Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Chuyện chống dịch thời Nguyễn

 Những ngày này, cả nước và nhất là người dân lục tỉnh đang phải chống chọi với Covid-19. Cách đây 2 thế kỷ, VN cũng từng trải qua một trận dịch khủng khiếp. Những nỗ lực chống dịch ngày ấy đều gắn liền với tấm lòng của một người: vua Minh Mạng.


Vừa lên ngôi, Minh Mạng đã phải đương đầu với một thử thách lớn. Đại Nam thực lục chép: "Năm thứ nhất, dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường; sau đó lan dần ra phía Bắc đến Bắc thành."

Đó là lần đầu tiên dịch tả đặt chân đến VN. Trận dịch này phủ toàn cầu, bắt đầu từ Ấn Độ rồi lây lan đến VN. Bộ Hộ cho biết số chết cả thảy là 206.835 người (10% dân số). Nguyễn Du cũng nằm trong số những người đã chết trong đại dịch.

Thay vì chui rúc vào hậu cung và lâu lâu mới xuất hiện chỉ để hỏi: "Hết dịch chưa các khanh?", Minh Mạng luôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Vua xuống chiếu bày tỏ lòng thương xót và động viên bá tánh, ban các đạo dụ khuyên răn quan lại địa phương cũng như yêu cầu các nơi phải liên tục bẩm báo tình hình.

Vua phát ngay lập tức 73 vạn quan tiền để hỗ trợ dân chúng. Tiền này đến tận tay người dân chứ không phải là nói ngoài miệng. Vua ban bạch đậu khấu và phương thuốc chữa trị cho các địa phương có dịch. Triều đình bỏ hết các hoạt động xây cất, vui chơi, bắt lính và cùng lúc miễn thuế trên toàn quốc.

Gạo, tiền và thuốc được đảm bảo sẽ đến tay người dân. Triều đình xử rất nặng các trường hợp quan viên biển thủ, tạo điều kiện cho người nhà hưởng lợi hoặc cấu kết với gian thương để kiếm chác. Ai vi phạm, bất kể chức tước, đều bị xử trảm.

Người chết đều được cấp tiền tuất, theo đó nội tịch 3 quan, ngoại tịch 2 quan, còn trẻ em 1 quan. Các quan ở Quảng Nam lấy cớ rằng do có nhiều người chết quá nên 9 tuổi trở xuống thì không cấp tiền. Vua trách rằng:

“Hết thảy trên đất nước đều là dân ta, khắp trong bốn biển đều là của ta, trẫm thấy trăm họ bị bệnh dịch, lo thương không xiết, há lấy cớ phải cấp nhiều tiền mà lại bàn giảm bớt đi?”.

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, vua mừng lắm, bèn ban thưởng các y sinh điều trị giỏi, lại miễn thuế cho năm sau (tới năm sau nữa thì giảm 1/2 thuế) để giúp dân được nghỉ ngơi.

Đất nước đã được phục hồi nhanh chóng nhờ vào sự ứng phó kịp thời và nhất là tấm lòng thương dân của vua Minh Mạng.

Mặc dù vua bắt đầu kỷ nguyên của mình bằng đại dịch, triều đại Minh Mạng chính là giai đoạn đỉnh cao của nhà Nguyễn; và trên nhiều phương diện, cũng là thời vàng son cuối cùng của dân tộc VN (cho đến hôm nay vẫn thế).

Minh Mạng để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ về hành chính, quân sự, văn hóa và sự toàn vẹn lãnh thổ. Hơn hết, triều đại này còn đại diện cho các giá trị lớn về văn-võ-nhân: nền dân sự dựa trên kỷ luật, đạo đức và tri thức; chiến lược biển đảo vượt thời đại và một tinh thần nhân đạo cao đẹp.

Để hiểu về Minh Mạng với tư cách là một con người, ta có thể nghiền ngẫm 2 câu thơ của vua được khắc ở Đại Cung môn:

"Nhất nhân thụ mệnh trị thiên hạ/Thiên hạ nguyên phi phụng nhất nhân."

Nghĩa là: Một người nhận mệnh trời để trị thiên hạ/Thiên hạ vốn chẳng phải đem ra để cung phụng cho một người.

Xem ra dịch bệnh không chỉ đơn thuần là câu chuyện về y khoa. Sự tàn phá của nó không chỉ phản ánh các hệ quả về sức khỏe con người, trình độ khoa học mà còn là sự hưng vong của các thể chế và sự thăng trầm của những nền văn minh.

Dịch bệnh là một bài khảo nghiệm nghiêm khắc của thời đại, nó thách thức tính linh hoạt của xã hội, tiềm lực của quốc gia và nhất là khả năng đối phó của chính quyền. Nếu một chính quyền khiến dân chúng cảm thấy rằng mình bị bỏ rơi giữa lúc khó khăn thì chính quyền đó chẳng còn lý do nào để tồn tại nữa.

Để chống dịch tất nhiên phải cần vaccine. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính dịch bệnh lại là một loại vaccine có thể giúp người ta suy ngẫm về những điều mà họ chưa từng nghĩ đến trong những ngày bình yên.

Lương Khánh Vũ


Hoa Huỳnh chuyển 

🌸🌸🌸🌸🌸🌸

Xem Thêm :Người dân Nam kỳ thập niên 1890 từng tiêm chủng phòng dịch bệnh ra sao?

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...