Đeo khẩu trang đã trở thành quy định bắt buộc trong đại dịch COVID-19. Với đặc điểm rẻ tiền và tiện lợi, khẩu trang y tế dùng một lần được nhiều người ưa dùng. Ta nhìn thấy khẩu trang y tế tràn lan khắp nơi, không chỉ trong môi trường y tế. Chuyện này đồng nghĩa với việc có thêm một lượng khổng lồ những chiếc khẩu trang thải ra môi trường mỗi ngày.
Hàng tỷ chiếc khẩu trang mỗi ngày
Theo ước tính của American Chemical Society công bố vào tháng 6/2020, có khoảng 129 tỷ chiếc khẩu trang được dùng mỗi tháng trên toàn cầu trong đại dịch COVID-19. Đó là con số đủ để phủ kín nước Thụy Sĩ trong vòng một năm.
Theo ước tính của trung tâm nghiên cứu về rác thải nhựa (Plastic Waste Innovation Hub) thuộc trường University College London, nhu cầu khẩu trang của nước Anh trong đại dịch vào khoảng 24,7 tỷ chiếc/ năm. Ở Pháp, chỉ tính đến tháng 6/2020, số lượng khẩu trang được nhập đã lên đến khoảng 2 tỷ chiếc. Tổ chức hoạt động vì môi trường Opération Mer Propre đã báo động rằng, chẳng mấy chốc mà số lượng khẩu trang trôi ra biển sẽ nhiều hơn lượng sứa.
Khẩu trang trôi lềnh bềnh trên biển có thể khiến các sinh vật tưởng nhầm là thức ăn và nuốt vào bụng. Chúng sẽ chết sớm với một bụng toàn khẩu trang nhựa mà chẳng có dưỡng chất gì.
Khẩu trang y tế được làm từ vải nhựa không dệt, có tác hại cũng như thời gian phân hủy lâu tương tự như một chiếc túi nilon. Khẩu trang y tế có giá chỉ vào khoảng 1 nghìn đồng/ chiếc, nhưng phải mất đến hàng trăm năm mới có thể phân hủy được. Càng ở lâu trong môi trường, các hạt nhựa sẽ phân hủy thành vi nhựa và đi vào trong chuỗi thức ăn của con người cũng như sinh vật. Một chiếc khẩu trang nhỏ giá 1 nghìn đồng có thể phân hủy thành hàng triệu phân tử nhựa, mang theo rủi ro lây nhiễm chất hóa học cũng như vi khuẩn.
Tại Việt Nam, vấn đề còn nghiêm trọng hơn
Thử ước tính một cách khiêm tốn ở Việt Nam, nếu như 90 triệu người dân (trừ đi số trẻ em sơ sinh và người già yếu) trung bình mỗi ngày đeo 1 chiếc khẩu trang y tế, sẽ có 90 triệu chiếc khẩu trang thải ra mỗi ngày. Trung bình một chiếc khẩu trang nặng khoảng 3 gram, như vậy, mỗi ngày có trung bình 270 tấn rác loại này được thải ra (khoảng 8.000 tấn mỗi tháng).
Có hai vấn đề ở Việt Nam khiến cho lượng rác phát sinh này còn trở nên trầm trọng hơn.
Thứ nhất, hệ thống xử lý rác đang ở trong tình trạng quá tải với công nghệ lạc hậu. Có đến 60-70% rác ở Việt Nam được xử lý bằng cách chôn lấp, trong những bãi chôn không hợp vệ sinh.
Thứ hai, Việt Nam chưa thực thi được chính sách phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ. Ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, người dân muốn phân loại rác cũng không biết phải phân thế nào, vì không có hệ thống thùng rác tách biệt. Khẩu trang y tế đã dùng rồi là rác thải lây nhiễm, nếu bị vứt lẫn lộn với các loại rác khác, có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người thu gom rác và người dân sống trong khu vực xung quanh bãi rác. Như vậy, những người vốn đã vất vả và chịu điều kiện sống độc hại lại càng đối mặt với rủi ro cao hơn.
Bạn có thể làm gì?
Khẩu trang được chứng minh là giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Đó là ưu tiên hàng đầu trong đại dịch, được đặt lên trên yêu cầu bảo vệ môi trường. Vì vậy, chúng ta dễ nhìn thấy các hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, chứ không thấy các cảnh báo về tác hại của chúng. Cũng không có nhiều hoạt động môi trường lên tiếng tẩy chay khẩu trang y tế như tẩy chay túi nilon.
Khả năng cao chúng ta sẽ còn phải chung sống lâu dài với đại dịch. Nếu tiếp tục cho mình cái quyền sử dụng thoải mái vô tội vạ khẩu trang dùng một lần với lý do bảo vệ sức khỏe, hậu quả trong tương lai sẽ là khôn lường.
Có cách để bạn có thể giảm thiểu tác hại đến môi trường, trong khi vẫn bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.
Cách tốt nhất, là thay vì dùng khẩu trang y tế, hãy dùng khẩu trang vải có thể giặt lại được. Nhóm nghiên cứu của University College of London chỉ ra rằng khẩu trang vải có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tương tự khẩu trang y tế, nếu được giặt đúng cách, kết hợp rửa tay thường xuyên.
Bạn có thể đã nghĩ đến phương án này và rồi gạt đi, vì chuyện giặt lại khẩu trang nghe thật phiền phức. Nhưng nếu như là người có một chút trách nhiệm và mong muốn giảm thiểu tác hại đối với môi trường, đối với những người xung quanh, và thế hệ tương lai, đó là những phiền phức xứng đáng.
Ngoài ra, trên thị trường có những loại khẩu trang làm từ vải kháng khuẩn, chỉ yêu cầu giặt bằng nước và rất nhanh khô. Các sản phẩm đó có thể làm tăng sự tiện lợi và giảm độ phiền phức cho người dùng, trong khi vẫn đảm bảo an toàn.
Bạn nên có vài chiếc khẩu trang như vậy, và mang theo một chiếc dự phòng khi ra ngoài. Nhờ đó, trong trường hợp cần thiết, bạn không cần phải vào nhà thuốc mua một chiếc khẩu trang y tế để dùng tạm. Nếu như mỗi người Việt Nam có thể giảm dùng chỉ 1 chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày, ta có thể giảm được 8.000 tấn rác mỗi tháng.
Nếu như vẫn buộc phải dùng khẩu trang y tế dùng một lần, việc tối thiểu bạn có thể làm là hãy vứt chúng đi đúng cách.
Đúng cách nghĩa là như thế nào? Dưới đây là một vài gợi ý:
- Khẩu trang dùng xong nên cắt dây đeo đi trước khi vứt. Việc này có hai lý do, thứ nhất là tránh cho các sinh vật biển bị mắc kẹt vào các sợi dây này. Thứ hai là để tránh những ý đồ gom khẩu trang đã dùng rồi bán lại.
- Nên có một thùng rác riêng dành cho khẩu trang ở nhà. Khi bỏ rác ra ngoài, nên đánh dấu để người thu gom rác biết đó là rác thải lây nhiễm.
- Không vứt chúng bừa bãi, tất nhiên, nhưng cũng đừng vứt đại vào thùng rác nào cũng được. Nếu không tìm thấy thùng rác chuyên dùng cho khẩu trang trên đường, đừng vứt khẩu trang của bạn lẫn vào các loại rác khác. Hãy mang chúng về và bỏ trong thùng rác của riêng bạn.
- Luôn nhớ rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi bạn tiếp xúc với bề mặt của khẩu trang, để đảm bảo sức khỏe của chính mình. Thế giới này cần những người có trách nhiệm như bạn, xin hãy bảo trọng.
- HƯƠNG (TC.Luật Khoa)
Dịch bệnh gây hậu quả rất nghiêm trọng
Trả lờiXóa