Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Tòa nhà nào “bí ẩn” nhất giữa trung tâm Sài Gòn?

Trong nhiều dinh thự cổ còn sót lại ở Sài Gòn mà không bị đập phá (trong trường hợp này thì… không thể bị đập!), có một dinh thự nằm ngay trung tâm mà người Sài Gòn có thể đi ngang hàng ngày nhưng không biết bên trong như thế nào…

Đó là Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp, nằm tại số 27 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1). Thời trước năm 1975, nó là Khu liên hiệp Norodom, có diện tích gần 30,000 m2, được bao quanh bởi bốn con đường: Đại lộ Thống Nhứt, Hồng Thập Tự, Hai Bà Trưng và Mạc Đỉnh Chi. Khi ấy, tòa nhà này có địa chỉ là số 4 Đại lộ Thống Nhứt… Đến năm 1967, khu đất của tòa nhà này được cắt gần 13,000 m2 để người Mỹ xây Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.

          Một góc trong khuôn viên Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn

Chúng tôi đã có dịp khám phá tòa nhà luôn kín cổng, cao tường này nhân ngày Di sản châu Âu, được tổ chức thường niên từ năm 1984, mang tên: Ngày hội mở cửa những di sản lịch sử (ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp). Với sự kiện này, tòa nhà chỉ mở cửa một lần, một ngày duy nhất trong năm.

Được xây dựng năm 1872  bởi các kỹ sư Hải Quân, do kiến trúc sư Alfred thiết kế, tòa nhà nằm trong khuôn viên rộng 15,000 m2, là công trình tiêu biểu của kiến trúc Đông Dương vào thế kỷ 19, cùng với các công trình xung quanh, như: Dinh Norodom (Dinh Độc Lập, 1868), Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863), Nhà thờ Đức Bà (1877-1880), Dinh Thượng Thơ (1860) và Thảo Cầm Viên (1869).

Ngoài giá trị kiến trúc của tòa nhà, nơi đây còn lưu trữ nhiều cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật, tôn giáo của Việt Nam vào thế kỷ 19 hay vật dụng từ thời Napoleon III. Bao bọc dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp là khuôn viên vườn rộng lớn với sự đa dạng về hệ thực vật, trong đó đặt biệt ấn tượng là những cây sao, dầu cổ thụ có tuổi đời hơn 150 năm.

Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Pháp, thời gian đầu tòa nhà được cai quản bởi thống đốc quân đội của thuộc địa, tiếp đó là bởi chỉ huy cấp cao của lực lượng vũ trang ở Đông Dương, rồi trở thành dinh thự của ngài Đại sứ Pháp thời Việt Nam Cộng hòa sau năm 1954

                   Tượng đồng cổ vật Đông Dương trưng bày trong phòng khách

Từ sau năm 1975, nơi này trở thành tòa Tổng lãnh sự Pháp. Trải qua hơn 150 năm với nhiều biến động xã hội, chính trị, đây vẫn luôn là khu đất được nước Pháp chọn là đại diện của mình tại Nam Việt Nam. Tư dinh đã được sửa chữa lớn vào năm 1959 và trùng tu vào những năm 1998-1999. Và nó được chọn để giới thiệu trong tác phẩm “Những kho tàng của di sản ngoại giao” của nước Pháp (Nhà xuất bản Perrin, 2000)…

Phòng khách, nơi ngài Tổng Lãnh sự tiếp các đoàn khách quan trọng, được bày biện theo phong cách cổ điển. Hầu hết tạo tác nghệ thuật tại đây đều là bản mô phỏng, không có nhiều giá trị, nhưng cách bài trí và không gian mở khiến phòng khách trông rất trang nhã. Trong căn phòng này, vật giá trị nhất là bức sơn mài Đám Rước của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí. Có nhiều thông tin cho biết, bức tranh này được một phụ nữ Pháp đã mua tặng Đại sứ quán Pháp (thời ấy) cách đây hơn 60 năm và là một bảo vật quốc gia của Việt Nam. Gần đây, những người Pháp tại Việt Nam đã quyên tiền để phục chế những hư hại của tranh nhưng phải bảo đảm việc không mang bức tranh ra ngoài, không được chụp chi tiết vì sợ bức họa bị làm giả.

             Bức sơn mài Đám Rước của họa sĩ  Nguyễn Gia Trí

Trần nhà với các ô trang trí bằng gạch vốn đã bị bịt kín nhiều năm bằng la-phông, gần đây mới được tháo dỡ và giữ nguyên trạng. Chiếc cầu thang xoắn ốc bằng gang có mặt trong tòa nhà ngay từ khi xây dựng năm 1872. Với chất liệu và kiểu dáng như vậy, nhiều người cho rằng đây là chiếc thang của một trong những chiến hạm đã tấn công thành Gia Định (hiện chưa có tài liệu xác tín về việc này).

Tuy đã qua vài lần trùng tu, nhưng với tinh thần tôn tạo và gìn giữ, không gian kiến trúc, diện mạo của dinh thự vẫn giữ đúng theo nguyên bản và có rất ít sửa đổi so với thiết kế gốc. Tòa nhà Tổng lãnh sự có ba cửa ra vào bao quanh bởi các hành lang có mái che. Vì thời ấy không có máy điều hòa nên dọc các hành lang, người ta lắp nhiều cửa sổ để thoáng mát. Có tổng cộng 64 cửa sổ được lắp ở tòa nhà, để tòa nhà luôn lấy được ánh sáng và không khí lưu thông tự nhiên, giúp mang lại sự thoáng mát quanh năm ở xứ sở nhiệt đới có độ ẩm cao.

 Ba tấm bia biểu trưng các đạo Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo cùng chung sống trong cộng đồng người Việt

Dọc hành lang mặt chính có một bàn đánh bài với những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch có hoa văn hình trái tim hoặc hình thoi theo bốn biểu tượng cơ, rô, chuồn, bích. Có chiếc thì chạm song hỷ, đào tiên. Một cầu thang lớn dẫn lên khu vực sinh hoạt gia đình của ngài Tổng lãnh sự. Vị trí của cầu thang được xếp đặt khéo léo giữa các cửa sổ hai tầng. Tại phần chiếu nghỉ có đặt một chiếc đồng hồ quả lắc vỏ gỗ kích thước lớn. Dọc hành lang đặt hai ô kính lưu giữ những vật dụng bằng bạc như bộ đồ ăn, bình đựng nước, ly thủy tinh.

Chữ viết tắt trên đồ bạc thể hiện các thời kỳ khác nhau mà chúng được chế tác. Chữ N với vương miện trên đầu thể hiện cho Napoléon Đệ Tam, GG là Toàn Quyền, HC là Tổng Ủy và RF là Cộng hòa Pháp, CGF là viết tắt của Tổng lãnh sự quán Pháp. Phòng chính tổ chức các sự kiện khánh tiết của dinh Tổng lãnh sự.

Trần nhà được trùng tu mới nhất vào năm 2000. Bao quanh phòng khách là các cửa sổ hình vòm lắp kính. Bàn ghế trong phòng này có từ những năm 1950. Trên tường treo nhiều bức tranh nổi tiếng trong đó có bức Vườn Xuân tạo thành từ chín bức rời nhau của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993).

              Bức Vườn Xuân

Không chỉ lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị từ thế kỷ 19 ở bên trong tòa nhà, dinh thự này còn có một công viên riêng rộng gần 1.5 ha, là địa điểm của một “hệ sinh thái” mini. Ngoài những cây cổ thụ có tuổi hơn trăm năm, còn nhiều loại khác mang đậm nét văn hóa Việt Nam như cọ, tre, mận, hoa lan, hoa sứ, hoa phượng… Ở khuôn viên, còn có khu bia tưởng niệm tướng sĩ trận vong, được tạo tác vào năm 1941 và ba tấm bia biểu trưng của các đạo Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo cùng hiện diện, chung sống trong cộng đồng người Việt.

Là tài sản của nước Pháp, tòa nhà Tổng Lãnh sự Pháp như một khu vườn cổ tích tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn, rất đáng được chiêm ngưỡng như một di tích của đất Sài Gòn trăm năm…

Bài và ảnh:Nguyen Quốc  

 

1 nhận xét:

Thơ XH : ( Ngủ ngôn,Đồng Âm ) EM MONG ANH VỀ :Lý Quang Nghĩa,Ngọc Ánh, Liên Bùi

Bài Xướng : [ Ngũ Ngôn ] Đồng Âm ♡♡ EM MONG ANH VỀ ♡♡ ☆♡☆ ♡ ĐÔNG về Anh ...