Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Ý NGHĨA CỦA ĐẠI NGHĨA LÀ GÌ? (Diễn Đàn Khai Phóng )

 Tác giả: Matsushita Kônosuke

Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Lời giới thiệu của dịch giả: Đại dịch Covid-19 trên thế giới đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tuân thủ và duy trì trật tự như thế nào. Một xã hội vô trật tự không thể nào có được hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh. Tiến bộ của tự do và nhiều thứ khác có khuynh hướng làm cho con người quá tự tin vào tài trí cá nhân quên mất tầm quan trọng của trật tự, đoàn kết của cộng đồng. Đây cũng là một cơ hội tốt để chúng ta suy ngẫm ý nghĩa của đại nghĩa là gì và tầm quan trọng của từ ngữ này, và cũng là động cơ dịch giả giới thiệu bài viết này đến quý độc giả.

***

+Mọi phồn vinh của con người được ban phú theo trật tự của vũ trụ. Sống theo trật tự của vũ trụ từ đầu đến cuối là đại nghĩa.

Mọi loại trật tự đều có trung tâm điều hành. Quốc gia có người nắm chủ quyền quốc gia, gia đình có gia trưởng làm trung tâm điều hành trật tự. Trật tự của vũ trụ là trung tâm thống trị tất cả các trung tâm điều hành trên.

+Tuân theo trật tự đại khái có nghĩa là tuân theo các trung tâm điều hành trực thuộc và người đứng đầu của mỗi trung tâm điều hành cần phải hiểu rõ đại nghĩa, và hành động thuận theo chân lý. Đó là cách làm để có phồn vinh.

***

Đại nghĩa là gì?

Đại nghĩa vốn có nghĩa là “nghĩa” quan trọng nhất, “nghĩa” thứ nhất, “nghĩa” cao nhất, và hình như là tư tưởng đến từ Trung quốc. Tôi không biết nhiều về chi tiết tư tưởng Đông phương nhưng trong sách Trung dung (1) có giải thích “Nghĩa là nghị” (2) và “nghị” này có nghĩa là “sự chân chính của sự việc”. Do đó, “nghĩa” có nghĩa là tuân theo sự chân chính của sự việc, nghĩa là, “theo con đường đúng mà con người cần phải thực hiện cho trọn”. Và từ này được dùng nhiều trong các sách gọi là tứ thư ngũ kinh (3) như nghĩa của cha (nghĩa làm cha), nghĩa của mẹ (nghĩa làm mẹ), nghĩa của vợ chồng, nghĩa làm con, nghĩa quân thần, nghĩa của chư hầu, nghĩa của đại phu (4)v.v…Trong đó, nghĩa quân thần được xem là quan trọng nhất và nghĩa này được gọi là đại nghĩa. Từ đó trở đi khi nói tới đại nghĩa được hiểu ngay là nghĩa quân thần và xuất hiện các lời như “Biết phân biệt đại nghĩa danh phận”, “Đại nghĩa diệt thân”.

Từ ngữ “đại nghĩa” vốn sinh ra từ Trung quốc, sau đó cũng truyền sang Nhật Bản và trở thành một cột trụ to lớn trong đạo đức của dân chúng đối với thiên hoàng. Tư tưởng này đặc biệt được cường điệu trong thế chiến thứ hai và có tác dụng lớn trong việc bồi dưỡng lòng trung thành đối với thiên hoàng. Cách suy nghĩ đại nghĩa nói trên tốt hay xấu xin được để vào dịp khác ở đây tôi xin được nêu vấn đề nếu chỉ hiểu đơn thuần “đại nghĩa” là nghĩa quân thân có đúng không, nghĩa là trước hết muốn thử xem xét lại về mặt cơ bản ý nghĩa chân thật của “đại nghĩa” nằm ở đâu.

Trước hết “đại nghĩa” là gì? Tôi đã suy xét nhiều việc nhưng tóm lại nếu nói ngắn gọn trong một lời, tôi nghĩ “Đại nghĩa là tuân theo trật tự của vũ trụ”. Nếu nói rõ hơn bằng cách khác thì phải chăng có thể nói như sau “Trật tự xã hội là biểu hiện của chân lý. Sống thuận theo chân lý đến cuối cùng và tạo ra phồn vinh từ đó là đại nghĩa”(5).

 Trongbài “Nền tảng của phồn vinh” (6) tôi đã trình bày “Chân lý ban phú cho nhân loại chúng ta hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh vô biên”, và lấy “Nhân loại chúng ta đang được ban phú phồn vinh” làm điểm xuất phát. Tuy nhiên, sau đó tôi đã suy nghĩ thêm rằng “nếu nhân loại đã được ban phú phồn vinh thì phồn vinh được ban phú theo tiêu chuẩn gì”? Dần dần tôi đã hiểu ra là phồn vinh được ban phú theo trật tự (quy luật) của vũ trụ. Điều này có nghĩa là vũ trụ căn nguyên lực (7) ban phú cho nhân loại chúng ta phồn vinh vô tận thông qua quy luật của vũ trụ, nếu chúng ta trung thực thuận theo trật tự của vũ trụ chúng ta sẽ có được phồn vinh, còn nếu đi trái ngược trật tự này thì dù có được phồn vinh nhất thời kết cuộc sẽ gặp nhiều trở ngại và đi vào ngõ bí. Đây là quy luật tự nhiên, lý của trời đất tự nhiên.

  Do đó, tôi nghĩ rằng trung thực thuận theo trật tự vũ trụ là đạo (con đường) phù hợp với ý chí của vũ trụ căn nguyên lực, nguồn gốc đã sinh ra nhân loại chúng ta, là đạo của đại nghĩa, nghĩa là “con đường tốt nhất” để làm người, và hơn nữa sống theo đại nghĩa chúng ta sẽ thực hiện được phồn vinh.

Các nút kết nối của trật tự

  Tuy nhiên chỉ nói thuận theo trật tự một cách mơ hồ thì không thể hiểu nên kế tiếp cần nói thêm cụ thể một chút. Thông thường mỗi loại trật tự có một trung tâm chi phối điều hành của loại trật tự đó. Trung tâm này có thể nói là căn nguyên (8) và trở thành nút kết nối (9) của loại trật tự đó. Thí dụ, trung tâm điều hành chi phối một quốc gia là người nắm chủ quyền của quốc gia đó. Trường hợp Nhật Bản (10) trước đây là thiên hoàng, ở Mỹ là chức năng công cộng của tổng thống. Trường hợp trật tự của gia đình, trung tâm này là gia trưởng (11). Ở trường học là hiệu trưởng, ở xí nghiệp là chủ hãng, chủ tịch hay tổng giám đốc là trung tâm điều hành chi phối trật tự. 

   Ở thời điểm hiện nay trung tâm trật tự của toàn thể thế giới chưa được thành lập nhưngthế giới có khuynh hướng dần dần kết thành một khối,trong tương lai nhất định sẽ có một trung tâm điều hành chi phối trật tự của toàn thể thế giới(5). Trung tâm này sẽ là nền tảng cho nhiều loại trật tự, và là trật tự căn bản điều hành, chi phối các trung tâm trật tự nhỏ hơn.Trật tự của vũ trụ có đủ tư cách làm trật tự căn bản, và tuân theo trật tự của vũ trụ là đại nghĩa.

   Tuy nhiên, trật tự vũ trụ là trật tự căn bản, nói khác đi là trật tự vũ trụ là chân lý. Có nghĩa là, trật tự vũ trụ là biểu hiện của chân lý, là những gì được chân lý triển khai. Do đó, nói tuân theo trật tự của vũ trụ có nghĩa là tuân theo chân lý. Nếu bây giờ giả sử trừu tượng hóa chân lý ấy và gọi là thần, thì thần là căn nguyên của trật tự vũ trụ, và đại nghĩa là tuân theo thần (12).

  Nếu suy nghĩ như nói trên, nói đại nghĩa là nghĩa quân thần như trong tứ thư ngũ kinh không phải là sai lạc nhưng việc xem xét về lý luận căn bản đối với đại nghĩa như vậy phải chăng còn thiếu sót một ít(5). Có nghĩa là một khi quân chủ là người nắm giữ trật tự của quốc gia thì việc tận trung tiết (13) là đại nghĩa trên mặt hình thức thì không sai nhưng đối với lý luận căn bản cần có tự giác là tuân theo trật tự của vũ trụ. Do đó, ở Nhật Bản từ xưa đến nay khuyến khích dân chúng trung tiết với thiên hoàng là đại nghĩa là lấy thiên hoàng làm trung tâm điều hành, chi phối Nhật Bản xem như đó là tuân theo trật tự vũ trụ trong sinh hoạt thực tế của toàn quốc đã không gây ra trở ngại lớn gì(14).

Cách thuận theo trung tâm trật tự

   Dù chủ trương cách suy nghĩ về đại nghĩa từ trước không sai lắm cần phải chú ý 2 điểm sau đây (5).

   Điều thứ nhất là đại nghĩa là tuân theo trật tự của vũ trụ, nghĩa là tuân theo chân lý, không phải đơn thuần là nghĩa trung thần.

  Ở Trung quốc nơi phát sinh “đại nghĩa” ngay từ đầu lấy nghĩa quân thần làm quan trọng nhất nhưng theo quan điểm ngày nay, cách suy nghĩ này không thể nói là thích hợp. Có nghĩa là thay vì chỉ đơn thuần thuận theo một con người ở địa vị vua, chúng ta cần phải theo quan điểm thâm thúy hơn, đó là thái độ thuận theo trật tự của vũ trụ, trong đó có nghĩa quân thần. Nếu quên đi trật tự của vũ trụ mà chỉ đơn thuần dạy tận trung tiết với vua sinh ra đánh mất tiêu chuẩn phán đoán sự việc, và nếu tận trung tiết với vua dù phản ngược lại trật tự của vũ trụ kết cuộc sẽ đưa đến nhiều trường hợp bất hạnh cho cả quân và thần(5).

Đại nghĩa cơ bản là thuận theo trật tự của vũ trụ. Do đó, đối với thần, trung tâm của trật tự vũ trụ, là việc dĩ nhiên mà còn đối với cả người nắm chủ quyền quốc gia, thiên hoàng, chủ xí nghiệp, hiệu trưởng và gia trưởng của gia đình v.v…một khi họ điều hành trật tự theo trật tự của vũ trụ thì cần phải thuận theo họ, không được xem nặng trung tâm trật tự này mà xem nhẹ trung tâm trật tự khác. Tất cả các trung tâm trật tự đều quan trọng. Đây là điểm thứ nhất tôi mong mỏi nên chú ý(15).

Điều thứ hai cần phải chú ý là thuận theo trung tâm trật tự là thuận theo thuận theo lập trường của trung tâm, nghĩa là phải thuận theo địa vị của trung tâm chớ không phải thuận theo lập trường riêng tư của người ở địa vị trung tâm trật tự. Nếu như lẫn lộn lập trường công và lập trường riêng, nghĩa là để cho tình người hoặc tư tình xen vào tôi nghĩ sẽ gây ra hỗn loạn trật tự.

   Trung tâm trật tự dù trong trường hợp nào vốn luôn là lập trường công cộng, lập trường chung nhưng nếu như không phản lại với con đường đại nghĩa thì việc thêm tình người sẽ rất quan trọng để giữ gìn trật tự. Do đó, sống theo đại nghĩa không có nghĩa là bỏ đi nhân tình (cảm tình con người). Trái lại, để hoàn thành đại nghĩa cần có nhân tình. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải phân biệt rõ ràng lập trường công và lập trường tư để tránh gây ra hỗn loạn trật tự vì quá chạy theo nhân tình. Đây là điều thứ hai cần phải chú ý.

Cho dù không thấy bằng mắt thật nhưng cũng cần phải tuân thủ trật tự

  Ở phần trên đại khái tôi đã trình bày từ lập trường của người tuân theo trật tự. Kế đến thay đổi lập trường, tôi xin được đề cập chút ít về điểm mà người ở lập trường, nghĩa là ở vào địa vị của trung tâm điều hành trật tự cần phải sẵn sàng chuẩn bị tinh thần như thế nào.

   Không cần phải nói, dù là nguyên thủ quốc gia hoặc là chủ xí nghiệp, hiệu trưởng và gia trưởng của gia đình các nhân vật này là người duy trì trật tự tập thể của họ và là người có trách nhiệm phát huy thực tế trật tự vũ trụ vào trong trật tự tập thể của họ. Tiếp theo, như đã trình bày ở trên, bởi vì phồn vinh được ban phú thông qua trật tự của vũ trụ, do đó nỗ lực mà người ở địa vị của trung tâm điều hành trật tự phát huy trật tự vũ trụ, và căn cứ vào đó để duy trì trật tự tập thể của họ trong thực tế chính là việc làm đem phồn vinh đến cho mọi người trong tập thể của họ.

  Do đó người đứng vào địa vị trung tâm điều hành trật tự trước hết cần phải hiểu rõ rằng nhận thức chân chính trật tự vũ trụ và tuân theo trật tự vũ trụ là đại nghĩa đồng thời cần phải nỗ lực sao cho mọi người cùng có được phồn vinh cả 2 mặt vật chất và tinh thần bằng cách phát huy trật tự vũ trụ trong sinh hoạt thực tế. Nếu như chỉ chạy theo lợi ích, ham muốn nhỏ bé của cá nhân mình và không còn thấy trật tự vũ trụ thì không những sai lầm con đường nên đi của cuộc đời mình mà còn gây nhiều trở ngại và phiền phức cho mọi người chung quanh, và mọi việc sẽ không tiến triển thuận lợi. Do đó, tôi nghĩ người ở địa vị trung tâm điều hành trật tự cần phải hiểu rõ đạo lý của đại nghĩa và phải thiết tha mong ước sống với đại nghĩa hơn ai hết.

  Tóm lại, đại nghĩa là thái độ sống thuận theo trật tự vũ trụ, nghĩa là sống thuận theo chân lý, người có trách nhiệm điều hành trật tự của tập thể và người tuân theo cần phải cùng nhau nỗ lực tạo dựng phồn vinh bằng cách cùng nhau luôn luôn tôn trọng trật tự vũ trụ là trật tự căn bản và phát huy nó vào sinh hoạt thực tế.

  Trật tự vũ trụ thật sự là một thứ hiện hữu nghiêm túc đàng hoàng mặc dù chúng ta có thể không thấy chúng. Tuy nhiên dù không thấy được nhưng ai tuân theo sẽ được ban phú cho niềm vui vô tận, và ai chống đối nhất định sẽ gặp chướng ngại và sự việc trở nên không thuận lợi. Chúng ta cần phải nhận thức rõ sự thật này. Tóm lại, đại nghĩa là thái độ sống theo trật tự của vũ trụ và nếu gọi loại đại nghĩa này là loại đại nghĩa bậc nhất thì căn cứ vào đó cái nghĩa của quốc gia, cái nghĩa của gia đình v.v… các loại đại nghĩa bậc hai sẽ phát sinh ra, và tôi nghĩ chính bằng cách sống với đại nghĩa này con người sẽ cùng nhau thực hiện được hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh.

Nhân cơ hội này chúng ta nên cùng nhau phản tỉnh kiểm điểm chúng ta có thật sự sống đầy đủ theo đại nghĩa chưa để cùng nhau đi con đường dẫn đến phồn vinh (5).

Nguyễn Sơn Hùng

DĐKP nhận được ngày 12/3/2021

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nguồn: “Ý nghĩa của đại nghĩa là gì?” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke”(tiếng Nhật), cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 128~135. Bài thứ 31 được đăng đầu tiên vào tháng 10 năm 1950 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.

Ghi chú

  1. Trung dung: một trong 4 sách của tứ thư: Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử. Đại học và Trung Dung vốn là một chương của sách Lễ Ký mà Chu Hi đã tách riêng ra.
  2. Nghị: việc nên làm.
  3. Tứ thư ngũ kinh. Tứ thư: xem (1). Ngũ kinh: Dịch kinh, Thư kinh, Thi kinh, Lễ Ký và Xuân Thu.
  4. Đại phu: chức quan to thời xưa ở Trung quốc.
  5. Trong nguyên bản tác giả dùng rất nhiều câu “tôi nghĩ”, có thể với mục đích tỏ bày lòng khiêm tốn của tác giả và thích hợp với thính giả hoặc độc giả vào thời điểm đó nhưng gây ấn tượng tác giả thiếu tự tin đối với độc giả ngày nay và chiếm giấy nên ở đây dịch giả tích cực bỏ bớt và ghi chú với ký hiệu (5).
  6. “Nền tảng của phồn vinh”: Bài đầu tiên trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” được đăng vào tháng 2 năm 1948 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP.
  7. Vũ trụ căn nguyên lực: có thể hiểu là trời hay tạo hóa.
  8. Căn nguyên: cội nguồn, nguồn gốc.
  9. Nút kết nối: không hiểu tại sao tác giả gọi là “nút kết nối”, khó hiểu hơn từ “trung tâm”. Từ này chỉ dùng ở tựa của tiểu mục và ở trong câu này. Sau đó tác giả chỉ dùng từ “trung tâm”.
  10. Nguyên văn là “nước ta” nhưng ở đây dịch là “Nhật Bản” để dễ đọc.
  11. Gia trưởng: người đứng đầu trong gia đình. Thường là người cha hayngười lớn tuổi nhất trong gia đình.
  12. Lập luận của tác giả dài dòng làm khó hiểu nhưng nếu nói đơn giản là đại nghĩa có nghĩa là tuân theo quy luật của tự nhiên sẽ trở nên dễ hiểu và khoa học.
  13. Trung tiết: tinh thần quyết trung thành với người nào.
  14. Tác giả thiếu lý luận, không đưa ra chứng cớ để đưa ra kết luận này! Tình trạng quân phiệt trước thế chiến thứ hai không gây trở ngại lớn sao?
  15. Dịch giả nghĩ rằng nếu cả người điều hành các trung tâm trật tự và người cần phải tuân theo trật tự đều tuân theo chân lý thì tự nhiên trật tự được hình thành không có gì khó khăn. Tuy nhiên nếu có người trong những người điều hành trung tâm trật tự không theo chân lý thì chủ trương “cần phải thuận theo họ, không được xem nặng trung tâm trật tự này mà xem nhẹ trung tâm trật tự khác” của tác giả có thể nói là không dễ thực hiện và rất tiếc tác giả cũng không đề cập giải pháp cho trường hợp này!

🌸🌸🌸🌸🌸

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...