Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Internet toàn cầu có 'vỡ trận' vì Covid-19?

Việc quá nhiều người làm tại nhà để tránh dịch bệnh có khiến mạng Internet bị “vỡ trận” hay không?
Để bảo vệ sức khỏe nhân viên và giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, các công ty như Twitter và JPMorgan Chase đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Tổng cộng, 42 triệu người Mỹ, chiếm khoảng 29% lực lượng lao động, có thể làm việc tại nhà trong thời gian này. Và khi các trường học quyết định cho phép học sinh nghỉ học, áp lực lên mạng Internet gia đình sẽ tăng lên.
Điều này liệu có khiến mạng Internet tắc và chậm? Câu trả lời ngắn gọn là "có lẽ không". Về lâu dài, ảnh hưởng lớn nhất có thể chỉ là tình trạng gián đoạn tạm thời.
Nhiều công ty công nghệ tại Mỹ như Apple, Twitter, Amazon đã cho nhân viên làm việc tại nhà giữa lo ngại về dịch Covid-19. Ảnh: Getty.
“Điểm tắc nghẽn sẽ là mạng băng thông rộng tại mỗi gia đình”, Lisa Pierce ,chuyên gia mạng của Gartner cho biết.
Những khu dân cư với mạng tốc độ thấp sẽ là các khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi cả gia đình chia sẻ một tín hiệu Wi-Fi duy nhất, tất cả đăng nhập cùng một lúc để làm việc hoặc kích hoạt TV và máy tính bảng nhằm mục đích duy trì kết nối và giải trí, chắc chắn tốc độ kết nối sẽ bị ảnh hưởng.
Hai nhà mạng lớn của Mỹ là AT&T và Verizon Communications đã lên tiếng trấn an về việc mạng tiếp tục hoạt động, duy trì lưu lượng truy cập Internet giữa các thành phố.
“Là một kỹ sư, tôi sẽ khẳng định rằng chúng tôi có đủ năng lực để duy trì mạng Internet ổn định cho mọi người”, Jeff McElfresh, giám đốc điều hành của AT&T phát biểu.
Roger Entner, nhà phân tích của Recon Analytics nhận định nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí hay gọi điện thoại như Netflix, YouTube, Facetime và Skype sẽ khiến mạng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Hiện có tới 70% lưu lượng truy cập mỗi ngày chỉ để xem video. Khi bọn trẻ đang xem phim, nếu bạn muốn chen vào để gọi điện thấy hình thì mạng có thể gặp vấn đề, vì mọi ứng dụng đều muốn dùng băng thông cùng một lúc”, ông Entnert nhận định.
Các sự cố mạng có thể bao gồm rớt kết nối tới giảm tốc độ mạng. Ngay cả khi có mạng băng thông rất cao, không phải mọi công ty đều có khả năng sẵn sàng xử lý khi có một lượng lớn nhân viên cố gắng đăng nhập vào mạng văn phòng từ bên ngoài.
Nhiều nơi đã quyết định sử dụng mạng riêng ảo hoặc VPN, như các kênh chuyên dụng, an toàn để người dùng từ xa truy cập vào cùng một mạng mà họ thường dùng tại nơi làm việc.

Vào đầu tháng 2, nhiều ứng dụng làm việc qua mạng tại Trung Quốc đã bị nghẽn vì hàng trăm triệu người đăng nhập cùng lúc. Ảnh: TechNode.

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ phân bổ đủ dung lượng mạng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày cho một số ít nhân viên làm việc từ xa, nhưng sự thay đổi quy mô lớn này có thể gây ra sự cố tạm thời. Theo các chuyên gia mạng, việc bổ sung dung lượng VPN có thể mất hàng giờ, hàng ngày hoặc thậm chí vài tuần đối với một số công ty.
Vào đầu tháng 2, khi hàng chục triệu người Trung Quốc đăng nhập vào các dịch vụ để làm việc từ xa như DingTalk hay WeChat Work, máy chủ của các dịch vụ này đã bị quá tải. Số lượng cuộc gọi video qua DingTalk quá lớn khiến dịch vụ bị ngừng tạm thời, và phải đến trưa mới hoạt động lại bình thường. Theo DingTalk, có tới trên 200 triệu lượt người sử dụng ứng dụng này trong ngày đầu tiên đi làm.
Tương Tự DingTalk của Alibaba, WeChat Work cũng bị gián đoạn dịch vụ một lúc và phải tới trưa mới hoạt động trở lại, sau các biện pháp bổ sung dung lượng của Tencent.

Zing.vn

1 nhận xét:

  1. Thời kỳ dịch bệnh này làm cho cuộc sống đảo lộn và khó khăn đủ đường

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...