Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Không nên keo kiệt chi phí giáo dục con cái (Phúc Ông Trăm Truyện sớ 38 )

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Phong tục tập quán xã hội không dễ gì tiêu mất được.

Ngày xưa, khi xã hội của Nhật Bản còn phong kiến, giáo dục là đặc ân riêng của giai cấp võ sĩ. Chỉ có con cháu, thân tộc của họ mới được học chữ hay võ nghệ. Các thầy dạy vốn là các võ sĩ nhận bổng lộc của phiên, không phải là những người sống bằng nghề dạy học như ngày nay. Do đó, thù lao dạy học không thành vấn đề lớn với họ. Vào cuối năm các học trò chỉ cần mang đến nhà thầy một ít lễ vật hay tiền bạc để bày tỏ tấm lòng biết ơn là có thể học được đạo đức nhân lễ nghĩa trí tín hay cực ý, yếu quyết của võ nghệ. Do đó người dân Nhật từ xưa đã có thói quen xem giáo dục là không tốn tiền, suy nghĩ này đã thấm vào cốt tủy. Cho đến ngày nay cha mẹ cho rằng lãng phí, tốn tiền vô ích khi phải chi trả cho việc giáo dục con cái họ.

Từ đầu các cha mẹ này không phải là người bòn xẻn keo kiệt, ngoài trừ chi phí giáo dục, họ không ngại chi tiền ăn mặc ở đôi lúc còn xa hoa nữa. Họ thản nhiên dùng rất nhiều tiền để mua cây, mua gạch để làm vườn, mua tranh sách hay đồ cỗ. Trái lại, chi phí để gửi con cái nội trú hay đi học chỉ tốn khoảng 40 đến 60 ngàn yên (nguyên văn là 2 hay 3 yên) mỗi tháng. Nhưng nếu bây giờ có trường học nào chủ trương học phí mỗi tháng bằng số tiền này sẽ làm họ giật mình ngạc nhiên! Không tiếc xài số tiền lớn cho thú vui không hẳn cần thiết lại tiếc rẻ số tiền 40 đến 60 ngàn yên mỗi tháng cho tương lai của con cái thân yêu, thật là không biết tính toán! Sau khi bản thân qua đời, tài sản to lớn như vườn, tranh sách, đồ cổ ai sẽ giữ gìn cho? Người gìn giữ tài sản chính là con cái, thế mà lại tiếc tiền của để giáo dục con cái là nghĩa làm sao? Kết cuộc, sức khỏe và tinh thần của con cái không được phát triển đầy đủ, không những không gìn giữ được tài sản mà lại làm tán bại thì sao? Nếu họ không phải là người không biết phân chia nặng nhẹ thì là gì?

Cách suy nghĩ không muốn tốn tiền cho việc giáo dục con cái thật là vô lý hết chỗ nói nhưng nếu truy cho cùng thì nguyên nhân của sự việc chẳng qua

là thói quen đã có từ xưa: không biết đầu tư cho giáo dục. Bởi vì cho đến ngày hôm nay vẫn chưa thoát khỏi cách suy nghĩ cũ xưa này.

Sự việc nói trên có ý nghĩa gì? Phải chăng mặc dù hiện nay văn minh mỗi ngày mỗi tiến bộ nhưng phương pháp giáo dục con cái chưa được cải tiến đầy đủ. Lý do là người giàu có cũng không bỏ tiền mướn thầy riêng dạy con trẻ; lập trường tư thì chỉ thu nhập được một số tiền công rất nhỏ, khó khăn để kinh doanh duy trì trường tiếp tục lâu dài. Người viết rất khổ tâm nhưng ngoài cách kiên nhẫn chờ đợi thời cơ đến không có cách nào khác.

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

(*) Nguồn: Truyện số 38 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.


 

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI