Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Mai (tôi) Về Huế - Bùi Bích Hà

 

Tôi xa Huế đã lâu. Lâu lắm. Lẽ ra đã quên nhiều thứ. Nhưng không. Cả BĐ. Tôi nghĩ chị cũng đã quên, hóa ra chị vẫn nhớ. Chị viết cho N. hôm qua, kể lại: “Đám cưới BH, bạn bè chỉ có một mình BĐ đến rồi BH bỏ Huế mà đi. Có người than thở: ‘Sao lấy chồng xa?’”

Người than thở ấy nay cũng đã bỏ Huế. Đã đi thật xa. Xa đến nỗi không thể nào quay về.

Bỗng dưng từ nơi mịt mùng, lặng lẽ, N. thình lình viết cho tôi: “Mình có một công việc mới. Mai về Huế. Sẽ ghé thăm BĐ.”

Một chỗ nào đó trong tôi, đã đau đớn, đã âm ỉ, đã tê dại, đã dường như chết. Đã để yên, đã chôn sâu ở một nơi thật khuất lấp những gì trôi xa tầm với. Những gì đã chia tay biết không còn lần gặp lại. Có câu hát của ai đó ghi khắc vào trí nhớ tôi,“và một loài hoa chợt hé…” Thỉnh thoảng, kỷ niệm những ngày vui xưa khẽ rung trong hồn như một hồi chuông thất lạc, một thoáng gió mơ hồ lay lắt chút dư hương. Nhưng không. Không chỉ có thế. Những củ tulip, những củ glailleul vẫn ngủ vùi trong thửa đất tưởng đã hết màu mỡ.

Sáng nay, vài chữ ngắn ngủi của N. “Mai tôi về Huế,” như đất chuồi ở một ven sông cát lở, cuốn tôi vào dòng cuồng lưu giữa mùa khô hạn. Tôi bưng mặt, nước mắt đầm đìa tuôn đổ từ hai hố mắt nhức nhối. Nỗi tuyệt vọng khốn cùng đau buốt vòm họng, lan xuống ngực, làm tôi nghẹn thở, mũi đặc cứng.

Mai tôi về Huế. Bốn chữ đơn giản ấy, từ bao giờ, đã trở thành điều mơ ước cấm kỵ nhất mà tôi muốn quên đi, muốn van xin đừng ai nhắc hay nói với tôi một lần nào nữa?

BĐ và tôi có hai năm ngồi bên nhau ở trường Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa Huế. Chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn chuyện trò, giữ của nhau khoảng đời đẹp nhất, thương quý nhau dẫu chưa bao giờ bày tỏ. Khi chia tay buổi tối tôi về nhà chồng, lòng tôi dửng dưng, lạnh lẽo, không hề biết từ nay khó có lần gặp lại. Quà cưới chị tặng tôi là đĩa nhạc “Ai Lên Xứ Hoa Đào.” “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa…” Tiếc thay, tôi không có cành hoa nào cho chị từ ngày bước chân vào cuộc đời làm vợ trong cuộc sống xa Huế khô héo của tôi.

Sau tôi, nhiều bạn bè khác cũng đã lần lượt bỏ Huế mà đi nhưng chị vẫn ở Huế, sống qua Mậu Thân và mọi thăng trầm của Huế hơn nửa thế kỷ.

Lần đầu tôi về Huế, thăm chị, chị không còn ở ngôi nhà thời con gái ở Chợ Cống. Lấy chồng, chị dọn về bên bờ sông Bến Ngự. Khi gặp lại nhau, chị vừa góa bụa, nụ cười năm xưa ngời sáng nay phảng phất bóng chiều nhưng vẫn là nụ cười cho tôi cái ấm áp của chút tình những ngày cả hai tóc đang xanh và cõi lòng đang tràn đầy mộng mị. Chúng tôi đứng trên cái sân rộng mà cơn mưa đêm trước đã rửa sạch mọi viên gạch, mấy cái bàn ghế thấp của quán cà phê dã chiến che mắt chế độ úp lên nhau gọn ghẽ trong một góc. Tôi ra về, mang theo hình ảnh chị vẫn mái tóc cắt ngắn, đôi mắt bồ câu một trời thương cảm và cội mai già trong cái chậu cổ chao ôi đẹp, đặt ngay cạnh lối đi.

Cùng với chị, tôi chia tay thêm lần nữa, vĩnh viễn để lại nơi này những năm tháng đáng nhớ nhất của chúng tôi. Chắc chị không bao giờ có thể hình dung ra tôi giờ đây ngồi ở cái góc trời xa xôi và mãi mãi lạ lẫm này, thương nhớ Huế của tôi ruột gan thắt lại, hồn đau rã rời từng mảnh. Tôi nhiều lần tự nhủ có là gì một thời những sáng Sư Phạm, những chiều Văn Khoa, nhìn xuống con đường Lê Lợi chạy vòng lên dốc cầu Trường Tiền, trắng xóa, giữa màu đỏ như máu của đôi bờ phượng vĩ bên này và bên kia dòng sông Hương êm đềm, sao tôi không quên đi mà cứ mãi ôm giữ để sầu đau chồng chất?

Với tôi, Huế không bao giờ để quên hay để nhớ, dẫu đã xa xôi muôn trùng trong không gian và thời gian, mà một đời đeo đẳng. Ngày tháng lung linh kỷ niệm là những mảnh puzzles nhiều màu sắc, đan kết vào nhau chặt chẽ, làm nên hình hài và cuộc sống tôi, không thể tách rời. Đôi lúc, nhớ thương như cường toan rót vào ký ức, cháy thịt da, trào nước mắt, tôi một mình khóc giữa hư vô.

Ở cái thành phố ngày xa xưa ấy, hiền lành đến tội nghiệp, chỉ có hai con đường quanh năm phơi nắng mưa, tôi có cha, có mẹ, có chị, có anh, có bạn bè, có hiện tại, có tương lai. Mùa Hè có tiếng ve gọi nhau đứt hơi từ cầu Bạch Hổ, qua Thương Bạc, về tới Đông Ba, Gia Hội. Có những sáng tinh mơ tiếng gà gáy trong sương gọi nắng hồng. Có những chiều hồ sen gió lay bát ngát hương. Có những mùa trăng hoa rất thơm và đêm rất xanh. Có lưng áo mẹ đẫm mồ hôi trong khu vườn rộng nồng nàn mùi cây trái. Có tiếng gậy gõ xuống mấy bậc thềm và hình ảnh cha râu tóc bạc phơ, tựa cửa ngóng con về khi ngày hết và hoàng hôn xuống trên cánh đồng nâu trơ gốc rạ, trải mình đến tận Bao Vinh.

Mùa Đông ở Huế với những cơn mưa rì rào, dai dẳng. Với cái rét mướt bên ngoài làm chăn gối ấm êm hơn. Với cả tuần, cả tháng, mưa lúc nhỏ, lúc to, những ngày lụt lội ướt át, sáng đội mưa lướt thướt đến trường, một tay gò quai nón che mưa tạt, một tay ôm cặp sát vào ngực cho bớt lạnh. Chập tối mưa lớn hơn, tiếng mưa rầm rập trên vườn chuối, mùi bắp mẹ rang thơm lừng gian bếp nhỏ.

Ngủ một giấc, nửa đêm nước vào nhà, mấp mé mặt phản. Bóng mẹ xắn quần chạy đồ đạc chấp chới hắt lên mấy phía tường lờ mờ ánh đèn dầu. Huế của tôi có những cái lồng ấp đan bằng tre, quang dầu, xinh xắn, chứa vài viên than hồng trong cái trách nhỏ ủ tro, là lò sưởi cho các cụ già giấu dưới vạt áo những hôm trời lạnh quá. Khi tôi lớn, mẹ tôi không còn trẻ nữa nhưng tôi không bao giờ thấy mẹ được ngồi với cái lồng ấp. Cả tấm thân nhỏ bé của mẹ, quần quật công việc từ sáng dến khuya, tự nó là cái lồng ấp giữ ấm cho bà.

Ấy thế mà một ngày đầu mùa Hè, tôi bỗng nhiên bỏ Huế mà đi. Nói là bỗng nhiên vì không ai ngờ, thế nhưng mọi người đều vỗ tay. Chị dâu tôi cười, nói: “Tôi thấy chú cài cái kim cà vạt thấp ngang ngực, biết cô khó chối từ.” Anh tôi nghiêng đầu trên cuốn sổ bộ mở sẵn, cẩn trọng ký tên là người chứng của hôn lễ em gái. Bố tôi yên lặng thắp hai nén nhang, đưa cho đôi tân hôn mỗi người một, bảo vái nhau.

Có lẽ người đàn ông số phận bỏ vào đời tôi chưa bao giờ nghe hay biết tới câu phương ngữ của người xưa: “Phu phụ tương kính như tân” nên sau này, anh nhiều lần đay nghiến tôi về cử chỉ của bố tôi mà anh miễn cưỡng phải nể nang. Với anh, nếu là thế, chỉ người đàn bà phải vái lạy chồng mình như một trong tứ đức xã hội dạy họ. Trong mắt anh, tôi đứng ngoài lề thói, không được dạy dỗ đúng chuẩn mực nên trong cuộc sống chung không dài, mỗi khi cần sửa trị tôi, anh luôn bắt đầu bằng câu: “Em ạ, con nhà có giáo dục thì…”

Tôi đã xa Huế như kẻ mộng du đi trong cơn mê hoang, hành lý mang theo chỉ có cái vali nhỏ và cái ví đeo vai. Sân bay Phú Bài mênh mông, mịt mờ bụi đất, cỏ dại và dây kẽm gai, lẻ loi duy nhất một đường băng dưới trời hanh hao nắng. Một mình anh Khánh trên đường trở lại Đà Nẵng, cho chúng tôi quá giang ra sân bay. Anh đứng dưới chân thang, ngậm ngùi vẫy tay chào cô em họ, thay mặt nhà gái tiễn đưa cô dâu. Lúc quay lưng sửa soạn bước vào khoang tàu, trong một giây cuối cùng, tôi bất ngờ thấy Jim mặc quân phục Hoa Kỳ, đứng cách tôi một khoảng đủ gần để tôi nhận ra vẻ ngạc nhiên trong mắt anh. Jim chỉ là một người bạn trẻ chung trong đám chúng tôi ở Huế. Có một dịp nào đó, anh mua hoa tặng tôi nhưng tôi chỉ nghĩ là anh muốn cám ơn tôi đã dạy anh nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội mà anh thường lịch sự tấm tắc khen là nghe du dương như hát…

Đâu phải chỉ Jim. Chính tôi khi tỉnh lại, cũng ngạc nhiên với chính mình.

Tội nghiệp bố tôi. Mất mát lớn lao mà bố tôi nuối tiếc trong đời không hề là sự nghiệp tiêu tan trong cơn lốc chiến tranh mà là đứa con gái như chút an ủi còn sót lại cho ông trong tuổi già nhưng lượng đất trời cũng không bao dung. Ngày ấy, chưa biết thế nào là biệt ly, tôi làm sao hình dung được cảnh nhà quạnh quẽ khi cha mẹ đã già, anh tôi sống đời quân ngũ rày đây mai đó, để tôi biết nói không cho một điều vô nghĩa và bạc bẽo khôn cùng?

Mười tháng không chờ mong gì qua như một ngày thật buồn, tôi từ nơi xa xôi về, theo sau xe tang đưa bố lên nghĩa trang trong một buổi sáng mùa Đông mưa tầm tã, nước mắt và mưa cùng rơi trên mỗi bước chân, biết rằng lỗi lầm này không có cách nào cứu vãn. Tôi kêu thầm trong cõi lòng vụn vỡ: “Bố ơi, sao bố không ốm vài ngày cho con kịp về, biết đâu số phận hai cha con mình cùng khác?”

Mẹ tôi biết tôi đang đi con đường hôn nhân gập ghềnh, buồn tủi, nhưng vì mẹ nuôi ý nghĩ “Mẹ ngày một già, không thể nối tóc sống đời với con. Con phải lập gia đình cho mẹ yên tâm” nên mẹ nhất quyết muốn tôi yên bề gia thất. Với bà, được sinh con, được làm mẹ là hạnh phúc tuyệt đối của mọi người đàn bà Trời Đất tạo ra, để gánh vác nhiều hơn an hưởng. Như mẹ. Như cả đời mẹ. Cho nên mẹ không thở than. Càng không hối tiếc đã dắt tay con đi vào nơi khó khăn. Mẹ cố gắng đền bù. Mẹ bỏ đứt nhà cao, cửa rộng. Mẹ lìa xa khu vườn mẹ yêu thương, chăm chút, xách giỏ theo tôi, bồng bế các cháu, loanh quanh trong mấy bức tường hẹp của một Sài Gòn bụi bặm, không một lần nhắc lại Huế, sợ tôi vì mẹ mà tan đàn sẩy nghé.

Mẹ biết đâu không vì mẹ, cũng có ngày chúng tôi tan đàn sẩy nghé. Đã đến vậy, mẹ vẫn không nhắc tôi về lại Huế vì gương mẹ ngày xưa, con gái theo chồng một lần đi là vĩnh viễn chia xa. Ngày xưa, cha mẹ tôi không tan đàn sẩy nghé nhưng mẹ tôi cả đời chưa ăn một bữa cơm nào cùng bàn với bố. Mẹ cắn răng nuốt khổ đau và nhọc nhằn xuống đáy lòng để anh chị em chúng tôi có cha và mẹ vẫn có chúng tôi. Ngày nay, mẹ muốn những đứa cháu vô tội của mẹ cũng có cha và tôi sẽ sống cuộc đời của mẹ ngày xưa, với tình yêu con cái không gì lay chuyển được. Tôi biết ơn mẹ như con gà mái luôn xòe cánh bảo vệ sự bình an cho chúng tôi, làm sao tôi nỡ trách mẹ đã nuôi dạy tôi theo cách mẹ tin là đúng nhất chỉ với tình mẫu tử dành cho đàn con mà tôi đã sinh ra? Với mẹ, những đứa con là ân huệ từ Trời, là ý nghĩa thiêng liêng nhất, là phần thưởng đích đáng nhất cho mọi bà mẹ trên mặt đất bi ai này?

Mai N. về Huế. Tôi gửi theo anh tình bạn thủy chung đến BĐ. Tôi gửi theo anh cho Huế tình yêu không phai nhạt của tôi. Dẫu phong ba thời cuộc dập vùi, Huế vẫn còn, vẫn mãi còn dù xác xơ, tiều tụy, buồn bã đến chua lòng. Tất cả kỷ niệm đã thành tro bụi. Những con đường của tuổi thơ với ước mơ khờ  khạo. Những con đường của tuổi thanh xuân tâm hồn như cánh diều bay bổng.

Khu vườn nhà xưa có giếng nước xì xụp tiếng gầu cô hàng xóm kéo khuya, có lũy tre cao lả ngọn hắt bóng lên nền trời bạch ngọc những đêm trăng trong veo mùa Hạ. Cả ngôi mộ của bố tôi rồi cũng hoang phế với thời gian. Cả tôi rồi cũng không còn, có chăng là chút hồn lưu lạc xin được hóa thân làm chim Đỗ Quyên, mỗi năm khi mùa Xuân tàn, trăng hạ tuần hiu hắt, cất tiếng hót bay tìm cố hương không bao giờ thấy lại.


Bùi Bich Hà R.I. P

❤❤❤❤❤❤

Mời Xem :  Đi Đâu….Về Đâu…..Trần Mộng Tú

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...