Năm 2020 vừa qua là một năm đầy biến động. Không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp nơi thế giới. Chủ yếu là do dịch Covid-19 và những biến động trên bàn cờ chính trị quốc tế gây ra.
Năm 2021 đang đến, tuy còn ẩn chứa nhiều bất định, nhưng ánh sáng dường như đã le lói ở cuối đường hầm. Vaccine chống Covid-19 đã ra đời và đang đi vào thử nghiệm. Các thế cờ chính trị quốc tế cũng có dấu hiệu bớt dần sự hỗn loạn.
Những gì đã xảy ra của năm 2020 vừa qua cho thấy đây là một năm đầy rẫy khó khăn, nhiều lúc rơi vào ngưỡng khủng hoảng. Nhưng nếu nhìn từ góc nhìn lạc quan thì đây đúng là sự kiện “trăm năm có một”.
Sự kiện “trăm năm có một” này có thể là khó khăn “trăm năm có một”, hoặc cơ hội “trăm năm có một”, tùy theo góc nhìn và khả năng nắm bắt của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.
Ai, doanh nghiệp nào, quốc gia nào vượt qua được những khó khăn này, tận dụng được sự kiện “trăm năm có một này”, sẽ vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch.
Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều người đã tận dụng thời khắc đặc biệt này để chuyển đổi thói quen và cách thức làm việc, cách thức quản trị điều hành thành công, để không chỉ duy trì được nhịp độ công việc trong đại dịch, mà còn mở ra được các đường hướng phát triển mới.
Tôi cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn phát triển mạnh trong đại dịch, mà còn tái cấu trúc thành công, đổi mới quản trị và điều chỉnh chiến lược để mở ra được các cánh cửa phát triển mới.
Ở cấp độ quốc gia, tôi cũng chứng kiến đất nước mình đã chèo lái tương đối thành công, tạm vượt qua cơn biến động để thiết lập được trạng thái “bình thường mới”.
Tuy còn chưa rõ ràng, nhưng một số chỉ dấu cho thấy chúng ta đã tận dụng được một phần của sự kiện “trăm năm có một” này. Bằng chứng là năm 2020 này, tổng sản phẩm quốc nội của chúng ta (GDP), lần đầu tiên có cơ hội qua Thái Lan, Singapore và Philipines để vươn lên ở khu vực Đông Nam Á.
Sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trong 11 tháng đầu năm đạt hơn 26 tỉ USD, và sự xuất hiện của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, cũng là một chỉ dấu đáng lưu ý khác.
Nhưng quan trọng hơn các con số về đầu tư và GDP đó, trong sự khó khăn và biến động của năm 2020, chúng ta dường như tìm lại được chính mình! Trong ứng xử với đại dịch, trong định vị bản thân, và trong việc tiếp nối truyền thống về phổi hợp và quản trị trong khủng hoảng.
Chúng ta đã không bị lạc lối trong rừng truyền thông và các xu hướng để trở về những giá trị rất Việ Nam. Đó là nghệ thuật tự vệ nhân dân, tinh thần kỷ luật trong phối hợp hoạt động, tinh thần tương thân tương ái và gắn kết cộng đồng, năng lực xoay xở để khắc phục khó khăn, tinh thần lạc quan sống…của người Việt.
Những người trẻ tuổi sih ra sau chiến tranh lần đầu tiên được chứng kiến và phối hợp hoạt động đảm bảo an toàn trong đại dịch trên quy mô toàn quốc, trong một hình thức tự vệ vừa mới lại vừa cũ.
Mới vì tình huống mới và hoàn cảnh mới. Cũ vì cách thức phản ứng lại bắt nguồn từ nghệ thuật tự vệ nhân dân có truyền thống cả nghìn năm.
Vì lẽ đó, sự phối hợp của toàn dân trong việc ứng phó với đại dịch năm qua không chỉ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, mà còn như một cơ hội để tìm lại chính mình và một chiến dịch tập dượt lớn cho một cuộc vươn mình mới.
Những giá trị truyền thống của người Việt, đã từng bị cuộc sống bận rộn đời thường và những mặt trái của thị trường cuốn đi, nay bỗng chốc hiện hình trở lại.
Trong cơn gian khó, năng lực tự vệ, tinh thần kỷ luật, lá lành đùm lá rách, lạc quan sống,… bỗng trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch, các giá trị này từng bước kết tinh thành những câu chuyện, những thành mạch nguồn văn hóa, len lỏi trong đời sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và tổ chức.
Vì thế có thể nói, trong cơn nguy biến, ta bỗng nhiên tìm lại được chính mình!
Chúng ta đã tìm lại được chính mình nhờ việc làm sống lại những giá trị của chúng ta, khai mở lại sức mạnh nội tại của chính chúng ta, chứ không phải theo những lý thuyết, mô hình nhập khẩu của bên ngoài.
Khi giao thương và đi lại với thế giới bị đình hoãn, khi truyền thông quốc tế bị cuốn theo khủng hoảng, thì trở về với những giá trị của dân tộc để trụ vững và sống sót trở thành một nhu cầu và một lựa chọn gần như tất yếu.
Những biến động thời cuộc ở tại các cường quốc trên thế giới cũng làm cho những người quan tâm phải suy nghĩ và nhận ra một điều rằng: Muốn phát triển bền vững, phải tự lập và vươn lên bởi sức mạnh của chính mình.
Như cô con gái nhỏ của chúng tôi, việc du học sau phổ thông gần như là một mặc định. Nhưng do dịch Covid-19 bùng phát mà con tôi đã lựa chọn học tập ở trong nước. Thay vì ra đi, con tôi đã ở lại, và trở về với các giá trị của dân tộc, không chỉ trong hoạt động, mà cả trong tâm tưởng.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy, Việt Nam thường chỉ phát huy sức mạnh khi bị dồn vào thế đường cùng.
Đại dịch Covid-19 tuy chưa phải đường cùng, nhưng đã dồn cả thế giới vào khó khăn và chạm ngưỡng khủng hoảng.
Trong hoàn cảnh đó, chúng ta lại một lần nữa chứng minh được khả năng thích ứng và năng lực xoay xở khi phối hợp ứng phó trên quy mô lớn để từng bước thiết lập trạng thái “bình thường mới” và duy trì sự ổn định tương đối trong đời sống kinh tế - xã hội.
Theo dự báo, năm 2020 tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt mức gần 3%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2021, Việt Nam cũng thuộc nhóm nước được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Trước đây, nhiều lần chúng ta bị dồn vào thế chân tường, như những năm 1985 khi lạm phát ba chữ số và nền kinh tế gần như vỡ vụn. Cả nước đối mặt với nguy cơ bị đói.
Nhưng trong các lần trước đó, sự vùng thoát của chúng ta là tự phát và nặng tính bản năng khi ở thế đường cùng. Còn lần này, sự xoay xở để ứng phó của chúng ta magn tính tự giác và có sự phối hợp trên quy mô lớn.
Quan trọng hơn, chúng ta ý thức được việc phải chủ động khắc phục, phải dựa vào chính mình, thay vì trông chờ vào các thế lực bên ngoài.
Các mỹ từ vẫn tồn tại trong các bài diễn văn. Các khẩu hiệu vẫn xuất hiện đều đặn trên truyền thông như vốn có. Nhưng bên cạnh đó, có một dòng chảy của các giá trị gốc, âm thầm và bền bỉ, trong từng người dân, trong từng doanh nghiệp, để xoay xở trước khó khăn và xác lập một tinh thần lạc quan sống.
Đó là bước chuyển rất ý nghĩa, khi ý thức phát triển của dân tộc được đánh thức, khi kỹ năng sinh tồn của dân tộc được vực dậy, trong sự tự giác, kỷ luật và phối hợp ở quy mô lớn.
ĐỂ TÁI SINH VÀ ĐỂ VƯƠN MÌNH
Lịch sử của các quốc gia có thể đã kéo dài hàng nhìn năm, nhưng sự phát triển của các quốc gia trên thực tế chỉ được quyết định trong khoảng 150 năm trở lại đây, kể từ khi xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào những năm 1870s.
Đó là khi động cơ hơi nước xuất hiện ở nước Anh, làm ra đời nền sản xuất đại công nghiệp. Nước Anh và châu Âu đã làm chủ làn sóng công nghiệp lần thứ nhất này để vươn lên làm bá chủ thế giới. Anh quốc, quê hương của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, trở thành quốc gia thống trị thế giới ở thế kỷ 19.
Đến đầu thế kỷ 20, dòng điện xoay chiều và động cơ điện ra đời ở nước Mỹ, đã khởi động cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Nhờ đó, nước Mỹ đã vươn lên, cùng với các nước châu Âu, đã làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai này và trở thành lực lượng dẫn dắt thế giới.
Đến nửa sau thế kỷ 20, mạch điện tử tích hợp (IC) ra đời, đã tạo ra các sản phẩm điện tử, máy tính và các dây chuyền tự động hóa. Sự kiện này đã khởi xướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với đỉnh cao là sự ra đời của máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và mạng internet kết nối toàn thế giới.
Bên cạnh các nước công nghiệp ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản xuất hiện từ cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, một số nước mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã tận dụng được các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba mang lại để trở thành nước công nghiệp mới, những con rồng con hổ mới của châu Á.
Khi nhìn lại cả ba cuộc cách mạng công nghiệp đó, chúng ta sẽ thấy số phận hẩm hiu của chính chúng ta, khi ta phải chịu thân phận của kẻ ngoài cuộc, hoặc của là kẻ lỡ tàu.
Trong hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, ông cha chúng ta không biết đến, thậm chí không có chút ý niệm gì về nó. Đất nước chúng ta khi đó hoặc ở trong tình trạng bế quan tỏa cảng, và sau đó là mất độc lập vào tay ngoại quốc.
Đặc biệt, dân trí của nước ta trong thời kỳ đó vô cùng thấp. Thói quen sản xuất và văn hóa xã hội vẫn là làng xã tiểu nông. Tất cả những gì cha ông ta nghĩ đến, và muốn làm, là giành lại độc lập để xây dựng một mô hình kinh tế - xã hội… y như cũ.
Vì lẽ đó, với hai cuộc cách mạng công nghiệp này của thế giới, đất nước ta là kẻ ngoài cuộc.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, diễn ra từ những năm 1960-2010, chúng ta tuy có ý thức được sức mạnh của khoa học công nghệ, nhưng dân trí vẫn còn thấp, đất nước lại trong tình trạng chiến tranh khốc liệt. Mô hình tổ chức xã hội cũng có nhiều sai lầm, không phù hợp với sự vận động của thời đại công nghiệp, nên dù có biết thoáng qua, chúng ta cũng không thể tham gia cuộc đua công nghiệp toàn cầu này.
Ưu tiên lớn nhất của chúng ta khi đó là giành độc lập và giành chiến thắng trong cuộc chiến về ý thức hệ, một hệ quả của lịch sử mà một khi đã bước chân vào thì rất khó thoát ra.
Đến khi chiến tranh thực sự kết thúc, đất nước có thể hội nhập với quốc tế, thì đã quá trễ và chúng ta đã quá kiệt quệ. Chuyến tàu công nghiệp 3.0 đã rời ga. Chúng ta đã trở thành kẻ lỡ tàu.
Riêng Trung Quốc, do mở cửa sớm gần mười năm so với Việt Nam, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đang vào cao trào, nên đã kịp nhảy lên tàu như vị hành khách cuối. Khoảng cách của chúng ta so với Trung Quốc về mặt kinh tế, vì thế là khoảng cách của một cuộc cách mạng công nghiệp.
Khoảng vài năm trở lại đây, thế giới chuyển mình để bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, robot thông minh… Việc sản xuất và phân phối hàng hóa, tổ chức giao thương và đời sống xã hội cũng sẽ theo đó mà thay đổi hoàn toàn.
Nói cách khác, một cuộc chơi lớn toàn cầu, có vai trò lập lại trật tự của thế giới và xác định lại vị thế của các quốc gia khoảng 30-50 năm tới đã bắt đầu.
Nhưng khác với ba lần trước, trong cuộc cách mạng lần thứ tư này, tình thế sẽ hoàn toàn khác đối với chúng ta. Đây là lần đầu tiên chúng ta biết đến, và được tham gia ngay từ đầu, một cuộc chơi lớn, ở quy mô toàn cầu, trong tình trạng đất nước không có chiến tranh và chia cắt.
Dân số của chúng ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng, khi độ tuổi trung bình của dân số là khoảng 33 tuổi. Dân trí của chúng ta cũng tạm đủ để tham gia cuộc chơi này, khi có hàng triệu người đã được đào tạo qua bậc cao đẳng và đại học, hàng chục nghìn người đã đi du học và có thể trở về.
Đây là cơ hội chưa từng có trong lịch sử của đất nước chúng ta. Cơ hội này không phải do chúng ta tạo ra, mà do thời đại mới mang tới.
Nhiệm vụ của chúng ta, những người đang sống trong những tháng ngày này, là phải ý thức được, và nỗ lực để tận dụng thành công cơ hội lịch sử này, tạo một bước chuyển cho lịch sử đất nước, giúp cho đất nước của chúng ta cất cánh thành công, trở thành một nước phát triển trong khoảng 30 năm tới.
Nếu lỡ chuyến tàu này, chúng ta dường như không còn cơ hội. Đất nước của chúng ta sẽ mãi mãi cam phận là một nước nhược tiểu chậm phát triển, vì những đặc thù của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dẫn đến kết cục này.
Trong cuộc vươn mình này, các yếu tố kỹ thuật chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ, cũng là yếu tố quyết định thành công sẽ nằm ở ý thức, tâm thế và quyết tâm của những người tham dự cuộc chơi này.
Nếu đua về kỹ thuật, chúng ta còn tụt hậu xa so với các nước và sẽ không có cơ hội để thắng. Công nghiệp của chúng ta vẫn còn lạc hậu và manh mún. Trình độ sản xuất trong lĩnh vực còn ở mức 1.0. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác, chúng ta cũng có các mũi nhỏ đã chạm vào trình độ của công nghiệp 4.0.
Đây là chỉ dấu cho thấy, chúng ta có thể thâm nhập để thích nghi và từng bước làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Những chỉ dấu đó, cộng với cách thức chúng ta phản ứng và từng bước khắc phục các khó khăn trong đại dịch Covid-19, làm cho chúng ta cảm thấy tự tin lên rất nhiều.
Nói cách khác, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để thành công trong cuộc trỗi dậy này đang nằm chính bên trong chúng ta. Đó là các giá trị và sức mạnh nội tại của người Việt đã được kết tinh và thử thách từ hàng nghìn năm đang chờ được khai mở và khôi phục lại.
Nếu không khôi phục được các giá trị này, và nếu không khai mở được sức mạnh nội tại này, thì chúng ta sẽ chỉ là những kẻ lang thang trên chính đất nước mình, không thực sự biết mình là ai, mình muốn gì và sẽ đi về đâu.
Khi đó, dù cơ hội có bày ra ngay trước mắt, chúng ta cũng không thể nắm bắt và vươn mình trỗi dậy.
Năm 2020 với nhiều khó khăn và biến động, khi cả thế giới bị dồn vào thế bị động và đứt gãy, chúng ta dường như lại tìm được chính mình.
Với nghệ thuật tự vệ nhân dân, với tinh thần kỷ luật và tương thân tương ái, với góc nhìn lạc quan về cuộc sống, khả năng tự xoay xở, chúng ta đã thành công bước đầu để làm chủ những trạng thái “bình thường mới”.
Nếu như trước đây, chúng ta vẫn bị cười nhạo khi thường xuyên biến cơ hội thành thách thức, thách thức thành khó khăn, khó khăn thành khủng hoảng, thì lần này, tiến trình có vẻ đã được đảo ngược.
Chúng ta đã từng bước biến khủng hoảng thành khó khăn, khó khăn thành thách thức, thách thức thành cơ hội. Và thực tế cho thấy, khi thế giới còn mắc kẹt trong khủng hoảng và khó khăn, thì chúng ta đã từng bước tận dụng được cơ hội mới để phát triển.
Vậy nên, trước thềm năm mới, xin chúc tất cả chúng ta cùng tìm lại được chính mình và tái sinh để vươn mình, trong một thời đại mới với nhiều cơ hội mới.
Giáp Văn Dương
Nguồn: Bài đã đăng TheLeader, đây là bản trên FB của tác giả
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa