Khi bắt tay viết về lịch sử Đà Nẵng, tôi thực không ngờ rằng cái vùng đất nhỏ bé này lại có nhiều chuyện lý thú, rất đáng để bõ công
tìm hiểu đến thế, và do đó, việc này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm,
nhiều gắn bó với đất với người của một miền đất nước đã nuôi gia đình
tôi trong hơn hai mươi năm... Chẳng hạn chuyện Đảo Cô và chuyện Quan
lớn Bảo hộ...
Đảo Cô ở đâu?
Sau cuộc nổ súng thị uy của hai tàu Pháp là Gloire vàVictorieuse tại
vịnh Đà Nẵng vào ngày 15-4-1847, vua Thiệu Trị ra
lệnh tăng cường phòng thủ Đà Nẵng bằng bảy pháo đài xây dựng ở bán đảo
Sơn Trà với tên gọi là Trấn dương Thất bảo.
Trong
bảy pháo đài đó, theo Đại Nam Nhất Thống Chí (quyển Quảng Nam) thì bảo
thứ hai được đặt
trên đảo Cô với tường cao 4 thước 3 tấc (chừng hơn 2m) và chu vi 41
trượng (164m). Khi đọc được những dòng này, tôi tự nhủ: Ủa, trong vịnh
Đà Nẵng mà cũng có một hòn đảo tên là đảo Cô sao?? Sao mình không thấy
mà cũng không nghe ai nói tới? Bèn vội vã đi tìm
bản đồ để xác định vị trí, nhưng thất vọng vì chả thấy gì cả. Lại đoán
già đoán non rằng hẳn bản đồ mình sử dụng có tỷ lệ nhỏ (1/100, 000) mà
hòn đảo cũng không lấy gì làm lớn nên chẳng có dấu vết nào, bèn đi kiếm
bản đồ có tỷ lệ lớn hơn (1/25, 000) với hy
vọng sẽ tìm ra cái hòn đảo lần đầu tiên mới được nghe tên đó. Lại thất
vọng. Từ đó tôi bắt đầu một cuộc truy tầm bằng mọi phương cách, vừa tìm
tài liệu và bản đồ để đọc thêm, vừa phỏng vấn những người lớn tuổi ở địa
phương khi có dịp, với hy vọng nắm bắt được
một manh mối nào đó.
Hơn một năm trời trôi qua trong vô ích. Một hôm, vì nhiệm vụ, tôi phải tiếp xúc với hai nhân chứng, cụ Nguyễn văn Trách và cụ Đỗ Trọng Khai tự Bút, vốn là hào lão
của làngAn Hải, đều thuộc dòng dõi đã lập nghiệp ở địa phương từ
trước đời Gia Long (1802-1820). Xong việc giấy tờ, tôi cầm hai ông cụ
nán lại một chút và mở cuộc mạn đàm bỏ túi:
-Hai cụ ở đây lâu, vậy có biết trong vịnh Đà Nẵng có hòn đảo nào tên là đảo Cô không?
-Biết chớ. Đảo Cô là cái hòn đảo nho nhỏ nằm ở Sơn Trà chớ đâu.
Nói làm sao cho xiết nỗi ngạc nhiên và sung sướng của tôi lúc đó. Tôi thầm đùa với chính mình: sao mà hên thế, đào đất cầu âu mà lại trúng ngay mạch vàng. Tôi vội vã mang bản đồ Đà Nẵng trãi ra bàn, tay
chỉ miệng nói:
-Đây là Đà Nẵng của mình đây. Làng An
Hải của hai cụ đây nè.... Vịnh Đà Nẵng là đây... Sơn Trà là đây... Vậy
chớ cái đảo Cô mà hai cụ nói nằm ở mô?
Cụ Khai lần ngón tay trên bản đồ rồi dừng lại ở vị trí Bộ chỉ huy Hải khu I ( Trại Chương Dương, trước 1975) và nói: "Nó đây nè" và đưa mắt nhìn cụ Trách như tham khảo ý kiến. Ông này gật đầu: “Đúng rồi đó” Tôi buộc miệng hỏi:
-Đảo đâu mà đảo, chỗ này nối với đất liền mà.
-Thì nó nguyên là hòn đảo nhưng theo ông
tôi kể lại thì vua Gia Long cho đắp một con đường nhỏ bằng đá để tiện
đi lại canh phòng, sau Tây đắp rộng thêm, rồi Mỹ lấp vịnh thành đất
liền, làm sao thấy ra hòn đảo nữa.
À ra thế! Từ đầu mối đó, kết hợp với những
tài liệu của Tây, ta, tôi có thể vẽ ra lý lịch của đảo Cô như sau: Ở
phía Tây chân núi Sơn Trà có một mõm đất nhô ra khá lớn, dân địa phương
gọi là núi Mõ Diều, Đại Nam Nhất Thống Chí gọi
là đảo Mõ Diều. Phía Nam của Mỏ Diều, cách một vịnh nhỏ, có một hòn đảo
con nằm trơ trọi một mình, đó là đảo Cô.
Từ đời Gia Long, vua cho đắp một con đường đá nối đảo Cô với chân bán đảo Sơn Trà để tiện đi lại
canh phòng. Đời Thiệu Trị đã xây một pháo đài trên đó, thuộc hệ thống Trấn dương Thất bảo.
Trong cuộc xâm lăng Đà Nẵng
vào các năm 1858-1860, Pháp đã chiếm đảo này, đặt tên là l’Îlot de l’ Observatoire (đảo
Quan sát), thường gọi tắt là l’Îlot (xem hình). Công binh Pháp đã cho
phá hũy pháo đài của vua Thiệu Trị và xây một pháo đài khác, đặt
tên là Fort de l’Observatoire (Pháo
đài quan sát), đồng thời họ cũng đắp rộng thêm con đường đá cũ để tiện
đi lại. Vị trí này, trước 1975, là Bộ Tư lệnh Hải khu I (Trại Chương
Dương). Năm 1965, công binh Hoa Kỳ đã lấp cái vịnh
nhỏ, nối liền đảo Cô và núi Mỏ Diều, thành ra không còn dấu vết gì để
nhận ra đó là một hòn đảo nữa.
Quả thật là chuyện vật đổi sao dời, đời nào cũng có.
Vụ giúp xác định đảo Cô là bước mở đầu mối giao tình giữa tôi và các cụ Trách cụ Bút nói
riêng và làng An Hải nói chung, từ đó dẫn đến những khám phá lý thú khác.
Sau lần tiếp xúc với các cụ tại chỗ làm việc, thời gian sau, cho đến ngày tan hàng rã đám
năm 1975, những lúc rảnh rỗi, từ cư xá nằm ở ngã tư Độc lập-Thống
nhất, tôi thường thả bộ xuống bến phà máy Sông Hàn để qua làng An Hải
thăm hỏi, chuyện trò cùng các cụ, nhất là cụ Bút, vì tôi đoán rằng còn
có thể học hỏi nhiều ở các cụ nữa. Ngay lần viếng thăm đầu tiên, tôi hỏi
cụ Bút:
-Làng An Hải có di tích gì cổ xưa không cụ?
-Có chớ. Có lăng Quan lớn Bảo hộ mà làng thờ làm hậu hiền, hàng năm cúng tế đàng hoàng vì ngài rất có công với làng..
-Ủa, Quan lớn Bảo hộ là ai? Cụ có biết ngài
húy là chi không? Nếu biết được thì nói để tôi tra cứu trong sử sách
coi sự nghiệp của ngài ra sao..
-Ờ, tôi vô tâm quá, cứ theo ông bà đời
trước mà gọi, chưa bao giờ hỏi cha tôi hay ông tôi ngài húy là chi,
nhưng theo đời trước truyền lại thì ngài làm quan lớn lắm... À, thầy có
đọc được chữ Nho (Hán) không? Trong giấy tờ do ông
tôi để lại, có tờ trát của quan lớn Bảo hộ gởi cho làng, rồi làng giao
cho ông tôi giữ, có chức tước của ngài nhưng không có húy. Để tôi lục
cho thầy coi, may ra biết ngài là ai.
-Vâng, thế thì tốt quá. Chữ Nho tôi chỉ đọc được lõm bõm nhưng tôi có ông bác thông Nho lắm, thành ra cụ khỏi lo.
Sau một hồi lục lọi trong chiếc rương gỗ
mộc, cụ Bút lôi ra một tờ giấy bản sờn rách nhiều chỗ ngoài mép và đưa
cho tôi. Đọc lõm bõm, tôi tạm hiểu rằng tờ giấy này là một tài liệu
hiếm, có liên quan đến Thoại Ngọc Hầu. Tôi ngỏ ý
xin mượn, cụ đồng ý ngay.
Về nhà, tôi vội lấy xe đi đến nhà cụ Nguyễn Văn Luân,
Đốc sự thượng hạng hưu trí, bạn của nhạc gia tôi, mang theo tài liệu
chữ Hán vừa mượn được. May mắn, ông cụ không đi chơi tài bàn, đang nằm
nhà đọc sách.
Chìa tờ giấy ra, tôi nói:
-Nhờ bác đọc và dịch cho con tài liệu này. Con cần lắm. Bác đọc từ từ thì con ghi chép được.
Cụ Luân cầm tờ giấy liếc qua, đoạn nhìn tôi rồi hỏi:
-Tài liệu này hiếm lắm đây, anh moi đâu ra vậy?
Sau khi nghe tôi thuật sơ về xuất xứ, ông già hắng giọng:
“Khâm sai Thống chế án thủ Châu Đốc
Đồn, lãnh bảo hộ Cao Miên Quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên Trấn biên vụ, gia
nhất cấp, kỷ lục tứ thứ, quan...
Thì ra đó là tờ trát của Khâm sai Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại,
bấy giờ đang trấn thủ Đồn Châu Đốc, lãnh nhiệm vụ bảo hộ nước Cao Miên
(thuộc địa của Việt Nam dưới triều Minh Mạng) và
kiêm luôn chức Trấn thủ Hà Tiên, gởi cho xã trưởng và hào mục xã An
Hải, bày tỏ sự ủng hộ nguyện vọng của bảy xã thuộc tả ngạn sông Hàn ( An
Hải, Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An) muốn đoàn
kết lập chợ để chống lại sự cạnh tranh của xã
Hải Châu. Tờ trát đề ngày 20 tháng Tư năm Minh Mạng thứ 8, nhằm 15-5-1827 (xin xem hình).
Ảnh chụp tờ trát của Thoại Ngọc Hầu
gởi cho hào mục làng An Hải, Đà Nẵng
(Ảnh của tác giả)
Phát giác này làm tôi ngạc nhiên muốn bật ngữa. Tôi cảm ơn cụ Luân và chỉ nói “Thật con không
ngờ Thoại Ngọc Hầu lại là người quê ở An Hải, Đà Nẵng”. Thật sự thì tôi rất xúc động điều vừa khám phá, vì Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là một khuôn mặt lớn trong lịch sử. Ông là một khai quốc công thần của vua Gia Long,
tầm cỡ với Tả quân Lê Văn Duyệt và Trung quân Nguyễn Văn Thành,
được phong tước Thoại Ngọc Hầu, là người có công khai phá miền Hậu
giang, là người đã chỉ huy việc đào kinh Vĩnh Tế, nối liền Hà Tiên và
Châu
Đốc, một công trình vĩ đại khiến vua Minh Mạng rất đẹp ý, nên đã lấy
tên vợ Bảo hộ Thoại (Châu Thị Vĩnh Tế) để đặt tên cho con kinh, lại cho
khắc hình kỷ niệm vào Cao đỉnh, là đỉnh số 1 trong Cửu đỉnh của Thế
miếu. Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, Châu Đốc, đâu
đâu cũng có dấu vết của ông. Người ta tôn thờ và biết ơn ông. Nếu có
dịp đến những nơi này, nhất là Châu Đốc, bạn sẽ thấy được Quan lớn Bảo
hộ hay Bảo hộ Thoại đã để lại dấu ấn tại những địa phương đó như thế
nào.
Chính vì ông đã để lại một huân nghiệp như
thế nên giáo sư Nguyễn Văn Hầu đã bỏ công trong hai mươi năm sưu tập tài
liệu để viết cuốn "Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang",
một tác phẩm biên khảo công phu,
có giá trị về mặt nhân văn và lịch sử. Tôi còn nhớ (hiện giờ tôi không
có sách đó trong tay) trong chương viết về dòng dõi Thoại Ngọc Hầu, khi
nói đến quê quán, tác giả chỉ ghi Nguyễn Văn Thoại là người tổng An Lưu,
huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng
Nam, với lời chú thích, đại khái là mặc dầu đã bỏ công trong hai mươi
năm để sưu tầm tài liệu (sử sách, gia phả, bi ký, bằng sắc...) nhưng ông
cũng không thể xác định được Nguyễn Văn Thoại là người thuộc làng nào
xã nào của tỉnh Quảng Nam. Cái điều giáo sư
Nguyễn Văn Hầu săn tìm trong hai mươi năm mà không gặp, nay bỗng nhiên
lại tình cờ ở trong tay tôi.
Vài hôm sau, được lúc rảnh rỗi, tôi lại thả bộ qua An Hải gặp lại cụ Bút. Tôi nhập đề ngay:
-Cụ ơi, tôi biết được húy của ngài rồi.
Quan lớn Bảo hộ của làng An Hải thật ra lớn lắm, tầm cỡ quốc gia chứ
không phải riêng chi làng An Hải đâu.....
-Đâu? Đâu? Chuyện ra răng, thầy làm ơn kể cho tui nghe coi.
Tôi
trả lại tờ trát và kể lại sự tích Thoại Ngọc Hầu. Có thể từ bao lâu nay
làng An Hải cảm thấy
hãnh diện về Thoại Ngọc Hầu như là một thân nhân làm lớn chứ chưa biết
hết cái huân nghiệp của ông đối với một miền hoang dã nhưng trù phú của
đất nước. Do đó, trong câu chuyện, tôi nhấn mạnh về điểm này và ghi nhận
ông cụ rất xúc động. Ông dẫn tôi đi coi
đình thờ (thờ chung các hậu hiền của làng) đang được tu sửa và than
phiền rằng ngân khoản eo hẹp quá, chỉ làm sơ sơ thôi chứ chưa đúng mức
như ý muốn.. Tôi góp ý:
-Cụ à, Quan lớn Bảo hộ không phải là một
danh nhân của riêng chi làng An Hải mà còn chung cho cả Quảng Nam–Đà
Nẵng nữa. Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phải hãnh diện có một danh
nhân như vậy, nên việc tu sửa này chính quyền
cũng phải góp phần giúp đỡ. Cụ và các cụ hương lão cùng ban hội tề nên
có kế hoạch quyên góp mở rộng để có được ngân khoản dồi dào hơn hầu việc
trùng tu được tới nơi tới chốn. Nếu các cụ làm thì tôi xin giúp một
tay, chẳng giàu có chi để giúp tiền giúp bạc,
nhưng sẽ giới thiệu các cụ đến những nơi hằng tâm hằng sản, những nơi
mình có thể gõ cửa được.
Đề nghị này về sau đã được các cụ thực hiện
và Chương Trình Khuếch Trương Đà Nẵng và Vùng Phụ Cận, do anh Nguyễn Hà
Hải làm Tổng Giám đốc, là thành phần chủ lực đã giúp đỡ hoàn thành ngôi
đình khá bề thế.
Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên các cụ có đề
cập đến lăng Quan lớn Bảo hộ. Nhờ đọc tác phẩm biên khảo của học giả
Nguyễn Văn Hầu mà tôi biết rằng không thể có lăng của Thoại Ngọc Hầu ở
An Hải, nhưng để kiểm chứng đó là lăng của ai
thì mãi về sau mới có dịp..
Có dính một chút vào việc biên khảo nên tôi
rất thông cảm với học giả Nguyễn Văn Hầu về nỗi buồn khi không tìm được
tài liệu như ý và niềm vui, có khi còn sướng hơn bắt được vàng, khi tìm
được cái muốn tìm hoặc phát hiện ra những
tài liệu chưa hề được công bố. Do đó, khi nắm trong tay thông tin và
tài liệu mới mẻ về Thoại Ngọc Hầu tôi đã viết một bài (lâu ngày quên mất
nhan đề) định gởi cho bán nguyệt san Bách Khoa, nhưng rồi cứ phân vân
mãi: nên chăng, đăng báo "lấy tiếng", hay là
cung cấp tài liệu cho giáo sư Nguyễn Văn Hầu để ông có thể bổ sung tác
phẩm được đầy đủ hơn, như vậy mới là thực sự cảm thông nghiệp cầm bút,
dù chưa hề quen biết. Một hôm, nhân công tác ở Huế, nghe nói giáo sư bảo
trợ của tôi lúc đó là giáo sư Nghiêm Thẩm
đang có giảng khóa ở Đại học Văn Khoa Huế, tôi đến cư xá thăm và hỏi
ông:
-Em biết thầy quen ông Nguyễn Văn Hầu. Vậy thầy có thể vui lòng cho em xin địa chỉ của ông ta được không?
-Anh xin địa chỉ của ông Hầu để làm gì?
Tôi
lược thật câu chuyện và nói muốn liên lạc để cung cấp cho ông những
thông tin và tài liệu
vừa khám phá vì thấy ông đã đầu tư quá nhiều công sức vào tác phẩm mà
vẫn chưa vừa ý, nên rất thông cảm. Giáo sư Thẩm ngẫm nghĩ giây lát rồi
nói:
-Theo tôi, anh nên gởi bài cho Bách Khoa.
Trở lại Đà Nẵng, tôi gởi bài.. Tôi còn nhớ trong phần kết thúc có để lời nhắn đại khái rằng nếu đọc bài này mà tác giảThoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang muốn biết thêm chi tiết thì xin liên lạc với tôi theo
địa chỉ…, tôi sẵn sàng trả lời.
Bài gởi đi chừng mươi ngày thì tôi nhận
được thư, không phải của Bách Khoa mà là của giáo sư Hầu. Ông cho biết
Bách Khoa đã báo cho ông biết về bài báo và để cho ông được đọc trước
khi đăng. Nhân câu nhắn tin của tôi, ông yêu cầu
Bách Khoa tạm hoãn để ông liên lạc với tôi xem sao đã. Ông xin lỗi về
việc đó và ngỏ ý mong muốn được tôi hợp tác, giúp đỡ, bằng cách cung cấp
những tài liệu và hình ảnh đã và sẽ sưu tập, đồng thời trả lời những
câu hỏi liên quan đến quê hương và thân quyến
Thoại Ngọc Hầu mà ông thấy chưa được sáng tỏ. Tôi biết ông rất nóng
lòng trông hồi âm nên vội trả lời vắn tắt là chấp nhận hết thảy mọi điều
ông yêu cầu trong niềm thông cảm của kẻ cầm bút; riêng về hình ảnh và
tài liệu, cùng là trả lời những câu hỏi do ông
nêu ra thì phải chờ lâu hơn vì tôi cần thời gian để thu thập thêm những
chứng dẫn cần thiết, đặc biệt có một số lăng mộ nằm trong khu quân sự
thuộc loại mật, không dễ chi chụp hình ngay được.
Thật vậy, ngoài hai sở lăng nằm trên một
nỗng đất cao cách nhà cụ Bút không xa mà tôi đã từng được dẫn đi thăm và
biết là lăng của ông bà nội Thoại Ngọc Hầu, còn cái lăng mà các cụ nói
là lăng của Bảo hộ Thoại lại nằm trong khu
vực Tổng kho Đà Nẵng, được canh phòng cẩn mật và dĩ nhiên bảng cấm chụp
hình yết la liệt. Tôi không quen sĩ quan Chỉ huy trưởng nên chưa biết
làm thế nào để có thể xâm nhập vùng cấm địa mà khảo sát đây. Một hôm,
nhân đi uống cà-phê với nhà văn Duy Lam (trung
tá Nguyễn Kim Tuấn, Quân đoàn I) tôi than thở về cái “kẹt” của mình, và
hỏi anh có quen với trung tá X. Chỉ huy trưởng Tổng kho Đà Nẵng không?
Anh cười thoải mái:
-Tay đó tôi quen thân lắm. Để trong tuần
này hễ ngày nào thư thả, tôi sẽ điện thoại cho anh biết, chuẩn bị, rồi
tôi chở vào đó, gặp anh ta nói chuyện. Không có gì trở ngại đâu.
Quả như anh Duy Lam dự liệu, tôi đã vào
được khu vực Tổng kho Đà Nẵng, khảo sát ngôi lăng cổ, ghi chép và chụp
hình thoải mái nhờ sự thông cảm bạn bè. Và đúng như tôi nghĩ, đó không
phải là lăng Quan lớn Bảo hộ mà chính là lăng
thân phụ ông ta.
Mấy
chục năm đã trôi qua, thật khó mà nhớ hết những gì tôi đã gởi vào Long
Xuyên cho giáo sư Hầu.
Dĩ nhiên, ông rất sung sướng và cảm động về những gì tôi đã làm cho ông
và cho biết với những tài liệu đó ông có thể viết thêm một chương mới
để bổ sung cho tác phẩm khi tái bản. Ngược lại, tôi cũng cảm thấy hoan
hỷ vì trên đường đời lại nảy ra một mối giao
tình mới. Tôi muốn đứng giữa làm gạch nối Châu Đốc và Đà Nẵng để hai
bên, những người còn mang nặng lòng tri ân và tưởng nhớ tới Thoại Ngọc
Hầu, có thể gặp gỡ nhau, mở rộng tình tương thân tương ái giữa hai quê
hương của cùng một danh nhân. Bây giờ thì không
còn nhớ đã đem việc này ra bàn với các cụ ở An Hải và giáo sư Hầu chưa,
nhưng dù rồi hay chưa thì mọi tính toán cũng đều tan theo mây khói
trong cơn lốc mùa Xuân 75...
Sinh Nguyễn Tử Trần
Một buổi chiều, khoảng hai giờ, đang ngồi
làm việc thì người trực an ninh vào báo có phái đoàn làng An Hải muốn
vào gặp. Tôi nói xin mời vào, và thoáng một chút ngạc nhiên: sao không
nghe cụ Bút nói gì cả?
Phái
đoàn gồm có năm vị, trong đó tôi chỉ còn nhớ có hai người là cụ Bút và
ông Trần Văn Mẹo,
nghị viên Thành phố Đà Nẵng. Mục đích của phái đoàn là chính thức cảm
ơn tôi và trao tặng bảng “Công Đức Vô Lượng” vì tôi đã có công trong
việc giúp trùng tu đền thờ Thoại Ngọc Hầu. Thôi thì không biết nói làm
sao, đành “cung kính bất như tuân mệnh”, xin nhận
lãnh và cảm ơn làng vậy. Trong câu chuyện, tôi lại nhấn mạnh về tầm vóc
của Thoại Ngọc hầu đối với đất nước và nhân đó xin tặng làng cuốn sách
của giáo sư Nguyễn Văn Hầu viết về Bảo hộ Thoại để làm kỷ niệm. Họ đòi
phải có con dấu chức vụ và chữ ký của tôi
mới chịu nhận, thôi thì cũng chiều lòng. Không biết cuốn sách đó nay
làng có còn giữ không.
Chúng tôi chuyện trò khá lâu và bỗng một vị trong phái đoàn vừa cười vừa nói rằng:
-Thực ra, làng chúng tôi có đến hai danh
nhân, mà hai danh nhân này lại đối nghịch nhau. Quan lớn Bảo hộ là danh
nhân thuộc phe chiến thắng, tiếng tăm lừng lẫy, sử sách ghi chép nên ai
cũng biết; còn ông kia là danh tướng thuộc
phe chiến bại, không ai dám nhắc tới, lâu ngày rồi quên luôn.
-Là tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đó. Ông Trần Quang Diệu cũng là người làng
An Hải chớ đâu, nay con cháu vẫn còn. Như ông nghị viên Trần Văn Mẹo đây là thuộc dòng dõi tướng Trần Quang Diệu đó.
Tôi ngạc nhiên thiếu điều bật ngửa..
Lòng tự nhủ: sao mảnh đất An Hải nhỏ bé hiền hòa vậy mà lắm chuyện ly
kỳ đến thế! Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, danh tướng khai quốc công
thần của Nhà Nguyễn người làng An Hải, mà viên dũng tướng Tây Sơn Trần
Quang Diệu cũng người làng An Hải! Tướng Trần
Quang Diệu cùng vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã
từng nhiều phen làm vất vả điêu đứng quân của Nguyễn Vương (vua Gia
Long sau này), gây cản trở lớn trên bước đường tiêu diệt Tây Sơn. Vì
vậy, khi bắt được cặp
vợ chồng anh hùng đáng sợ này, nhà vua không những hành hình họ mà còn
tàn sát thân nhân của họ bằng án tru di tam tộc.
Theo lời kể của ông nghị viên Trần Văn Mẹo, khi nghe tin dữ ở kinh đô
Huế, có người đã vội vã về ngay làng An
Hải báo tin cho họ Trần biết để tìm cách lánh nạn trước khi lệnh truy
nã đến. Nhờ hương lý và dân làng đều có cảm tình với họ Trần nên đã giúp
một số gia đình đào thoát khỏi làng, thay tên đổi họ, đi lánh nạn
phương xa. Số còn lại, gồm những người không đi
được hay không muốn đi, đều cải sang họ Nguyễn. Do đó, khi lệnh truy nã
tới thì không còn ai họ Trần để bị bắt giết. Vì sự sống mà phải bất đắc
dĩ mang họ Nguyễn, nên đến khi chết thì con cháu đều trở lại họ Trần để
không mất gốc, tạo nên một tập tục mà hết
thảy con cháu đều phải tuân theo, gọi là “Sinh Nguyễn tử Trần”.
Sau khi triều đình Huế nhường đất Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa
(1888), quyền lực địa phương không
còn ở trong tay Nhà Nguyễn nữa, không có lý do gì để phải sợ hãi đề
phòng nữa, nên một số đã trở lại họ Trần (chẳng hạn chi của ông Trần Văn
Mẹo), phục hồi dòng tộc cũ của ông cha, số còn lại vẫn giữ tục “Sinh Nguyễn tử Trần”.
Khi nắm được thông tin lý thú này, tôi dự tính sẽ làm một cuộc sưu khảo
về dòng dõi Trần Quang Diệu ở An Hải, vừa để xác minh những điều vừa mới
ghi nhận, vừa hy vọng biết đâu lại tìm ra được những điều mới mẻ lý thú
khác nữa ở cái vùng đất có bề ngoài nhỏ
bé khiêm tốn nhưng lại mang nhiều chuyện xưa tích cũ bất ngờ này.
VÕ HƯƠNG-AN
Bài rất hay
Trả lờiXóa