bối rối… thân Hải cũng là một đứa mồ côi, sống với một người gọi là cậu, không phải ruột rà. Nếu ổng hay chuyện này thì…
Cậu Tám ngồi trầm ngâm nghe hai đứa lần lượt kể chuyện. “Giờ, con tính sao?” - ông hất hàm hỏi Hải. Hải nói nhỏ: “Con thương nó quá hà. Nhưng nghĩ nó còn nhỏ chưa nói tới chuyện gì. Giờ chuyện xảy ra vầy, con đâu biết tính sao”. Cậu Tám lại hất hàm hỏi Thảo: “Còn con?”. Thảo khóc òa: “Cậu ơi, có cách nào cứu con…”.
Cậu Tám biểu Hải leo lên xe, ông chở thẳng qua nhà Thảo. Không biết nói chuyện gì với ba mẹ Thảo mà sau đó vẻ mặt ông hơi buồn. Ông nói với Thảo, từ nay, con sẽ là con của ta. Thảo được đưa về vườn từ dạo đó. Cô bé còn ham chơi được bà chị ruột của cậu Tám, cũng là quản lý tại khu vườn này, chỉ dạy từng tí một, cách thức để trở thành một người mẹ.

***
Buổi tiệc thôi nôi diễn ra thật ấm cúng. Chỉ chè xôi, bánh trái và mâm cơm nho nhỏ. Bé Tường Vi, mặt mày sáng láng, nói được vài tiếng ba ba má má làm mấy người lớn xúm vô chọc ghẹo. Có mấy người bạn của cậu Tám trong Hội Chữ thập đỏ ghé thăm, chung vui. Cũng quà tặng gói giấy xanh giấy đỏ cột nơ. Sữa đường bánh trái đầy bàn… Thảo đâm chạnh lòng. Giờ này, lẽ ra như nhiều người bình thường khác, cha mẹ cô phải có mặt ở đây để vui với cháu mới đúng. 
Nhưng nghe đâu họ đều bị tạm giam vì liên quan đến vụ mua bán người qua biên giới.
Có bóng người trước cửa. Thảo ngó ra. Là Hải. Hải mới về phép. Tính ghé vườn thăm dì, thăm cậu, ai dè lại có tiệc vui. Thấy mẹ con Thảo vẫn ở đó, Hải mừng quá. Cầm ly nước mà không uống được vì anh chàng cứ ngó sững Thảo. Không còn là cô nhóc mười mấy tuổi ốm nhách đen thui, giờ Thảo đã là một thiếu phụ xinh xắn, đầy đặn như bông hoa đang độ mãn khai. Anh chàng cười cười nói nửa thật nửa đùa với dì Bảy: “Ít bữa con ra quân, được trợ cấp học nghề… Để kiếm cái nghề đàng hoàng rồi con dìa con cưới “nó” mới được. Dì Bảy ráng giữ “nó” giùm con, chớ thả ra ngoài chúng hốt mất. Còn con mà đòi cưới giờ này người ta cũng hốt con mất!”. 
Thảo tự dưng đỏ mặt. Trong đầu Thảo chợt hiện ra bờ vai hôm nào đã chìa ra cho mình dụi đầu mà 
khóc ngất…

CẨM GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI NHỚ THÁNG TƯ - Thơ MP. Trường Giang Thủy

NỖI NHỚ THÁNG TƯ   Ngóng tìm gì cõi xa xăm, Người xưa ư...bóng phù vân cuối trời! Còn gì mà đợi...cả đời, Cố nhân xa khuất ...