Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

CƠ BẢN CỦA GIÁO DỤC LÀ GÌ? - Matsushita Konôsuke,NS.Hùng Dịch



 Tác giả: Matsushita Konosuke, trích từ “Triết học của Mattsushita Kônosuke” xuất bản năm 2002, trang 253-258. 

Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Lời giới thiệu của dịch giả: Ông Matsushita Kônosuke viết bài dưới đây để giới thiệu quan điểm về giáo dục của ông vào tháng 10 năm 1948 trong chuỗi bài “Lời ngỏ của PHP” xuất bản hàng tháng. Tựa bài viết và tiểu tựa do dịch giả phỏng dịch. Phần nội dung dịch giả cố gắng dịch sát nguyên bản. Phần chữ nghiêng là phần quan trọng trong bài theo chủ quan của dịch giả. Bài viết của ông cách đây trên 70 năm, nhưng vẫn còn giá trị để chúng ta suy nghĩ và xem xét, là động cơ dịch giả dịch bài này.

***

Cơ sở giáo dục là truyền dạy và thực tập cách sống làm người

   Cơ sở để sống cuộc đời an bình và hạnh phúc đồng thời điểm phồn vinh đến xã hội hiển nhiên là giáo dục. Một khi giáo dục được thực hiện tốt thì chính trị tốt được thực hiện và xã hội tốt sẽ được hình thành. Nếu giáo dục xấu thì hại việc trên không có khả năng thực hiện được. 

   Giáo dục là đào tạo con người. Nói đến đào tạo con người thì cũng có thể xem xét theo quan điểm của ưu sinh học (1) nhưng giáo dục, đào tạo con người vốn dĩ là nuôi dưỡng năng khiếu đã có sẵn lúc chào đời, nghĩa là nâng cao nhân tính (2). Để nâng cao nhân tính, điều trọng yếu là nuôi dưỡng 3 hoạt động chính yếu của con người là trí-tình-ý (lý trí, tình cảm và ý chí) và nhất là đào tạo để có quân bình giữa 3 hoạt động này. Con người được đào tạo để có thể duy trì trọn vẹn quân bình giữa 3 hoạt động trí-tình-ý mới thật sự là con người ưu tú; có thể xem như là đã hoàn thành được nhân cách.

   Con người vốn dĩ phải sử dụng kiến thức, nhưng nếu thực hiện phương pháp giáo dục đã đánh mất quân bình giữa lý trí, tình cảm và ý chí, thì ngược lại con người sẽ bị kiến thức sử dụng, và trở thành cái gọi là nô lệ của kiến thức. Con người nô lệ kiến thức này cố chấp vào trí tuệ và tài năng của con người mà khinh thường đạo lý (3) của trời đất, tự nhiên. Việc này nhất định sẽ không đem đến hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh cho loài người. Bởi vì lý do nói trên mà tôi cho rằng nền tảng cơ sở của giáo dục là nâng cao nhân tính bằng việc thực hiện nuôi dưỡng và duy trì quân bình giữa 3 hoạt động lý trí, tình cảm và ý chí.

   Đào tạo con người bằng cách điều hòa và nuôi dưỡng lý-tình-ý là căn bản của giáo dục. Đối với loại giáo dục đã quên mất điều này thì người ta không nghĩ đến việc đào tạo để trở thành con người mà chỉ nghĩ đến truyền dạy kiến thức và kỹ năng (4) , và kết quả của giáo dục chỉ là đào tạo con người thành con vật có kiến thức và kỹ năng. Để tránh điều này, tôi nghĩ là không phải chỉ truyền dạy học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật mà cơ bản là còn phải truyền dạy và bắt người học thực tiễn cách sống đúng nghĩa làm người. Một khi sống với tư cách con người thì cần phải hiểu và nắm rõ ý nghĩa của đời người hoặc ý nghĩa của con người. Có hiểu và nắm rõ được các điều này thì mới hiểu được mỗi ngành nghề đều có ý nghĩa và thấy được lẽ sống của đời người. Người học có lĩnh hội được các điều nói trên mới đúng là giáo dục. Tuy nhiên, điều trọng yếu là không phải chỉ truyền đạt cho biết mà còn phải cho người học thực tiễn thành thói quen. Công việc này người Nhật gọi là shitsuke (5), nghĩa là tu thân sửa tánh để sống xứng đáng làm người (người có nhân cách).

   Shitsuke viết là “tu sửa thân cho tốt đẹp”, và ý nghĩa của shitsuke không phải chỉ biết học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật mà phải thực hành được chúng đồng thời có được cách sống đúng nghĩa con người và càng ngày càng nâng cao nhân tính. Tuy nhiên, giáo dục hiện nay thực tế chỉ chú trọng vào việc giảng dạy học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật mà không đoái hoài mấy tới việc tập luyện cách sống đúng nghĩa của con người. Ngay cả phía học phần động của cũng có khuynh hướng cho rằng biết được học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật là hoàn tất xong việc học.  

   Thật ra, nếu chỉ để biết được học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật thì không khó lắm. Chỉ cần lập đi lập lại vài lần để nhớ là được. Nhung tu thân sửa tánh để sống xứng đáng làm người cần phải có nỗ lực rất lớn cho cả hai phía, phía dạy và phía học. Bởi vì cả hai phía đều phải để tâm lưu ý sống chính trực (6) với nhau đồng thời cũng cần phải không ngừng cố gắng và tập trung tinh thần trao dồi. Hơn nữa, hiệu quả của công việc này lại khó thấy. Trong khi đó nếu học để biết kiến thức thì chỉ cần nỗ lực trong lúc học là xong và phần lớn là có hiệu quả tức thời. Vì lý do này nên việc tu thân sửa tánh để sống xứng đáng làm người không được quan tâm, và học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật trở thành chủ yếu. Tôi nghĩ đây chẳng phải là thực trạng của cả phía dạy và phía học hiện nay sao?

Cách dạy cần bình dị và tự nhiên, và đã học phải hành

   Trong truyền thống quá khứ của Nhật Bản (7) về phương pháp truyền dạy và thực tập cách tu thân sửa tánh để sống đúng nghĩa con người, có hình thức cho tự thể nghiệm, có hình thức huấn luyện những cách nào cũng đều gò bó ép chế con người vào một mẫu mực, khuôn khổ nhất định. Về điểm này tôi nghĩ ngày nay cần phải thực hiện với ít nhiều tự nhiên và phóng khoáng hơn.

   Thí dụ đối với một điều đạo đức nào đó, phương pháp dạy tu thân sửa tánh của Nhật Bản (7) có khuynh hướng bắt con người tuân thủ, phục tùng điều luật này một cách rất hình thức. Do đó, phương pháp này ngược lại tạo cho số đông không thấm nhuần và không hiểu thấu đáo ý nghĩa của nội dung mà chỉ làm cho lấy có. Về điểm này ở Mỹ người ta thực hiện việc truyền dạy và thực tập tu thân sửa tánh này rất tự nhiên, cả 2 mặt hình thức và tư duy. Đạo đức cần phải giữ nhưng không bắt buộc phải theo một hình thức phức tạp phiền toái mà với một hình thức thật bình dị, nghĩa là từng người một có thể giữ phép tắc hoặc tuân theo cách thích hợp với họ. Do đó, điều quan trọng của công việc truyền dạy và tập luyện tu thân sửa tánh hiện nay cần phải được thực hiện với phong cách tự do và đặt trọng điểm vào bản chất của nội dung chớ không phải câu nệ vào hình thức bên ngoài.  

   Mới gần đây, một tướng lãnh trẻ người Mỹ khi tham quan công trường chế tạo của công ty tôi đã có ý kiến sau “Phòng nghiên cứu của quý công trường làm công việc nghiên cứu. Dĩ nhiên công việc nghiên cứu là cần thiết và không có vấn đề nhưng theo tôi còn có một công việc khác quan trọng nhiều hơn. Đó là việc thực hành hoàn hảo tất cả các kiến thức đang có”. Vị tướng lãnh là nhà kỹ thuật 26 tuổi đã được huấn luyện thuần thục với tư duy rằng phải thực tiễn tất cả những gì đã học nên có được trực quan như trên. Trong quá khứ đã có rất nhiều khách trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đến tham quan và khi xem đến phòng nghiên cứu tất cả đều nói “Có phòng nghiên cứu này quý công ty sẽ sản xuất được sản phẩm tốt và chính nơi đây là cơ sở gầy dựng sự tin cậy của khách hàng”, và bản thân chúng tôi cũng đã nghĩ như thế. Tuy nhiên lời nói của vị tướng lãnh trẻ này đã thật sự dạy cho chúng tôi một bài học. 

   Từ trước đến nay giáo dục Nhật Bản (7) phân tách tri thức và thực hành ra riêng biệt. Ở Mỹ dù nghiên cứu là mục đích hàng đầu nhưng nếu nghiên cứu để biết thôi thì không giúp ích gì cho đời sống con người. Kiến thức mà không đi chung với thực hiện thì giống như cái bánh vẽ, có thực hiện kiến thức thì mới sinh ra giá trị. Tôi nghĩ rằng cách tư duy này không mấy được dạy ở Nhật Bản. Người ta thường nói giáo dục ở Nhật Bản là loại buôn bán lẻ (8), tôi nghĩ rằng giáo dục Nhật Bản cần xem xét kỹ điểm này.  

    Trình độ hoàn bị của chế độ giáo dục Nhật Bản được đánh giá tương đối cao và số nhà giáo dục cũng to lớn. Tôi nghĩ rằng giáo dục là một trong những lĩnh vực mà nhà nước đang nỗ lực đầu tư lớn nhất. Nhưng nếu hỏi công việc giáo dục này đã đạt thành quả gì thì có thể nói là không có gì đáng kể. Chứng cứ rõ ràng nhất là hiện nay chúng ta vẫn còn bần cùng, nghèo khó. Phương cách giáo dục từ trước đến nay thật ra chỉ truyền đạt học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật nhưng chưa huấn luyện cho người học cách sống đúng đắn cho cuộc đời của họ, cái gọi là tạc “tượng phật không hồn”. Từ nay về sau, khi suy nghĩ vấn đề phồn vinh của Nhật Bản (7) chúng ta cần phải phản tỉnh sâu đậm về việc này và cần phải xúc tiến cơ sở giáo dục không sai lạc. 

    Bởi vì chỉ có trên nền tảng giáo dục tốt đẹp mới kiến tạo được đời sống con người hạnh phúc, hòa bình và xã hội phồn vinh. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chỉ khi nào có được nền giáo dục tốt đẹp thì phồn vinh của các dân tộc, hòa bình của thế giới mới bắt đầu có thể hứa hẹn.

                                           

Nguồn tiếng Nhật: Mattsushita Kônosuke – Cơ bản của giáo dục” trong sách “Triết học của Mattsushita Kônosuke”, cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 253~258 (Peace and Happiness through Prosperity).

Bài này được đăng đầu tiên trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong chuỗi bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975 và năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Mattsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.

Về tác giả: Ông Matsushita Konosuke sinh năm 1894, Minh Trị năm thứ 27. Lúc chín tuổi phải nghỉ học lớp bốn và rời quê hương lên thành phố Osaka để đi làm mướn không lương học nghề. Lúc 23 tuổi vì sức khỏe kém không thể tiếp tục làm công nhân của công ty điện lực nên phải nghỉ việc ra thành lập xưởng chế tạo dụng cụ điện để làm riêng. Lúc 34 tuổi số nhân viên trong xưởng lên đến 300 người, là tiền thân của công ty Panasonic hiện nay. Năm 42 tuổi thành lập thêm viện nghiên cứu Peace and Happiness through Prosperity (PHP). Năm 59 tuổi là người liên tục có thu nhập cao nhất Nhật Bản từ năm 1955-1959. Năm 1979, lúc 75 tuổi, lập học viện Matsushita Chính Kinh để đào tạo nhân tài về chính trị và kinh doanh. 

Ghi chú

  1. Ưu sinh học (eugenics) môn sinh học ứng dụng cải thiện nòi giống con người ưu việt hơn bằng di truyền học.
  2. Nhân tính: bản tính con người đã có khi chào đời.
  3. Kỹ năng: khả năng, tài năng sử dụng kỹ thuật.
  4. Shitsuke: người Trung quốc không có chữ Hán cho từ này, người Nhật tạo chữ Hán cho từ này bằng cách ghép chữ Hán của “thân” (chỉ thân thể) và “mỹ” (chỉ tốt đẹp) để diễn tả ý: tu thân sửa tánh thành con người tốt đẹp.
  5. Đạo lý: ở đây có thể hiểu là “quy luật”.
  6. Chính trực: ngay thẳng, không dối trá.
  7. Nguyên bản là “nước ta” nhưng ở đây dịch là Nhật Bản để dễ đọc hơn.
  8. Ý nói không truyền dạy hết một lúc mà chỉ truyền dạy mỗi lần một ít.

🌸🌸🌸🌸🌸




1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...