Để tưởng nhớ Lê Thánh Thư, vừa tạ thế vì Covid 19 ngày 16/7/2021)
Nguyễn Viện
Tôi không nhớ đã quen Lê Thánh Thư từ khi nào và đã đọc thơ Thư từ bao giờ, nhưng tôi không thể quên lần gặp Thư tại một quán café bên Chánh Hưng Q.8 cùng bức tranh Thư mới vẽ, những năm đầu sau 1975, do nhà thơ Trần Hữu Dũng và Ngô Nguyên Nghiễm rủ đi. Có lẽ đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của Thư. Tôi cũng không hiểu tại sao Thư lại mở rộng lãnh địa của mình từ thơ qua hội họa. Lúc đó, họa sĩ không phải là một nghề hứa hẹn cũng như tất cả mọi kiểu văn nghệ sĩ khác, nếu không muốn nói là một loại nghể tiềm ẩn rất nhiều tai họa, ngoại trừ những kẻ cơ hội như bọn 30 tháng tư đeo băng đỏ.
Không trường lớp, hội họa Lê Thánh Thư chập chững từ gian khó của cuộc sống mà sau này anh đã thú nhận, hội họa đã cứu rỗi anh. Tất nhiên, tranh của Thư ngày ấy buồn cười nhưng dễ thương. Điều gì khiến một tay ngang như thế dấn bước vào một lãnh vực đòi hỏi phải có một kỹ thuật vững chắc? Tôi tin rằng Lê Thánh Thư phải là một người tự tin quyết liệt.
Vốn là một nhà thơ, tranh của Thư đầy chất thơ ngay cả với những bức tranh mang tính thời sự nhất. Một cách nhất quán, thơ và tranh của Thư thơ mộng đến mơ màng, đồng thời quằn quại nỗi đau nhân thế. Tuy nhiên, người ta có thể tìm thấy trong thơ Lê Thánh Thư đâu đó cái châm biếm cay đắng, nhưng hội họa của Lê Thánh Thư thì tuyệt đối không. Lê Thánh Thư không muốn cái đẹp bị hoen ố.
Và Lê Thánh Thư đã thành công một cách ngoạn mục. Anh hai lần đoạt giải Mỹ thuật Việt Nam Phillip Morris 1996 và 1998, giải triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001-2005. Anh cũng đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế, đặc biệt tranh của anh rất được người Nhật ưa chuộng.
Một nhà sưu tập người Nhật, ông Yukio Ogushi đã dành tình cảm đặc biệt của mình cho Lê Thánh Thư.
Trong một lần đến thăm Lê Thánh Thư gần đây tại nhà của anh trong khu cư xá Kiến Thiết đường Lê Văn Sỹ – Tân Bình, anh bảo ngôi nhà này do anh mua được hoàn toàn bằng tiền bán tranh. Đó là một kết quả đẹp không phải họa sĩ nào cũng làm được. Nhất là, những người làm nghệ thuật như thế hệ chúng tôi. Trước 1975 thì chưa kịp làm gì. Sau 1975 mọi ước mơ đều đứt gãy. Nhưng hi vọng thì vẫn cứ phải hi vọng, tự tin và phấn đấu. Tôi nhìn những bức tranh từ sơn dầu trên vải đến acrylic trên giấy đang được đóng gói, Thư bảo gởi đi Nhật. Cứ cái nào ưng ý thì đóng gói gởi đi. Được bao tiêu, sướng.
Lê Thánh Thư vẽ hàng loạt theo từng chủ đề như không gian sống, bao gồm loạt tranh mô tả đô thị thời mở cửa và cõi người ta xô bồ. Anh cũng có những loạt tranh phong cảnh như rừng mía, mùa lúa và sông nước. Tất cả mang tính ý niệm và trừu tượng biểu hiện. Ngoài ra, Lê Thánh Thư cũng đã vẽ hàng loạt tranh về Chúa Giêsu khổ nạn, có thể do một nguồn cơn của con đường tu hành dang dở. Đây là một trong những lý do anh được mời sang Đức để vẽ tranh cho nhà thờ.
Cho dù là thời sự, tôn giáo hay cái muôn thuở của phong cảnh, Lê Thánh Thư không mô tả như pop art mà tranh của anh mang hàm lượng của sự cảm nhận trong bản chất sự vật, sự thế một cách triết lý. Nó mang đến cho người xem những dự phóng vượt thoát của tình cảm cũng như tư tưởng mà nó có thể gợi lên.
Hòa sắc nhẹ nhàng, đường nét đơn giản nhưng hội họa Lê Thánh Thư là một không gian đầy sáng tạo, phóng túng và khác lạ nhưng cũng hấp dẫn như một nhan sắc bí ẩn.
Nguyễn Viện (17/7/2021)
Tranh Lê Thánh Thư1 Bài Thơ Lê Thánh Thư
MỌI NGÀ Y
1/
Mọi ngày như con thú bị nạn
tôi tự liếm vết thương
tâm hồn & thân xác tôi bị nhiễm độc
mọi ngày có thể thơ mộng có thể tuyệt vọng có thể không
mọi ngày có thể bị chụp mũ phản động có thể bị khủng bố có thể không
mọi ngày có thể thương khó có thể đàn áp có thể theo dõi có thể hành hung
có thể báo thù có thể không.
Tôi không nơi chốn
tháng ngày này có thể chết có thể sống có thể không.
2.
Thuốc gia tuyền trong uống ngoài thoa
tôi thoa lên người những bức bối của đời sống của tội ác của giết người
của chính trị của bắt bớ của giam cầm…
và uống cạn chén đắng mọi ngày nơi đây.
Mọi ngày tôi mơ những giấc mơ không phải của mình
Và gọi tên những hy vọng thăm thẳm từ giếng sâu.
Mọi ngày quạnh hiu tôi quá lửa.
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa