Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Chu Mộng Long: Tục đốt vàng mã: Cung kính hay báng bổ thánh thần?


 Theo các tài liệu lịch sử về phong tục, tục đốt vàng mã có từ năm Khai Nguyên thứ 26 (năm 738) đời Đường. Vua Đường Huyền Tông (685-762) chính thức ra sắc dụ cho phép dùng tiền giả thay cho tiền thật để cúng tế, ma chay. Nghề làm hàng mã ra đời với ông tổ nghề là Vương Dũ. Ngoài vàng bạc giả còn có các loại hình nhân thế mạng như thê thiếp, người hầu, nhà cửa, gia súc, vật dụng...

Đến đời vua Đường Đại Tông (726-779), tục đốt vàng mã phát triển mạnh mẽ và lan sâu vào tận nhà chùa khi một nhà sư đặt vấn đề với vua cho dân đốt thật nhiều vàng mã để báo hiếu cha mẹ nhân lễ Vu Lan. Điều này đi ngược với chánh pháp nên bị nhiều nhà sư phản ứng. Kết quả, nhiều người giác ngộ đã bỏ hẳn tục đốt vàng mã. Nghề làm vàng mã có nguy cơ lụn tàn. Sau đó, con cháu của Vương Dũ đã phục hồi bằng kế bịp bợm dị đoan.
Sách Trực Ngôn Cảnh Giác của Trung Hoa kể lại rằng con cháu của Vương Dũ là Vương Luân tạo ra cái chết giả của bạn mình, bí mật cho thi hài vào quan tài rồi bày trò đốt nhiều vàng mã, hình nhân thế mạng gọi là để cứu sống bạn mình. Mọi người kinh ngạc khi thấy người chết sống lại và tin như thật rồi tuyên truyền ra nhân gian.
Sau này do sự cạnh tranh nghề nghiệp, nên người bạn ấy của Vương Luân đã tiết lộ mưu kế gian xảo của Vương Luân. Nhưng tục lệ thì vẫn cứ lưu truyền ra cả một khu vực rộng lớn, trong đó có Việt Nam.
Gốc của tục đốt vàng mã, hình nhân thế mạng là một hình thức thay thế dưới dạng biểu trưng. Với quan niệm nguyên thuỷ "sống sao chết vậy" (bây giờ vẫn còn ở thổ dân và dân tộc thiểu số), sống cần thê thiếp, người hầu, tiền bạc, nhà cửa thì khi chết đi, đúng ra là sang thế giới khác, người ta cũng cần những thứ ấy. Từ thời cổ sơ, kéo dài đến thời phong kiến, vua chúa, nhà giàu khi chết đi đã cho chôn theo thê thiếp, người hầu, gia súc, tiền bạc thật. Điều này cũng giống như tục tế gái đồng trinh cho Hà Bá ở vùng sông nước, kể cả tế con cho Thiên Chúa từng được ghi nhận trong Kinh Thánh qua chuyện Abraham. Sau thấy man rợ, người ta mới thay thành vật giả hay tượng trưng gọi là hàng mã.
Ngay cả khi đã dùng vật tượng trưng, các tổ sư của Nho giáo cũng cho rằng, đó là việc làm man rợ. Bởi vì, cho dù là cái giả hay tượng trưng gọi là hàng mã vẫn thể hiện sự tham lam vô độ của con người. Trong Kinh Lễ, đức Khổng Tử quở rằng: "Ai bày ra hình nhân thế mạng để chôn theo người chết đó là kẻ bất nhân". Thầy Mạnh Tử cũng nói: "Ai làm ra bù nhìn con gỗ bởi cái lệ chôn sống người, là kẻ tuyệt tự".
Phật giáo chính tông càng tẩy chay việc đốt hàng mã, vì tục đốt hàng mã thể hiện rõ dục tính, trong khi Phật pháp luôn chủ trương diệt dục. Các chính giáo trên thế giới cũng đồng một quan điểm chống tham lam, dục tính nên bác bỏ quan niệm "sống sao chết vậy".
Ở đây nên nói rõ thêm. Việc đốt hàng mã không chỉ thể hiện dục vọng vô biên của con người mà còn thể hiện tệ nạn buôn thần bán thánh, cầu quan, cầu tài, cầu lộc đầy tội lỗi. Trời Phật, Thần Thánh chân chính không thưởng không phạt, việc cúng tế bằng vàng bạc, của cải, hình nhân thế mạng, dù là thật hay giả đều là trò hối lộ đầy báng bổ hơn là cung kính. Tâm linh thuộc tiềm thức, thói quen hối lộ trần thế ăn sâu vào trí não của cả một cộng đồng, thành gene của một dân tộc, mới có chuyện ứng xử với thánh thần bằng trò hối lộ như vậy.
Đơn giản thế này. Quan ăn hối lộ là quan bẩn. Thánh thần mà ăn hối lộ thì chỉ có thể là ma quỷ đội lốt thánh thần. Nếu một người thanh liêm, tự trọng mà có kẻ hối lộ cho mình thì người ấy tự hào được tôn kính hay cảm thấy bị xúc phạm?
Tôi khẳng định, ở đâu còn trò đốt vàng mã, ở đó chỉ có thể là tà giáo! Cả dân tộc này xưa nay tôn thờ cái gì vậy? Đến lúc cần xem lại tín ngưỡng và các loại thần tượng trên đất nước này một cách nghiêm túc may ra mới có đời sống tinh thần lành mạnh và văn minh.

Chu Mộng Long

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...