Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Bệnh đậu mùa khỉ là gì và cơ chế lây nhiễm như thế nào?

                                    Ảnh :Getty Images

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban bắt đầu từ mặt rồi lan ra toàn thân

Bệnh đậu mùa khỉ đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu khi các ca bệnh tăng nhanh.

Các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ - một bệnh hiếm gặp và ít được biết đến - đang được điều tra ở các quốc gia châu Âu bao gồm cả Vương quốc Anh, cũng như Hoa Kỳ, Canada và Úc.

Tại Anh Quốc, có hơn 2.000 trường hợp được xác nhận trong những tuần gần đây.

Triệu chứng lây nhiễm thường nhẹ và nguy cơ đối với dân số nói chung là thấp, nhưng chính phủ Anh đã mua dự trữ vaccine đậu mùa để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ phổ biến ra sao?

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra bởi virus đậu mùa khỉ, một loại virus cùng họ với virus đậu mùa, mặc dù bệnh này ít nghiêm trọng hơn và các chuyên gia cho biết khả năng lây nhiễm thấp.

Bệnh xảy ra chủ yếu ở các vùng xa xôi hẻo lánh của các quốc gia Trung và Tây Phi, gần rừng nhiệt đới. Ở những khu vực này, đã có hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm nay.

Hai dòng chính của virus - Tây Phi và Trung Phi - được cho là tồn tại, và chính chủng nhẹ hơn từ Tây Phi đang lây nhiễm sang các khu vực khác trên thế giới.

Số lượng người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cao bất thường bên ngoài châu Phi mà không có liên hệ gì với việc đi lại tới vùng này có nghĩa là virus hiện đang lây lan trong cộng đồng.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh khuyên người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ không nên quan hệ tình dục khi có triệu chứng bệnh và sử dụng bao cao su trong tám tuần sau khi bị nhiễm, như một biện pháp phòng ngừa.

Các triệu chứng gồm những gì?

Triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, đau đầu, sưng tấy, đau lưng, đau nhức cơ.

Khi cơn sốt bùng phát, phát ban có thể phát triển, thường bắt đầu từ trên mặt rồi lan ra các bộ phận khác trên cơ thể, thường gặp nhất là lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Phát ban, có thể cực kỳ ngứa hoặc đau, thay đổi và trải qua các giai đoạn khác nhau trước khi cuối cùng tạo thành vảy, sau đó sẽ rụng. Các tổn thương có thể để lại sẹo.

Nhiễm trùng thường tự khỏi và kéo dài 14 đến 21 ngày.

Cơ chế lây nhiễm như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan khi ai đó tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị tổn thương, đường hô hấp hoặc qua mắt, mũi hoặc miệng.

Trước đây, nó không được coi là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhưng nó có thể truyền qua người khác khi tiếp xúc gần.

Hướng dẫn khuyến cáo bất kỳ ai nhiễm virus nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian xuất hiện triệu chứng.

Trong khi hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm qua chất dịch sinh dục, những người bị xác nhận nhiễm virus được khuyên nên sử dụng bao cao su trong tám tuần sau khi nhiễm bệnh như một biện pháp phòng ngừa.

Bệnh cũng có thể lây lan do tiếp xúc với động vật bị nhiễm virus như khỉ, chuột và sóc, hoặc đồ vật nhiễm virus như giường chiếu và quần áo.

                                           Science Photo Library

Bệnh nguy hiểm như thế nào?

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus chỉ bị nhẹ, đôi khi giống như bệnh thủy đậu, và tự hết trong vòng vài tuần.

Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ đôi khi có thể nghiêm trọng hơn, và đã được báo cáo là dẫn đến tử vong ở Tây Phi.

Người đồng tính nam có nguy cơ cao hơn?

Mặc dù một số trường hợp đã được thấy ở người đồng tính và lưỡng tính nam, nhưng bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ đều có thể bị nhiễm virus.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết "một tỷ lệ đáng chú ý" những trường hợp lây nhiễm gần đây ở Anh Quốc và châu Âu là người đồng tính và lưỡng tính nam, "vì vậy chúng tôi đặc biệt khuyến khích họ cảnh giác với các triệu chứng và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu thấy lo lắng".

Các đợt bùng phát phổ biến như thế nào?

Virus này lần đầu tiên được xác định trên một con khỉ bị nuôi nhốt và kể từ năm 1970 đã có những đợt bùng phát lẻ tẻ được báo cáo trên khắp 10 quốc gia châu Phi.

Năm 2003, một đợt bùng phát xảy ra ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên người ta thấy bệnh xuất hiện bên ngoài châu Phi. Bệnh nhân mắc bệnh do tiếp xúc gần với những con chó thảo nguyên mà đã bị nhiễm bệnh từ động vật có vú nhỏ nhập khẩu vào nước này. Tổng số 81 trường hợp đã được báo cáo, nhưng không có trường hợp nào dẫn đến tử vong.

Năm 2017, Nigeria trải qua đợt bùng phát lớn nhất từng được biết đến. Có 172 trường hợp bị nghi ngờ và 75% nạn nhân là nam giới từ 21 đến 40 tuổi.

Phương pháp điều trị là gì?

Các đợt bùng phát có thể được kiểm soát bằng ngăn ngừa lây nhiễm.

Tiêm vaccine chống bệnh đậu mùa được chứng minh là đạt 85% hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Vương quốc Anh đã mua hàng chục nghìn liều vaccine đậu mùa và một số người tiếp xúc gần có nguy cơ cao với người bị nhiễm bệnh sẽ được tiêm một liều để giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng.

Thuốc kháng virus cũng có thể hữu ích và Vương quốc Anh đã phê duyệt một loại thuốc có tên là tecovirimat.

Công chúng có nên quan tâm?

Các nhóm bảo vệ sức khỏe đang liên hệ với những người đã tiếp xúc gần với các trường hợp được xác nhận bị nhiễm và có nguy cơ cao. Họ đang đưa ra lời khuyên và giám sát những người này.

Họ khuyên bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly ở nhà trong vòng 21 ngày.

Nguồn: Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh và Tổ chức Y tế Thế giới.

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...