Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Cách 'chữa lành' lo lắng trước và sau tiêm vaccine Covid-19 (vn.express)

Tìm hiểu kỹ về loại vaccine, nắm rõ tiền sử dị ứng, sức khỏe bản thân, các lưu ý trước và sau tiêm giúp bạn thoát khỏi tâm lý lo lắng, do dự.

Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, chia sẻ: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine Covid-19 an toàn cho hầu hết mọi người từ 18 tuổi trở lên, kể cả người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh lý suy giảm chức năng gan, thận, phổi cũng như bệnh nhiễm trùng mạn tính đã được kiểm soát ổn định.

Tuy nhiên vẫn có nhiều người lo lắng, do dự về việc tiêm vaccine Covid-19. Do đó việc tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng trước khi tiêm vaccine cũng là một cách "chữa lành" sự lo lắng này.

Dưới đây là những điều nên biết trước và sau tiêm vaccine Covid-19:

Trước tiêm vaccine Covid-19

Người đi tiêm nên mặc quần áo thích hợp, như một chiếc áo phông hoặc sơ mi ngắn tay sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng tiếp cận vị trí tiêm, ở vùng 1/3 trên cánh tay. Đeo khẩu trang, mang theo khẩu trang dự phòng để thay khi cần, dung dịch sát khuẩn cá nhân, giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, phiếu tiêm vaccine...

Gặp bác sĩ sàng lọc trước tiêm, liệt kê tất cả các thuốc, tình trạng sức khỏe, tiền căn dị ứng, bệnh tật mà bạn đang mắc phải. Đặc biệt nếu bạn có tiền sử dị ứng nghiêm trọng nhất là với bất kỳ thành phần nào trong vaccine hoặc đang sử dụng Steroid hay thuốc ức chế miễn dịch thì cần trao đổi với bác sĩ đang điều trị, hoặc xin tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành miễn dịch dị ứng bởi việc tiêm vaccine có thể khiến bạn không an toàn. Nếu là lần tiêm thứ hai thì phải thông báo các phản ứng sau tiêm lần trước (nếu có).

"Chọn cánh tay không thuận để tiêm, vì tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào là đau cánh tay có vị trí tiêm. Khi bạn cảm thấy bất kỳ tác dụng phụ hay khó chịu nào từ cánh tay nơi tiêm thì ít nhất nó sẽ không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày", bác sĩ Nhi chia sẻ.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến nghị không nên sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (Acetaminophen, Ibuprofen) hoặc thuốc kháng Histamin để ngăn ngừa tác dụng phụ trước khi tiêm chủng. Hiện nay, chưa có kết luận hay báo cáo chắc chắn về những thuốc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine như thế nào, tuy nhiên nó có thể ngăn cản nỗ lực của vaccine trong việc "huấn luyện" hệ thống miễn dịch với độc lực virus, làm giảm đáp ứng kháng thể, theo nhóm nghiên cứu Đại học Yale, công bố năm 2021.

Cần uống đủ nước. Nước không chỉ quan trọng đối với sức khỏe hàng ngày mà còn giúp bạn kiểm soát, thậm chí ngăn ngừa những tác dụng phụ của vaccine. Nếu mất nước bạn sẽ dễ bị chóng mặt, mệt mỏi, khô khát, dễ bị táo bón.

Sau tiêm vaccine Covid-19

Các tác dụng phụ thường gặp được báo cáo từ vaccine Covid-19 gồm: mệt mỏi, đau nhức tại chỗ tiêm, đau đầu, đau cơ, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, sưng hạch bạch huyết gần vị trí tiêm (thường là hạch vùng nách)... Sau tiêm phải ngồi lại để theo dõi ít nhất 30 phút, báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, tê quanh môi miệng, tức ngực, khó thở, choáng váng, đau đầu dữ dội, đau quặn bụng,...

Ghi lại các tác dụng phụ mà bạn gặp phải, càng chi tiết càng tốt để đưa cho bác sĩ trong trường hợp bạn cần nhập viện theo dõi, đồng thời giúp nhà sản xuất thu thập thông tin về tính an toàn của vaccine.

Sau tiêm cần hỏi để biết loại vaccine được tiêm và lịch tiêm mũi hai nếu tiêm lần đầu, đồng thời ghi lại thông tin của cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Chỉ sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ sốt nếu cần. Khi gặp các phản ứng phụ như sưng đau vị trí tiêm, ớn lạnh, đau mỏi cơ, đặc biệt sau tiêm liều thứ hai,... đó là do hệ thống miễn dịch đang "học" cách tạo ra các kháng thể đặc hiệu cho virus hoặc đó là đặc điểm của virus.

Các tác dụng phụ này chỉ tạm thời kéo dài trong 1-2 ngày sau tiêm và có xu hướng giảm dần. Sưng đau nơi tiêm có thể chườm lạnh, nếu sốt từ 38,5 độ trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol. Không nên cố định tay tiêm suốt thời gian dài, nên cử động nhẹ nhàng cánh tay có vị trí tiêm.

Tránh sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn. Ít nhất không nên sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn sau khi tiêm vaccine trong vòng một ngày hoặc lâu hơn. Nếu uống quá nhiều rượu sẽ có thể ức chế hệ thống miễn dịch, gây khó khăn khi phân biệt tác dụng phụ của vaccine hay là phản ứng sau sử dụng rượu.

Đối với việc tập thể dục sau khi tiêm vaccine, nên lắng nghe cơ thể mình, bạn có thể tập như bình thường nếu khỏe nhưng nếu bạn thấy không ổn đừng cố gắng tập.

Ngoài ra, cần nhớ tiêm vaccine không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không mắc Covid-19. Vaccine giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi nhiễm bệnh, giảm nguy cơ tử vong, giảm mức độ lây nhiễm, do đó kể cả sau tiêm vaccine, người dân vẫn phải tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K theo khuyến cáo Bộ Y tế. Nhất là người béo phì, ít vận động, người lớn tuổi, sau khi tiêm vaccine không nên chủ quan bởi vì các yếu tố này khiến cơ thể khó đạt được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và hoàn toàn.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một người dân tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một người dân tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa 


Xem Thêm :Ai phải trì hoãn tiêm vaccine Covid-19?

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...