Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Hồng Đỏ, Hồng Vàng- Hà Thúc Sinh (Văn Việt )


Thời tiểu học thì không nói, vì ông bà Long thay nhau chở con đi học, còn suốt thời gian trung học, Cẩm và Hương nhớ rằng chẳng có bạn cùng trường nào có những lời lẽ hay hành động bắt nạt họ. Lúc đầu thì còn có những ánh mắt kín đáo nhìn ho cách tò mò hoặc ái ngại. Sau này quen dần, họ an vị trên dãy ghế dành cho người tàn tật.
Họ giống nhau đến dễ sợ. Hai khuôn mặt gần như là một. Mắt, mũi, miệng, tóc… như đúc một khuôn. Chỉ giọng nói hơi khác ở sự trầm bổng. Họ dính với nhau từ vai xuống, dọc theo một bên thân thể. Và họ đi với nhau, đồng bộ, suốt cuộc đời.
Nhưng nếu cái chuông với thời gian không thay đổi âm thanh, thì ở hai chị em có khác. Nó có ít nhiều biến thái. Có lẽ vì thế sự học của họ phải ngừng lại với sự đồng ý của bố mẹ. Họ không tiếp tục học lên bậc đại học. Không hiểu sao họ hay nảy tranh luận. Nhiều khi là cãi nhau, cãi cả những chuyện vụn vặt đến nỗi họ không biết cách nào để chạy trốn khỏi nhau.
Ông bố có lần phát điên, hét lên:
“Trời ơi! Nếu tao có thể chặt phăng một dao cho chúng mày đứt đôi ra!”.
Cẩm gào khóc:
“Con lạy bố, bố hãy cho con cái hồng phúc đó bố ơi!”.
Thế là ông bố ôm mặt chạy vào buồng, khóc than:
“Sao số tôi khổ thế này, hở trời!”.
Bà vợ cũng chạy vào, cũng khóc:
“Ông ơi, ông ơi!”.
Ngoài phòng một lát có giong Hương đầy miễn cưỡng:
“Giờ ra chợ, chút còn lo cơm nước!”.
***
Vâng, trong sâu thẳm Cẩm biết nàng không trốn được em là Hương và Hương cũng biết nàng không trốn được chị là Cẩm. Số phận dính họ với nhau một cách oan nghiệt. Làm sao một người thích mặc váy đỏ mà chịu nổi một cái áo dài trắng. Làm sao một người không ưa được rau dấp cá ngồi cạnh một người nhai ngấu nghiến những gắp rau ấy? Cứ thử tưởng tượng từng ngày một người phải nín nhịn mãi để sống bên một người có nhiều ý nghĩ, ý muốn, ý tưởng, ý tình, ý thích… hoàn toàn khác với mình?
Phải chăng họ là một chất thừa trong nhau.
Hôm Tết, theo ý hai bác và các anh chị bên Cali muốn hai chị em Cẩm qua chơi vài ngày. Nhà bác Hạnh vùng biển, vì thế cũng nhân tiện cho hai chị em thay đổi không khí. Nghĩ ngợi mãi sau ông bà Long mới chịu. 
Vé máy bay hai bác đã mua cho và anh Hoàng, anh con lớn của bác Hạnh, đã gửi qua computer và Cẩm đã in ra. Thứ bảy tới bố sẽ chở hai chị em ra phi trường. Hai chị em bàn tới lui, và là ngày Tết, họ cũng dễ thỏa hiệp về việc ăn mặc. Nhưng khi Hương đòi đội mũ thì lại có tí vấn đề. Cẩm bực mình vì vành mũ của Hương rộng quá, quấy rầy mái tóc vấn cao của nàng. Mẹ nàng nói mãi Hương mới dẹp “cái trò trẻ con” là bỏ mũ ở nhà.
Bên nhà bác Hạnh, hai chị em nén mãi mà vẫn không giấu được các ông anh bà chị nhiều ngọn lửa nho nhỏ luôn hờm sẵn trong gấu áo gấu quần của mình. 
Trời California khí hậu khác thường và dịch cúm ập đến. Cẩm bị nặng. Trong một cơn mê sảng cả nhà bà bác hoảng sợ khi thấy nàng quỳ gối với Hương cũng khốn khổ phải quỳ bên cạnh. Cẩm vái van người bố trước mặt đã chém đôi chị em nàng ra, và nàng đã được giải thoát, kế đó nàng gục xuống khóc, một thứ tiếng khóc không ai dỗ nổi.
Khi nàng tỉnh lại, mấy bà chị xúm an ủi hỏi han, nàng nói nàng không nhớ gì hết. Nhưng Hương thì chỉ lặng lẽ giấu đi nỗi buồn.
***
Trời Houston hôm ấy như buồn hẳn đi. Những tảng mây trắng vá víu khắp nơi trên cái nền xanh đậm nhạt loang lổ. Bầu trời thật là xấu xí.
Và dưới bầu trời như thế, đã đến lúc gia đình ông Long phải quyết định một chuyện hệ trọng loại tử sinh: Hôm nay Cẩm và Hương ký giấy để tiến hành một cuộc đại giải phẫu tách thân thể làm hai. Điều hết sức quan trọng là: Chỉ một người có được đủ tứ chi và tất nhiên sự sống có nhiều phần trăm dồn cho người ấy. Phía còn lại hứng chịu nhiều nguy cơ!
Chọn ai và bỏ ai đây!
Và ai là người có quyền quyết định?
Rốt cuộc chỉ hai chị em là người trong cuộc hoàn toàn có quyền này.
Sau cùng Cẩm lên tiếng, giọng rất mực nghiêm trang:
“Thưa bố mẹ và em Hương, nói đây không có nghĩa là con nhận phần chết đâu, nhưng xét trên tổng thể, dung mao em Hương đẹp hơn con. Hai tai rất bằng và hai trái tai rất to rất đều… Của con một bên hơi bạt nhĩ. Mà tai như thế là người không thọ”.
Hương mỉm cười:
“Nếu nói xấu thì em thiếu gì cái xấu. Mẹ không thấy mũi con hơi tẹt sao? Nhân trung lại không dài. Và hai mí lót của chị Cẩm rõ mồn một chứ của con lờ mờ trông như người một mí…”.
Cẩm đứng lên lấy ly nước, uống một ngụm, rồi nói:
“Răng Hương nó đều như bắp, hàm dưới con xiêu vẹo như rặng cải mả!?”
                 ***
Từ mùa hè năm đó, ở Đại học Houston người ta thấy xuất hiện một cặp chị em song sinh dính liền đến ghi danh nhập học. Họ rất an nhiên tự tại và không hề có chút mặc cảm nào.
Chẳng ai biết đó là hai cô gái Việt Nam có tên Cẩm và Hương, sau lần trò chuyện với bà mẹ buổi chiều trước ngày giải phẫu tách đôi thân thể, họ đã ôm nhau khóc cả buổi, và sau đó quyết định không giải phẫu nữa. Trời sinh sao để vậy. Trời đã gắn họ lại với nhau và họ sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời, dù có ra sao cũng được.
Hôm ấy ghi danh xong, hai chị em ra ngồi nơi chiếc bàn đá giữa sân nắng sáng. Cẩm lôi trong cặp táp ra một cái bao thư vàng lớn. Nàng mở bao thư và bảo Hương:
“Chiều qua mẹ đưa mấy lá thư trong có thư này. Tối em ngủ mất rồi chị mới đọc. Nó của cơ quan Wikipedia / Dị Dạng gửi. Họ hỏi về tụi mình. Chỉ sai họ”.
“Nghĩa là sao hả chị?”.
“Mình họ Lê, không hiểu sao họ viết thành họ Lee. Mình điều chỉnh và sẽ gửi trả lại họ”.
Cẩm sửa Cam Lee, Huong Lee thành Cam Le, Huong Le. Rồi nàng bảo em ngồi xuống bên cạnh, cả hai tạo dáng, lấy cell phone chụp tấm ảnh cười thật tươi. Và ghi bên dưới ảnh: Cả hai sẽ là sinh viên của Phân khoa Political Science tại Đại Học Houston niên khóa 2020-2024.
Nàng nói với em:
“Mình gửi cho họ. Biết đâu trăm năm nữa cả thế giới mới được xem tấm ảnh này”.
Houston 3/1/2020

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...