Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Guglielmo Marconi (1874-1937) Nhà Phát Minh Vô Tuyến Diện (Đặc San Lâm Viên )

Phạm Văn Tuấn

Vào một buổi sáng năm 1898, tại lâu đài nghỉ hè của Nữ Hoàng Victoria trên đảo Wight, Marconi đang chăm chú thiết lập liên lạc vô tuyến với con tầu hoàng gia Osborn trên đó Vua Edouard VII, con của Nữ Hoàng đang dưỡng bệnh. Bỗng nhiên, Nữ Hoàng Victoria đi qua. Marconi cúi chào. Không hiểu vì sao, Nữ Hoàng không đáp lại lời chào của nhà phát minh. Vì mặc cảm thấy sự thiếu lịch sự, Marconi tuyên bố bỏ dở công việc và ông xin ra khỏi lâu đài. Nữ Hoàng liền ra lệnh đi tìm một chuyên viên vô tuyến khác song người hầu cận đã tâu: “Nhưng, thưa Nữ Hoàng, không có ông Marconi nào người Anh cả”. Thực vậy, làm sao có thể tìm thêm được một người cha đẻ ra máy vô tuyến điện, một nhà phát minh có công trình vĩ đại trong đầu thế kỷ thứ 20. 

Guglielmo Marconi, con của ông Giuseppe Marconi, ra đời ngày 25 tháng 4 năm 1874 gần thành phố Bologne, nước Ý. Khi mới sinh ra, Marconi có đôi tai quá lớn khiến nhiều người phải kinh ngạc, song bà Anna Jameson lại hãnh diện về đôi tai của cậu con trai. Bà thường nói: “với đôi tai này, nó có thể nghe thấy không khí rung chuyển”. Bà có ngờ đâu câu nói đó là một lời tiên tri. Bà Anna là người xứ Ái Nhĩ Lan, xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về nghề nấu rượu tại Dublin. Marconi đã học được ở mẹ tính kiên nhẫn và tài chơi đàn dương cầm.

Marconi yêu thích Khoa Học từ lúc còn nhỏ. Lúc tuổi 12, cậu Guglielmo đã say mê việc tìm hiểu các môn Vật Lý và Hóa Học. Marconi thường hay lại thăm một ông già mù, cựu công nhân điện tín để học hỏi ở ông già này các chữ Morse và môn điện báo. Năm 20 tuổi, Marconi đọc được một cuốn sách nói về Heinrich Hertz trong đó có mô tả lại các thí nghiệm của nhà bác học này. Hertz đã dùng một dòng điện cao thế rồi khi đem các vòng thép không nối kín hẳn, đặt cách xa hai đầu điện cực, ông thấy các tia lửa phát ra tại vòng thép dù rằng không có dây nối. 

Các thí nghiệm về làn sóng điện từ của nhà bác học người Đức Hertz đã làm cho Marconi nghĩ rằng có thể chuyển vận được âm thanh trong không khí. Marconi liền chế tạo máy phát ra các làn sóng điện từ và cả máy thu nhận các làn sóng đó. Ông làm rất nhiều thí nghiệm với hai loại máy này và tăng dần khoảng cách để tìm ra phương pháp truyền tín hiệu trong không gian.

Vào một buổi chiều đẹp trời năm 1894, Marconi nhấn vào một nút điện, bỗng một tia lửa bật ra và một âm thanh phát ra trong căn phòng cách đó không xa. Marconi run lên vì sung sướng: ông đã thành công trong việc truyền tín hiệu mà không cần dây nối. 

Marconi liền trình phát minh của mình lên chính phủ Ý, nhưng không ai chú ý đến sáng kiến đó. Bà Anna đành an ủi con: “Con có thể thành công tại quê hương của mẹ”. Vì thế vào tháng 2 năm 1896, Marconi xuống tầu đi London. Ông không quên mang theo vài va li dụng cụ vô tuyến. Vào thời bấy giờ, các dụng cụ này là những thứ quá xa lạ với sự hiểu biết thông thường của mọi người, vì thế nhân viên quan thuế nước Anh đã nghi ngờ ông, e ngại ông là gián điệp nên đã khám xét hành lý của ông quá cẩn thận khiến cho các máy móc vô tuyến đều bị hư hỏng và sau này Marconi phải làm lại tất cả.

Tới London, Marconi trình bầy phát minh của mình cho chính phủ Anh và vài xí nghiệp lớn. Ông nói rõ ích lợi thực tế của phát minh này là cho phép liên lạc với các tầu biển chạy ngoài khơi, trong khi Anh Quốc là nước đang đứng đầu về vận tải bằng đường biển. Vì vậy, Công Ty Vô Tuyến Điện Tín của Marconi được thành lập năm 1897,với tên là  Wireless Telegraph Co., Ltd., có mục đích khuếch trương ngành vô tuyến điện. 

Với tuổi 23, Marconi được giao phó trọng trách nghiên cứu kỹ thuật cho công ty. Ông nhận được 15,000 đồng tiền mặt và trở nên giàu có. Marconi thiết lập một đài vô tuyến đầu tiên trên đảo Wight. Nhờ đài này, người ta có thể liên lạc với các tầu biển chạy cách đảo 18 hải lý.

Marconi luôn luôn tìm cách làm tăng thêm tầm hoạt động của máy vô tuyến điện. Ông thường làm việc mà quên cả ăn, quên cả ngủ. Năm 1898, một cuộc đua thuyền lớn được tổ chức tại Dublin. Vì cách thức thông tin vào thời đó còn quá thô sơ nên các tin tức loan ra thường bị mất thời gian tính. Nhưng phát minh của Marconi đã làm cho viên chủ nhiệm tờ báo Daily Express tại London đặt tin tưởng vào một phương pháp thông tin hữu hiệu mới. 

Tòa báo đó liền thuê ông Marconi đi theo một con tầu tham dự cuộc đua để gửi về các báo cáo. Trong ngày đầu tiên, công việc chuyển tín hiệu hoàn toàn thất bại, nhưng Marconi vẫn kiên nhẫn, ông đã thành công trong việc gửi về hơn một trăm bức điện tín. Công trình phát minh của Marconi làm cho nhiều người tin tưởng vào một ngành thông tin hoàn toàn mới lạ.

Thực ra phát minh về vô tuyến điện tín của ông Marconi chỉ được toàn thể thế giới chú ý vào năm 1899. Trong một đêm tối bão táp, một con tầu lênh đênh trên biển Manche đang gập nguy khốn. Tầu đánh điện cầu cứu. Một người trực hải đăng gần đó đã nhận được tín hiệu báo nguy. Người ta liền thả tầu đi cấp cứu. Lần đầu tiên, sự phát minh của ông Marconi đã cứu sống được nhiều sinh mạng. Thanh danh của ông vang lừng. Tại lục địa châu Âu, nhiều quốc gia đã bắt chước nước Anh đặt các đài vô tuyến điện tín dọc theo các bờ duyên hải và các con tầu đi biển đều trang bị máy vô tuyến để có thể cấp báo kịp thời.

Tuy rằng máy vô tuyến điện tín đã cho phép con người liên lạc với nhau mà không cần dây nối, song mọi người vẫn nghi ngờ về tầm hoạt động của máy. Nhiều người cho rằng mặt cong của trái đất sẽ cản trở việc truyền tín hiệu qua đại dương. Chính điều này cũng làm cho ông Marconi thắc mắc. Ông có tham vọng nối liền châu Âu và châu Mỹ bằng vô tuyến điện.

Sau khi thuyết phục được các hội viên của công ty cho phép thí nghiệm về cách  truyền tín hiệu từ châu Âu sang châu Mỹ, Marconi liền đặt một căn cứ tại Poldhu, thuộc miền tây nam của nước Anh, còn căn cứ thứ hai được đặt tại Newfoundland, bên châu Mỹ. Sau một năm trời cố gắng thiết lập các máy móc tại Poldhu, một trận bão tai ác đã tàn phá công trình của ông. Không nản chí, Marconi làm lại từ đầu. Trong công cuộc thí nghiệm này, ông đã gập rất nhiều trở ngại về tài chính, về kỹ thuật và nhất là vì thời tiết. 

Nhưng tới ngày 12 tháng 12 năm 1901, một ngày đẹp trời, sau gần một giờ đồng hồ cố gắng điều chỉnh lại máy móc, ông vẫn chưa bắt được liên lạc với căn cứ St. John, Newfoundland. Bỗng nhiên, một tín hiệu khô khan phát ra từ máy nhận và từ nay, ông Marconi đã đánh đổ quan niệm cũ của nhiều người. Ông đã thành công hoàn toàn về một lĩnh vực mới của Khoa Học.

Marconi phổ biến kết quả của công trình nghiên cứu đó trên báo chí, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ. Ông quyết định xây dựng tại Newfoundland một căn cứ có đầy đủ dụng cụ để thông tin với nước Anh và làm tan đi mọi mối hoài nghi. Dự tính này của Marconi chưa được thực hiện thì công ty khai thác đường dây điện báo xuyên đại dương cảm thấy bị va chạm quyền lợi. Công ty này liền đưa đơn kiện Marconi và bắt buộc ông phải ngưng thí nghiệm tại miền đó. Ông đang ở trong tình trạng nan giải về ngân quỹ thì may mắn thay, Tổng Trưởng Tài Chính Canada là William Stevens Fielding tặng ông một số tiền là 16,000 bảng Anh để ông thiết lập một căn cứ vô tuyến điện tại Glace Bay, miền Nouvelle Ecosse.

Marconi bắt đầu làm việc tại Glace Bay vào mùa xuân năm 1902. Đài vô tuyến được thiết lập xong vào tháng 8 năm đó. Sau hàng tháng dò thử bằng các máy móc, tới ngày 18 tháng 12, sự liên lạc mới được thực hiện giữa Poldhu và Glace Bay. Tên tuổi của Marconi vang lừng. Ông trở lại quê hương là nước Ý. Khắp nơi mọi người đã đón tiếp ông rất nồng hậu. Ông được truy tặng danh hiệu công dân danh dự tại hai thành phố Rome và Livourne.


Mùa thu năm 1904, Marconi tới Pool, gần Bornemouth, nước Anh, để nghỉ ngơi sau mấy năm làm việc cực nhọc. Tại nơi thơ mộng này, ông đã gặp được ý trung nhân: cô Béatrice O’Brien, con gái Lord và Lady Inchinquin. Sau lễ thành hôn, hai ông bà trở lại Nouvelle Ecosse.

Thời đó, công cuộc nghiên cứu truyền tin của Marconi đang tiến triển khả quan thì tiền vốn của công ty lại cạn gần hết vì các thí nghiệm về ngành vô tuyến. Marconi được mời về London. Người ta không chấp thuận cho ông tiếp tục nốt công trình nghiên cứu. Ông bèn trở lại nước Ý với mong ước được các nhà ngân hàng nơi đây giúp đỡ, nhưng ông vẫn bị từ chối. Marconi đành trở lại nước Anh và tổ chức lại công cuộc nghiên cứu bằng cách giảm bớt người giúp viêc và cắt bớt các món chi dụng. Nhưng vận rủi vẫn đến với ông liên tiếp: người con đầu lòng của ông chết lúc mới 3 tuổi, rồi các công ty vô tuyến điện tại Đức và Mỹ đang tìm cách lấn át quyền lợi của ông. Tai hại hơn nữa, một trận hỏa hoạn đã tàn phá căn cứ vô tuyến Glace Bay, nơi mà ông đã đổ vô biết bao tiền bạc, biết bao công sức trong nhiều năm trường.

Nhưng Marconi không nản lòng. Ông vẫn hăng hái làm việc và còn cố gắng hơn trước. Lúc nào ông cũng mong muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng vô tuyến điện không những là một phát minh hữu ích mà còn là một công việc thương mại có lợi. Sau một năm trời tái thiết, căn cứ Glace Bay hoạt động như trước, rồi Marconi lại thắng kiện trong việc khởi tố những kẻ đã xử dụng bằng phát minh của ông mà không xin phép.

Năm 1909, Marconi được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Vật Lý cùng với nhà khoa học Karl F. Braun (1850-1918), người Đức. Danh tiếng của ông lại vang lừng. Marconi tổ chức lại Hội Khai Thác Vô Tuyến Điện và đặt Hội trên một căn bản mới. Nhưng có một sự kiện làm cho Marconi cảm động nhất, đó là nhờ phát minh của ông, 706 người cùng một lúc đã thoát khỏi bàn tay của Tử Thần.
Thảm cảnh này xẩy ra vào năm 1912 trên Tầu Titanic. Con tầu này bị đắm khi đang lênh đênh giữa đại dương. Người ta chỉ còn biết đánh đi một cách tuyệt vọng các tín hiệu S.O.S. Chính vào lúc nguy kịch đó, các tầu cấp cứu đã tới kịp. Trong buổi đón tiếp tổ chức tại bến cảng New York, những người thoát nạn đã ôm lấy ông và nói: “Ông Marconi, chúng tôi còn sống là nhờ ông”. Marconi đã chiếm được sự khâm phục và lòng biết ơn của toàn thế giới. 

Tại Hoa Kỳ, ông được trao tặng huy chương vàng. Tại nước Anh, nhà vua đã phong cho ông chức Hiệp Sĩ. Ông lại được tặng chức Hầu Tước và danh hiệu Thượng Nghị Viên tại nước Ý. Tuy nhiên, Marconi vẫn không ngừng làm việc. Ông tiếp tục cải tiến các máy móc truyền tin căn bản, gửi đi được các tín hiệu càng ngày càng xa hơn. Năm 1910, từ Clifden tại Ái Nhĩ Lan, ông đã có thể nhận được các tín hiệu phát đi từ Buenos Aires nước Argentina, rồi vào năm 1918, Marconi đã gửi được tín hiệu từ nước Anh tới nước Úc. 

Sau khi đã thành công trong việc phát ra các làn sóng dài, Marconi lại quay sang nghiên cứu về làn sóng ngắn. Vào năm 1922, ông đã hoàn chỉnh việc truyền đi các làn sóng ngắn bằng cách dùng tới một gương cầu phản chiếu (parabolic reflector). Hệ thống này ngày nay còn được phần lớn các cơ sở truyền thông trên thế giới xử dụng. Marconi đã tiến hành công việc chuyển từ ngành vô tuyến điện tín (wireless telegraphy) thành vô tuyến điện thoại (wireless telephony) mà ngày nay được gọi là vô tuyến truyền thanh (radio). 




Cũng trong số các phát minh hữu dụng của Marconi là bộ phận tìm phương hướng bằng vô tuyến RDF (radio direction finder) nhờ đó các tầu biển và máy bay có thể xác định được vị trí bằng các tín hiệu radio. Marconi còn làm nhiều thí nghiệm về làn sóng phản chiếu và làn sóng điện cực ngắn (UHF) và các tìm kiếm này là bước đầu trong việc thực hiện các máy radar và vô tuyến truyền hình.

Thời đó, một hội chợ triển lãm các phát minh của đầu thế kỷ 20 được tổ chức tại Chicago. Để tỏ lòng quý mến nhà đại phát minh đã viếng thăm hội chợ, người ta đã đặc biệt dành một ngày gọi là “Ngày Marconi”. Khi đi thăm các gian hàng, ông Marconi đặc biệt chú ý tới một máy vô tuyến do một thanh niên tự lắp lấy. Chàng trai này khi đó cảm thấy ngượng ngùng trước nhà đại phát minh nên đã nói: “Thưa ông Marconi, chiếc máy này không có gì đặc biệt cả vì tôi chỉ là một nhà tài tử”. Nhưng Marconi đã cười và đáp lại: “Tôi cũng chì là một nhà tài tử mà thôi!”.

Vì thường phải đi từ nước Anh sang nước Ý hay Canada, Marconi đã đặt ngay một phòng thí nghiệm trên chiếc tầu biển Elettra, trọng tải 730 tấn, để có thể làm việc lúc đang di chuyển. Thông thường, ông sống trên con tầu này với gia đình trong nửa năm, còn thì ông hoạt động tại các căn cứ vô tuyến điện đặt trên các hải đảo.

Guglielmo Marconi qua đời vào ngày 20 tháng 7 năm 1937, để lại cho mọi người lòng tiếc nhớ một bộ óc phát minh hiếm có, một đức tính kiên nhẫn đáng khâm phục và một lòng hy sinh hoàn toàn cho Khoa Học.

Phạm Văn Tuấn



 

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI