Tôi thu xếp ít quần áo và vài thứ lặt vặt cần thiết vào trong chiếc va
ly nhỏ, sửa soạn cho một chuyến đi vài ngày. Bác ruột tôi vừa qua đời tại thành phố Wichita, tiểu bang Kansas . Gia đình bác mới từ
Washington D.C. dọn về đây được mấy tháng nay. Lòng tôi buồn vời vợi đang nghĩ nên nói cách nào cho đám anh chị em họ của tôi về chuyện của gia đình mình đang đến hồi sụp đổ khi mà bấy lâu nay họ chỉ thấy tôi khoe ra bên ngoài một màu hạnh phúc?
Chồng tôi về tới nhà, thấy tôi bên chiếc va ly anh chỉ hỏi một cách bình thường:
- Em sắp đi đâu?
- Bác Lân em vừa qua đời, em phải về tham dự tang lễ.
Anh lạnh lùng, ngắn gọn:
- Cho anh gởi lời chia buồn đến họ.
Chúng tôi đang làm đơn ly hôn. Anh, người đàn ông thành đạt của tôi cũng là một người bay bướm trăng hoa. Suốt thời gian 20 năm chung sống tôi đã cố gắng chịu đựng vì các con, vì muốn gìn giữ tài sản của gia đình không thể để mất vào tay người đàn bà khác. Nhưng cho tới hôm nay thì sức chịu đựng của tôi đã cạn kiệt, như giòng nước lũ làm vỡ bờ chảy xối xả những giận hờn và tủi nhục. Anh đã lừa dối tôi, có một tình yêu khác với một cô gái trẻ đẹp, chính anh thẳng thắn đề nghị ly hôn tôi để cưới cô gái đó làm vợ.
Sau những ngày tang lễ bác và những lần tâm sự với các anh chị họ về tình trạng gia đình của tôi hiện nay. Các anh chị đều nói hạnh phúc của tôi không thể cứu vãn được nữa, chia tay là giải thoát cho cả hai.
Khi đã chia sẻ được những điều đau khổ tôi thấy nhẹ lòng.
Wichita thành phố không qúa lớn cũng không qúa nhỏ và cũng chẳng có gì hấp dẫn tôi vào lúc này, mà còn hai ngày nữa tôi mới phải trở về nhà,dù là ngôi nhà bất hạnh, có người đàn ông tôi từng yêu thương, qúy trọng, nay đã quay mặt phản bội hất hủi tôi.
Đến tiểu bang Kansas, thành phố Wichita lại không xa mấy thành phố Liberal, chỉ 4 tiếng lái xe, làm tôi bỗng dưng tha thiết nhớ đến thành phố Liberal nghèo nàn nhỏ bé với khỏang 15 ngàn dân, nơi mà ngày đầu tiên đến Mỹ gia đình chúng tôi đã ở đây và trong ký ức tôi cũng nhớ đến John, người bạn thân thuở đó. Thuở tôi mới 15 tuổi.
Gia đình chúng tôi đi vượt biển, đến trại tị nạn Bidong, Mã Lai. Sau 9 tháng gia đình chúng tôi đến Mỹ nhờ sự bảo trợ của một gia đình người Mỹ. Đó là ông bà Smith, nhà truyền giáo, họ chỉ có 1 người con trai,anh tên John, lớn hơn tôi 1 tuổi. Năm ấy anh 16 mà đã phổng phao, đẹp trai cao ráo.
Nhà chúng tôi ở không xa căn nhà của ông bà Smith, nơi hứơng Nam của thành phố Liberal. Nhà ông bà Smith đúng là một căn nhà nông thôn,mảnh sân rất to rộng phía trưóc trồng trọt dưa hấu, xung quanh nhà những cây lê, cây táo và cây đào lần lượt thi nhau nở hoa. Nhưng được trồng nhiều nhất là cây táo. Tôi không có ai để chơi ngoài John hay sang nhà trò chuyện, mấy đứa em tôi cũng thích xúm vào hóng chuyện và cũng là cách để chúng tôi tập luyện tiếng Anh . Thỉnh thoảng tôi cũng chạy sang nhà John, nhất là vào những lúc cây có trái chín trên cành.
Ôi, tôi mê những cây táo vào mùa thu qúa, có loại mọc thẳng, cành vươn cao và trái cũng ở trên cao, có loại cành mềm, khi đậu trái thì chĩu cành lòa xòa sát xuống đất đến nỗi tôi chỉ việc ngồi xổm mà tha hồ hái trái.
Lại còn vườn dưa hấu trước sân tôi hay cùng John háo hức vạch tìm trong đám lá những trái dưa hấu nhỏ vừa hiện ra và thích thú theo dõi chúng cho đến khi lớn lên to tròn vươn lên khỏi đám lá. Không gì ngon ngọt bằng trái dưa hấu vừa cắt cuống trong vườn, bổ ra ăn ngay tại chỗ trong một buổi trưa hè mà John thường làm cho hai đứa cùng ăn.
John nói chuyện với tôi đủ thứ, từ những chuyện hàng ngày của anh cho đến những ước mơ mai sau, anh lấy vợ thì sẽ về sống ở một nông trại.
Anh say sưa tả cái nông trại của gia đình anh trước kia ở tiểu bang
Texas, có một căn nhà gỗ bề ngang dài, bên cạnh là chuồng bò bằng hàng rào gỗ sơ sài. Anh khoe biết cách vắt sữa bò. Anh đã chạy rong trên cánh đồng có khô hay đi trên con đường đất mà mỗi khi gío mùa hè lồng lộng thổi làm tung bụi mịt mù và cả những khi mấy con bò đua nhau về chuồng cũng làm bụi mù tung lên như gío đã thổi.
Đất Texas có nhiều nơi khô cằn gần như sa mạc, cả mấy chục acre đất nhà anh với nhiều bụi xương rồng rải rác và những bụi cây đã là to lớn vĩ đại với thàng bé lên 10 như anh thuở đó. Anh yêu thích ở nông trại, một trời một cõi như của riêng mình. Tôi cũng say sưa nghe John kể, như đi lạc vào một cảnh trong phim ảnh, vì nó xa lạ với tôi, chứ tôi chẳng đời nào thích sống ở những nơi khỉ ho cò gáy như thế.
Tôi luôn mơ nước Mỹ với những thành phố nhộn nhịp phồn hoa như New York mà tôi đã thấy trong phim ảnh làm tôi thích thú, tôi sẽ dạo bước trên những vỉa hè có những cửa hàng sang trọng. Cuộc sống sẽ là một chuỗi ngày vui.
Hai năm sống ở Liberal thì cha mẹ tôi quyết định sẽ dọn đi tiểu bang khác, vì tương lai của mấy chị em tôi, để chúng tôi được sống ở thành phố lớn, học ngôi trường lớn và có cộng đồng người Việt Nam đông hơn.
Tôi qúa chán thành phố Liberal nhỏ bé này rồi và đã đợi chờ quyết định này của cha mẹ từ lâu. Thành phố gì mà chỉ có 1 phi trường nhỏ xíu,chỉ đủ cho mấy chiếc máy bay nhỏ thỉnh thoảng đến rồi đi, lặng lẽ,buồn hiu. Muốn đầy đủ tiện nghi, người ta phải đến phi trường ở thành phố Wichita hay Amarillo.
Ngay chiều hôm đó, tôi hí hửng chạy sang nhà John để báo tin vui này.
Đó là một buổi chiều mùa hè đầy nắng. Tôi quen thuộc thò tay vào trong mở chốt cánh cổng rào bằng gỗ ngoài sân, mỗi lần đến nhà John tôi đều nhanh nhẩu làm thế, tự nhiên như nhà mình, và đi bộ trên con đường dài mà hai bên là vườn dưa hấu đang độ chín, trước khi đến căn nhà nhỏ bằng gỗ khiêm nhường. May qúa John có nhà, mà mấy khi John đi vắng đâu, anh thích ở nhà giúp cha mẹ làm vườn, ngoài những khi thỉnh thoảng theo cha mẹ đi truyền đạo trong thành phố vào dịp cuối tuần.
Trời nắng nên tôi và John không hẹn mà cùng bước về phía những cây táo trồng quanh mảnh sân trước, nơi mà chúng tôi thường đến đó tán gẫu và ngắm hoa táo nở đẹp vào tháng năm hay hái táo vào cuối tháng chín,cùng ăn, cùng chia nhau nếm thử quả táo ngọt với niềm vui thích. Tới một cây táo to lớn, cành rậm rạp, tháng này táo đang kết trái sau một mùa hoa xum xuê. John ngồi xuống trước rồi đến tôi. Tôi chẳng thèm ngắm những trái táo xanh nhỏ dễ thương trên cành mà lên tiếng hớn hở khoe ngay:
- Anh John ơi, gia đình tôi sắp rời khỏi thành phố này rồi.
Mặt Johm hoảng hốt như vừa nghe một tin kinh khủng lắm:
- Sao? Em sẽ đi…có thật không?
- Thật đấy, bố tôi nói cuối tuần này sẽ dọn đi. Ngày mai cha
mẹ tôi sẽ sang từ gĩa cha mẹ anh. Bây giờ tôi cũng sang để chào tạm biệt anh.
Giọng John vẫn bàng hoàng:
- Em sẽ trở lại đây không?
Thấy gương mặt buồn lo của John, tôi tội nghiệp hứa liều không cần suy nghĩ:
- Chắc chắn tôi sẽ trở lại thăm John và cha mẹ của John chứ.
Vì cha mẹ John là người đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều khi mới đặt chân đến Mỹ mà.
John bỗng vụt đứng dậy:
- Hãy đợi anh ở đây, anh sẽ trở lại ngay trong giây lát.
John chạy bay vào nhà và lại chạy bay ra chỗ cây táo, không để tôi
phải đợi lâu, anh đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ có ghi sẵn tên John và số điện thoại nhà anh, mà chắc là anh vừa ghi vội, giọng anh tha thiết như năn nỉ:
- Em hãy giữ lấy số điện thoại này, khi nào đến nơi ở mới thì
liên lạc với anh. Em hứa đi!
Tôi cảm động, một lần nữa tôi hứa liều:
- Vâng, khi có nơi ở mới tôi sẽ gọi cho anh.
- Đừng thất lạc nhau nhé. Em hứa đi!
- Vâng, không bao giờ !
***********
Nhưng khi đến California thì tôi bận rộn với cuộc sống mới và những lời hứa vội vàng với John bỗng chỉ là một trò đùa, tôi vứt đi mảnh giấy mà anh đã kỳ vọng trao vào tay tôi, đã dặn dò tôi và chắc là đã chờ đợi mỏi mòn kể từ ngày tôi rời thành phố nhỏ. Nối lại nhịp cầu liên lạc với John làm gì trong khi ở cái tuổi 17 tôi mơ hồ hiểu John đã yêu thích tôi, mà tôi dù có cảm tình với anh thì tôi cũng không thể nào lấy anh, vì mộng ước của anh và tôi hoàn toàn trái ngược. Đành
rằng gia đình anh là người ơn của gia đình tôi, họ hiền lành đạo đức,John sẽ là người chồng, người cha tốt như tấm gương của cha mẹ anh,nhưng tôi không thể lấy người chồng ít học làm nông trại và tôi chỉ quanh quẩn sống với chồng trong mấy chục acre đất hoang vu, chốn đồng khô cỏ cháy với mấy con gà, con bò như anh đã vẽ ra.
Tôi đã từng nghe chuyện nhà nông khốn khổ, trồng 1 acre bắp chỉ bán được khỏang 80 đồng theo gía sỉ, hay những vụ cam trúng mùa ở Florida, gía cam bán ra mà như cho không, chỉ 50 cent cho một thùng cam và những vụ khoai tây trúng mùa ở Idaho cũng xuống gía rẻ bèo như thế.
Giấc mơ tuổi mới lớn của tôi là giàu sang phú qúy, lấy người chồng có địa vị, học cao hiểu rộng. Ở thành phố mới tôi đã miệt mài học hành,chính bản thân tôi cũng sẽ vươn cao. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm và kén chọn người chồng tương lai. Tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội lập gia đình vì chê họ không xứng đáng với tôi, cho đến khi gặp người chồng hiện tại. Năm ấy tôi đã 30 tuổi, chồng tôi là một người thành đạt trong học vấn và trong kinh doanh. Tôi đã đạt được ước mơ và vui hưởng hạnh phúc trong những năm đầu.
************.
Vì rảnh rỗi và tò mò tôi quyết định thuê xe để lái từ thành phố
Wichita đến thăm thành phố Liberal, nói cho đúng hơn để thăm lại gia đình ông bà Smith và John của ngày xưa xem họ thế nào? Tôi hình dung ra ông bà Smith đã gia, họ đã nghỉ hưu không đi truyền giáo nữa. Còn John đã có vợ con và đang sống ở một trang trại nào đó, anh John sẽ là hình ảnh ông Smith nông dân chất phác và hiền hậu ngày xưa, anh chăm chỉ lao động nuôi bò, trồng trọt, các con anh sống và lớn lên ở nông trại, chúng biết cách vắt sữa bò và bám lấy nông trại không dám đi đâu xa giống như anh.
Sau 4 giờ lái xe, tôi đã trở về nơi chốn cũ. Thanh phố nhỏ, đường kính lớn khỏang hai miles thì có gì là khó mà không tìm ra ngôi nhà của ông bà Smith nơi cuối phố, dù tôi đã xa cách 30 mấy năm rồi. Nhưng tôi vẫn hỏi thăm, có vẻ như gia đình Smith có uy tín với cư dân ở đây lắm.
Người ta nói nhà Smith vẫn ở chỗ cũ. Khi tôi xuống xe, đứng ngẩn ngơ nơi cánh cổng rào gỗ năm xưa, bỗng thấy ngậm ngùi, có thể cánh cổng gỗ đã từng hư cũ, từng được thay đổi, làm lại cái khác nhiều lần rồi, và cái chốt mở cửa không phải là miếng gỗ mà tay tôi đã từng chạm vào năm xưa, nhưng vẫn giống thế, và như thể vẫn chờ đợi tôi trở về để chạm tay vào. Tôi run run thò tay vào mở chốt cửa, lại ngậm ngùi hơn vì ngẫu nhiên bây giờ đang là mùa hè, hai bên lối đi của mảnh sân vẫn trồng dưa hấu, lá xanh rậm rạp và xung quanh vẫn là những cây đào, cây lê, cây táo…dù có thể những loại cây này năm xưa đã gìa, đã cằn cỗi,
được thay thế bằng những cây trồng sau này. Thế giới đổi thay bao
nhiêu thứ mà nhà ông bà Smith dường như không hề thay đổi. Khu vườn của họ vẫn là những hình ảnh cũ.
Tôi đi vội trên con đường dài, hồi hộp nhìn chăm chăm vào ngôi nhà trước mặt đang đóng cửa, không còn tâm trí nào nhìn ngắm vườn dưa hấu xem có nhiều trái hay không. Rồi tôi gõ cửa và chờ đợi. Mãi sau mới có tiếng mở cửa, hiện ra trước mặt tôi là bà Smith, bà đã gìa đi -dĩ nhiên- Sau vài phút ngỡ ngàng nghe tôi tự giới thiệu thì bà đã nhận ra tôi, bà mời tôi vào nhà, rưng rưng nước mắt bà trách móc:
- Thì ra là cô, tại sao mãi hôm nay cô mới trở lại đây? John
đã chờ đợi cô mấy năm trời.
Tôi ngạc nhiên và xúc động, nước mắt cũng rưng rưng như bà Smith:
- Thật thế sao? Tôi xin lỗi, tôi vô cùng xin lỗi vì đã không
thực hiện điều đã hứa với John
- Cô đâu có biết, ngay khi gia đình cô đi được một tuần là
John đã chờ đợi cô gọi phone về từng ngày. Nó luôn tin tưởng cô sẽ
gọi phone cho nó và một ngày nào cô sẽ trở về Liberal.
Bà Smith gục đầu xuống và khóc nấc lên, kể tiếp:
- Nó đau khổ và héo hon cho đến khi hoàn toàn tuyệt vọng…
- Trời ơi, tôi không ngờ.
Tôi cố ngăn giòng nước mắt, vuốt ve cánh tay bà an ủi như an ủi cho chính mình và hỏi thăm:
- Số phận tôi và John không thể gần nhau thôi mà. Bây giờ anh
ấy ra sao?
- Sau đó John lấy vợ, Christine là con gái một nhà truyền
giáo bạn thân của vợ chồng tôi, cô gái hiền lành ngoan ngoãn và rất yêu John, đã làm lành vết thương lòng của John. Nhà vợ chồng nó cũng ở gần đây.
- Thế anh ấy không sống ở nông trại như anh ước mơ sao?
Bà Smith lau nước mắt, thoáng một niềm vui:
- Đó chỉ là ước mơ của một thằng bé tuổi vị thành niên, một
thằng bé nhà quê mà suốt thời thơ ấu sống nơi trang trại. Khi John và Christine yêu nhau, cả hai cùng vào đại học. Họ đã tốt nghiệp y khoa và đang hành nghề bác sĩ ngay tại thành phố Liberal này.
Tôi ngạc nhiên và vui mừng reo lên:
- Không ngờ John học gỉoi và có chí đến thế!
- Tôi tin là nhờ có tình yêu của Christine.
- Với nghề nghiệp bác sĩ cả hai vợ chồng John có thể đi đến
những thành phố lớn lập nghiệp dễ dàng, nhưng sao họ vẫn ở lại nơi đây?
- Chúng tôi đã quen sống ở thành phố nhỏ, từ ngày ông Smith
mất đi, John càng không muốn xa mẹ. Nhưng nó dù bận hành nghề, vẫn không quên phụ giúp tôi gieo trồng và làm vườn mỗi khi mùa Xuân về. Đó là niềm yêu thích của John, của chúng tôi.
Họ thật thủy chung, bao năm qua vẫn ở nơi này, ở căn nhà này dù họ có điều kiện để thay đổi. Bao năm qua họ vẫn trồng trọt làm vườn như nhà nông khi đến mùa dù họ có là ai đi nữa. Tôi đứng dậy chào tạm biệt bà Smith. Bà bỗng nắm cánh tay tôi, lo lắng dặn dò:
- Phải đấy, cô nên về ngay đi và xin cô hãy hứa với tôi một điều.
Tôi nói với tất cả chân tình:
- Tôi xin hứa bất cứ điều gì tôi có thể.
- Cô hãy đi và đừng bào giờ trở về đây nữa, bao nhiêu năm
qua, vết thương lòng của John đã lành. Tôi tin là John đã quên cô, nó đang sống yên vui hạnh phúc bên vợ con. Nhưng nếu cô xuất hiện sẽ gợi lại nỗi đau cũ. Cô hãy hứa lại một lần nữa cho tôi yên lòng.
Tôi chậm rãi nói từng lời rõ ràng cho bà Smith nghe rõ:
- Tôi xin hứa đây là lần cuối cùng đến đây. Thôi, xin chào bà.
Tôi đi ra cửa, buớc trên con đường thân quen của thuở tôi 17 tuổi
lòng đầy kiêu kỳ tham vọng và John 18 tuổi hãy còn ngây thơ ngốc
nghếch, muốn tán tỉnh tôi mà đưa ra một ước mơ nghèo nàn, đơn giản.
Tình yêu chân thật của anh John nhà quê chẳng mấy khi đi đâu xa khỏi cái tiểu bang Kansas với những cánh đồng lúa mì mênh mông chỉ là một trò cười đối với tôi.
Nhưng hôm nay, ở cái tuổi không còn trẻ nữa, khi mái tóc không còn xanh nữa, sau những vật chất phù hoa tôi đã nếm biết bao vị đắng, trải qua bao phũ phàng của tình nghĩa vợ chồng. Và sau cuộc trò chuyện với bà Smith, tôi chợt nhận ra một tình yêu hồn nhiên trong sáng của John dành cho tôi. Cái hạnh phúc mà bây giờ vợ của John đang hưởng tôi biết là vững chắc, đẹp đẽ biết bao nhiêu. Điều mà tôi không hề có. Tôi chợt nghĩ đến mấy câu thơ tôi đã đọc đâu đó và yêu thích:
Ngày mái tóc không còn xanh được nữa,
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa,
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa,
Trông lên trời đếm hàng vạn sao sa.
Giờ đây không có ai, không có một tình yêu nào để cho tôi thể hiện sự thủy chung đằm thắm đơn giản như thế… Khi ra đến ngoài cổng, tôi quay lại khép cánh cổng rào bằng gỗ. Tôi biết mình vừa khép lại một qúa khứ, một bầu trời xanh và mất nó vĩnh viễn.
Nguyễn Thị Thanh Dương
(Hoa Huỳnh chuyển)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh
ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Câu chuyện này rất hay, tôi rất thích
Trả lờiXóa