Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Tết Của Trái Chín - Châu Hà

Châu Hà
Tác giả là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề chăm sóc người già và tàn
tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu
tiên, "Ông ngoại của Thu đi lấy vợ", tác giả đã nhận giải thưởng đặc
biệt năm 2010, và tiếp tục lui tới với Viết Về Nước Mỹ.


                               ***

Để tưởng nhớ Cụ Bà Liên Ngẫu, xin Thành Kính Phân Ưu cùng các con và
các cháu của Cụ.
Quý mến mời các con cháu của Cụ cùng độc giả đọc bài viết nhớ về kỷ
niệm đẹp một thời may mắn được chăm sóc Cụ.

“Chăm người già mỗi ngày một ngại, chăm trẻ dại mỗi ngày một vui.”

Đó là lời chào của vị khách hàng tôi đến chăm sóc trong ngày đầu tiên
gặp mặt. Bà đẹp thanh lịch, đằm thắm hiền hòa. Ngay sau khi chào tôi,
bà nhỏ nhẹ nắm tay tôi và nói:

“Này đừng gọi chị là bác nhé. Chị chị em em nghe thân mật gần gũi nhau hơn…”

Tôi vâng dạ nhưng cứ giữ gọi bác xưng con vì con gái lớn của bà là bạn
của cô bạn tôi. Tôi khen:

“Bác đẹp quá, nét đẹp hiền dịu.”
Bà cười hiền:
“Đẹp như cái tép kho tương, kho đi kho lại nó trương phình phình…”

Bà cụ xem ra thích văn chương, mỗi lời nói đều có vần điệu. Sau một
thời gian chăm sóc bà, tôi nghiệm ra rằng bà cụ dường như có một kho
tục ngữ ca dao trong đầu. Bà nhớ nhiều câu ngày xưa hay lắm. Từ đó
ngoài chiếc điện thoại tôi bỏ trong chiếc túi áo đem theo bên mình để
gọi khẩn cấp, tôi lại kèm thêm cây bút và quyển sổ nhỏ để ghi chép
những câu hay do bà cụ đọc.

Ông bà cụ trước đó ở cùng con gái út, con rể Mỹ và hai cháu ngoại. Họ
rất có hiếu và tin tưởng rằng nghề nghiệp y tá của họ sẽ giúp chăm sóc
bố mẹ tốt hơn. Con rể luôn giúp chở bố mẹ vợ đi khám bệnh. Khi ông cụ
mất, bà cụ gần như “không biết buồn”. Khách gần, xa đến thăm viếng,
hỏi thăm ông mất ra sao thì bà trả lời: “Để tôi mở cuốn sổ ghi chép ra
xem lại.”

Tôi được biết bà cụ bị bệnh Alzheimer, một căn bệnh sa sút trí tuệ ở
người lớn tuổi. Người bệnh bắt đầu với triệu chứng rối loạn trí nhớ,
thoạt đầu thoáng qua, sau càng lúc càng tệ hại.Có lần, tôi thấy bà
ngắm nghía chai nước rửa chén màu cam dán nhãn hiệu một quả cam nguyên vẹn kế bên nửa quả mọng ngọt trông rất bắt mắt. Bà lẩm bẩm:

“Rõ lạ! Chai nước cam ngon vậy mà lại để nơi cái bồn rửa bát.”
Rồi bà cụ cầm lấy cái chai nước rửa chén đi đến mở cửa tủ lạnh để cất.
Do được huấn luyện cách chăm sóc người bị bệnh Alzheimer nên tôi không
nói năng gì. Chờ lúc bà cụ khuất tầm mắt, tôi lẳng lặng lấy “chai nước
cam” ra khỏi tủ lạnh và để lại vị trí cũ.Tôi giúp bà cụ gần như 8
tiếng một ngày. Các con, cháu bà sáng ra đi làm, đi học, ai cũng bận
rộn. Tôi theo bà cụ từng bước trong căn nhà rộng nhiều phòng. Chỉ có
mình bà và tôi đi lại trong căn nhà đẹp, trang trí nhiều tranh ảnh của
gia đình và những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Hai bác cháu đi
tới đi lui như một hình thức tập thể dục. Sau những lúc đi bộ lòng
vòng trong ngôi nhà chúng tôi nghỉ chân nơi xô-pha, bà vui miệng kể
chuyện ngày xưa. Mỗi ngày một câu chuyện.

“Ngày xưa ấy, chị cùng quê Thái Bình với ông nhà văn “Con sáo của em tôi” đấy.

“Vâng ạ.”

“Ông cụ thân sinh của chị có cử nhân Hán học nên cụ cứ
thích dùng Hán Văn đặt tên cho các con. Chị gái của chị được cụ đặt
tên là Phượng Chủy tức là cái mỏ của con chim phượng.”

Cái tên nghe lạ quá làm tôi thêm tò mò muốn hỏi tên thời con gái của
bà. Bà cụ có lẽ đoán được điều tôi muốn hỏi, vẫn thủng thỉnh:

“Ôi dào giá mà đặt tên Thị Mâm, Thị Mẹt, Thị Bèo nghe có phải dễ nuôi
dễ gọi hay không. Đằng này cụ lại đặt tên cho chị là Liên Ngẫu.”

Tôi nghe lạ thêm. Bà cụ giải thích:
“Liên Ngẫu tức là cái thai, cái nôi, cái nhụy của hoa sen đấy.”
Thấy tôi vẫn ngơ ngẩn, bà cười hiền hòa:
“Nói huỵch toẹt ra thì tên của chị nghĩa là cái ngó sen. Ngày xưa đi
học chị bị chúng bạn cười nhiều vì cái tên “Ngẫu” của mình, chị mắc
cỡ. Có đứa còn trêu gọi chị là “Liên Nẫu” tức cái hoa sen úa rữa, hỏi
em có ức không chứ.”
“Vâng.”

“Nhưng không việc gì vì khi gia đình chị theo tàu há mồm di cư vào Nam
năm 1954 thì ông cụ đổi tên khai sinh cho chị thành chữ Ngân cho dễ
gọi. À mà em tên là gì ấy nhỉ?”

“Dạ tên con là Hà ạ.”

“Hay đấy. Tên hai chị em mình ghép lại là cả một giải Ngân Hà ấy chứ.”
Hai bác cháu tôi cùng cười vang. Bà cụ kể thêm:

“Ông cụ chị mỗi khi có dịp đi ra ngoài các bà các cô trong làng nhác
thấy cụ phải trốn xa xa kẻo nhỡ cụ hỏng việc lại đổ vì ra ngõ gặp gái.”
Tôi nói đùa:

“Vậy là cụ có bao giờ thấy được các cô đẹp trong làng đâu ạ, tiếc quá.”
Bà chép miệng:

“Tục lệ ngày xưa mà, em ơi. Ông cụ chị có học vị cao nhất làng nên
được nhiều người kính nể. Này nhé, Chánh Tổng là trông nom nhiều làng,
Lý Trưởng nom một làng, còn đầu làng là ông Tiên Chỉ.“Một mình một cõi
thảnh thơi ngồi là cái ông Tiên Chỉ.”Mà cái lệ của làng là ông Tiên
Chỉ chỉ được ngồi một mình, ngồi cho có lệ chứ có làm gì đâu. Ông Tiên
Chỉ thì lại hay kéo người này người kia lên ngồi chung cho vui.”

Có khi tôi đưa bà cụ ra ngoài đi bộ trong nắng ấm, tôi thấy bà ngẩng
đầu nhìn khi nghe tiếng máy bay. Do bà cụ ngẩng khá lâu nên tôi sợ khi
cúi xuống bà sẽ bị quay mòng, nên vội nhắc:
“Bác ơi, bác cẩn thận kẻo bị quay quay khi ngẩng nhìn lâu quá đấy.”

Bà nghe tôi nói chữ quay quay thì đứng yên, thẳng đầu, mắt nhìn xa
vắng. Bất chợt bà cất tiếng hát chậm rãi, giọng êm như nhung và còn
trong trẻo lắm:

Quay quay, thương nhớ quyến vào tơ
Quay quay, se áo rét dâng chàng
Rộn ràng tơ lướt tới người chiến sĩ yêu
Quay quay, thương nhớ quyến vào tơ
Quay quay, chăn ấm cuốn thân chàng
Mỗi một đường tơ là mối dây tình
Trong lòng em dâng người hiên ngang...

Thì ra bà cụ hát bài “Tiếng hát quay tơ” của nhạc sĩ Tử Phác, bài hát
tôi cũng rất thích. Chắc cụ không thuộc hết bài nên chỉ hát đoạn cuối,
hoặc cụ chỉ cảm hứng đoạn này khi tôi nhắc đến chữ quay quay chăng.

Nhà thơ nhìn sự vật, con người mà xuất khẩu thành thơ còn bà cụ mà tôi
chăm sóc thì xổ “nho chùm” chứ chẳng chơi. Bà bắt vần bắt vò đọc thơ
với những gì vừa trông thấy. Nhưng cũng nhờ những câu ca dao, tục ngữ
này mà tôi học hỏi thêm và đoán được ý tứ của mỗi câu bà đọc. Đặc biệt
là trong các bữa cơm dọn cho bà cụ có lẽ là lúc bà có hứng nhiều hơn
bất cứ lúc nào khác. Tính bà cụ ưa gọn gàng, ngăn nắp nên thường
nhắc:“Cái nào ra cái đó. Cái chén để uống nước, cái bát để ăn cơm…”
Còn hễ ăn thì phải “cơm chín tới, cải ngồng non” mới đúng ý bà cụ.
Nhìn thấy bát canh trong mâm cơm bà đọc luôn: “Ăn cơm có canh, tu hành
có bạn”. Nhìn chén cháo, bà phán: “Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng.”
Một hôm, bất chợt nghe bà cụ đọc: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”,
tôi cảm giác cụ muốn ám chỉ điều gì đó. Nhìn ra tôi hiểu ý cụ nhắc
khéo có một chiếc đũa vênh nên vội tìm đổi đôi đũa khác cho cụ.

Khi cùng bà ra vườn hái quả, bà đọc:
Cái cây nhà ta, cái quả nhà ta
Muốn ăn thì vác sào ra mà cời
Cái cây nhà người, cái quả nhà người
Đừng trông mỏi mắt, đừng cời mỏi tay.

Lại nhân thấy những con chim nhỏ lượn trên cành, bà lại đọc:

Con chim sáo sậu
Là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri
Chim ri là dì sáo sậu

Từ lối nói bắt qué như thế, bà cụ nhắc nhớ xa xưa nơi quê bà ruộng lúa
mênh mông nên có nhiều bồ chứa thóc. Thóc bán được thì một phần để mua
thức ăn, một phần để cúng chùa. Xung quanh nhà bà có mấy cái ao nuôi
cá. Bà kể chuyện mẹ bà thường mua cá con về nuôi lớn.

“Này, em có biết không, chị vẫn nói “đếm như đếm cá con” khi nhớ đến
những người bán cá cho nhà chị ấy. Họ đếm nhanh và ăn gian vì vừa đếm
vừa hỏi chuyện, chẳng hạn “hai mốt hai hai năm ngoái bà mua cá ai năm
lăm năm sáu…” Vậy đấy, lướt qua một câu chuyện là họ đếm xong, điểm
lại dễ thiếu đến khoảng hơn ba chục con chứ ít gì.”

Nhưng bà cụ lại thở dài:
“Ấy chẳng qua họ nghèo, cần tiền nuôi đàn con nheo nhóc. Ngày tết nhà
chị mổ lợn đãi tất cả những gia nhân đầy tớ quanh năm giúp mình cấy
lúa, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, chim muông, chẳng thiếu con vật gì.
À, vườn cảnh nhà chị có cả con khỉ nữa đấy.”

Tôi hình dung cả một bức tranh quê sống động khi lắng nghe bà cụ kể
chuyện. Bà cụ có lòng thương người và thường bảo tôi bỏ CD hoặc DVD
vào máy để bà nghe thuyết pháp. Bà cụ ăn chay trường nên tôi không mất
nhiều thì giờ chuẩn bị bữa ăn, miễn sao đủ dinh dưỡng và hợp ý cụ. Bà
thích dùng bột dinh dưỡng và hoa quả cho bữa sáng, bữa cơm chính thì
cũng đơn giản với muối mè lạc rang, canh đậu hũ với hẹ, rất thích dĩa
rau tươi cùng dưa leo chấm nước tương.

Vào dịp tết, tôi giúp bà cụ bày biện hoa quả. Bà dặn thế nào cũng phải
có quả dưa hấu xanh to cho ra ngày tết. Trông thấy tôi đang sắp những
trái hồng giòn vỏ đậm tươi rói, bà ngâm nga:

Mình nói dối ta mình chửa có chồng,
Để ta mang cốm mang hồng sang sêu.
Ta sang mình có chồng rồi,
Để cốm ta mốc, để hồng long tai.
Ngỡ là long một long hai,
Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng.

Tôi đề nghị đẩy xe cho cụ xem cảnh chợ Tết nhưng cụ ngại chỗ đông
người. Các con cụ kể ngay khi cụ trẻ cũng chẳng chịu du lịch đó đây dù
người thân có kỳ nài cách mấy. Bày cúng tết, cụ nhắc tôi nấu xôi vò
hoặc xôi lạc, xôi gấc và dặn tìm mua bánh chưng chay có nhân màu đỏ là
trái chuối.

Sáng ngày đầu năm cụ chuẩn bị nhiều bao giấy đỏ lì xì, háo hức chờ các
con cháu đến chúc tết. Hai con dâu người Mỹ của cụ mặc áo dài đến mừng
tuổi, cụ vui ra mặt. Tôi vui lây, mong cụ tỉnh táo để vui hưởng bên
con cháu càng lâu càng tốt. Nhưng tôi không tránh được nỗi lo lắng vì
tôi là người chăm sóc cụ trực tiếp nên biết rõ cụ đã yếu nhiều.

Mỗi sáng khi tôi đến chăm sóc bà cụ, bà đều nói: “Cho chị ôm em một
cái xem nào. Sáng sáng đến gieo niềm vui, chiều chiều lấy đi nỗi khổ.”
Tôi chỉ là người giúp chăm sóc bà cụ nhưng nghe rất xúc động. Tuổi già
yếu như trái chín có thể rụng bất cứ lúc nào. Xin nâng niu trái chín
với trái tim rộng mở. Mong là không khí xuân với nắng rực rỡ, gió mơn
man có thể giữ trái chín tươi lâu

Làm Du Tăng Hoằng Pháp Lợi Sinh

Hoa Huỳnh chuyển

1 nhận xét:

Họp Ban liên lạc Nông Lâm Súc Tây Ninh (21/4/2024 )

HỌP BAN LIÊN LẠC NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH Ngày 21.4.2024 Ban liên lạc NLS TN có cuộc họp mặt định kỳ để bàn việc phân công phân nhiệm từng th...