Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 54 :KIM (Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi )

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 54 : 
                                      
                                            KIM
                                                           
                                        Ví chăng có số giàu sang,
                                          Giá này dẫu đúc NHÀ VÀNG cũng nên!

         Hai câu thơ trên là lời của Hoạn Thư khen tài của Thúy Kiều. NHÀ VÀNG chữ Nho là KIM ỐC 金 屋, không phải là nhà được cất bằng vàng thật, mà là nhà được sơn son thếp vàng của những nhà giàu, nhà quyền qúy. KIM ỐC là nhà vàng thật đẹp nên chỉ để dành riêng cho người đẹp ở mà thôi. Ông bà xưa thường dạy rằng: 

      Thư trung hữu nữ nhan như ngọc,     書中有女顏如玉,     
      Thư trung tự hữu hoàng kim ôc.        書中自有黃金屋。

Có nghĩa :
        Trong sách có sẵn các cô gái dung nhan xinh như ngọc.
        Trong sách tự nó cũng có sẵn căn nhà được dát vàng.
           
         Ý muốn nói: Cứ cắm đầu vào sách mà học cho chuyên cần đi, khi đã hiểu hết những kiến thức ở trong sách rồi thì cũng đã... thành tài rồi, thi đậu rồi, và khi đã đậu đạt làm quan rồi thì ắt sẽ có vợ đẹp như ngọc và sẽ có nhà dát vàng với lầu son gác tía mà ở.

         KIM ỐC 金 屋 là Nhà Vàng, có xuất xứ từ thành ngữ Kim Ốc Tàng Kiều 金 屋 藏 嬌 theo tích sau đây:

         Theo sách Tiểu thuyết Ngụy Tấn Chí Quái 魏 晋 誌 truyện Hán Vũ Cố Sự 漢 武 故 事 chép rằng: Hán Vũ Đế Lưu Triệt khi còn là Thái Tử, một hôm, đến nhà cô chơi , bà cô chỉ A Kiều là cô con gái rất đẹp của mình hỏi: "Có muốn lấy A Kiều làm vợ không?"  Triệt đáp rằng: "Nếu lấy được A Kiều sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở." Sau lên làm vua, Hán Vũ Đế cưới A Kiều và phong cho làm Hoàng Hậu, nên KIM ỐC TÀNG KIỀU 金 屋 藏 嬌 là Nhà Vàng cao sang cất để cho người đẹp ở. 

                                 KIM ỐC TÀNG KIỀU
                                         金 屋 藏 嬌 

         Hiện nay thành ngữ nầy dùng để chỉ các Đại gia mua nhà riêng cho bồ nhí, vợ lẻ ở. Trong Văn học cổ thì thành ngữ nầy để tỏ ý qúy trọng người đẹp, như trong Truyện Tây Sương nói về Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy :

                      Trộm nghe nàng kẻ hồng nhan,
               Dọn phòng KIM ỐC vây màn tố sa.  

         Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, đoạn nàng cung nữ thất sủng oán trách vua cũng có câu:

                    Tay tạo hóa cớ sao mà độc,
                    Buộc người vào KIM ỐC mà chơi.
                        Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
             Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!

         KIM ỐC là Nhà Vàng, mà Nhà Vàng thì cửa cũng bằng vàng, nên ta lại có từ KIM MÔN 金 門 cũng chỉ nhà quyền qúy thế gia, như Thúy Kiều đã đánh gía Kim Trọng trong buổi đầu hẹn ước:

                  Nàng rằng trộm liếc dung quang,
          Chẳng sân ngọc bội cũng phường KIM MÔN.
                  Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
          Khuôn duyên biết có vuông tròn mà hay?!

        Còn KIM Ô 金烏 là con Quạ Vàng, là Mặt trời như trong ca dao có câu:
                         
                  KIM Ô gần gác non Đoài
         Cù lao chín chữ biết ngày nào xong?
    
                         Theo thần thoại Trung Hoa, KIM Ô là con quạ ba chân ở trong mặt trời, nên Kim Ô, Vầng Ô, Bóng Ác, Bóng Ác Vàng... trong văn học cổ đều dùng để chỉ Mặt Trời, như trong Truyện Kiều khi đi Đạp thanh, Vương Quan kể về Đạm Tiên có câu:

                  Trải bao thỏ lặn ÁC tà,
           Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!    

         KIM BẢNG 金 板 là Bảng Vàng, bảng được sơn son thếp vàng để ghi tên các sĩ tử cập đệ (thi đậu), như trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng:
  
                    Ngâm câu tứ hỉ ngại ngùng,
            Nghĩ câu KIM BẢNG động phòng tối nan.

        Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phan Trần, nói về hai họ Phan Trần cũng có câu:

                   BẢNG VÀNG bia đá nghìn thu,
           Phan, Trần hai họ cửa nho dõi truyền.

        Còn KIM CẢI là Cây Kim và Hạt Cải nên KIM CẢI là do thành ngữ Châm Giới Tương Đầu 針 芥 相 投, có xuất xứ từ câu nói trong Tam Quốc Chí là "Từ thạch dẫn châm, Hổ phách thập giới 磁 石 引 针,琥 珀 拾 芥"。Có nghĩa: Đá nam châm hút kim loại, còn hổ phách thì hút hạt cải; Ý chỉ thứ nào thì hút theo thứ đó, tâm đầu thì ý hợp, như trai gái, vợ chồng gắn bó khắn khít với nhau vậy. Trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính tả lại mong ước của Thị Kính khi lấy chồng là Thiện Sĩ có câu:

                        Kể từ KIM CẢI duyên ưa,
                Đằng leo cây bách mong chờ về sau.
     
           
       Trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha, Vương Viên Ngoại cũng vì nàng mà than oán:

                      Vì ai rụng CẢI rơi KIM,
              Để con bèo nổi mây chìm vì ai?!

     ...và lúc Kim Kiều tái hợp, trong buổi tiệc đoàn viên, khi "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân cũng đã nói lẫy:

                    Gặp cơn bình địa ba đào
             Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
                    Cũng là phận CẢI duyên KIM,
             Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao!...  
            
        KIM CỐC 金 谷 là tên một huyện ở Hà Nam Trung Hoa. Vào đời Tấn, Thạch Sùng đã cho xây dựng một cái vườn lớn ở đây để hưởng lạc, gọi là Kim Cốc Viên để chiêu đãi tân khách. Khách đến dự tiệc đều phải làm thơ trước khi uống rượu. Ai làm thơ không xong thì phạt uống ba đấu rượu. Trong Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春 夜 宴 桃 李 園 序 của Thi tiên Lý Bạch có câu: "Như thi bất thành, phạt y Kim Cốc tửu số 如詩 不 成,罰 依 金 谷 酒 數" Có nghĩa: Nếu thơ không thành, phạt y số rượu ở Kim Cốc. Hiện nay ta có lệ phạt ba ly rượu, có thể là do tích nầy mà ra đó. Trong thơ nôm khuyết danh "Hoa Điểu Tranh Năng" sứ thần bên hoa là Náo Dương, nói với sứ thần bên chim là Bạch Thanh  rằng:

                    Vườn KIM CỐC cũng có ta,
              Gặp xuân đầm ấm rườm rà tử vi.

            
        KIM CHI NGỌC DIỆP 金 枝 玉 葉 là Cành Vàng Lá Ngọc, có xuất xứ từ Cổ Kim Chú. Dự Phục 古 今 注·舆 服. Có nghĩa: Cỏ cây hoa lá rất mượt mà xanh tươi đẹp đẽ. Sau mượn dùng để chỉ con em của hoàng tộc, dùng rộng ra để chỉ chung con em của những gia đình danh gia vọng tộc quyền qúy. Trong "Hà Thành Chính Khí Ca" của Ba Giai (cặp đôi của Tú Xuất), bài ca ca ngợi gương chiến đấu hy sinh oanh liệt của danh tướng Tổng Đốc Hoàng Diệu và lên án những người mang tiếng là KIM CHI NGỌC DIỆP mà không biết bảo vệ đất nước giang sơn như Án Sát Tôn Thất Bá:

                     Kìa Tôn Thất Bá Niết Công,

               KIM CHI NGỌC DIỆP, vốn dòng tôn nhân,

                     Đã quốc tộc, lại vương thần,
               Cũng nên hết sức kinh luân mới là...
           
        Theo âm dương ngũ hành thì Tây phương Canh Tân Kim, nên vàng thuộc hướng Tây, gió hướng tây là gió Mùa Thu, nên còn được gọi là KIM PHONG là Gió Vàng, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc bằng hai câu:

                  Trải vách quế GIÓ VÀNG hiu hắt,
                  Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

       Còn trong Sơ Kính Tân Trang thì Chiêu Lì Phạm Thái gọi là KIM PHONG:

                   Sắc trướng phủ hãy lờ mờ dấu cũ,
                   Ngọn KIM PHONG lay lá rụng chồi khô.     
                    

       Theo Hệ Từ thượng của kinh Chu Dịch có câu: "Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn KIM; Đồng tâm chi ngôn, kỳ khứu như LAN 二 人 同 心,其 利 斷 金;同 心 之 言,其 臭 如 蘭。Có nghĩa: Hai người cùng đồng lòng thì cái lợi (sự bén nhọn) có thể làm đứt KIM loại; Những lời nói đồng lòng thì có mùi thơm như hoa Lan, nên… Kết nghĩa KIM LAN 結 義 金 蘭 là hai người bạn thề cùng đồng tâm hiệp lực, sống chết có nhau như anh em ruột thịt. Ta có thành ngữ KIM LAN Chi Giao 金 蘭 之交  để nói về tình nghĩa bạn bè thân thiết bền vững, ý hợp tâm đầu, như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng:

                    Ta thì trọn vẹn trước sau;
              Đã KIM LAN lại trần châu càng bền.

      Cũng trong truyện trên ta lại đọc thấy câu:

                     Đã hay KIM HỮU tình sâu,
              Hiếu trung cũng phải ở đầu dám sai!

      Không gọi là KIM HỮU 金 友  hay KIM LAN 金 蘭 thì có thể gọi là KIM THẠCH 金 石 : Kim là kim loại rắn chắc không đổi màu; thạch là đá, cứng ngắt và bền vững, nên Kim Thạch Chi Giao là sự giao tình bền vững và rắn chắc như vàng như đá vậy. Tương tự ta có thành ngữ Kim Thạch Chi Ngôn 金 石 之 言 : là lời nói hoặc lời hứa chắc chắn như vàng như đá không hề thay đổi. Ta nói là "Những lời vàng đá hoặc đá vàng", là những lời nói lời hứa "Chắc như đá, vững như vàng”, của trai gái dùng để hứa hẹn thề thốt khi yêu nhau, như khi Kim Trọng tỏ tình trong cảnh “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” thì cô Kiều cũng nhận lời bằng câu đổ thừa rằng:

                        Đã lòng quân tử đa mang,
                  Một lời vâng tạc ĐÁ VÀNG thủy chung!
   
                  
      Hay như khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, Kim Trọng cũng đã hứa với Vương Ông là:

                     Rằng: Tôi trót quá chân ra,
               Để cho đến nổi trôi hoa dạt bèo.
                     Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
               Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không?
                     Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
               Còn tôi tôi quyết gặp nàng mới thôi!

       Còn trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì Trần Cảnh Yên nói với Phương Hoa rằng:

                   Trần rằng: "KIM THẠCH nhất ngôn,
                   Còn trời còn đất hãy còn đấy đây.
       
     Cuối Truyện Kiều được kết thúc bằng một thành ngữ rất có hậu, đó là khi Kim Trọng thi đậu làm quan đã nhớ đến Thúy Kiều:

                     Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
              Bây giờ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG với ai?!
                 
                   
       KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金 馬 玉 堂, thành ngữ có xuất xứ từ đời Hán. KIM MÃ là KIM MÃ MÔN 金 馬 門, là Cửa Kim Mã, nơi mà các Học Sĩ đợi chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. NGỌC ĐƯỜNG là NGỌC ĐƯỜNG ĐIỆN 玉 堂 殿, nơi nghị sự của các Học Sĩ, là Hàn Lâm Viện của các Hàn Lâm Học Sĩ.
       Thành ngữ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金 馬 玉 堂 dùng để chỉ sự đổ đạt vinh hiển làm quan, đắc ý vì công thành danh toại.

       Xin được kết thúc các điển tích có từ KIM ở đây. Hẹn bài viết tới.

                                           Đỗ Chiêu Đức

Mời  xem :Thành Ngữ Điển Tích 53 :HƯƠNG - Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

Quần Đảo KERGUELEN

  Hòn đảo xa xôi này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, tạm thời gồm khoảng 45 đến 100 người, chủ yếu là các nhà khoa học, quân nhân và...