Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

18/02/2010: WikiLeaks bắt đầu công bố các tài liệu mật (Nghiên Cứu Quốc Tế )

 

Nguồn: WikiLeaks publishes the first documents leaked by Chelsea Manning, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Vào ngày 18/2 này năm 2010, một trang web khi ấy còn tương đối ít nổi tiếng tên là WikiLeaks đã công bố một bức điện ngoại giao bị rò rỉ, trong đó ghi lại chi tiết các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao Mỹ và các quan chức chính phủ Iceland. Vụ rò rỉ tài liệu “Reikjavik13” hầu như không được công chúng biết đến, nhưng nó chỉ mới là văn bản đầu tiên trong số gần 750.000 tài liệu nhạy cảm do Chelsea Manning (trong hình) gửi tới WikiLeaks. Manning hiện được coi là một trong những “người tố giác” nhiều nhất và quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi những rò rỉ của cô làm sáng tỏ những hành động tàn bạo của lực lượng vũ trang Mỹ, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh ảm đạm về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và làm xấu mặt rất nhiều giới chức ngoại giao của Mỹ.

Manning, một nhà phân tích tình báo trong Quân đội Mỹ, được điều động đến Iraq vào tháng 10/2009. Công việc của cô cho phép cô tiếp cận tất cả các thông tin mật và nhạy cảm từ nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Vào ngày 05/01/2010, cô bắt đầu tải xuống một lượng lớn tài liệu, bắt đầu với 400.000 tài liệu liên quan đến Chiến tranh Iraq. Manning chép thông tin vào một đĩa CD có dán nhãn “Lady Gaga” để chuyển lậu về nhà và tải lên máy tính cá nhân của mình. Khi về Mỹ nghỉ phép, cô đã gửi thông tin cho cả New York Times và Washington Post nhưng cả hai đều không quan tâm. Cô bắt đầu gửi tài liệu cho WikiLeaks vào đầu tháng 2, nhưng một lần nữa không nhận được phản hồi.

Sau đó, vào ngày 18/02, Manning đã gửi cho WikiLeaks một bức điện tên “Reykjavik13”. Trang web đã xuất bản nó trong vòng vài giờ. Manning sau đó nói rằng cô cảm thấy bức điện mô tả chính phủ Mỹ đang “bắt nạt” chính phủ Iceland, và hy vọng rằng vụ rò rỉ sẽ gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp hỗ trợ kinh tế. Sự việc có lẽ đã chỉ là một cước chú nhỏ trong lịch sử nếu không có những vụ rò rỉ tiếp theo. Trong suốt mùa xuân năm 2010, WikiLeaks đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu bị rò rỉ bởi Manning, đôi khi thông qua The New York TimesDer Spiegel và The Guardian.

Các bức điện ngoại giao bao gồm các cuộc thảo luận thẳng thắn về chính sách, và mô tả của Mỹ về các nhà lãnh đạo nước ngoài, khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, trong khi đó, các rò rỉ khác tiết lộ sự thật gây sốc về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Manning và WikiLeaks đã công bố nhiều câu chuyện và thậm chí cả video về các cuộc không kích của Mỹ giết chết dân thường. Thông tin họ tiết lộ khiến các cơ quan giám sát ước tính rằng lực lượng vũ trang Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hơn 10.000 cái chết của dân thường so với những gì họ chính thức thừa nhận. Nhìn chung, các vụ rò rỉ tài liệu cho thấy các cuộc chiến không chỉ diễn ra tồi tệ hơn nhiều so với mức mà chính phủ công bố, mà phạm vi của thảm họa nhân đạo cũng lớn hơn.

Manning bị bắt giữ vào tháng 05/2010 và cuối cùng bị kết án 35 năm trong nhà tù quân sự, điều nhiều người gọi là một bản án cực kỳ khắc nghiệt cho một người tố giác. Tổng thống Barack Obama đã dự định ân xá cho cô nhưng cuối cùng lại quyết định giảm án vào tháng 01/2017, chỉ ba ngày trước khi rời nhiệm sở. Manning đã nhận được sự hoan nghênh quốc tế từ các nhà hoạt động tự do ngôn luận và phản chiến, và hiện được biết đến như một trong những “người thổi còi” quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...