Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Gián điệp khét tiếng thế kỷ 20 trong vỏ bọc ‘tên hầu mù chữ’

 THỔ NHĨ KỲ

Elyesa Bazna kiếm sống trong nghèo khó nhưng khi làm người hầu cho Đại sứ Anh đã bán thông tin mật cho Đức quốc xã, thành gián điệp khét tiếng nhất thế kỷ.

Bazna sinh năm 1904 tại Kosovo trong gia đình có cha mẹ gốc Albania. Khi ông 14 tuổi, gia đình chuyển đến Istanbul, nơi bị quân Đồng minh Anh, Italy và Mỹ chiếm đóng trong Thế chiến thứ nhất. Năm 21 tuổi, ông chuyển đến làm việc cho bộ phận giao thông vận tải của Tập đoàn Istanbul, sau đó làm đội trưởng cứu hỏa ở Yozgat trước khi trở lại Istanbul để lái taxi.

Ngã rẽ cuộc đời bắt đầu năm 1943, khi Bazna được Hughe Knatchbull-Hugessen, Đại sứ Anh tại thủ đô Ankara, thuê làm người hầu.

Lúc này, cỗ máy chiến tranh của Đức đã tràn qua hầu hết các nước châu Âu, và tiến dần đến châu Á. Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngõ châu lục, vẫn giữ thái độ trung lập. Người Đức phụ thuộc rất nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ vì chromite là nguyên liệu thô thiết yếu cho đạn dược. Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp 90% nhu cầu chromite của Đức.

Mặt khác, Anh muốn giữ Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía mình vì họ sẽ cho phép Đức tiếp cận các mỏ dầu của họ ở Iraq. Các nước thuộc phe Trục và Đồng minh đã cạnh tranh vì tình hữu nghị của Thổ Nhĩ Kỳ để giữ nước này đứng về phía họ. Đại sứ quán của Đức và Anh đều mở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, và đây là điểm nóng cho hoạt động gián điệp.

Elyesa Bazna từ một tên hầu vô danh đã đi vào lịch sử như ” Điệp viên khét tiếng nhất thế kỷ 20″. Ảnh: Yeniasir

Lần đầu tiên trình diện với Đại sứ, Elyesa Bazna tỏ ra rất hoàn hảo nên được đánh giá cao, vì nói được tiếng Pháp, là lái xe và thợ máy giỏi. Bazna nhanh chóng trở thành người phục vụ đáng tin cậy của Đại sứ Hughe Knatchbull-Hugessen.

Ngài đại sứ yêu âm nhạc tin rằng đã lựa chọn đúng khi phát hiện ra người hầu mới có giọng hát hay tuyệt và thậm chí từng là giọng ca chính trong một buổi hòa nhạc chuyên nghiệp.

Bazna chuẩn bị quần áo cho đại sứ, giúp mọi việc, kể cả đứng canh bên ngoài cửa phòng làm việc để ngăn những vị khách không mong muốn. Các nhà ngoại giao Anh phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ các tài liệu nhạy cảm, bao gồm cả việc giữ chúng trong két có khóa. Nhưng Ngài Hugessen có một thói quen chết người là mang tài liệu mật về nhà để đọc, bao gồm kế hoạch quân sự của Anh, chiến lược cho cuộc chiến và chi tiết các cuộc đàm phán bí mật. Ông thường để lại những giấy tờ này trên bàn của mình, và Bazna đã chú ý.

Ngài Hugessen không biết rằng ngày 26/10/1943, Bazna đã thực hiện một cuộc điện thoại bước ngoặt đến đại sứ quán Đức, tiết lộ “nắm trong tay thông tin chiến sự không một ai có được”.

Đêm trước, Bazna đã chụp ảnh các tài liệu của Đại sứ Anh song vì không biết tiếng Anh ông ta không biết nội dung chụp. Bazna “chơi kiểu an toàn”, chụp ảnh mọi thứ thấy trên bàn, từ danh sách gửi thiệp Giáng sinh đến thư từ riêng với vua George VI.

“Ăn cơm lính” nhiều năm, Bazna chắc chắn, chúng có giá trị với người Đức. Phán đoán này hoàn toàn chính xác, bởi ngay sau đó, Đại sứ Đức đã ra giá cắt cổ 20.000 bảng Anh (khoảng 1,4 triệu USD ngày nay) cho bộ tài liệu đầu tiên và 15.000 bảng cho mỗi lần chụp thêm sau đó. Ông ta giấu số tiền thu được dưới tấm thảm trong phòng của mình, ngay tại đại sứ quán Anh.

Các điệp viên Đức phấn khích như được “ngồi cạnh Đại sứ Anh và đọc tài liệu mật của kẻ địch ở bàn làm việc”. Họ gửi các bức ảnh đến Berlin. Tại đây, những nhà phân tích tình báo Đức nghi ngờ độ tin cậy, cho rằng Bazna là một điệp viên hai mang làm việc cho Tình báo Anh. Song phần lớn thông tin bị Bazna đánh cắp là chính xác, và các nhà phân tích Đức bắt đầu tin anh ta.

Tiết lộ quan trọng nhất của Bazna là cuộc gặp bí mật tại Tehran giữa Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston S. Churchill và lãnh lạo Liên Xô, Joseph Stalin. Cuộc gặp đã được tình báo Đức biết trước, lập kế hoạch ám sát tại hội nghị Tehran, song tình báo Liên Xô đã ngăn chặn thành công âm mưu.

Khi Đại sứ Đức nhận ra “nguồn tin” mới của mình có giá trị như thế nào, ông quyết định việc giữ Bazna làm thuộc hạ là xứng đáng. Ông ta cũng gán cho điệp viên ruột này một mật danh mới, Cicero – triết gia và chính khách đại tài, một trong những nhân vật mang tính quyết định sự thành lập của đế chế La Mã.

Vợ chồng Ngài đại sứ Hughe Knatchbull-Hugessen. Ảnh: Tibbiyelihikmet

Song chính Đức quốc xã đã lãng phí trí thông minh của Cicero và thông tin quý có được. Các tài liệu quân sự này bị giấu nhẹm, hoặc cố tình đánh mất do sự đấu đá nội bộ của Đức. Trên hết, họ tin rằng các tài liệu của Cicero có “chất lượng quá cao” nên chắc chắn là bẫy.

Ngày 6/6/1944, quân Đồng minh bắt đầu đổ bộ hơn 2 triệu quân lên bờ biển Normandy của Pháp, báo trước sự kết thúc chế độ phát xít ở châu Âu. Các nhà hoạch định quân sự của Đức bỏ qua nhiều cảnh báo và manh mối mà họ thu được từ gián điệp Cicero mà triển khai quân đến các khu vực sai lầm, và cuối cùng bị đánh bại.

Trong thời gian này, một gián điệp hai mang của Anh trong Đại sứ quán Đức đã bắn tin “có rò rỉ thông tin trong Đại sứ quán Anh”. Khi các nhân viên phản gián của Anh đến thẩm vấn các nhân viên đại sứ quán, Bazna thoát khỏi sự nghi ngờ vì họ cho rằng “tên hầu quá ngu ngốc để làm một điệp viên giỏi hắn còn không biết tí gì tiếng Anh”.

Giữa năm 1944, Bazna sớm thấy rằng không thể thu thập thông tin được nữa, đã xin thôi việc và rời đại sứ quán một cách đàng hoàng.

Mãi sau này, ông ta mới nhận ra rằng phần lớn những cục tiền bảng Anh mới cứng, sắc nét mà Đức quốc xã trả là tiền giả. Đức Quốc xã đã lừa Bazna khối tài sản trị giá tương đương 18 triệu USD ngày nay.

Sau một thời gian ngắn, ông ta chuyển đến Munich và làm công việc gác đêm. Trong thời gian ở Munich, ông ta kể lại hoạt động gián điệp của mình trong một cuốn sách có tên Tôi là Cicero.

Hitler từng lên kế hoạch tặng cho Bazna một biệt thự sau khi Đức quốc xã “thâu tóm thế giới”, nhưng Bazna qua đời không một xu dính túi năm1970, ở tuổi 66, đi vào lịch sử với tư cách là “gián điệp khét tiếng nhất thế kỷ”.

Hải Thư (Theo Allthatinteresting, Medium)

Nguồn: VnExpress


1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...