Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

BÀI THƠ : NHỚ MONG của Thái Hy

Nhớ Mong - Thơ Thái Hy *


Tặng Chị Hạ (SPSg)
Đã lâu, chưa nghe tiếng em,
Buồn hiu, lá rụng bên thềm.
Sỏi đá nhớ ai, mong ngóng?
Mưa ngoài phố, mưa trong tim!
Thái Hy là người bạn tâm giao của Ngân Triều. Hình như cuộc đời hai người gắn liền nhau như hình với bóng: rất giống nhau trên con đường học vấn, như nhau trong khó khăn gian khổ, cùng quẫn và cùng nhau trên con đường công danh... chưa kể là cùng năng khiếu, sở thich và khẩu vị... Thái Hy ít khi làm thơ nhưng làm được bài nào, anh đều đưa cho Ngân Triều đọc và góp ý. Anh tâm tình, "Bài Nhớ mong"của anh xuất phát do cảm hứng về hình thức tân kỳ của bài thơ "Bất tận" (Đào Anh Dũng).

"Bất tận" của Đào Anh Dũng đã thể hiện sự cải tiến điệu thơ, vận dụng sự đột biến của ngắt nhịp, chọn lọc hợp lý sự tinh nghĩa của từ... làm cho tác phẩm như có cánh, mạnh như có sức trải rộng, vút cao, vươn xa, ngát tỏa cảm xúc thẩm mỹ trong tâm hồn người đọc...như thường nói "ngôn bất tận ý, ý bất tận tình" hay "ý tại-ngôn ngoại".
Có thể nói "Nhớ mong" của Thái Hy cũng có đậm nhạt những nét đẹp của tứ thơ đồng cảm đó nhưng về lượng từ chỉ có 24, cấu tứ trong thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, chuyển thành lục ngôn tứ tuyệt biến thể mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng chấp bút (chỉ có 1 vài câu gọi là thất ngôn xen lục ngôn, một phong cách riêng VN, bước đầu thoát ly và đoạn tuyệt ảnh hưởng Thơ Đường bấy giờ, để làm bệ phóng cho Thơ Mới sau nầy, đa dạng, phong phú, bát ngát, mênh mông, sâu lắng...) Xin mời các bạn đọc Bất Tận:



Lời dẫn của Đào Anh Dũng:
Biết nói gì đây?! Thôi, ráng hỷ xã vậy.
Kính chia sẻ cùng anh chị trang thi họa kỷ niệm chuyến đi Angkor…Dũng
Bất Tận

Thấy gì ở chốn tiêu sơ?
Đền đài đổ nát
nền trơ đá mòn.
Nụ cười hỷ xả vẫn còn
Thời gian...
mưa nắng...
không sờn từ bi.
Đào Anh Dũng
Kỷ niệm Angkor, 2008

"Bất tận" là không bao giờ dứt, không bao giờ hết, là còn mãi, là bất diệt, trong ý niệm không gian hữu hạn và thời gian vô cùng. Hãy xem bức tượng là một vị la hán đang mĩm cười, đôi mắt đang nhắm lại, như nhìn vào tâm thức, vào nội tâm của mình, rất kỳ diệu...mà Đào Anh Dũng [39] đã hạ bút một cách gợi cảm và dùng từ đúng chỗ, gọi là từ trung tâm, từ nhãn tự hay từ đắc; "nụ cười hỷ xả ", là nụ cười quên mình đi hòa đồng một cách vui vẻ một hiện thực nào, hay rất vui lòng tha thứ, bỏ qua...
Mặt khác, chốn tiêu sơ là một nơi đơn sơ và tẻ nhạt; không sờn từ bi là còn mãi lòng yêu thương người theo Phật, còn mãi một tấm lòng nhân ái, bao dung không quản ngại thân mình.
Hai câu thơ tuy chỉ là 2 cặp lục bát, cách điệu về hình thức: phân nhịp, cặp đầu 6/4/4, cặp sau là 6/2/2/4 nhưng thật là ý tại ngôn ngoại, miên man, thể hiện một sự nhận thức, cảm hiểu về triết lý huyền nhiệm của đạo Phật.
Nhà thơ như chỉ ra cho người đọc, cùng ngắm nhìn bức tượng trong cảnh buồn lặng, tiêu sơ, trải qua thời gian dài hàng nghin năm...dãi dầu mưa nắng nhưng tấm lòng nhân ái vẫn còn nguyên, vẫn còn trơ trơ...như một biểu tượng bất hủ toàn bích...Thật rất đáng trân trọng và chúng ta có thể hiểu vì sao có rất nhiều đoàn du khách quốc tế đến tham quan Đền Angkor, Campuchia.
Xin cảm ơn nhà văn, nhà thơ Đào Anh Dũng đã cho người đọc những giây phút tĩnh lặng, suy gẫm về cái lẽ huyền nhiệm của tình người và ý nghĩa của lẽ mất còn.
***
Xin trở lại với “Nhớ mong” của Thái Hy:
Nhớ mong là trạng thái trông ngóng đợi chờ đa dạng về người và sự vật. Ở đây, là nhân vật trữ tình, là đối tượng của tác giả:
Đã lâu, chưa nghe tiếng em,
Buồn hiu, lá rụng bên thềm.
Sỏi đá nhớ ai, mong ngóng?
Mưa ngoài phố, mưa trong tim!

Đã lâu, chưa nghe tiếng em là một câu nói rất bình thường, tự nhiên như trong khẩu ngữ thường ngày. Có lẽ thời gian là những bước đi rất dài, đã lâu và không gian được lồng trong một ngày mưa buồn, mưa ngoài phố. Trong khung cảnh mưa buồn ấy, nhớ mong, muốn gặp người khác, e là bất khả thi! Trời mưa, ai lại mong người con gái đến tìm mình? Chuyện hão! Làm sao có được! Tác giả chắc cũng không muốn thế, thương lắm, tội nghiệp lắm. Ai lại để người con gái lặn lội đi tìm mình trong mưa gió lạnh lùng? Lẽ nào cột lại tìm trâu (40 * )
Bàn bạc thì phải nói vậy. Đọc lại câu chữ, chúng ta thấy Thái Hy như xao xuyến trong nhớ mong, muốn nghe tiếng em trong thời điểm bấy giờ... phải chăng là tiếng em trong điện thoại di động? Có thể là vậy, và có lẽ chàng ta cứ gọi mãi... và nàng đã lặng im, không có tín hiệu, kể cả nhắn tin. Để chàng cứ mãi phân vân... nàng giận dỗi, hay quá bận việc, hoặc đang ở chỗ đông người nên... không tiện nghe máy?! Quả thật, khi đã lưu luyến duyên tơ, thì người ta nhớ mong rất nhiều.
Chưađược nghe tiếng em". Thôi thì đành nén lòng nhớ mong! Đợi chờ cơ hội khác...đành vậy thôi!

Câu 2, Cảnh lá rụng buồn:
"Buồn hiu, lá rụng bên thềm".
Với hai chi tiết tô đậm nỗi buồn, bổ sung cho nhau. Buồn hiu là buồn với vẻ cô đơn, hiu quạnh. Lá đổi màu, lá chết, lá rụng bên thềm thì làm sao vui? Phải chăng, sự rơi rụng của những chiếc lá vàng, trong mưa gió gợi lên một sự ly tan, một sự chấm dứt một kiếp sống, một cuộc đời của chiếc lá... hay sự phân vân, liên tưởng hoài nghi, tự hỏi về sự ngăn cách của một mối tình để thấy lòng mình tê tái thêm, rượi buồn hơn, khi một mình, đơn côi, lẻ bóng, mưa giăng chất ngất thành sầu... Điều đó, ta có thể hiểu được nỗi lòng nhớ mong vời vợi của một người chợt thấy lòng mình như đã gắn liền với một người dưng khác họ... mất rồi. Chẳng hạn, tương tư bất tương kiến là nhớ nhau bổi hổi bồi hồi mà không thể nào gặp nhau. Nhác trông cảnh vật trước mắt, chỉ thấy héo hắt trong cung bậc vút cao của những giai điệu buồn thương, sầu nhớ, réo rắt đến ngẩn ngơ...[42]

Câu thứ 3: nhớ mong người yêu:
Sỏi đá nhớ ai mong ngóng?
Hai biện pháp tu từ đã được lồng ghép sử dụng. Sỏi đá là khách thể, là vật vô tri thế mà biết mong ngóng nhớ ai. [43] Câu hỏi tu từ là nhấn mạnh nhớ mong của sỏi đá. Cả câu như minh họa, khi vời trông sỏi đá trong tầm nhìn, tác giả thấy mưa tuôn, nước chảy ngoài sân, bên thềm. Dòng nước cuốn phăng những cát bụi và khoét sâu xung quanh lớp đất mềm, sỏi đá chỉ còn trơ vơ những mẩu đá sỏi như vươn cao đầu lên, như mỏi mòn, mong ngóng ai đó tự phương nào. Sỏi đá là vô tri, nhưng thực ra người viết đã ví ngầm nhằm vận dụng, nhấn mạnh nỗi lòng mình một cách ví von, trữ tình và thẩm mỹ, để cho hình tượng, sự vật tự biểu cảm, qua các nhãn tự của những hình thức tu từ (hay mỹ từ pháp).
Đến câu cuối bài thơ:
Nỗi buồn như thành sầu giăng khắp:
Mưa ngoài phố, mưa trong tim!
Đây là một câu tổng hợp giữa cảnh và tình. Nếu mưa là buồn thì cái buồn ngập tràn cả không gian bao la bên ngoài Mưa ngoài phố đồng thời sự buồn lặng đó, xâm chiếm cả tâm hồn mưa trong tim ...[45]
Về nhịp thơ, hai câu đầu với nhịp 2/4 êm dịu, nghe như một tiếng thở dài (câu 1) tiếp đến là nỗi buồn nhẹ nhàng, không tên trong cô đơn nhớ mong vời vợi (câu 2). Sỏi đá nhớ ai, mong ngóng (nhịp 4/2), Mưa ngoài phố, mưa trong tim (nhịp 3/3), nhấn mạnh nỗi buồn trong ngậm ngùi, miên man không dứt. Sự thay đổi nhịp điệu đó đã thể hiện một sắc thái cảm xúc chân thành của tác giả, tăng cường cho nội dung buồn da diết của tứ thơ.
Tóm lại, bài thơ không dài chuyển tải một tâm tình đơn sơ nhưng bát ngát, vận dụng khéo léo những thủ pháp nghệ thuật, đã khắc họa một nét tâm trạng ai hoài trong tình yêu đôi lứa. Nhớ mong, một bài thơ ngắn của Thái Hy, có thể là một món ăn rất lạ miệng và hấp dẫn như hương vị của một loại trái cây ưa thích đầu mùa!
*****
Ghi chú:
*Thái Hy, bạn cùng lớp, người bạn tâm giao của Ngân Triều, cgv, quê Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An.
* Đào Anh Dũng tên thật là Trần Anh Dũng, cựu học sinh Tây Ninh, quê Tây Ninh, nhà thơ, nhà văn, hiện sống tại Minnesota, USA.
[40] cột, ẩn dụ theo yếu tố cố định, chỉ người con gái / trâu, yếu tố di động, ẩn dụ người con trai. trâu-cột ẩn dụ biến thể trong tình yêu đôi lứa trong mô týp thuyền-bến/con đò-cây đa...
君在湘江頭 (* 41 )
妾在湘江尾
相思不相見
同飲相江水

Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
*
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương
*
Hoặc là:
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đương cười ở phương trời,
Nhớ đôi mắt đương nhìn anh đăm đắm.
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi,
-Mà kỷ niệm ôi, còn gọi ta chi...
Tương tư, chiều... Xuân Diệu
[42] Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch Sao Mai,
Sao ơi! Sao hỡi! Nhớ ai ...sao mờ?
Ca dao
Hay
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ?
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?
Ca dao
Hoặc giả
Nhất nhật bất kiến/ như tam thu hề
Một ngày không trông thấy nhau, như ba năm dài đằng đẵng.
NT xin mạnh dạn suy diễn như thế để người đọc thông cảm nỗi lòng bâng khuâng thắc thỏm, buồn nhớ như si mê...của người trong cuộc.
[43] biện pháp tu từ nhân hóa.
[44] Chẳng hạn:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…
Ca dao
Khăn thương nhớ ai, Đèn thương nhớ ai, Mắt thương nhớ ai, chỉ là ẩn dụ, khơi màocho những phiền muộn, một nỗi niềm không an tâm vì thương nhớ một người đi.
Cũng nên nhắc đến nghệ thuật tả cảnh và tả tình trong triuện Kiều. Thật tài hoa biết bao khi bút pháp của Nguyễn Du tổng kết và dự báo cuộc tình của Kiều-Thúc Sinh qua 2 câu thơ tả cảnh kết hợp với tâm trạng:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Kiều, Câu 1603-1604
Tả cảnh trên đường đi của Thúc Sinh khi quay lại Lâm Tri với Thúy Kiều. Lúc ấy, trời đã vào thu. Hình ảnh mùa thu lạnh lẽo, nước trong veo, có ánh sáng phản chiếu lấp lánh trên những gợn sóng nhỏ, sinh động, long lanh, có khói như hình ảnh của một cái thành xanh xanh thành xây khói biếc; có cả bóng trái núi màu vàng lồng bóng trong đó, non phơi bóng vàng; có cả bóng nền trời cao rộng đáy nước in trời; nhiều màu sắc ngoạn mục, hữu tình như cuộc tình vì nghĩa rất mặn nồng rất hạnh phúc(!) của đôi lứa đang yêu. Nhưng tình yêu đó chắc chắn không bền vì hình ảnh tượng trưng tiêu biểu cho cuộc tình đó, không có thực, mà nó chỉ là những bóng hình, những ảo ảnh phù du. Tình yêu là ảo ảnh thì sẽ phải tan thôi! Cho nên, cuộc tình đó tiếp theo sẽ phải tan vỡ một cách tất yếu, là đau thương, là nước mắt...đúng như dự báo... do âm mưu đánh ghen nham hiểm của Hoạn Thư:
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đọa, cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay
Kiều câu 1549-1552
[45] Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ"
Kiều 1243-1244.
Tâm trạng của một người buồn, dù ở bất cứ nơi đâu, cho dẫu đang ở trước cảnh xa hoa lộng lẫy, cũng cảm thấy nơi đó buồn tênh, toàn một màu u ám, thê lương.



1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...