Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Tại sao Ai Cập và Ethiopia tranh cãi về một con đập trên sông Nile? ( Nghiên Cứu Quốc Tế )

 

Nguồn: Why is the Grand Ethiopian Renaissance Dam contentious?”, The Economist, 11/02/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Các con đập có một số công dụng. Chúng tạo ra điện, trữ nước để tưới tiêu và ngăn lũ lụt. Chúng cũng có thể gây ra tranh chấp và những sự đau lòng — ví dụ như về thiệt hại đối với môi trường hoặc việc di dời những người dân bị mất nhà vì xây đập. Việc xây dựng một con đập trên sông Nile đã gây ra một cuộc tranh cãi giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan. Đập Grand Ethiopia Renaissance Dam (Đập Đại Phục hưng Ethiopia – GERD), trị giá 5 tỷ đô la, sẽ là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi sau khi đi vào hoạt động đầy đủ vào cuối thập niên này. Nằm trên sông Nile Xanh ở phía bắc Ethiopia, tức phía thượng nguồn so với Ai Cập và Sudan, con đập sẽ sản xuất 6.000 megawatt điện, gấp đôi so với toàn bộ sản lượng điện hiện tại của Ethiopia. Mặc dù con đập có thể mang lại cho khu vực một sự thúc đẩy kinh tế lớn, các quan chức của ba nước đã không đạt được thỏa thuận về cách vận hành con đập. Và chính phủ Ai Cập thậm chí đã tính đến việc ném bom nó. Vào tháng Giêng, một vòng đàm phán trực tuyến khác đã thất bại. Vậy tại sao GERD lại gây tranh cãi như vậy?

Ai Cập lo lắng rằng con đập sẽ bóp nghẹt dòng nước sống còn của sông Nile. Họ có lý do chính đáng để lo lắng. Khoảng 95% lượng nước được tiêu thụ bởi 115 triệu người dân Ai Cập được lấy từ sông Nile. Các con đập trước đây trên sông Nile đã làm thay đổi các cơn lũ và lưu lượng phù sa mà nước này dựa vào để trồng cây lương thực. Các Hiệp định về Nước sông Nile năm 1929 và 1959 đã trao cho Ai Cập và Sudan quyền sử dụng tất cả nguồn nước giữa hai bên, và cho Ai Cập quyền phủ quyết đối với các dự án xây dựng ở thượng nguồn. Ethiopia, quốc gia bị loại khỏi các thỏa thuận này, không công nhận chúng, dẫn đến sự bất đồng về tác động của GERD.

                     Vị trí con đập gây tranh cãi. Nguồn:  The Economist.

Rất khó để đánh giá tác động chính xác của con đập mới đối với các nước hạ nguồn. Một số nghiên cứu cho rằng Ai Cập có thể mất gần một nửa lượng nước nếu Ethiopia lấp đầy hồ chứa trong khoảng thời gian 3 năm. Ethiopia cho biết họ có kế hoạch nâng mực nước chậm hơn mức đó. Mặc dù vậy, chắc chắn con đập sẽ giúp Ethiopia kiểm soát tốt hơn lượng nước của con sông.

Ai Cập muốn có một thỏa thuận ràng buộc pháp lý đối với dòng chảy của sông và yêu cầu Ethiopia phải xả một lượng nước nhất định để bổ sung nguồn nước cho sông Nile, đặc biệt là trong trường hợp hạn hán, sau khi con đập đi vào hoạt động. Ethiopia cho biết họ muốn thỏa thuận về các nguyên tắc không có tính ràng buộc pháp lý như vậy. Cho đến gần đây, Sudan đã đứng về phía Ethiopia. Nhưng thái độ của Sudan gần đây đã thay đổi. Vào cuối tháng 11/2020, các quan chức Sudan đã ghi nhận sự thay đổi “đột ngột” lượng phù sa trong nước chảy đến đập Roseires của Sudan, nằm ở hạ lưu so với đập GERD. Một cuộc trao đổi thư từ giữa hai nước xác nhận rằng Ethiopia đã xả một lượng nước từ GERD mà không cảnh báo trước. Các quan chức Sudan lo ngại rằng lượng nước xả lớn có thể làm ngập con đập của họ, vốn có dung tích chứa chưa bằng một phần mười so với siêu dự án của Ethiopia.

Dù có hay không có Sudan, Ai Cập cũng không sẵn sàng chấp nhận thất bại. Hơn nữa, Abiy Ahmed, thủ tướng Ethiopia, có thể đang quá bận tâm với các vấn đề trong nước để có thể giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Vào tháng 11, nước này lại rơi vào cuộc nội chiến giữa chính phủ liên bang và vùng Tigray. Trong những tuần gần đây, căng thẳng đã bùng phát giữa các lực lượng Sudan và dân quân từ Amhara, một vùng của Ethiopia, xoay quanh các khu vực đất nông nghiệp đang tranh chấp. Các cuộc đụng độ quân sự chắc chắn sẽ làm trì hoãn hơn nữa các cuộc đàm phán về con đập. Liên minh châu Phi đã cố gắng làm trung gian cho tranh chấp về GERD. Hồi tháng 9/2020, Mỹ đã đình chỉ một số viện trợ cho Ethiopia trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nước này tiến tới một thỏa thuận. Áp lực quốc tế có thể sẽ là chìa khóa để bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Nhưng đừng mong đợi một thỏa thuận nhanh chóng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...