Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Sài gòn hẻm ♦ Sài gòn mưa ( TRẦN THỊ NgH - tc.DA MÀU )



 Chằng chịt như ma trận là hẻm, hẻm, hẻm. Trong những con đường nhỏ nhất chỉ vừa vặn cho một chiếc xe đạp cũng có nhà, nhà, nhà. Cửa này chiếu tướng cửa kia cách nhau chỉ năm sáu tấc, nhìn thấy mọi sinh hoạt của nhau tuốt tuồn tuột.

Thế nhưng Sài Gòn quyến rũ ở những con hẻm với những ngôi nhà không số hoặc thật nhiều cái gạch xổ giữa những con số. Như lạch nhỏ chảy ra sông, như sông chảy ra biển, hẻm của Sài Gòn chi chít chảy ra đường cái rồi chìm vào các đại lộ mang tên những anh hùng, liệt sĩ, văn nhân. Từ trong cái bàn cờ hỗn loạn quan quân đó, mỗi con người sẽ vươn vai mỗi sáng bắt đầu một ngày mới ở bến tàu, xưởng thợ, nhà máy, chợ nhóm, lề đường. Họ túa ra kiếm sống rồi tụ về buổi xế chiều; mùi xào nấu bay luồn qua cửa sổ, tiếng con nít khóc, tiếng ti-vi vặn hết cỡ trộn lộn trong tiếng cãi vã chửi chó mắng mèo. Tất cả làm nên một hòa tấu khúc bi tráng và tuyệt vời. Nó toát lên khát vọng sống của con người.

Những ngõ hẻm này, dù cụt hay thông, có lẽ trước đây đã từng rộng rãi khoáng đãng, bây giờ teo lại nhỏ xíu do mỗi nhà đều có nhu cầu thở đến mức, dù muốn dù không, phải xông vào trận chiến lấn chiếm, được li nào hay li nấy.

Chen chúc đến vậy nhưng họ có cả một thiên đường riêng. Mọi thứ đều nằm trong tầm tay. Nguyên một cái chợ được khuân vô quang gánh, trong đó đủ thứ thịt cá rau trứng hành tiêu tỏi ớt nước mắm nước tương đậu hũ. Mỗi ngày cái chợ di động sẽ ghé tạt qua từng nhà, râm ran chuyện giá cả giữa hai bên bán mua, thậm chí cùng bình luận phim tình cảm xã hội Hàn Quốc hoặc những vụ bê bối của các diễn viên ca sĩ nổi tiếng. Để ăn sáng đã có mì phở cháo hủ-tíu sữa đậu nành bánh mì xíu-mại trà đá, cứ hai ba chục thước lại có một “tiệm” nho nhỏ. Làm đẹp ư? Chỉ cần một cái hộp thiếc cũ đựng thuốc móng tay, dũa, kéo, vài lọ kem dưỡng da, chuyên viên tư vấn sắc đẹp có thể biến một cô bé lọ lem xóm nhỏ thành công chúa với làn da được nặn mụn tươm tất, mặt được se lông, chân mày tỉa tót cong vun vút, lông mi nối dài rậm ri như tài tử Bollywood. Một thau nước để ngâm chân, ba mươi phút sau đã hiên ngang bộ móng đỏ. Lên lai, chít eo, xổ ngực, nâng đáy… chỉ cần một cái máy may để nửa kín nửa hở ngay hàng hiên. Khách có thể ngồi chờ, loáng một cái đã có quần áo vừa ý để mặc kịp cái hẹn buổi chiều đi chợ Bến Thành hoặc đi xem kịch ở sân khấu hài.

Dòng sông ồn ào vui nhộn đầm ấm cứ thế đều đặn chảy len qua những con hẻm nhỏ, thỉnh thoảng bỗng dềnh lên bởi cuộc rượt đuổi nghiêng ngửa giữa dân phòng và một tay trộm vặt, giữa công an và một kẻ giật dọc, hay giữa bà hỏa và những xô nước chuyền nhau từ dưới đất lên mái nhà, từ mái nhà qua mái nhà. Hẻm sẽ trở thành lòng chảo ngùn ngụt lửa khói nuốt trộng những căn nhà san sát chết chùm với nhau, bởi xe vòi rồng vô phương can thiệp. Hẻm cũng nức nở tang chế với nhà đòn bó tay trong lễ động quan bởi quan tài chỉ có thể được đẩy lòn ra khỏi hẻm trên bốn bánh xe gỗ tạm chế dã chiến.

Ôi thôi cơ man là bi hài kịch, nhưng tất cả những dòng sông đều vẫn chảy tưng bừng sau mỗi biến cố. Đi xa sẽ nhớ hẻm. Lang bạt xứ người một buổi sáng mắt nhắm mắt mở sẽ nhớ hủ-tíu bà Ba, sữa đậu nành cô Tẽn. Lơ ngơ trong những siêu thị mênh mông sẽ nhớ chợ gánh với những con tép trong veo còn nhảy đòi nước, những con cá roi rói còn phùng mang thở hụt. Nằm chèo queo ướp lạnh trong một căn phòng tiện nghi tầng thứ 15 của cao ốc sẽ nhớ cánh cửa toang hoác của nhà đối diện với những nhành cây độ lượng ghé sang ban-công nhà mình. Bon bon xe 150km/giờ trên xa lộ sẽ nhớ mùi hôi nách của người hàng xóm vừa chạm mặt trong cái hẻm chỉ lọt đủ một người.

Sài Gòn mưa

 MƯA NGOÀI TRỜI

Vào những tháng nắng sau Tết, nhiệt độ có hôm bằng với thân nhiệt, người ta chậc lưỡi ước gì mưa xuống một cái cho mát! Chiều tối cả nhà bắc ghế bố ra hàng ba ngồi hóng gió nói chuyện hàng xóm, đêm trải chiếu ngoài ban-công ngủ khỏi giăng mùng. Một buổi trưa oi bức không chịu nổi, trời đất đang leo lẻo bỗng rào một cái. Thế là mưa, nghe đánh xèo như dội thau nước lên cái chảo nóng.

Tạt vô lề, người ta tận dụng từng phân vuông hàng hiên trước các cửa tiệm, nhà riêng, công sở. Có khi ké chung tấm bạt của mấy bà bán trái cây trên hè đường, núp đỡ dưới mái dù của anh kẹo kéo. Nhìn nhau cười một cái, tình đồng chí bỗng chứa chan. Đường sá trong nháy mắt đã lênh láng. Rồi như trong truyện cổ tích, những cánh dơi đủ màu sắc không biết từ đâu bung ra bay rợp trong cái lưới trắng đang chụp xuống; có những sợi nước còn vướng một vài cọng nắng chưa kịp đứt.

Áo mưa dơi Prudential, Nike, Terpine, Hancook… mặc sức khoe sắc thắm. Gió thổi phần phật hai cánh, thân trước phình, thân sau phồng. Mẹ chở hai nhóc đi học về, chồng đón vợ từ sở, chàng đưa nàng đi mua sắm. Họ đội chung áo khiến những con dơi mang hình thù cổ quái. Có cả dơi hai đầu, do người sản xuất nhanh nhạy nắm bắt thị trường tiêu dùng. Một áo mưa với hai tròng cổ, rõ ràng tiêu chí “hai trong một” đã và đang là đích ngắm của cả cung lẫn cầu.

Vào những ngày mưa như vậy, hàng quán thưa khách. Những người bán dạo kêu trời, trẻ con cởi trần mặc quần xà-lỏn tắm mưa, xích lô che bạt đạp ngược gió. Nước bẩn chảy òng ọc không biết về đâu. Từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy quanh co những dòng sông giữa phố, với những cánh dơi trôi. Đẹp không thể tưởng và buồn không thể tả. Bởi vậy mà nhạc sĩ họ Trịnh đã tức cảnh sinh tình.

Em còn nhớ hay em đã quên?
Trong lòng phố mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhìn nước dâng tràn
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh…

 MƯA TRONG NHÀ

Không có ở đâu nghe mưa rõ mồn một bằng từ trong những ngôi nhà lợp tôn của Sài Gòn. Ở Paris mưa rì rì bên ngoài cửa kính. Ở Cali nước tuôn rèn rẹt trên mui xe. Ở Berlin mưa đặc và nhão. Ở Rome mưa ngấm trong đá. Ở Amsterdam mưa rót xuống kênh.

Chưa biết ở đâu có tiếng mưa rộn ràng như ở nhà. Từng vạt nước rải xuống như người ta vãi đậu lên một cái mâm nhôm. Nằm trùm mền một chiều nhìn ra cửa sổ mưa mù trời, tỉ mẩn lọc từng âm thanh thường ngày đã bị nhận chìm trong tiếng mưa, sao giọng gọi nhau í ới bỗng đục, tiếng mèo kêu chợt ai oán. Rồi tong, tong. Mưa dứt hạt đột ngột như lúc đến. Những giọt nước đọng đâu đó bị gió xô lả tả xuống mái tôn mỏng, nghe như giọng hát so le còn rớt tuột phía sau trong một giàn đồng ca.

 MƯA TRONG LÒNG

Chưa thấy ở đâu có nhiều ca khúc về mưa như ở nhà. Người trẻ Sài Gòn ngồi nghe mưa trong quán cà-phê với nhạc nền là giọng hát thiết tha của Mỹ Linh, đồng cốt của Hà Trần, đắm đuối của Quang Dũng. Chín hơn một chút thì duỗi lòng theo jazz với Tuyết Loan hay thót tim nín thở cùng soprano của Bích Hồng. Riêng tư hơn, có thể co ro trong phòng mình vu vơ rượt sau một giọng nam trầm-như-đắm-tàu mưa soi dấu chân em qua cầu, theo những cánh rong mang niềm đau (Từ Công Phụng), hay một giọng nữ cao ngọt-như-bưởi-Năm-Roi cơn mưa mùa hạ nồng nàn, em đi tà áo phiêu bồng trời cao (Trịnh Công Sơn), Nghe Giọt Mưa Thu, Mắt Lệ Cho Người hay Mưa Hồng trong một bối cảnh không phải Sài Gòn, người Sài Gòn sẽ thấy chưng hửng vì những nốt nhạc như rơi tỏm vào một không gian xa lạ. Phải nghe mưa khúc trong mưa Sài Gòn mới thấy lòng mưa theo.

HÌNH ẢNH TỪ GOOGLE

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...