THIÊN MỆNH CỦA CON NGƯỜI
DÂN CHỦ CHÂN THẬT LÀ THẾ NÀO? -
Matsushita Kônosuke (*)
Dịch : Nguyễn Sơn Hùng
***
- Theo quy luật tự nhiên, con người được ban phú cho thiên mệnh chi phối vạn vật. Khi trí tuệ con người phát huy đúng thiên mệnh này, vạn vật sẽ tuân theo chi phối của con người.
- Để phát huy đúng trí tuệ con người cần phải tập trung chúng trí. Chúng trí là trí tuệ tối cao của xã hội con người có thể đạt được, chúng trí là đỉnh cao trí tuệ của thời đại lúc đó.
- Mọi người cần phải cùng nhau tự giác thiên mệnh con người, tập trung chúng trí và nâng cao hơn. Chính trị, kinh tế vận doanh bằng chúng trí cao sẽ đem xã hội đến phồn vinh.
***
Bản chất của con người là gì?
Có câu nói “Hãy biết bản thân mình” (1). Biết bản thân mình, có nghĩa là con người biết bản chất của chính mình, một vấn đề hình như từ xưa được xem là không phải dễ.
Dĩ nhiên ngay cả hiện nay cũng có nhiều người giải thích bản chất của con người từ nhiều góc độ khác nhau và trình bày các cách nhìn của họ. Mỗi cách nhìn hàm chứa giáo huấn riêng biệt đáng quý. Tuy nhiên nếu nói tất cả các nội dung này đã làm sáng tỏ được căn bản hoặc toàn thể bản chất của con người thì không hẳn vậy. Nói một cách khác, các nghiên cứu từ trước đến nay không thể nói là đã biểu hiện đích xác được hình ảnh thật sự của con người.
Do đó, tôi muốn thử làm rõ một bản chất của con người theo lập trường của tôi, nghĩa là tôi muốn diễn tả đích xác hình ảnh thật sự của con người từ quan điểm của thực hiện phồn vinh. Ở đây tôi thử tóm tắt toàn bộ nội dung cốt yếu của hình ảnh nói trên và đặt tên là “Đề xướng quan điểm mới về con người”.
Đề mục chủ yếu ở đây là con người là gì, con người đã được ban phú bản chất như thế nào, con người có địa vị gì trong vũ trụ, con người cần nên làm gì; nội dung tôi sẽ giải thích sau, trước hết xin được trình bày thử “Đề xướng quan điểm mới về con người”.
**
Đề xướng quan điểm mới về con người
Tất cả mọi vật tồn tại trong vũ trụ luôn được sinh thành (tạo ra) và phát triển không ngừng. Vạn vật mỗi ngày mỗi mới, sinh thành phát triển (2) là quy luật của tự nhiên.
Con người được ban phú cho khả năng vừa tuân thuận theo tác dụng sinh thành phát triển của vũ trụ vừa chi phối vạn vật như một bản chất của mình. Con người ngự trị vũ trụ, khoảng không gian mà sinh thành phát triển xảy ra không ngừng, khai thác năng lực vĩ đại tiềm tàng trong vũ trụ, phát hiện các bản chất cá biệt được ban phú cho vạn vật để phát huy và sử dụng hiệu quả với mục đích kiến tạo phồn vinh chân thật cả hai mặt tinh thần và vật chất.
Đặc tính trên của con người là thiên mệnh được ban phú theo quy luật tự nhiên.
Bởi vì được ban phú thiên mệnh nói trên nên con người là chúa tể của vạn vật, là người chi phối vạn vật. Nghĩa là con người căn cứ vào thiên mệnh này mà phán đoán thiện ác, quyết định phải trái, làm rõ ràng lý do tồn tại của tất cả mọi vật. Không có gì có thể phủ định phán quyết của con người. Con người thật sự là tồn tại tôn nghiêm vĩ đại.
Mặc dù được ban phú đặc tính ưu việt nói trên nhưng nếu nhìn tình trạng hiện thực cá biệt của con người thì không thể nói họ là những tồn tại đủ công chính (3) và có đủ năng lực để trông cậy. Trong khi con người không ngừng theo truy tìm phồn vinh nhưng lại thường rơi vào nghèo khốn, trong khi mong muốn hòa bình nhưng lúc nào đó lại phải lâm vào chiến tranh từ sáng đến tối, và muốn có hạnh phúc nhưng lại thường bị bất hạnh đột kích bất ngờ.
Những hình ảnh trên là chính là kết quả do con người không hiểu thấu thiên mệnh được giao phó của mình mà hành động theo sự cố chấp vào trí tuệ, tài năng và lợi hại riêng tư của mình.
Có nghĩa là sự vĩ đại của con người không thể phát huy đầy đủ trọn vẹn bằng trí tuệ cá biệt, tài năng của mỗi một cá nhân. Trí tuệ của nhiều người bắt đầu là các hiền triết thánh nhân đông tây, xưa nay, khi được nâng cao và đút kết dung hợp tự do không có cản trở sẽ thành trí tuệ tổng hợp của từng thời đại, và trở thành chúng trí (4) phát huy thiên mệnh. Chính chúng trí mới thật sự có thể cụ thể hóa rộng rãi quy luật tự nhiên vào sinh hoạt chung của con người, và là sức mạnh lớn nhất để phát huy thiên mệnh của con người.
Con người thật sự là tồn tại tôn nghiêm vĩ đại. Con người cần phải cùng nhau thức tỉnh sự vĩ đại của con người này và cần phải tự giác thiên mệnh được ban phú đó, đồng thời vừa nâng cao chúng trí vừa kinh doanh đại nghiệp sinh thành phát triển.
Sứ mệnh trường cữu của con người là tự giác và thực tiễn thiên mệnh. Mục đích của quan niệm mới về con người đề xướng ở đây là để làm rõ ràng ý nghĩa của sứ mệnh con người và mong muốn hoàn thành nó.
**
Trên là toàn văn của “Đề xướng quan điểm mới về con người”. Nếu tóm tắt, nội dung tôi muốn thưa với quý vị trong Đề xướng có 2 điều. Điều thứ nhất là bản chất của con người thật là vĩ đại. Điều thứ hai là để phát huy sự vĩ đại này cần phải dùng chúng trí của ý nghĩa thật sự. Tôi sẽ thưa sau về chúng trí, trước hết tôi thử nói về thiên mạng vĩ đại của con người.
Thiên mệnh của con người là chi phối vũ trụ
Để kiến tạo phồn vinh của con người cho nhau, trước hết chúng ta cần phải tự giác rõ bản chất của con người. Đây cũng là chủ trương của tôi từ trước đến nay, và tôi cũng đã phát biểu nhiều cách nhìn từ lập trường này. Nếu giới thiệu một trong nhiều cách nhìn nói trên thì đó là con người được ban phú cho bản chất làm người chi phối vũ trụ, chi phối thế gian. Nói cách khác, con người được ban phó cho quyền năng đủ để chi phối vạn vật.
Kế đến nếu hỏi tại sao con người được ban phú quyền năng thì lý do là lực của căn nguyên sáng tạo ra và vận hành vũ trụ, tức là căn nguyên vũ trụ lực đã thuận theo quy luật tự nhiên ban phú cho con người quyền năng này. Do đó, đây là mệnh lệnh tuyệt đối, là sứ mệnh tuyệt đối, nói khác đi tôi nghĩ có thể đặt tên là thiên mệnh.
Từ ngữ “chi phối” trong lời “chi phối vũ trụ” ở đây được dùng với ý nghĩa, nói tỉ dụ giống như người cưỡi ngựa giỏi chi phối con ngựa mà họ cưỡi, nghĩa là, con người phát huy và sử dụng hiệu quả tất cả mọi vật tồn tại trong vũ trụ cho mục đích phồn vinh của con người. Tôi nghĩ không nên dịch thẳng hoặc hiểu thẳng từ ngữ “chi phối” ở đây như ý nghĩa thông thường.
Tuy nhiên, có lẽ có nghi vấn cho rằng với lý lẽ gì mà có thể nói như trên? Trước hết, hãy gác lý lẽ sang một bên, nếu chúng ta yên lặng suy nghĩ, xem xét về lịch sử của con người, chúng ta sẽ thấy một sự thật khó thể lay chuyển, tức là không phải đơn thuần là lý lẽ mà là sự thật (5).
Thử suy nghĩ, con người đã cùng nhau đi qua quá trình mỗi ngày một tiến bộ từ thái cổ xa xưa cho đến nay. Dĩ nhiên trong khoảng thời gian này, có nhiều sai lầm, có nhiều hoang phí vô ích. Dù vậy nhìn từ đầu chí cuối, con người mỗi ngày một mới, đã tiến bộ theo ngày tháng. Ngoài ra, con người nghiên cứu đại tự nhiên hết cái này đến cái khác và nhờ sử dụng chúng hiệu quả nên con người dần dần lần theo được quá trình phồn vinh.
Có thể ngay cả trong thời đại con người hoàn toàn không có tự giác mình là chúa tể của vạn vật, con người ở trong trạng thái vô ý thức, đã phát triển theo sinh mệnh lực tiềm ẩn trong người, mỗi ngày càng cho thấy cụ thể hơn con đường của người chi phối vũ trụ, của người chi phối thế gian.
Con người là tồn tại vĩ đại
Nếu như con người không được ban phú cho bản chất như nói trên thì dù có nỗ lực cố gắng đến mức độ nào, cũng không thể lần theo con đường phát triển như đã trình bày (5).
Tỉ dụ, nếu như kim cương không được ban phú cho bản chất của kim cương thì dù có mài giũa loại đá đó đến đâu cũng không tỏa sáng. Chính vì bản lai là kim cương nên càng mài đá càng tỏa sáng đẹp, và đưa đá đến vị trí chúa tể của loài đá. Con người cũng vậy, chính do được ban phú bản chất của tư cách người chi phối vũ trụ nên dần dần đã thể hiện rõ ràng bản chất này và giữ được địa vị chủ tể vạn vật này.
Đây là sự thật khó lay chuyển, là quy luật tự nhiên mà sức lực của con người không thể chi phối; hùng biện hơn mọi thứ, là sự thật nói lên thiên mạng của con người (5). Đương nhiên tôi không nghĩ con đường mà con người đã đi qua là hoàn toàn lý tưởng, trái lại còn có nhiều sai lầm và nhiều vô ích hoang phí. Tôi nghĩ là điều này là đương nhiên, bởi vì trong quá trình tiến bộ của loài người, bản thân của con người chưa tự giác bản chất của mình đầy đủ. Tuy nhiên bản chất của con người dần dần được làm rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ phải chăng là sai lầm to lớn, là đi ngược với quy luật tự nhiên nếu như con người còn tiếp tục lập lại những sai lầm như từ trước đến nay và chồng chất thêm các điều vô bổ ích.
Không cần phải nói, mọi người chúng ta đều mong ước phồn vinh. Nếu như vậy, tôi nghĩ con người chúng ta cần sớm tự giác bản chất con người và căn cứ vào thiên mệnh được ban phú cho mỗi người để đi con đường phồn vinh đúng mà không bị sai lầm.
Nhờ con người được ban phú cho thiên mệnh nói trên nên con người có thể sống khéo léo trong vũ trụ, có thể nói như là có cách sống gần như chi phối tất cả vạn vật trong vũ trụ và có thể sử dụng tất cả cho phồn vinh của con người. Tuy nhiên tùy theo cách nhìn, có thể có ý kiến cho rằng việc sử dụng hiệu quả tất cả vạn vật trong vũ trụ cho mục đích phồn vinh của con người chẳng phải là độc đoán vì tư lợi của con người sao? Không phải, đây là quy luật tự nhiên vượt qua khả năng của con người. Có nghĩa là, việc quy định lấy con người là trung tâm của vạn vật là quy luật của tự nhiên nhất định không phải là độc đoán, ích kỷ của con người.
Tôi nghĩ con người vĩ đại đến mức độ được chấp nhận cho quyền năng nói trên, nghĩa là được ban phú cho địa vị thay mặt cho vũ trụ căn nguyên lực, và có thể phát hiện sứ mệnh của tất cả mọi vật, có thể phán đoán thiện ác, có thể quyết định phải trái. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng không có gì có thể chống đối lại phán quyết của con người. Con người thật sự là tồn tại vĩ đại.
Chính chúng trí là trí tuệ tối cao của con người
Dù nói con người được ban phú cho năng lực vĩ đại nhưng trên thực tế năng lực của một người không thể phát huy được vai trò vĩ đại này. Trí tuệ của một con người có giới hạn. Với trí tuệ này không phát hiện được năng lực vĩ đại, tôi nghĩ không những vậy mà ngược lại sẽ có sai lầm. Nghĩa là, thí dụ giả sử có một người nào đó tự phụ mình được ban phú cho bản chất vĩ đại của người chi phối vũ trụ rồi tự tiện một mình hành động theo ý mình. Hành động này đưa đến ngạo mạn, tự cho mình đúng rồi phạm sai lầm to lớn. Nói con người vĩ đại có nghĩa là trí tuệ của một con người không đủ nên phải tập trung chúng trí. Nghĩa là, khi hấp thu trí tuệ của mọi người rồi tổng hợp lại, và hành động theo phán định (6) của kết quả sau khi tổng hợp mới phát huy được sự vĩ đại của con người (5). Chính chúng trí này là trí tuệ tối cao của con người, nghĩa là anh trí, và có thể nói như là trí tuệ thay mặt cho ý chí của vũ trụ căn nguyên lực (5).
Thí dụ, giả sử có một xã hội chỉ có A và B. Ở xã hội, mỗi khi có việc gì, 2 người A và B cùng nhau thảo luận, tổng hợp trí tuệ của nhau lại rồi quyết định. Nếu làm theo cách này thì tất cả mọi việc đều đúng, không có gì có thể phủ định quyết định của hai người.Và như vậy đối với việc vận doanh xã hội này, cả A và B đều không trở thành nhà độc tài, cùng nhau bình đẳng đưa ra ý kiến và thực hiện theo kết luận mà cả hai đều đồng ý. Chỉ có thực hiện theo phương cách này thì công việc vận doanh xã hội mới viên mãn và lần theo con đường phồn vinh. Cách làm này khi số người trong xã hội tăng lên cũng vậy, không thay đổi. Nếu xã hội có 5 người thì chúng trí của 5 người, nếu xã hội của ngàn người thì chúng trí của ngàn người, cần phải tập trung tất cả mọi người không chừa lại ai.
Loại trí tuệ nào cũng hữu ích: người giỏi có trí tuệ của người giỏi, người ngu có trí tuệ của người ngu
Điều quan trọng cần phải chú ý ở đây là trí tuệ của đa số không phải chúng trí chân thật. Cái mà người đời cho là chúng trí thường là trí tuệ của đa số, nghĩa là ý kiến của đại bộ phận của người tham gia góp ý. Nói cách khác, nhiều trường hợp quyết định của đa số trở thành chúng trí. Thí dụ, trong 10 người có 8 người có ý kiến nhất trí với nhau và chỉ có 2 người có ý kiến phản đối thì người ta lấy ý kiến của 8 người làm ý kiến của toàn thể và cho đó là chúng trí.
Tuy nhiên, trí tuệ của đa số như trên không phải là chúng trí chân thật (5). Nếu như có 10 người thì chúng trí cần phải tự do và bình đẳng hấp thu hết tất cả trí tuệ của 10 người không bỏ qua trí tuệ của người nào và tổng hợp các trí tuệ này lại. Cách này vẫn không thay đổi cho dù số người là ngàn hoặc 10 ngàn. Tôi nghĩ là không được bỏ sót một người. Dù cho là trí tuệ của đại trí giả hoặc trí tuệ của người ngu tất cả đều cần phải được hấp thu và tổng hợp bình đẳng với cùng điều kiện như nhau, trí tuệ lớn có hương vị riêng của lớn, trí tuệ nhỏ có hương vị riêng biệt của nhỏ. Nếu như trí tuệ của 1 người bị bỏ qua thì dù cho là 1 người trong 100 triệu người cũng không thể gọi là chúng trí chân thật (5).
Nếu nói lý do, thì bởi vì người khôn có trí tuệ tương ứng của người khôn, người ngu có trí tuệ tương ứng của người ngu, mỗi loại trí tuệ vĩ đại đều được ban phú theo quy luật tự nhiên. Bởi vì dù cho là người ngu nhưng nếu chúng ta lắng nghe với tâm tự nhiên (7) chúng ta sẽ thấy trong trí tuệ của họ cũng tiềm ẩn những điều đáng nên lắng nghe.
Chủ nghĩa dân chủ ngày nay là xuất hiện của một cơ chế xã hội loại bỏ độc tài, và căn cứ vào chúng trí. Tuy nhiên cơ chế của chủ nghĩa dân chủ hiện tại lấy trí tuệ của đa số làm trung tâm hơn là lấy chúng trí cho nên chưa có thể nói là đầy đủ (5).
Dĩ nhiên có nhiều nghi vấn cho rằng tập trung chúng trí như nói trên thật sự có khả năng không? (5) Tuy nhiên, nếu con người chúng ta mong muốn cùng nhau có phồn vinh, trước hết dù thế nào đi nữa cũng phải thực hiện cho được việc này, cần phải nỗ lực tập trung chúng trí không bỏ sót người nào (5).
Ngày nay như một bước đầu của việc tập trung chúng trí, nhân loại đã lập ra cơ chế chủ nghĩa dân chủ. Hiện nay cơ chế này chưa được hoàn hảo nhưng bởi vì trí tuệ con người còn có thể tiến bộ vô tận nên rồi đây chắc chắn cơ chế xã hội hoàn hảo có thể tập trung chúng trí chân thật sẽ được sáng tạo ra (5).
Cần phải không ngừng nâng cao chúng trí
Kế đến, để tập trung chúng trí như nói trên cần có nhiều điều kiện không thể thiếu (5). Điều thứ nhất là khi thu thập chúng trí cần phải loại bỏ mọi quyền lực. Quyền lực dựa vào vũ lực, quyền lực dựa vào tiền tài, và nếu như ngăn trở việc thu thập chúng trí, ngay cả quyền lực dựa vào trí tuệ cũng cần phải loại trừ đi (5). Thí dụ, dù là trí tuệ của đại trí giả nhưng khi đề xuất trí tuệ cần phải được xem như một phần của chúng trí và được hấp thu dưới lập trường tương tự như người ngu (5).
Người đời thường trọng vọng quá đáng ý kiến của đại trí giả nên đứng trước ý kiến của đại trí giả ý kiến của người ngu mất hết ánh sáng. Tuy nhiên dù là trí tuệ của người ngu, người ngu cũng đã tận sức đề xuất tương ứng với trí tuệ của họ nên cần phải mở rộng thái độ phát huy trí tuệ đó trong trí tuệ của toàn thể (5). Thí dụ, trường hợp có chiến tranh, người có sức mạnh sẽ hoạt động hữu hiệu ở tuyến đầu của trận chiến, những người sức yếu ở hậu phương lãnh vai trò nấu ăn. Đối với việc nấu ăn, ngược lại có lẽ người sức yếu sẽ giỏi hơn.
Như vậy khi mà tất cả mọi con người được sử dụng hiệu quả không sót ai, người nào tương ứng với sở trường, hương vị của người đó, sức lực tổng hợp của toàn thể sẽ có tác dụng rất to lớn. Tập trung chúng trí là có ý nghĩa như vậy.
Việc kế tiếp cần phải nghĩ đến là không ngừng nâng cao chúng trí. Chúng trí tùy theo trình độ của thời đại và quốc gia mà khác đi. Thí dụ, chúng trí của một quốc gia vào ngàn năm trước là tối cao vào thời đó nhưng nếu nhìn từ thời đại ngày nay thì rất thấp kém là việc thường có. Do đó chúng trí tự nó là trí tuệ càng ngày càng cao lên và con người chúng ta cần phải nâng cao chúng trí. Làm như vậy chúng trí càng cao, thiên mệnh của con người càng biểu hiện cụ thể rõ hơn, và con đường đi đến phồn vinh trở thành có khả năng (5).
Nội dung đã trình bày trên mặc dù rất đơn giản nhưng đã tạm kết thúc được “Đề xướng quan điểm mới về con người” và giải thích về thiên mệnh của con người. Sau cùng tôi hết lòng mong ước mọi người chúng ta tự giác thiên mệnh của mình, và sớm kiến tạo được xã hội phồn vinh bằng chúng trí.
Ghi chú: Nội dung chi tiết về “Thiên mệnh của con người” và “Đề xướng quan điểm mới về con người” xin tham khảo thêm quyển “Suy nghĩ về con người” (Viện nghiên cứu PHP, 1995) (tiếng Nhật).
Nguyễn Sơn Hùng
6/2/2021
(*) Nguồn: “Thiên mệnh của con người” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke”, cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 59~71. Tựa phụ do dịch giả đặt. Bài thứ 38 được đăng vào tháng 9 năm 1951 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.
Ghi chú
Cách ngôn Hy Lạp cổ đại được ghi trên cổng vào của thần điện Appolo ở Delphi.
“Sinh thành phát triển” là từ ngữ do Matsushita Kônosuke bắt đầu sử dụng vào ngày 2/3/1949 trong khi trả lời các câu hỏi trong buổi thuyết trình thân mật do Viện nghiên cứu PHP tổ chức. “Sinh thành” có nghĩa là phát sinh, tạo ra, hình thành. “Sinh thành phát triển” là một trong những khái niệm triết học quan trọng của tác giả nên ở đây dịch giả giữ nguyên từ Hán Hòa này vì từ “sinh thành” cũng không khó hiểu trong tiếng Việt. Độc giả có thể hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ này qua bài viết nên không chú thích thêm ở đây.
Công chính: công bằng và ngay thẳng.
Nghĩa thông thường của “chúng trí” là trí tuệ đại chúng, trí tuệ quần chúng hoặc trí tuệ của nhiều người nhưng “chúng trí” của tác giả là trí tuệ của tất cả mọi người (xem phần dưới của bài này), nên chú ý trí tuệ của đa số không phải chúng trí theo quan niệm của tác giả. Chúng trí là một khái niệm triết học quan trọng của tác giả. Quan điểm về “điều hòa” các chủ trương của tác giả quan trọng để hiểu thêm về phương cách tập trung chúng trí của tác giả. Tác giả trình bày quan điểm về “điều hòa” trong “Lời ngỏ PHP” thứ 6 và thứ 17 với tựa đề theo thứ tự là “Tư tưởng điều hòa” và “Bản chất của điều hòa". Để phân biệt 2 loại chúng trí nói trên, dịch giả nghĩ có thể gọi “chúng trí” theo định nghĩa của tác giả là “chúng trí tuyệt đối” còn chúng trí theo nghĩa thông thường là “chúng trí tương đối” hoặc đơn giản hơn là “trí tuệ đại chúng” hoặc “trí tuệ quần chúng”.
Trong nguyên bản tác giả dùng rất nhiều câu “tôi nghĩ”, có thể với mục đích tỏ bày lòng khiêm tốn của tác giả và thích hợp với thính giả hoặc độc giả vào thời điểm đó nhưng gây ấn tượng tác giả thiếu tự tin đối với độc giả ngày nay và chiếm giấy nên ở đây dịch giả tích cực bỏ bớt và ghi chú với ký hiệu (5).
Phán định: phán đoán và quyết định.
Tâm tự nhiên (nguyên văn là sunao na kokoro) là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).
Bài viết rất bổ ích
Trả lờiXóa