Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Chuyện vui: Bố vợ tôi

Ảnh minh họa

Ngoài bố ruột, mẹ ruột ra, thì người tốt với tôi nhất, lo lắng cho tôi nhiều nhất, ấy chính là bố vợ tôi!

Ngay hôm đầu tiên con gái bố vợ tôi (tức là vợ tôi) đưa tôi về nhà ra mắt, thì bố vợ đã lôi tôi ra một góc, nét mặt nghiêm trọng, giọng nghiêm nghị:

"Trông cháu có vẻ thật thà, lương thiện, nên chú khuyên thật lòng đừng dại dột mà lấy con gái chú, vì tính nó giống y hệt mẹ nó, và rồi đời cháu cũng sẽ khổ giống y hệt đời chú!”

Tôi nghe bố vợ nói vậy thì cười thầm, bởi tôi không lạ gì cái trò này. Tôi đã quen và được một số em dẫn về nhà ra mắt rồi, và lần nào thì bố mẹ các em ấy (sau khi nhìn qua cái bộ dạng tôi, hỏi han mấy câu về trình độ học vấn, công việc làm, lương bổng, sở thích… của tôi) cũng đều đưa ra được một lý do nào đó rất nhân văn - giống như cái lý do mà bố vợ tôi đã đưa ra - để ngăn cản chuyện tình cảm của tôi và con gái nhà họ. Bởi thế, sau khi nghe bố vợ nói, tôi lạnh lùng vạch áo lên cho bố vợ xem cái hình xăm hai cái trái tim màu hồng lồng vào nhau có mũi tên xuyên qua nhìn như cái xiên thịt nướng ở dưới rốn, rồi cất giọng từ tốn:

"Cháu yêu con gái chú thật lòng.  Chú đừng ngăn cản! Khi nào vết xăm này mất đi, khi ấy cháu và con gái chú mới chấp nhận đôi ngả chia ly!”

Ngày đám cưới của tôi, trong khi mẹ vợ tôi và vợ tôi cười hề hề, thì bố vợ tôi lại rươm rướm nước mắt. Khi ấy, tôi nghĩ tới hai lý do: một là bố vợ xúc động khi chứng kiến tình yêu mãnh liệt tôi dành cho con gái bố; hai là vì bố bất lực khi đã không thể ngăn cản cái thằng dặt dẹo này nó lấy con gái mình. Nhưng đến bây giờ, sau vài năm làm con rể bố, tôi mới hiểu rằng những giọt nước mắt của bố hôm ấy chính là những giọt nước mắt day dứt, là bởi lương tâm bố đang cắn rứt, giống như bố thấy một nạn nhân yếu ớt, hiền lành, vô tội đang bị bọn khủng bố bắt giữ, khống chế, đàn áp, bạo hành mà bố lại không thể ra tay giải cứu!

Các cụ có câu "Sinh con ra mới hiểu lòng cha mẹ"; còn tôi thì "Lấy vợ xong mới hiểu lòng bố vợ."

Quả thực, trên đời này, chắc chẳng có ông bố vợ nào thương và lo lắng cho con rể nhiều như bố vợ tôi: Những khi vợ tôi vòi quà, bố thường dấm dúi vào tay tôi ít tiền, vì bố biết tôi làm lương tối thiểu, không có tiền; Những lần tôi bị vợ đánh bầm dập mặt mày, tím tái tay chân, bố vợ lại đưa cho tôi lọ thuốc bóp, hay mua cho tôi vỉ thuốc kháng sinh...

Tôi hỏi:

"Sao bố tốt với con vậy?" 

Bố bảo:

"Tốt gì! Ngày trước ông ngoại của vợ mày cũng hay cho tiền bố khi mẹ vợ mày đòi quà, nên giờ bố cũng cho lại mày! Còn thuốc bóp và thuốc kháng sinh là bố mua về để bố dùng, phòng những lần bị mẹ mày đánh. Vì bố thường mua cả thùng để dùng dần, nên còn nhiều, bố mới cho mày thôi!"

Rồi bố nhăn mặt, sờ sờ lên mấy vết sẹo dài như những con tu hài trên khắp cánh tay, và lắc đầu chua cay:

"Ai nhìn những vết sẹo này của bố cũng tưởng là vết tích của chiến tranh, của những năm tháng ác liệt của bố nơi chiến trường, nhưng sự thật, cả chục năm đối mặt với bom đạn của kẻ thù tàn bạo, bố chả bị cái sẹo nào, chỉ sau khi lấy vợ, bố mới bắt đầu dính sẹo."

Lần ấy, sau khi biết tin tôi - cũng giống như bố - vừa bị vợ đánh cho một trận bét nhè, ê ẩm toàn thân, thì bố mới rủ tôi đi “mát-xa” cho thư giãn gân cốt. Thấy tôi có vẻ e sợ, bố liền trấn an:

“Ra ngay cuối phố kia thôi, có cái quán mới khai trương, nó ghi là ‘mát-xa lành mạnh’ thì bố mới dám đi, chứ mà là ‘mát-xa bậy bạ’ thì dù ông ngoại của vợ mày cho bố đi, bố cũng không dám!”

Nghe bố nói thế tôi cũng yên tâm, ngoan ngoãn đi theo bố. Thế nhưng, vào đến nơi, tôi đã phải ba lần há hốc mồm. Lần thứ nhất tôi há hốc mồm là bởi dù ngoài cửa quán có treo cái biển “Mát-xa lành mạnh,” nhưng hai cái em nhân viên vào “mát xa” cho tôi và bố vợ tôi thì lại mặc những bộ trang phục rất “không lành lặn”: trông hai em ấy hệt như hai thiếu nữ đang đi bơi ở biển thì bị cá mập nó tấn công. Hai thiếu nữ nhanh chân chạy lên bờ được nhưng còn cái bộ “bikini” trên người thì bị cá mập nó cắn cho te tua...

Bố không giấu nổi vẻ hốt hoảng nhìn qua tôi, còn tôi run run quay qua hỏi hai em nhân viên:

“Các em lừa bọn anh à? Tại sao bên ngoài các em ghi là ‘Mát-xa lành mạnh?’ ”

Một trong hai em nhân viên e thẹn trả lời:

“Dạ! Bà chủ quán em tên Lành, ông chủ tên Mạnh ạ!” 

Đó là lý do tôi há hốc mồm lần thứ hai. Còn vì sao tôi há hốc mồm lần thứ ba thì xin phép không nói ra ở đây, vì nói ra nó không được “lành mạnh” cho lắm...

Rồi cái điều mà tôi e sợ nhất đã thành sự thật: Tối hôm ấy về, vợ tôi ngửi ngay thấy mùi lạ, sinh nghi, sau khi kiểm tra thấy hơi yếu, liền tra khảo đủ điều, và tôi đành nhận tội. Và kết cục cũng như mọi lần thôi: Tôi bị một trận lên bờ xuống ruộng, và bị tống ra đường giữa lúc nửa đêm lạnh lẽo hơi sương. Tiền không một xu dính túi, đang hoang mang không biết đêm nay phải ngủ bờ ngủ bụi ở đâu, chợt tôi thấy điện thoại của tôi đổ chuông.  Chính là bố vợ tôi gọi. Tôi bắt máy thì đã nghe ngay giọng của bố:

“Đang ở đâu, bố qua đón, hai bố con ta sang ông ngoại ngủ nhờ! Bố cũng bị đuổi khỏi nhà rồi!”

Đúng là đang chết đuối vớ được cây chuối! Tôi reo lên trong điện thoại:

"Vâng! Con đang ở chỗ đầu ngõ gần nhà, bố qua đón con với! Bố thật tuyệt vời! Nếu có kiếp sau, con vẫn mong được làm con rể của bố!" 

Bố vợ tôi nghe vậy thì đáp lại lạnh lùng:

"Cái này khó đấy con ạ! Vì bố đã quyết định kiếp sau sẽ không lấy vợ nữa rồi con à!"

Hết biết!!!


Khuyết danh

Trần Văn Giang (ghi lại)


Ảnh:Từ Google

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...