Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Tìm hiểu xuất xứ cuả bài thơ chữ nho : NGA NGA LƯỠNG NGA NGA.

 


Tìm hiểu xuất xứ của bài thơ:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba.

Năm Đinh Hợi (987) nhà Tống sai Lý Giác đến Việt Nam. Tới bến Sách giang, vua Lê Đại Hành nhờ thiền sư Pháp Thuận cải trang làm phu chèo đò đi đón sứ. Thuyền vừa rời bến, Lý Giác trầm ngâm ngắm phong cảnh hữu tình. Chợt thấy hai con ngỗng bơi trên dòng nước biếc, Lý Giác vụt miệng ngâm lớn :

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Nghĩa là :

Ngỗng kia ngỗng một đôi

Ngưỡng cổ ngóng chân trời


Sư Pháp Thuận khoan thai chèo đò, nghe xong liền đọc tiếp hai câu :

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

Nghĩa là :

Nước xanh lông tuyết trải

Sóng lục chân hồng bơi


Sứ Lý Giác lấy làm kinh dị, như tự hỏi với chính mình : Lạ thật cho nước Nam này, một kẻ chèo đò cô lậu thế kia mà chữ nghĩa chẳng thua gì giới nho sĩ thượng lưu bên Trung quốc. Lý Giác thầm mang lòng kính trọng, nên khi về đến sứ quán liền viết tặng bài thơ thất ngôn, mà câu thứ bảy tôn sùng vua nước ta ngang đồng với vua Trung quốc : "Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu" (Ngoài trời lại có trời soi rạng).

Thực ra bài thơ này không do Lý Giác và thiền sư Pháp Thuận trước tác, mà chỉ là trí nhớ và kiến thức về học thuật thi văn Trung quốc đem ra đối đáp. Bài tứ tuyệt vừa trích dẫn vốn là bài Vịnh Nga của Lạc Tân Vương sáng tác ba trăm năm trước đó, nay được nhuận lại đôi chút. Nhưng vấn đề đặc sắc ở đây vừa là cuộc đấu trí ngoại giao, vừa là một sáng tạo thù ứng trong văn học trong một không gian ngoại  giao.

Bài Vịnh Nga của Lạc Tân Vương là một tuyệt phẩm được cổ nhân khen "Thi trung hữu họa", trong thơ có họa, thơ vẽ nên họa phẩm. Nhưng cùng hình ảnh mỹ lệ ấy, qua cuộc đối đáp giữa một danh sĩ và một tăng sĩ, bài thơ được nâng cấp thành "Thi trung hữu đạo", thi vị tân trang thành đạo vị.

Thoạt nghe bốn câu thơ, ta cảm nhận sự hữu tình của phong cảnh, mối thanh khiết của đôi ngỗng. Nhưng đồng lúc nói lên quan điểm vũ trụ và nhân sinh của đạo Phật. Quan điểm ấy là :

Vạn vật nghìn sầu muôn khác, nhưng vô thường, sinh rồi diệt, tồn tại rồi hủy phá. Tuy nhiên trong muôn nghìn biến chuyển sinh diệt kia, vẫn có cái bất biến. Như muôn nghìn lớp sóng xô đẩy, sinh thành rồi biến hoại không ngừng nghỉ kia, nước vẫn thoát ly khỏi cuộc thành hoại của sóng, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là Chân Như. Chân Như không sinh, không diệt, Chân Như cũng chính là vạn vật. Nhưng do vô minh che lấp làm cho chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tượng, tức vạn vật nghìn sầu muôn khác, biến hiện vô thường, mà không nắm bắt được bản thể Chân Như. Vô minh làm cho chúng ta phân biệt ra chủ thể và đối tượng, chia thành tâm và cảnh, khiến chúng ta lặn ngụp trong sự phân biệt nhị nguyên tranh chấp. Làm cho chúng ta không thấy được tâm và cảnh chỉ là một (Tâm cảnh nhất như), ngàn sao muôn khác nhưng vẫn chung cùng bản thể (Vạn hữu nhất thể).

Sứ Lý Giác ngâm câu "Nga nga lưỡng nga nga", thì hai chữ Nga nga đầu tiên nói lên bản thể hồn nhiên bất biến. Nhưng do tâm phân biệt qua chữ "lưỡng" là hai, mà thành ra hai con ngỗng, tức hai chữ nga nga sau cùng. Sự phân biệt này phát sinh ra hiện tượng nghìn sầu muôn khác của vạn vật. Càng trầm đắm vào đó ta càng lang thang đi lạc nơi chốn bụi hồng. Chẳng sao nắm bắt được thể tính Chân Như. Ngoại trừ ta biết ngưỡng cổ, "quay đầu thấy bến", nhìn về Giác hải chân thường như đôi ngỗng kia :

Ngưỡng diện hướng thiên nha / Ngưỡng cổ ngóng chân trời       ( hải giác thiên nha là góc biển chân trời )      

Như vậy thì hai câu Lý Giác đọc lên mang một ý nghĩa nhận thức về nhân sinh cũng như vũ trụ của đạo Phật. Đó là vạn vật biến sinh từ Diệu giác và đều quy hồi Giác hải Chân Như.

Còn hai câu đáp lại của Sư Pháp Thuận nói lên sự định vị giữa Cư sĩ và Tăng sĩ, đồng thời làm cuộc phân công hợp tác để hóa đạo cứu đời :

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

Nghĩa là :

Nước xanh lông tuyết trải

Sóng lục chân hồng bơi

Chữ Bạch mao, lông trắng tuyết, hàm ý sứ giả là một người Cư sĩ áo trắng (bạch y cư sĩ) đang đem thân lo việc đời, việc nước, việc người, đang thi hành hạnh bồ tát nơi nghìn trùng sóng nước sâu thẳm xanh um (Lục thủy). Lông trắng thanh khiết của ngỗng trải trên mặt nước mà không bị nước làm cho ướt đẫm, đắm chìm ; trái lại còn thắng lướt, thong dong hiện diện khắp nơi. Còn chữ Hồng trạo, chân hồng, ám chỉ vị Hồng y tu sĩ, tức người Tăng sĩ lắng sâu vào giới, định, tuệ, để khai mở chân tâm, hoằng truyền chánh pháp. Đôi chân cắm sâu vào dòng nước vô lượng, đạp bơi tự tại giữa muôn trùng phiền não, dục vọng, tiến về bờ giác.

Sự định vị trên đây còn là cuộc phân công hợp tác trong dòng Văn hóa Giác ngộ của Phật giáo : Người Cư sĩ sống giữa đời giữ gìn tam nghiệp thanh tịnh (thân, khẩu, ý) để trước là đền đáp Tứ trọng ân (ân quốc gia-xã hội, ân Tam bảo, ân cha mẹ, và ân Thầy-bạn) , sau diệt Tam đồ khổ (là 3 cõi dữ của ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, mà trần gian Việt Nam ngày nay đang hiện hình 3 cõi lầm than, khổ lụy ấy).  Người Tăng sĩ thì chiến thắng phiền não và dục vọng, như đôi chân hồng đạp lội giữa muôn đợt sóng phiền não, khiến cho phiền não là bồ đề, viên thành chánh quả để dẫn dắt quần sinh lên ngôi vị Bồ tát, chứ không xa lánh phiền não để đi tìm giác ngộ giữa hư vô tịch mịch cho sự vui thú riêng mình./. 

UYÊN QUANG sưu tầm, 30/3/2021.

🌿🌿🌿🌿

1 nhận xét:

Xướng Họa :THƠ THẨN ĐỜI TUI - Lý Đức Quỳnh Và Các Thi Hửu

  Bài Xướng THƠ THẨN ĐỜI TUI (Thơ vui theo tranh) Thơ thẩn, vợ hoài nói xỏ xiên: -Cơm ăn, áo mặc…lấy đâu tiền? Thời đen mượn chữ che đời nợ ...