Nông dân gốc Mexico đến Quận Cam, trích Fountain Valley Mural. (Các ảnh tranh tường đều courtesy O’Cadiz Family Private Collection)
Tiến trình đô thị hoá Quận Cam trong khoảng 40 năm qua xóa sổ nhiều
cộng đồng địa phương, nhưng đôi lúc những cộng đồng này lại ngoảnh đầu
lên trong những chỗ bất ngờ.
Tôi sống ở Fountain Valley, một thành phố ngay sát bên Westminster.
Từ nhà tôi ra Phước Lộc Thọ chỉ 3 block đường, đi bộ chưa tới 20 phút.
ZIP code của Fountain Valley là 92708. Khi mua hàng online, nếu
điền ZIP code 92708 thì hầu như luôn luôn trang web sẽ tự động điền vào
địa chỉ là thành phố Fountain Valley.
Ngoại trừ một chỗ, là trên app và trang web Home Depot, một hệ
thống cửa hàng vật liệu xây dựng. Khi tôi điền ZIP code 92708 thì trang
web lại cho tôi thêm chọn lựa là Santa Ana và một cái tên đã lâu không
thấy trong tài liệu chính thức, Colonia Juarez (trên web Home Depot đánh
vần sai là Colonial Juarez).
Trong tiếng Tây Ban Nha, “colonia” có nghĩa là xóm. “Xóm Bàn Cờ,”
“xóm Chợ Cũ,” nếu ở Mexico sẽ là “Colonia Bàn Cờ” với “Colonia Chợ Cũ.”
Colonia Juarez xuất hiện ở Quận Cam năm 1923, khi chưa có thành phố
Fountain Valley, và hầu hết đất ở Quận Cam chỉ dành cho người da trắng.
Một nhà đầu tư địa ốc tên Ashby Turner mua 50 acres đất (khoảng 20
hectares) với mục đích quảng cáo bán cho người gốc Mexico. Turner tuyển
Sol Gonzales, một thương gia ở Santa Ana, làm sales cho khu đất này,
được đặt tên là Colonia Juarez.
Tiền cọc mua đất chỉ cần $50 (tương đương khoảng $750 ngày nay nếu
tính theo lạm phát chung). Tiền xây nhà trên miếng đất chỉ cần một nửa,
nửa còn lại Turner sẽ cho vay.
Gonzales còn sắp đặt để khu phố này, coi như một thị xã nhỏ, sẽ có
một tiệm tạp hoá, nhà thờ, và một cơ quan giới thiệu việc làm miễn phí.
Tên đường trong khu này vẫn còn mang quá khứ Mexico, dùng những chữ
như “calle” và “circulo” thay vì “street” hay “circle” tiếng Anh, và
tên thì mang tên các thánh Công Giáo hay các địa danh, nhân vật, và sự
kiện trong lịch sử, địa lý Mexico: Cinco de Mayo, Villa (Pancho Villa),
Zapata (Emiliano Zapata), Independencia, v.v.
Trong nhiều năm, khu vực này là vùng nông nghiệp. Nhiều người khi
dọn vào Colonia Juarez xây nhà ở trước và trồng trọt chăn nuôi ở sân
sau. Một số nhà nông Mỹ gốc Nhật ở vùng hiện nay là Fountain Valley cũng
bị bắt vào trại tập trung trong Thế Chiến 2, và khi trở lại thì hầu hết
may mắn không bị mất đất.
Phải tới 1957 thành phố Fountain Valley mới được thành lập. Thị
trưởng đầu tiên của Fountain Valley, James Kanno, sinh ở Mỹ, cũng là một
người gốc Nhật bị bắt vào trại tập trung và sau đó trở về.
Tới 1969, với ngân sách liên bang và tiểu bang mở mang hạ tầng cơ
sở ở Fountain Valley, thành phố mới bắt đầu đô thị hoá dần và vùng
Colonia Juarez bắt đầu có tính cách của một vùng ngoại ô.
Năm 1976, trên một bức tường chạy ngang Colonia Juarez, họa sĩ
Sergio O’Cadiz (1934-2002) vẽ một bức tranh tường ở góc Calle Zaragoza
và Circulo de Juarez, với sự tham gia góp sức của các họa sĩ khác và
nhiều thành viên trong cộng đồng.
Họa sĩ O’Cadiz cũng là người thiết kế mảng điêu khắc bằng bê-tông
cao 2 tầng trong khuôn viên Cypress College, và cũng là người vẽ bức
tranh tường “MEChA Mural” trong thư viện Santa Ana College.
Bức tranh tường ở Fountain Valley do thành phố tài trợ để kỷ niệm
quá khứ Mexico của thành phố và khu Colonia Juarez nói riêng. Bức tranh
dài 600 feet (hơn 180 mét) và bao gồm 25 cảnh từ trong lịch sử Mexico và
lịch sử người Mỹ gốc Mexico.
Tuy nhiên, trong 1 cảnh, O’Cadiz vẽ cảnh sát vũ trang lôi đi một thanh niên gốc Mexico. Cảnh này bị ty cảnh sát phản đối.
Tiến sĩ Maria del Pilar O’Cadiz, con gái họa sĩ O’Cadiz, giải thích
cho tôi ý nghĩa của cảnh đó. Mới trước đó vài năm, năm 1970, cảnh sát
Los Angeles đàn áp một cuộc biểu tình ở East L.A., nhiều người bị bắt,
bị đánh, và một phóng viên báo L.A. Times, Ruben Salazar, bị bắn chết.
Cuộc biểu tình này ngày nay mang tên Chicano Moratorium. Cảnh này được
O’Cadiz và cộng đồng Colonia Juarez dùng để tưởng niệm sự kiện đó.
Nhưng ty cảnh sát Fountain Valley thì không thích. Họ phản đối, và
thành phố sau đó rút lại tài trợ. Có người lấy sơn trắng ném tung toé
lên cảnh đó, và họa sĩ O’Cadiz quyết định giữ lại phần sơn trắng như vết
tích của cuộc tranh cãi.
Tuy nhiên, không có tài trợ của thành phố, bức tranh không có tiền
để seal lại bên ngoài bằng một lớp vec-ni bảo vệ, nên bị hư hại nhiều
theo thời gian.
Đến năm 2001, thành phố đập bỏ và xây lại bức tường. Bức tranh
tường bị phá hủy theo, và từ đó vết tích cuối cùng của Colonia Juarez
cũng mất luôn. Chỉ còn lại trong sách sử và app của Home Depot.
Vũ Quí Hạo Nhiên
Vũ Quí Hạo Nhiên là giáo sư Toán đại
học cộng đồng Coastline College ở Quận Cam, California, với hơn 10 năm
dạy các đại học cộng đồng trong vùng như Santa Ana, Cypress, Santiago
Canyon, và Orange Coast College. Ngoài ra, ông cũng từng làm báo Việt
ngữ trong hơn 10 năm, với chức vụ Tổng thư ký Toà soạn và Phụ tá chủ bút
cũng như cộng tác viên cho nhiều báo, đài phát thanh tại Mỹ và các nước
khác.
Ông là giám đốc chương trình luyện thi
SAT cho một trung tâm tại Garden Grove, là giám khảo chấm thi AP
Statistics cho College Board / ETS, và là cộng tác viên viết sách giáo
khoa Toán cho nhà xuất bản Hawkes Learning.
Trong blog này Vũ Quí Hạo Nhiên viết về
những chuyện ông biết: Toán, giáo dục, lịch sử California. Ông hy vọng
độc giả sẽ thảo luận, phê bình, kể cả chê trách, cũng như cho ý kiến đề
nghị đề tài.
Những bức tranh này rất đẹp và đầy tính nghệ thuật
Trả lờiXóa