Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Phước Lộc Thọ

 祿 

Happiness - Wealth - Longevity


Phước - Lộc - Thọ là ba vị Thiên Quân tượng trưng:

·         Phước tượng trưng sự hạnh phúc, con cháu đông đảo.

·         Lộc tượng trưng sự giàu có và có quan tước.

·         Thọ tượng trưng sự sống lâu và an nhàn.

Thờ Phước Lộc Thọ là thờ Cửu Huyền Thất Tổ chung của mọi người, tức là thờ Ông Bà chung.

Sự tích của Tam vị Thiên Quân Phước Lộc Thọ như sau:

Phước Lộc Thọ là tên của ba ông: ông Phước, ông Lộc, ông Thọ, vào đời nhà Đường bên Tàu.

- Ông PHƯỚC có đức Trời ban, có con đông, nhưng nhà nghèo, lòng dạ chơn thật, tự lực cánh sinh, không chịu nhờ vả ai, tin tưởng vận mạng của mỗi người do Trời định, nên giữ lòng thanh bạch, không tham vọng.

- Ông LỘC có đức Đất cho, làm quan lớn tại triều đình, nhà giàu có lớn, tiền của dẫy đầy, có kẻ hầu người hạ, tánh tình hòa nhã, thanh liêm, một lòng vì nước vì dân, giàu lòng nghĩa hiệp, hay trợ khó giúp nghèo, mến hiền trọng đạo.

- Ông THỌ có đức do Người tạo, độc thân, sống lâu hơn mọi người, có lòng nghĩa hiệp, hay giúp đỡ người nghèo khổ, chỉ sống bằng nghề ăn trộm, một năm chỉ ăn trộm một lần để nuôi thân suốt năm, không ham lấy thêm, gặp người quá nghèo khổ thì đi ăn trộm của nhà giàu, đem tiền đến cứu giúp.

Sự tích ba ông Phước, Lộc, Thọ được Đức Phạm Hộ Pháp giảng giải trong đêm giao tòa nhà mới vừa xây cất xong vào năm 1947 dành cho Hiệp Thiên Đài làm Văn phòng của chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, có đông đảo Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài tham dự.

"Ba ông Phước, Lộc, Thọ cùng ở một thôn.

Hoàn cảnh của ba ông khá đặc biệt:

- Ông Phước thì nghèo khổ mà đông con.

- Ông Lộc thì làm quan, giàu có mà không con.

- Ông Thọ thì có nghề sở trường là ăn trộm, đi làm việc một đêm đủ tiền chi dụng một năm, ngoài ra chẳng làm gì khác.

Một hôm, ông Thọ khởi sự hành nghề ăn trộm, đang đêm đi ngang qua nhà ông Phước, thấy đèn còn thắp leo lét, ghé vào đứng bên ngoài xem, nghe vợ của Phước than thở nghèo khổ, con cái quần áo tả tơi. Ông Thọ thấy vậy cảm động đem lòng thương xót thầm, nghĩ rằng: đêm nay, mình đi ăn trộm chuyến nầy để giúp Anh Phước đỡ nghèo, có tiền mua gạo ăn và sắm quần áo cho đàn con đông đảo.

Nghĩ vậy rồi liền thực hành, đi đến nhà ông Lộc, rình cho đến khuya, đợi tôi tớ trong nhà ngủ say, mới đánh ngạch vào nhà, mở tủ lấy trộm được một số vàng bạc khá nhiều, bọc vào một cái khăn, rút lui êm tịnh, không ai trong nhà hay biết.

Ông Thọ liền đi ngay đến nhà Anh Phước, trời vẫn còn khuya, kêu Anh Phước dậy mở cửa, đốt đèn lên. Phước hỏi ông Thọ, nửa đêm kêu cửa có việc chi cần gấp?

Ông Thọ nói:

- Tôi đem giúp Anh một gói vàng bạc đây để Anh chi dụng trong nhà, mua gạo và sắm quần áo cho sắp nhỏ.

Ông Phước hỏi:

- Vàng bạc ở đâu mà Anh có nhiều như vậy?

Ông Thọ đáp:

- Của tôi đem đến giúp Anh thì Anh cứ nhận mà dùng, hơi nào hỏi lòng vòng lôi thôi.

Ông Phước nói:

- Xin Anh cho biết rõ của nầy do đâu mà có thì tôi mới dám nhận sự giúp đỡ của Anh, chớ tôi thấy Anh đâu có giàu gì!

Ông Thọ túng thế phải nói thiệt:

- Số vàng bạc nầy do tôi lấy trộm của nhà giàu để đem lại giúp Anh cho đỡ nghèo.

Ông Phước nói:

- Tưởng đâu Anh làm ăn khá giả, dư tiền dư bạc mà giúp tôi, nào dè Anh đi ăn trộm, thì vàng bạc nầy là của phi nghĩa, là của gian, tôi không dám nhận đâu, Anh hãy đem về đi.

Hai đàng nói qua nói lại một hồi, ông Phước nhứt định không nhận và có vẻ giận, rồi mời Anh Thọ ra khỏi nhà, đóng cửa đi ngủ trở lại.

Ông Thọ lấy làm lạ cho Anh Phước nầy, nhà nghèo rớt mồng tơi, đói nheo nhóc mà lại không chịu nhận vàng bạc bất nghĩa. Mình chẳng lẽ lấy số vàng bạc nầy về xài thì tỏ ra kém hơn Anh ta nhiều quá, nên quyết liều đem lại trả cho ông Lộc.

Ông Thọ suy nghĩ như thế, liền trở lại nhà ông Lộc, kêu mở cửa, rồi vào nhà nói rõ cho ông Lộc biết:

- Hồi đêm hôm, tôi có lén đào ngạch vào nhà ông ăn trộm một số vàng bạc để đem lại giúp cho Anh Phước, vì thấy Anh Phước nhà quá nghèo mà lại đông con, nhưng Anh Phước nhứt định không chịu nhận vì cho rằng của nầy là của ăn trộm, của phi nghĩa, nên tôi chẳng biết làm sao, đành liều đem lại trả cho ông, xin ông đừng bắt tội.

Ông Lộc nói:

- Tiền bạc ở trong tủ nhà của tôi thì nó mới là của tôi, nay nó đã ở trong tay ông thì nó là của ông, không phải của tôi nữa. Ông hãy mang về đi, tôi không biết tới nó nữa. Ông Thọ nài nỉ: - Tôi nói thiệt với ông là số vàng bạc nầy là của ông, ông không tin thì vào mở tủ ra xem lại đi, tôi mới lấy trộm ra đó. Xin ông tha tội cho tôi và cất nó trở lại vào tủ.

Ông Lộc nhứt định không chịu nhận và mời ông Thọ ra khỏi nhà. Ông Thọ đành phải ôm gói vàng bạc đi ra, trở về nhà, lòng nặng trĩu ưu tư, thầm nghĩ hai thằng cha Phước và Lộc là hai tay thật kỳ cục, phi thường khác tục. Ông suy nghĩ mãi và cảm thấy lương tâm ray rứt, kế trời hừng sáng. Ông quyết định là mình cũng không xài số vàng bạc nầy làm gì, mất giá trị lắm, chẳng lẽ mình thua Anh Phước sao, thôi mình nên đem đổ xuống sông cho rảnh.

Ông Thọ liền đem tất cả số vàng bạc ấy đến đứng giữa cầu, đổ trút xuống dòng sông nước đang chảy mạnh. Đúng lúc đó, có một đám người cờ bạc vừa tan sòng đi ra đến đầu cầu nhìn thấy, họ la hoãng lên vì động lòng tham, liền nhảy xuống sông để lặn mò lấy vàng bạc. Chẳng may nước chảy xiết quá, có một người ham lặn, hụt hơi chết đuối.

Linh hồn chàng cờ bạc bị Quỉ sứ dẫn xuống Địa ngục phạt tội, liền tố cáo với Diêm Vương là tại ông Thọ nên anh ta mới bị chết chìm một cách oan uổng và đòi Diêm Vương bắt ông Thọ đền mạng.

Diêm Vương liền kêu Quỉ sứ lên bắt hồn của ông Thọ dẫn xuống. Diêm Vương hỏi ông Thọ:

- Tại sao nhà ngươi làm cho tên nầy chết đuối oan mạng như thế?

Hồn ông Thọ đáp:

- Tâu Diêm Vương, tại tên nầy quá tham lam thấy tôi đổ vàng bạc xuống sông nên lặn mò quyết lấy, chẳng may bị hụt hơi chết đuối thì đáng kiếp lắm, chớ tôi đâu có xô nó xuống sông mà bắt tội tôi.

- Vàng bạc ở đâu? Mà tại sao ngươi đổ xuống sông?

- Vàng bạc nầy là của tôi, tôi không dùng thì tôi đổ xuống sông, ấy là quyền của tôi, tên nầy quá tham lam nên chết ráng chịu.

Diêm Vương lại phán:

- Mặc dầu là tiền bạc của ngươi, nhưng lúc sắp đổ xuống sông, ngươi phải lựa lúc vắng người, không ai nhìn thấy mà khêu gợi lòng tham của kẻ xấu. Vậy ngươi chẳng chối tội đặng.

- Nếu Diêm Vương xét như vậy thì tội nầy là của Anh Phước mới đáng, chớ không phải tội của tôi, bởi vì số vàng bạc nầy, tôi đem cho Anh Phước giúp ảnh đỡ nghèo, mà Anh Phước không chịu lấy, nên tôi tức mình đem đổ xuống sông như thế.

Diêm Vương lại sai Quỉ sứ lên bắt hồn của ông Phước xuống đây đối chất. Diêm Vương hỏi ông Phước:

- Số vàng bạc của Thọ đem đến giúp cho nghà ngươi, sao nhà ngươi không chịu lấy, để nó tức giận đem đổ xuống sông, làm cho tên cờ bạc nầy nổi lòng tham, lặn mò đến chết đuối? Vậy nhà ngươi phải đền mạng cho tên cờ bạc nầy.

Ông Phước biện bạch thưa rằng:

- Bẩm Diêm Vương, nhà tôi nghèo thật, nhưng vàng bạc của Anh Thọ giúp tôi là của gian, của ăn trộm, nên tôi nhứt định không nhận. Vậy tôi có tội gì?

Diêm Vương quay qua quở ông Thọ, Thọ liền thưa:

- Nếu như Anh Phước vô tội thì tội nầy phải là của ông Lộc, bởi vì số vàng bạc nầy là của ông Lộc do tôi lén lấy trộm đem về giúp Anh Phước, nhưng Anh Phước cho là của gian nên không nhận, tôi đành đem trả lại ông Lộc và xin tha tội ăn trộm của tôi. Ông Lộc rất kỳ cục, không chịu chấp thủ, đuổi tôi ra khỏi nhà, nên tôi tức giận đem đổ xuống sông. Vậy tội nầy là của ông Lộc.

Diêm Vương lại cho Quỉ sứ đi bắt hồn của ông Lộc xuống tra hỏi.

Ông Lộc biện bạch rằng:

- Số vàng bạc nầy của tôi bị mất đã đành, nhưng ông Thọ đã lấy đem ra khỏi nhà tôi mà tôi không hay biết, thế là của đó không còn là của tôi nữa, nên dầu cho ông Thọ có năn nỉ trả lại, tôi nhứt định không chịu nhận. Kể ra của đó cũng bất nghĩa, tôi đành chịu ngu dại chớ không nhận lại của đó. Nhận lại hay không là quyền chọn lựa của tôi, tôi đâu có phạm tội gì.

Diêm Vương thẩm án, xét thấy ba ông Phước, Lộc. Thọ, đều là người có nghĩa khí. Phước và Lộc đều trong sạch. Thọ có tội ăn trộm nhưng biết giác ngộ và làm việc phải, giúp người nghèo khó. Vậy cả ba người nầy đều vô tội, chỉ có tên cờ bạc gian tham lặn mò cho đến đổi chết đuối là đáng kiếp, không thể khiếu nại gì được nữa.

Diêm Vương phán rồi, liền sai Quỉ sứ dẫn hồn tên cờ bạc chết oan đem giam vào Địa ngục hành hình và truyền đưa ba hồn Phước, Lộc, Thọ trở về dương gian nhập xác.

Khi ba hồn về tới dương gian thì ba xác của ba ông đã được thân nhân mai táng, sình thúi hư hỏng hết rồi, vì vụ thưa kiện nầy lòng vòng mất nhiều ngày giờ. Do đó, ba chơn hồn được đưa trở lại Địa phủ.

Diêm Vương làm tờ sớ trình bày tỉ mỉ sự việc, dâng lên Thiên Tào phán định. Thượng Đế xem xong, phán rằng:

- Phước nghèo, đông con, giữ được lòng thanh bạch. Thọ thì độc thân, không tham, có nghĩa, nhân từ.

Lộc thì có lòng độ lượng.

Cho nên, Phước Lộc Thọ là ba tánh đức của Trời, Đất, Người. Người mà có được ba đức ấy để hưởng là một phúc hạnh lớn. Nay phong cho ba vị làm Tam Thiên Quân, và truyền cho thế gian tôn thờ ba Đấng Thiên Quân nầy để làm gương.

Đạo Nho lấy sự tích Phước Lộc Thọ nầy làm biểu tượng thờ Cửu Huyền Thất Tổ, thể sánh Tổ Phụ Ông Bà thuở xưa cũng đã từng hưởng được ba đức ấy."

Đức Phạm Hộ Pháp cho lập tại Hậu Điện Báo Ân Từ và nơi Khách Đình, thờ ba chữ PHƯỚC LỘC THỌ bằng chữ Nho đại tự, để làm Bàn thờ Ông Bà chung.

Trong truyện Tây Du Ký có chép chuyện Tôn Hành Giả đi ra đảo Bồng Lai gặp ba ông Phước, Lộc, Thọ, gọi là Thọ Tinh, Phước Tinh, Lộc Tinh. Chuyện ấy tóm tắt như sau:

"Sau khi Tôn Hành Giả nổi giận quật ngã cây Nhơn Sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên ở Ngũ Trang Quán núi Vạn Thọ, bị Trấn Nguyên dùng phép bắt hết bốn thầy trò Tam Tạng để bắt đền cây Nhơn Sâm. Tôn Hành Giả hứa đi tìm thuốc cứu cây Nhơn Sâm ấy cho sống lại, hẹn trong ba ngày trở lại, để Tam Tạng, Trư Bát Giới cùng với Sa Tăng ở lại làm tin.

Tôn Hành Giả thót lên mây, cân đẩu vân thẳng đến Đông Dương Đại Hải, tới nơi, Hành Giả đi thẳng đến đảo Bồng Lai, thấy ngoài cửa động Bạch Vân, dưới bóng tùng, có ba ông già đang ngồi đánh cờ. Người ngồi xem là Thọ Tinh, còn hai người đang đánh cờ là Lộc Tinh và Phước Tinh. Hành Giả bước tới chào hỏi:

- Kính chào ba Ông Em.

Ba người bỏ ván cờ, đồng hỏi:

- Đại Thánh có việc chi tới đây?

- Chẳng giấu gì các Ngài, Lão Tôn nhận bảo hộ Đường tăng đi Tây phương thỉnh kinh, giữa đường gặp một chút trở ngại, có tí việc muốn nhờ đến các Ngài giúp đây.

Phước Tinh hỏi:

- Trở ngại gì, Đại Thánh nói ra để chúng tôi còn liệu.

- Trở ngại ở Ngũ Trang Quán, núi Vạn Thọ.

Ba vị Phước, Lộc, Thọ kinh ngạc hỏi:

- Quán Ngũ Trang là Cung Tiên của Trấn Nguyên Đại Tiên. Đại Thánh vào đấy ăn trộm nhơn sâm của ông ấy chớ gì?

- Ăn trộm thì đáng là bao, Lão Tôn đã quật nó ngã chổng gọng chết rồi. Lão ấy bắt đền. Ta hứa đi tìm thuốc chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại. Nó bắt thầy ta ở lại làm tin, hẹn trong ba ngày phải có thuốc. Ba Ngài có phương thuốc nào chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại không?

Ba ông Phước, Lộc, Thọ buồn rầu đáp:

- Con khỉ nầy chẳng biết gì hết. Trấn Nguyên Đại Tiên là Ông Tổ của dòng Địa Tiên. Chúng tôi đây thuộc dòng Thần Tiên, nhưng vẫn thuộc Thái Ất tán số, chưa phải là dòng chân truyền, nên thoát khỏi tay người ta làm sao được. Tưởng như Đại Thánh giết chết loài thú chạy chim bay thì dùng viên đơn lúa mạch của chúng tôi đây là có thể cứu sống được. Đằng nầy cây Nhơn sâm là giống cây Tiên, thì cứu làm sao được. Không có thuốc đâu!

Tôn Hành Giả nghe nói không có thuốc thì châu mày trợn mắt. Phước Tinh nói:

- Đại Thánh ạ! Ở đây chúng tôi không có thuốc thật mà. Biết đâu nơi khác có thì sao, hơi đâu mà buồn phiền.

- Dù đi khắp chơn trời góc biển, việc đó có khó gì đối với Lão Tôn, ngặt sư phụ của Lão Tôn phép nghiêm lượng hẹp, hạn cho có ba ngày. Quá hạn ba ngày không về thì ổng niệm chú Cẩn Cô khổ lắm.

- Đúng! Đúng! Không có phép ấy để trói buộc Đại Thánh thì Đại Thánh lại chọc trời mất!

Thọ Tinh nói:

- Đại Thánh yên tâm, chớ phiền não. Vị Đại Tiên ấy, tuy là bậc trên của chúng tôi, nhưng cũng là chỗ quen biết. Để ba chúng tôi đến đó thăm Ngài và nói giùm cho Đại Thánh, bảo Đường Tăng đừng đọc chú Cẩn Cô, đợi khi nào Đại Thánh mang thuốc về, chúng tôi mới từ biệt. Đại Thánh an lòng lo đi tìm thuốc.

- Cám ơn ba Ngài. Lão Tôn xin ba Ngài đi ngay cho."

(Sau đó Hành Giả đến cầu được Đức Quan Âm Bồ Tát, Bồ Tát đến dùng nước Cam lồ trong Tịnh bình, cứu sống được cây Nhơn sâm. Trấn Nguyên Đại Tiên mới vui lòng để cho bốn thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh kinh).


Nguồn: Cao Đài Từ Điển

 (Trần Lâm Phát ST và chuyển)

1 nhận xét:

THƠ CAY CUỐI TUẦN: BLINKEN, TẬP CẬN BÌNH VÀ TIK TOK !

  (CNN, 04/26/2024.) Beijing(CNN)- Chinese leader Xi Jinping said the US and China should be “partners rather than adversaries” as he met ...