Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Bộ Mặt Nạ Bằng Lụa Màu Da Người - Nguyễn thị Hải Hà (Từ Gió O )




Chú Út, quản gia của cụ Nhân, gọi điện thoại cho Nghĩa.

“Cụ Nhân muốn cháu và gia đình về nhà nhân dịp Tết. Giao thừa nhằm ngày thứ Bảy. Nếu cháu và gia đình không thể ở lâu thì thứ Bảy đến. Ăn sáng ngày Chủ Nhật, trưa về. Ngày Chủ Nhật nhằm vào dịp lễ Mardi Gras nên hai đứa con của cháu, Trí và Tín, có thể sẽ rất thích. Sở dĩ tôi gọi cháu về gấp vì bố cháu có vẻ yếu lắm. Sợ không qua khỏi tuần này. Bố cháu bảo tôi đặt vé máy bay, và tôi sẽ đón cháu từ phi trường. Bố cháu cẩn thận tươm tất, biết tự lo liệu, nhưng cháu phải tính chuyện hậu sự cho bố cháu.”

Từ khi bà Nhân qua đời, đã mười năm nay Nghĩa không gặp bố. Ông Nhân không cần sự chăm sóc hay giúp đỡ của Nghĩa. Công việc nhà có vợ chồng chú Út lo liệu. Đau ốm có bác sĩ. Nghĩa không hợp tính nên tránh gặp bố nhưng không thể tránh mãi. Nghĩa đến nhà vừa lúc ông bác sĩ đang ra khỏi cửa. Hai bên trò chuyện trong lúc vợ con Nghĩa mang đồ đạc vào phòng.

“Bố tôi bệnh từ bao giờ thưa Bác sĩ?”

“Tôi theo dõi sức khỏe của cụ Nhân từ mười năm nay nhưng chỉ mới vài tháng sau này tôi mới phải đến nhà để khám bệnh cho cụ. Cụ yếu đi nhiều so với vài tháng trước nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn. Tôi có việc bận nên không thể trình bày cặn kẽ căn bệnh của cụ Nhân. Ông hãy vào thăm bố. Tôi sẽ gọi điện thoại nói chuyện với ông sau.”

“Bố tôi còn thời gian bao lâu nữa?”

“Không biết chắc được. Có thể một tháng, một tuần, hay một ngày, nhưng không lâu đâu.”

Nghĩa bước vào phòng ông Nhân. Vợ và hai đứa con theo sau. Ông Nhân mở mắt, nhìn con, yên lặng. Nghĩa bước đến đỡ ông ngồi lên, chêm cái gối phía sau lưng.

“Bố thấy trong người ra sao?” Ông Nhân trả lời câu hỏi bằng câu hỏi khác.

“Công ăn việc làm của con có khá không?”

Nghĩa ngập ngừng chưa trả lời thì Lễ lên tiếng.

“Ảnh thôi làm công việc cũ rồi, bây giờ ảnh đang đi học lại.”

Như thường lệ, ông Nhân không bao giờ tán thành bất cứ chuyện gì về cuộc sống của Nghĩa.

“Đi học? Giờ này mà còn đi học. Học gì? Ai nuôi vợ con cho mà đi học?”

Nghĩa liếc nhìn vợ, nét mặt cau lại tỏ ý bực bội. Ông Nhân nhìn cô con dâu.

“Còn con thì thế nào?”

“Dạ cũng tạm đủ. Chúng con cố gắng gói ghém thôi.”

“Ồ, cô cứ nói thế. Ăn mặc lúc nào cũng sang trọng như model thì chắc là không nghèo.”

Trí, con trai cả của Nghĩa, đứng mãi phía sau cạnh vách tường, tí toáy với quả địa cầu loại dùng để chận sách trên kệ của ông nội. Lễ, đẩy con đến trước giường.

“Con đến chào ông nội đi.”

Trí thòng hai tay trước bụng, cúi đầu chào, nhưng không nói gì.

“Cháu có còn bắn chim, bắn sóc, cột giẻ vào đuôi mèo rồi đem đốt lửa không?”

“Con nói, cháu nhớ ông lắm. Cháu rất vui khi gặp lại ông. Cháu mong ông khỏe mạnh.” Lễ bảo con.

Trí lập lại lời mẹ một cách ngượng nghịu.

“Cám ơn cháu nói lời tử tế với ông.”

Tín đang ngắm nghía soi mình trong gương.

Ông Nhân nhìn cô cháu gái, giọng trách móc.

“Sao con bé cứ săm soi mình như thế? Kẻ nào cứ lo chăm sóc bề ngoài sẽ bỏ quên phần hồn.” Tín im lặng tiếp tục bôi son môi. Cô bập bập đôi môi cho lớp son in đều, không nhìn ông.

“Mà sao chẳng ai chăm sóc nó để nó to béo như thế này, chẳng mấy chốc sẽ bị bệnh tiểu đường, khổ thân thôi!”

Tín cau mặt.

“Ông thật là ... . Cháu chỉ mới gặp ông lần đầu mà ông chẳng nói câu nào nghe được cả!”

Lễ mắng con.

“Mày không được hỗn láo với ông!” Tín xụ mặt vùng vằng bước ra ngoài phòng.

Nghe giọng nói, không ai nghĩ là ông Nhân ốm nặng, thậm chí có thể chết nay mai. Tuy ông không lớn tiếng, những câu nói của ông chua chát nặng nề. Dường như ông chẳng ưa ai cả.

“Bố mời các con và các cháu về, trước để ăn Tết, sau là bàn chuyện gia tài. Giấy tờ bố đã nhờ luật sư soạn thảo xong.”

Ông Nhân với tay lên bàn ở đầu giường. Bên cạnh chai lọ thuốc men là một tập giấy màu vàng vanila. Ông đưa nguyên tập giấy cho Nghĩa.

“Trong này, bao gồm tất cả giấy tờ tài sản của bố. Bố biết các con về đây chỉ vì tài sản của bố. Gia tài sự sản của bố sẽ về tay các con. Hẹn con cháu ở phòng ăn lúc tám giờ. Thím Út đã chuẩn bị một bữa ăn để chúng ta cùng đón giao thừa.”


Bữa ăn tối diễn ra trong không khí ngột ngạt. Nghĩa trả lời những câu hỏi của bố một cách ngắn gọn, nhiều khi im lặng. Nghĩa thấy ông Nhân sống đơn giản không ngờ ông Nhân giàu như thế. Sang Mỹ vào lứa tuổi ba mươi, ông có sẵn vốn tiếng Anh lúc trước học ở hội Việt Mỹ, và có nghề thầu khoán xây nhà. Ông đi học vài năm và tiếp tục hành nghề thầu khoán. Ông muốn Nghĩa học nghề kỹ sư xây dựng để làm tiếp tục làm chủ hãng thầu cho ông nhưng Nghĩa không thích ngành kỹ sư mà chỉ thích sáng tác hội họa. Ông Nhân rất tự tin, có cá tính rất mạnh, điều gì ông nghĩ hay nói ra ông tự cho là phải. Vợ con phải nghe theo. Sợ bố, Nghĩa đi học kỹ sư nhưng không để tâm nên ra trường với số điểm thấp. Không tìm được việc kỹ sư, cũng không muốn làm cho bố, Nghĩa làm nhân viên vẽ kỹ thuật bằng computer. Nghĩa dự tính từ từ sẽ tìm cách leo lên bậc kỹ sư, nhưng thành công. Nghĩa không yêu nghề, bản tính quật cường, hay chống đối cấp trên. Có lẽ vì chống đối ông bố hằng ngày từ thời niên thiếu trở thành thói quen, cũng có thể do bản chất nghệ sĩ, thích tự do, Nghĩa thù ghét quyền lực áp bức, nhất là từ cấp trên. Sếp có tuổi, độc tài, càng làm Nghĩa liên tưởng đến bố, nên càng ghét và bất tuân lệnh. Hễ tức giận là bỏ việc không chờ đến khi tìm được việc khác. Lương không cao. Lấy vợ không phải là người bố mẹ chấp thuận hay lựa chọn. Sự bất hòa của Lễ với bà Nhân cũng làm hạnh phúc gia đình Nghĩa bị sứt mẻ. Hai đứa con ra đời khiến cuộc sống của Nghĩa thêm phần chật hẹp. Ngày bà Nhân còn sống, bà vẫn luồn tiền cho con dù Nghĩa tự ái không hề xin. Mẹ mất, Nghĩa càng lúc càng bất đắc chí. Nghĩa ghét công việc làm, ghét người làm việc chung. Bị lay off, không thể tìm công việc mới mà cũng không muốn tìm, Nghĩa đi học lại. Ngành hội họa. Dĩ nhiên, cô vợ không vui.

Lễ cũng không ưa gia đình chồng. Bị cười chê tên Lễ mà thiếu lễ phép, thiếu công dung ngôn hạnh. Lễ có tiệm nail đủ nuôi chồng con. Lễ thích ăn mặc đúng thời trang, mẹ chồng càng không vừa lòng, bảo ăn diện như thế thảo nào lương của chồng không đủ sống. Không sao, nhà ai nấy ở, bà muốn nói gì thì nói, không nghe thì thôi. Tuy vậy, Lễ luôn luôn lo lắng chuyện tiền bạc, nhất là từ khi Nghĩa bỏ việc làm đi học vẽ. Thà là đi vẽ bông vẽ hoa trên móng tay còn kiếm được tiền, chứ những bức tranh bôi đủ thứ màu không có hình thù gì cả vừa tốn tiền mua sơn vừa hôi hám cả nhà mà chẳng bán được bức nào. Hai đứa con càng ngày càng lớn. Đứa lớn muốn đi học đại học xa nhà, tiền học tiền ăn ở nội trú mỗi năm cả bảy tám chục ngàn. Đứa nhỏ chỉ thích ăn diện, hăm he học xong Trung học con sẽ ra làm thợ nail cho mẹ. Lễ bị chê thiếu bằng cấp nên muốn con có bằng cấp. Nếu không thì con cũng phải học cái gì đó để chứng tỏ là có được cả công dung ngôn hạnh.

Trí không ưa những bữa ăn gia đình vì mẹ luôn than thở. Phải nhúng tay vào hóa chất, hít thở bột acrylic thế nào cũng chết sớm vì ung thư. Bố mẹ Trí hầu như không nói chuyện với nhau ngoại trừ những khi cần thiết. Mẹ không muốn Trí đi học xa, lo ngại chuyện tốn kém. Nỗi lo lắng của mẹ về tiền nong luôn luôn đè nặng không khí gia đình. Ông nội dám cho cả căn nhà cho người quản gia thì có lẽ gia tài của ông phải lớn lắm. Bố nói, chia đều ra thì mỗi người được hơn triệu đồng. Ông có nhiều tiền như thế sao ông không cho con cháu lúc ông còn khỏe mạnh? Ông nội ghét bố Trí không vâng lời nên bà nội muốn cho gia đình của Trí tiền cũng phải lén ông nội. Sự bất hòa giữa bố mẹ Trí càng tăng khi bố không chịu đi làm nữa mà đi học hội họa. Trí cũng không thích ông nội. Ông hay chỉ trích quá. Ai nói gì ông cũng chê sai, chê ngu. Ông nghĩ là ai cũng chỉ muốn xâu xé tiền của ông làm ra. Với ông, Trí chỉ là thằng bé độc ác, hành hạ thú vật. Ông không thích mẹ Trí, nhưng từ khi Trí ra đời, ông bà cứ nói hoài, Trí là cháu đích tôn. Nhiệm vụ của Trí là phải lấy vợ sinh con trai để nối dõi tông đường. Mà dòng họ này có gì quí mà phải nối dõi? Không ai hiểu được chuyện này, chuyện lấy vợ sinh con, là Trí rất khổ tâm. Trí là người đồng tính luyến ái. Không hiểu bố và ông nội sẽ phản ứng như thế nào khi biết sự thật về Trí?

Tín thấy ông nội rất là xấu tính. Mọi người đều nhịn ông, cố gắng chìu ý ông cho ông vui, nhưng ông toàn nói những lời chê bai, tiêu cực. Tín có sức nặng trung bình, như bao nhiêu cô gái mới lớn ở Mỹ nhưng không phải mình hạc xương mai như mấy cô gái ở Việt Nam. Ông biết nói tiếng Anh, sống ở Mỹ, nhưng ông là người Việt một trăm lẻ hai phần trăm, người Việt hơn cả người Việt ở Việt Nam mới qua. Tín không nhớ có gặp ông bà lúc Tín còn bé hay không, nhưng đây là lần đầu tiên mà Tín biết mặt ông, thế mà ông đã có lời nặng nhẹ, phê bình Tín. Ờ thì ông có nhiều tiền, nhưng kệ ông đi chứ, nhà Tín không cần phải nhờ tiền của ông mà sống. Trước giờ mình vẫn sống cơ mà? Thật tình hễ ai nói đến cái béo của Tín thì Tín ghét lắm. Chỉ vì hơi nặng cân mà Tín không được làm cheerleader. Và mẹ hay mắng Tín mỗi lần Tín lên cân. Mẹ bắt Tín cân hằng ngày, không được uống sô đa hay ăn bánh ngọt thế mà Tín vẫn bị xem là béo. Vì ông nói Tín béo, trước Tín không ưa ông, giờ càng ghét ông hơn.

Khi bữa ăn tàn, ông Nhân đưa ra một bộ mặt nạ bao gồm năm cái. Đây là loại mặt nạ bằng lụa màu da người. Ông nói.

“Bố dành dụm bao nhiêu năm và khéo đầu tư nên số tiền cũng khá lớn. Tất cả sẽ thuộc về các con với một điều kiện. Mỗi người sẽ tự chọn cái mặt nạ và đeo vào cho đến qua khỏi giao thừa. Bộ mặt nạ này của một người tham dự lễ Mardi Gras tặng cho bố. Chúng ta vốn không thể sống thành thật với nhau, tự mỗi người đều mang một mặt nạ để giao tiếp với mọi người, dù đó là người trong gia đình hay ngoài xã hội. Những cái mặt nạ bằng lụa này sẽ hủy bỏ lớp mặt nạ có sẵn trên mặt các con các cháu. Nó sẽ giúp mặt thật của các con các cháu xuất hiện. Nó sẽ giúp người đeo nó có can đảm chấp nhận con người thật của mình để sống mà không cảm thấy hổ thẹn.

Tín kêu lên. “Eo ơi, cái mặt nạ trông giống như mặt xác chết như thế kia. Con không đeo đâu!”

“Còn nếu con không đeo nó thì sao?” Nghĩa hỏi, giọng phản kháng.

“Người nào không đeo, hay cởi nó ra trước giờ giao thừa, sẽ bị mất phần gia tài.” Ông Nhân gằn giọng.

Cả Trí và Tín đều đồng loạt kêu lên, “Con không cần gia tài!”

Ông Nhân lặng lẽ lấy một cái mặt nạ đeo vào. Mặt nạ đã cắt sẵn lỗ trống cho mắt và mũi. Nó ôm sát mặt ông một cách tự nhiên. Cái mặt nạ làm ông mất đi vẻ cáu kỉnh khắc nghiệt. Trông ông có vẻ hiền hơn. Ông gọi chú Út đẩy xe lăn cho ông về phòng ngủ. Sau giờ giao thừa ông sẽ trở lại.

Cả Nghĩa và Lễ vừa dỗ dành vừa đe dọa hai đứa con để chúng chịu khó đeo mặt nạ. Cả hai vợ chồng thấy nhục nhã vì bị ông Nhân dùng tiền để uy hiếp. Tuy không muốn phục tùng ông Nhân, nhưng số tiền quá lớn khiến cả hai không thể để mất. Bọn trẻ đâu có biết tiền quý đến mức nào, nhất là khi chúng vẫn còn được cha mẹ đùm bọc.

Cái mặt nạ dường như bay vụt ra khỏi tay, ôm chầm lấy khuôn mặt người cầm nó. Nó ôm xiết khuôn mặt thật chặt, khiến người ta cảm thấy như có làn hơi nóng bốc lên từ trong ngực chạy ngược lên khuôn mặt. Nó làm người đeo cảm thấy choáng ngợp phải há hốc miệng ra để thở.

Tín vội chạy đến tấm gương, nhìn mình. Cô bé nghiêng người, nhìn bụng, nhìn đằng sau, nhìn mặt mình, bỗng dưng cô không còn thấy thẹn vì cái béo của mình nữa. Nếu con có trở thành người thợ làm móng tay thì mẹ cũng không nên lấy đó làm điều xấu hổ. Bà nội thiếu hiểu biết nên coi thường người thợ của một nghề lương thiện. Con còn trẻ, đời con còn dài, tương lai con mở ra sáng láng. Mẹ đừng lo, con sẽ chọn một nghề, hay đi học đại học, làm cái gì đó cho vừa sức của con. Dù sao cũng cám ơn ông, nhờ cái mặt nạ con nhìn ra con người thật của con.

Trí thấy cần phải nói cho bố mẹ biết.

“Bố mẹ à, con xin lỗi vì con không thể giữ trọn vẹn vai trò cháu đích tôn. Dù ông có để gia tài cho con hay không thì con vẫn phải nói sự thật. Con muốn bố mẹ nghe từ chính con thay vì nghe lời người khác rồi thắc mắc. Con là người đồng tính luyến ái. Con không thể có con theo cách bình thường với người vợ của con, nhưng con có thể nuôi con nuôi. Với số tiền gia tài ông để lại, mẹ không còn phải lo lắng chuyện con đi học xa hay chọn trường mắc tiền. Mẹ yên tâm nha mẹ.”

Lễ nói với Nghĩa. “Em thấy nhẹ người, không còn lo lắng nữa. Gia tài là của anh. Em là người ngoài nên không muốn chia phần, dù nói thật số tiền quá lớn khiến em động lòng tham. Đã từ lâu em muốn ly dị để chúng ta có thể mỗi người theo đuổi hạnh phúc theo đúng như mình muốn. Tuy nhiên em sợ người ngoài nhìn vào nghĩ rằng em bỏ chồng khi chồng mất việc. Bây giờ thì chúng ta được tự do.”

“Trước đến giờ anh có cái bức rức là không làm ra tiền, mà khi làm ra tiền cũng ít hơn em. Cái tính sĩ diện này khiến anh không vui, và thiếu tiền thì chúng ta cũng mất hạnh phúc. Anh lại luôn luôn có cảm giác cha mẹ không thương anh vì anh không học giỏi giống bố. Giá mà bố cho anh đi học vẽ ngay từ đầu có lẽ đời anh đã khác. Anh chỉ muốn được làm họa sĩ, được vẽ theo ý thích, được làm đẹp cuộc đời, nhưng chúng ta không thể sống vì những thứ ấy. Anh biết em muốn ly dị và không cần tiền, nhưng đó là tiền của bố cho, em có thể dùng tiền ấy tùy thích. Còn việc ly dị thì chúng ta hãy suy nghĩ thêm rồi tính. Nha em.”

Ông Nhân qua đời trong đêm ấy. Trước khi qua đời ông cởi mặt nạ và nói. “Bố luôn luôn xấu hổ với mọi người vì bố có tiền mà không thể nuôi con nên người. Thậm chí bố cũng không thể cho con một nền giáo dục căn bản, vì thế con không trở thành kỹ sư. Bây giờ bố chỉ xấu hổ là bố chưa bao giờ nói với con là bố yêu con. Bố rất ngậm ngùi mà thú nhận là bố chưa hề nói lời yêu thương dịu ngọt với mẹ con cho đến khi trở nên quá trễ. Đến giờ chết bố mới thấy có nhiều tiền không hẳn là có hạnh phúc. Bố không được tình yêu thương của con cháu. Đôi khi bố có cảm tưởng như bố là ông Scrooge, chỉ cất tiền và hằng đêm đem tiền ra đếm để cảm thấy sung sướng là có nhiều tiền. Rồi đến lúc già, bố lại tự hỏi, tiền này để cho ai. Con cái cháu chắt không nhìn đến mình, thậm chí lãng tránh mình. Bố thèm có người vòng tay ôm bố, ôm thật chặt để lòng thương yêu biến thành hơi ấm thấm vào người bố. Từ rày về sau con hãy nhớ nói lời thương yêu với vợ và các cháu thường xuyên nhé.”

Ông Bác sĩ gọi điện thoại cho Nghĩa bảo là ông Nhân mắc một chứng bệnh rất lạ. Bấy lâu nay, trái tim của ông cứ dần dần teo tóp lại cho đến khi nó nhỏ và nhăn nhúm như một trái táo tàu. Sau khi ông cho hết ký giấy chia gia tài thì trái tim ông dần dần nở ra trở lại bình thường như cũ. Chính sự co rồi dãn của trái tim đã lấy đi mạng sống của ông. Năm cái mặt nạ được gom lại cho vào trong hộp và tặng cho một người đi dự lễ Mardi Gras sáng hôm sau.

New Jersey. Viết xong ngày 29 tháng 1 năm 2021.


Nguyễn thị Hải Hà


* Tranh "SƯỞI NĂNG  của NT.Hải Hà



1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...