Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Ký ức nghề làm rổ, rá tại An Đước của Minh Trí sớm nay in trên báo Tây Ninh 29.11.2024

 Gọi là ký ức để gợi nhớ về chuyện xưa, về nghề đã gắn liền với cư dân An Đước (An Tịnh, Trảng Bàng) từ những buổi đầu khẩn hoang mở cõi, lập ấp, lập làng.

Nghề làm rổ, rá ở An Đước vẫn còn nhiều nghệ nhân, nhiều gia đình duy trì, trác để bảo tồn nghề truyền thống của tổ tiên, sau là nghề để sinh sống.
Trí viết về nghề làm rổ, rá tại An Đước cũng là viết về nghề của bà nội - nghệ nhân Nguyễn Thị Vững, cái nghề đã góp phần nuôi sống gia đình có đông con cháu, nghề mà mẹ cùng các con hằng đêm cùng quay quần bên ánh đèn dầu cùng làm để kịp buổi chợ sớm mai, để nay chú Năm, cô Sáu, cô Út,... rồi các cháu đều làm được nghề của mẹ, của bà.
Đặc biệt, nghề thủ công truyền thống này đã gắn bó với quê hương nơi chàng nghiên cứu trẻ được sinh ra, lớn lên và cũng là nghề mà bà nội đã cả đời tần tảo để nuôi dạy Minh Trí nên người.
Chúc mừng em!

TỪ KẾ TƯỜNG - CHÙM ĐOẢN VĂN

 

CÀ PHÊ SAY

Sài Gòn đã có quá nhiều đổi thay bất ngờ không chỉ đối với một người xa xứ có dịp trở về thăm lại quê hương không nhận ra được một Sài Gòn cũ trong ký ức. Ngay như tôi, người cố cựu ở ngay trong thành phố này mà còn ngỡ ngàng trước những khu phố mới, nhà cao tầng, cầu vượt và nhất là vô số quán cà phê hộp sang trọng mọc lên. Nhưng tôi vẫn thích ngồi trong một quán cà phê nhỏ, không khí trầm lắng với những bàn ghế thấp mang vẻ lặng lẽ và những đôi tình nhân muốn tìm cho mình một góc riêng để tâm sự và một vài người khách kể cả nam hay nữ ngồi uống cà phê giống như chiêm ngưỡng, thưởng thức sự cô đơn ngay chính trong tâm hồn mình. Nhưng trước tiên, quán cần có một vài bình hoa tươi, thay đổi mỗi ngày và chủ yếu phải có cà phê ngon để sáng sớm, trưa vắng, hay chiều tối có cơn mưa nhỏ tôi ghé vào kêu một tách cà phê đen rồi nhấm nháp cho đến khi say. Ôi cảm giác say cà phê thật thú vị, nó lâng lâng, mơ hồ, như ảo mà như thật. Lúc đó tôi lại nhớ đến em, một cô gái ngọt ngào đã đi qua trong đời tôi cũng bằng tình yêu ngọt ngào và giống như cơn say cà phê vậy.

CON DẾ NHỎ
Đêm nào cũng thế khi tôi rời bàn phím và màn hình máy tính thì mắt như muốn sụp xuống. Nhưng không phải tôi buồn ngủ mà chính là sự mỏi mệt như đang xô tôi ngã vật xuống chiếc ghế xoay. Trong cơn mưa nhẹ do ảnh hưởng của cơn bão bỗng tôi nghe tiếng re...ee, re.. ee của chú dế trên đồi cỏ. Tiếng con dế gáy trong mưa nghe buồn làm sao. Chàng dế lãng tử này không biết chán chân gian hồ về cư ngụ trên đồi cỏ trong sân vườn nhà tôi không biết từ khi nào. Thường dế phải có đôi và ở hang, nó gáy lạc lõng như thế này chính là một chú dế cô độc đang cố cất tiếng gáy kêu gọi bạn tình. Re...ee, re...ee. Tôi không thể nằm yên trên ghế mà bật dậy ra ngoài thềm, đứng dưới bóng cây nguyệt quế trổ bông trắng xóa, bay hương thơm ngan ngát trong khoảng không gian ướt đẵm. Dế ơi thôi đừng gáy nữa, bạn tình của mày ở xa lắm, chắc là mãi tận cánh đồng phía trên. Nhưng chú dế nhỏ vẫn gáy suốt trong cơn mưa lay bay cho tới lúc tôi tắt đèn đi ngủ nó vẫn cứ gáy. Bạn đã bao giờ nghe tiếng dế gáy trong mưa chưa?

MỘT MÌNH VỚI BAO LA
Mấy ngày phóng xe chạy trong mưa bão đuổi theo công việc. Trưa hôm nay vừa về tới nhà tôi đã nằm vật ra thở dốc, cơ thể rã rời, tay chân mỏi nhừ như vừa cố gắng leo lên đỉnh núi cao. Rồi cảm giác thiếu nước trong cổ họng dồn tới, đau rát, khó chịu. Tôi nuốt nước bọt mấy cái rồi bật dậy chạy vào toa-lét ói khan. Như thế này chắc là viêm họng rồi đây, người ngầy ngất, choáng váng tôi ra đường ghé tiệm thuốc tây mua 3 liều thuốc và hộp kẹo the chống viêm họng. Không quên ăn một tô phở để có sức mà uống thuốc. Trở về nằm trong căn phòng kín, nghe cánh quạt tường kêu rè rè mỏi mệt, âm thanh của sự nhàm chán quen thuộc. Qua ô cửa nhỏ trên bờ tường, tôi nhìn thấy ánh sáng nhờ nhờ của bầu trời bao la bên ngoài. Nhưng tôi có cảm giác mình hiện giờ giống như con cá mắc cạn, ngộp thở nằm chờ cơn mưa rào.Thế rồi tôi dần thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, những viên thuốc chống viêm họng có chất gây ngủ bắt đầu phát huy tác dụng.

20 NĂM GẶP LẠI
Một đêm dần về khuya, tôi đang post bài lên trang facebook bỗng cửa sổ chat bật lên, một dòng chữ hiện ra và cái tên rất lạ: Anh khỏe không? có nhận ra em là ai? Châu đây anh, N.Châu cách đây...20 năm chắc anh còn nhớ?Tôi thật sự bàng hoàng xúc động khi nhận ra em. N.Châu ngày ấy là một cô bé 18-19 tuổi, rất xinh đẹp nuôi một giấc mơ cao chót vót trời xanh: Em mơ ước làm tiếp viên hàng không. Cũng chính đáng thôi, cô gái nào lại không mơ giấc mơ bay mà em thì đủ chuẩn để làm tiếp viên chỉ thiếu sự quen biết và...Tôi đã nhờ vào mối quan hệ của mình gửi em vào không mấy khó khăn. Tất nhiên em phải qua một khóa đào tạo, rồi đi bay đường bay quốc nội. Sau đó bay đường bay Sài Gòn-Paris. Lúc đầu em còn liên lạc với tôi, nhưng sau đó thưa dần, cuối cùng em báo tin sẽ lấy anh chàng cơ trưởng trong đoàn bay của em, anh ta là người Pháp rồi em sang Pháp. Và sau 20 năm thì em liên lạc với tôi qua facebook báo tin sắp về VN, rất mong được gặp tôi. Thú thật, trong cuộc đời mình, đây là cuộc gặp đã làm tôi khó ngủ nhất suốt những đêm mưa để đi đến quyết định gặp lại em. Nhưng rồi cũng chính lần gặp ấy để tôi quyết định không bao giờ gặp lại em nữa kể cả việc xóa luôn Facebook của em.

QUÁN GIVRAL ĐÓNG CỬA
Em ngồi đó, bộ váy đầm màu vàng nhạt, hình như trên nền vải có in hình những chiếc lá khiến tôi liên tưởng tới mùa thu vàng của Paris mà em mang về tận đây, một buổi tối trong quán cà phê Givral ở Sài Gòn. Ngoài trời đang có cơn mưa nhẹ, qua cửa kính dày của quán, tôi nhìn thấy loáng thoáng những giọt mưa kéo xuống qua ánh đèn đường. Hai mươi năm, một quãng thời gian khá dài đối với một cô gái đã trở thành người phụ nữ, nhưng nét thanh xuân vẫn còn trên vóc dáng và gương mặt em. Nụ cười vui tươi và ấm áp. Hóa ra N. Châu dù chọn cho mình một cuộc hôn nhân "đẳng cấp" nhưng vẫn không có hạnh phúc. Bây giờ nàng sống một mình, nuôi 2 đứa con trai và qua phong thái chững chạc, thoải mái tôi biết em là người chủ động về mặt kinh tế. Em khoe đã qua một trường đại học nổi tiếng của Pháp và đang nghiên cứu, đọc triết học Tây phương. Tôi khích lệ em và câu chuyện trở lại những ngày cũ ở Sài Gòn. Thế rồi chia tay hẹn một ngày gặp lại. Nhưng tôi biết sẽ không có ngày đó. Như quán cà phê Givral sau đó đã đóng cửa.

BÓNG TRĂNG XƯA
Ngôi nhà lợp lá, vách lá, nền đất nằm lọt thõm trong khu vườn đầy lá rụng và nhiều tiếng chim hót. Những đêm sáng trăng khu vườn tuyệt đẹp, giống như trong cổ tích. Tôi và Trinh trải chiếc chiếu cũ trên thảm lá khô chưa kịp quét nằm cạnh nhau nhìn lên bóng trăng. Em hát anh nghe nhé?- Nàng nói. Tôi nhỏm dậy: để anh vào lấy cây đàn. Trinh cười: Không cần đàn, em muốn hát không đàn. Bài gì? “Bao giờ biết tương tư”- Trinh cười nhẹ. “Ngày nào cho em biết, biết yêu anh rồi, em biết tương tư. Ngày nào biết mong chờ, biết buồn vui rộn rã đợi anh dưới mưa...”-Trinh cố ý đổi "em" thành "anh".Trinh hát làm tôi muốn khóc.
Hồi ấy ở cơ quan, Trinh là cô gái đẹp nhất mới rời ghế nhà trường xin vào làm việc và tôi có nhiệm vụ giúp đỡ Trinh. Em có một người yêu cùng lớp, một thanh niên ngang tàng, đưa rước Trinh ở cửa cơ quan tôi gặp mấy lần. Nhưng rồi anh ta lén Trinh vượt biên không thoát... Tôi biết giai đoạn đó Trinh rất buồn nên thường rủ em đi uống cà phê bên kia sông. Một đêm có trăng sáng, tôi và Trinh ngồi bên bờ sông tắm đẵm ánh trăng Trinh bỗng nói: Ngày mai anh đưa em về quê anh chơi. Tôi hoảng hồn: Nhà anh nghèo lắm, một căn chòi đúng hơn là căn nhà, lại rất buồn. Ba anh ở Sài Gòn, má anh làm việc ở Tiền Giang, cuối tháng mới về một lần, căn nhà gần như bỏ hoang. Trinh cương quyết: Nhưng em thích về nhà anh. Thế là đêm đó, cũng một đêm trăng sáng Trinh nằm nhìn bóng trăng trên bầu trời lơ lửng hát cho tôi nghe.
Bây giờ thì Trinh đã ở Mỹ, có chồng, có con. Không biết chồng Trinh có phải anh chàng học cùng lớp ngày xưa hay không. Còn căn nhà trong vườn cây ngày nọ Trinh về nằm hát cho tôi nghe tôi cũng đã xô cho sập trước khi trở lại Sài Gòn và sau khi nghe tin Trinh ra nước ngoài không một lời từ biệt với tôi.
TKT


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Thành Ngữ Điển Tích 115 : TRONG, TRỌNG, TRỔ, TRỘM, TRỞ, TRÚ. (Đỗ Chiêu Đức)

 Thành Ngữ Điển Tích 115 : 

            TRONG, TRỌNG, TRỔ, TRỘM, TRỞ, TRÚ. 
                         
                   
                                Trong Dưa Dưới Mận

      TRONG DƯA DƯỚI MẬN chữ Nho là QUA ĐIỀN LÝ HẠ 瓜田 李 下 có nghĩa là "Trong ruộng trồng dưa và dưới cành cây mận". Điển tích nầy có xuất xứ từ bài thơ "Quân Tử Hành 君 子行" của Tào Thực 曹 植 (con của Tào Tháo) thời Kiến An đời Hán với bốn câu thơ mở đầu như sau:

               君 子 防 未 然,  Quân tử phòng vị nhiên,
               不 處 嫌 疑 間,  Bất xứ hiềm nghi gian,
               瓜 田 不 納 履,  Qua điền bất nạp lý,
               李 下 不 正 冠。  Lý hạ bất chính quan.
 Có nghĩa :
    - Người quân tử phải luôn phòng bị chuyện chưa xảy ra,
    - Không nên để ở vào chỗ (cái thế) dễ bị nghi ngờ, như...
    - Khi đi ngang qua ruộng dưa thì không cúi mình xuống mang lại giày,
    - Khi đứng dưới cành mận (lý) thì không đưa tay lên sửa mũ lại cho ngay.

      Sửa lại giày khi đi ngang qua ruộng dưa, người ta sẽ tưởng rằng mình muốn hái trộm dưa; Còn đưa tay lên chỉnh lại mũ cho ngay dưới cành mận, thiên hạ sẽ nghi ngờ rằng mình muốn hái trộm mận. Nên câu thành ngữ QUA ĐIỀN LÝ HẠ 瓜 田 李 下 khuyên ta nên chú ý đừng làm những chuyện dễ gây nên ngờ vực hiểu lầm của bàng dân thiên hạ:
                    
                     Quân tử phải biết đề phòng,
                Đừng để ở thế muôn lòng sinh nghi.
                     Ruộng dưa không sửa giày đi,
                Đừng chỉnh mũ mão dưới cây lý đào !
               
                   

      Trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca" của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu:

                      Tuyên Phi học thói buông mành,   
                TRONG DƯA DƯỚI MẬN nhân tình đều nghi.

      Trong truyện thơ Nôm "Quan Âm Thị Kính" thì nói là SỬA DÉP VƯỜN DƯA:
                    Ngán thay SỬA DÉP VƯỜN DƯA,
                Dẫu ngay cho mấy vẫn ngờ rằng gian !

      Còn trong nhóm bài thơ "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì nói là SỬA MŨ DƯỚI ĐÀO:

                     Khi nay SỬA MŨ DƯỚI ĐÀO,
                Cớ chi lễ cấm phép nào chẳng kiêng.
      
      TRỌNG DO 仲 由(542-480 Trước Công Nguyên)tự là Tử Lộ 子 路, Qúy Lộ 季 路 người đất Biện nước Lổ thời Xuân Thu. Ông là một trong Thất Thập Nhị Hiền (72 người tài giỏi) trong số hơn ba ngàn học trò của Đức khổng Phu Tử. Lúc nhỏ nhà nghèo phải đi cày mướn để kiếm sống, tính tình trung hậu cương trực, có sức mạnh và giỏi võ, lại rất có hiếu. Ông nổi tiếng với việc vác gạo lặn lội đường xa cả trăm dặm đem về để muôi mẹ, nên được Quách Cư Kính đời Nguyên liệt vào một trong "Nhị Thập Tứ Hiếu"(24 người con có hiếu của ngày xưa).
      Tác phẩm nhóm thơ Nôm dịch từ "Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý Văn Phức được trích giảng trong môn Cổ văn của chương trình lớp Đệ Thất (lớp 6 hiện nay) ở miền Nam trước 1975. Trong bài "Tài Tử Đa Cùng Phú" của Chu Thần Cao Bá Quát cũng có nhắc đến TRỌNG DO (TỬ LỘ) với hai câu:

               Áo TRỌNG DO bạc phếch, 
                          giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
               Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, 
                          đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.      

      Trong bài ca 6 câu Vọng cổ "Đội Gạo Đường Xa" của soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà đã nói về lòng hiếu thảo của Thầy Tử Lộ qua giọng hát của danh ca Hữu Phước một nghệ sĩ tài hoa của giới Cải Lương Nam Bộ khoảng thập niên 60 của Thế kỷ trước. Xin Bấm vào link dưới đây để nghe hát.



       TRỔ VÁCH chữ Nho là TẠC BÍCH 鑿 壁 là đục, khoét một cái lổ trên vách. Điển tích nầy có xuất xứ từ《Tây Kinh Tạp Ký 西 京 雜 記》Quyển hai 卷 二 như sau:

       KHUÔNG HÀNH 匡 衡, tự là Trĩ Khuê, người đất Đông Hải huyện Quận Thừa, là một học giả nổi tiếng đời Tây Hán, làm quan đến chức Thừa Tướng. Ông xuất thân là con nhà nông nghèo khổ, gia cảnh bần hàn, phải đi làm công để đổi lấy sách học. Ông lại nổi tiếng và để đời với việc xin ông hàng xóm cho khoét một cái lổ trên vách (gọi là TẠC BÍCH 鑿 壁 là TRỔ VÁCH) lúc đêm về để nhờ vào ánh đèn sáng xuyên qua lổ hổng đó mà đọc sách học hành. 

       Trong "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải, một danh sĩ đời nhà Mạc có câu:

                      Giá Tôn Khang, hé song đọc sách,
                      Lọ nhặt huỳnh, TRỔ VÁCH làm chi ?

       Còn trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của cụ Nguyễn Công Trứ thì có câu: 
         
               Cần nghiệp Nho khi TẠC BÍCH TỤ HUỲNH,
                                      thuở trước chàng Khuông chàng Vũ.

       TẠC BÍCH là KHUÔNG HÀNH ta đã biết rồi; Sẵn nói luôn TỤ HUỲNH và Chàng VŨ. CHÀNG VŨ tức là XA DẬN 車 胤, tự là VŨ TỬ 武 子. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện. Ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập hợp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng (gọi là TỤ HUỲNH 聚 螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn.

       Nói chung, TẠC BÍCH TỤ HUỲNH 鑿 壁 聚 螢 hay CHÀNG KHUÔNG CHÀNG VŨ gì đều chỉ những người nghèo mà hiếu học.
                 
                
  TẠC BÍCH TỤ HUỲNH  鑿 壁 聚 

       TRỘM HƯƠNG chữ Nho là THÂU HƯƠNG 偷 香 trong thành ngữ THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊 玉 偷 香 là : Ăn cắp ngọc, ăn trộm hương. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ trai gái yêu đương vụng trộm với nhau trước khi thành hôn. Theo tích sau đây: Theo Tấn Thư, Giả Sung Truyện 晉 書·賈 充 傳 có ghi lại...
      Hàn Thọ 韓 壽 là môn khách của quyền thần Giả Sung 賈 充 dưới đời Tây Tấn. Giả Sung có con gái là Giả Ngọ 賈 午  thầm yêu Hàn Thọ. Hai người cùng tư thông với nhau, Giả Ngọ lại lấy trộm hương liệu mà Tấn Võ Đế ban tặng cho Giả Sung tặng cho Hàn Thọ. Sau khi phát hiện vì muốn tránh tiếng xấu nên Giả Sung đành phải gả con gái Giả Ngọ cho Hàn Thọ.
      Vì tích trên mà người đời sau gọi trai gái có tình ý và tư thông với nhau là Thâu Hương Thiết Ngọc hay THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊 玉 偷 香, như trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử có câu:

                      Dám nào THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG,
                    Chỉ trong danh tiết, lánh đường tìm hoa. 

      Còn trong "Truyện Tây Sương" thơ Nôm khuyết danh thì có câu:
                         Tiểu thư tuổi trẻ tính cương,
                   Biết điều trao phấn TRỘM HƯƠNG là gì ?
                    
           
             TRỞ GÓT GIÀY hay CHÂN HÀI TRỞ GÓT là Trở gót giày ra phía trước, chỉ đi giày ngược. Vì vội vàng trong lúc quá vui mừng hay quá bất ngờ mà mang ngược giày. Theo tích sau đây:
      Khi Hán Hiến Đế vời đô về tây, Vương Xán cũng theo về Tràng An. Tả Trung Lang Tướng Thái Ung thấy Vương Xán đến, vội vàng đến đổi mang ngược giày ra đón vào. Quan khách thấy Vương Xán chỉ là thằng bé con 15, 16 tuổi, thân hình lại nhỏ thó, đều lấy làm ngạc nhiên hết sức. Thái Ung bèn giải thích rằng: "Đây là cháu của vương công, tài hoa xuất chúng phi phàm, ta không sao sánh bằng được". 
      Vì tích trên mà hình thành thành ngữ ĐẢO TỶ TƯƠNG NGHINH 倒 屣 相 迎 là Đi ngược giày để mà nghinh đón, thưng dùng để chỉ sự vui mừng hoặc kính trọng đối với ai đó. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Nữ Tú Tài" có câu:

                       Vội vàng bèn TRỞ GÓT GIÀY,
                Mời rằng nương tử vào ngay trong phòng.

       Cũng trong truyện thơ Nôm "Nữ Tú Tài", khi Đỗ Tử Trung trông thấy Tuấn Khanh (Phi Nga) thì tỏ ra mừng rỡ vội vàng:

                        Tử Trung thoắt thấy ngọc nhan,
                CHÂN HÀI TRỞ GÓT, miệng khoan khoan chào !
               

       TRỞ GÓT còn có nghĩa là Quay lại hay Quay về... đâu đó! Như trong Truyện Kiều, sau khi tế mộ Đạm Tiên thì chị em Thúy kiều trở về nhà:

                     Kiều từ TRỞ GÓT trướng hoa,
                 Mặt trời gác núi chiêng đà thu không. 

       Hay khi Đạm Tiên từ giả Thúy Kiều ra về sau khi đã báo mộng:
                     Thềm hoa khách đã TRỞ HÀI,
                  Người còn cầm lại một hai tự tình.

       Hay như khi tiễn Kim Trọng đi Liêu Dương hộ tang cho chú, thì Thúy Kiều đã:
                      Tần ngần DẠO GÓT lầu trang,
                  Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về.
                  
       TRÚ CẨM 晝 錦 TRÚ là Ban ngày, CẨM là Gấm; nên TRÚ CẨM là: "Gấm ban ngày ?" "Mặc áo gấm ban ngày" thì mọi người đều thấy, trái với "Mặc áo gấm ban đêm" thì không ai thấy cả. Có mặc cũng như không! Theo "Sử Ký" của Tư Mã Thiên đời Hán, chương Hạng Vũ Bản Kỷ 漢·司 馬 遷《史 記·項 羽 本 紀》như sau:

       Cuối đời Tần, Hạng Vũ xua binh đánh chiếm thành đô Hàm Dương, giết vua Tần là Tử Anh, nổi lưa đốt A Phòng Cung của vua Tần, lửa cháy đến ba tháng mới tắt. Tiếng tăm của Hạng Vũ lừng lẫy đất Quan Trung, ông gom góp hết bạc vàng châu báu lấy được trong cung nhà Tần định tiến về phía đông. Nhưng mưu sĩ Hàn Sinh khuyên ông rằng: "Xứ Quan Trung nầy đất đai mầu mỡ, địa thế hiễm yếu, có dãy Hào sơn và Hàm Cốc Quan làm bình phong che chắn, bốn bên đều có thể phòng thủ; Có thể dựng nên nghiệp bá. Xin ngài hãy ổn định ở nơi nầy, không nên dời về đông".
      Hạng Vũ thấy cung điện nhà Tần bị mình thiêu đốt đến điêu tàn đổ nát, nhếch nhác khắp nơi, nên không muốn làm vua ở đây. Điều quan trọng hơn nữa Hạng Vũ là người nước Sở, nên sau khi công thành danh toại lòng cứ muốn dời về quê nhà ở hướng đông để diệu võ dương oai với phụ lão đất Giang Đông. Bèn phản bác Hàn Sinh rằng: "Con người sau khi đại phú đại qúy mà không trở về cố hương, thì cũng như người mặc lụa là gấm vóc mà đi trong đêm tối vậy, có ai trông thấy được sự vẽ vang đẹp đẽ nầy đâu?!"
      Hàn Sinh ra ngoài than với tả hữu rằng: "Ta nghe nói người nước Sở giống như là loài khỉ vượn vậy; dù có cho mặc áo đội mão, cũng không thay đổi được bản tính, khó mà làm nên việc lớn được!" Câu nói nầy đã mang đến họa sát thân, Hạng Vũ nghe nói bèn cho quăng Hàn Sinh vào chảo dầu sôi cho hả giận. Rồi trở về Bành Thành lên ngôi tự xưng là Tây Sở Bá Vương. Rốt cuộc rồi cũng bị bại về tay của Lưu Bang và phải rút kiếm tự sát ở bến Ô Giang.
       
      Do tích trên đã hình thành một thành ngữ Y CẨM DẠ HÀNH 衣 錦 夜 行 là "Mặc áo gấm đi đêm" để chỉ làm việc gì đó không ai biết đến hoặc không có tác dụng gì cả, trái với TRÚ CẨM 晝 錦 là GẤM NGÀY thường dùng để khoe khoang sự giàu sang vẻ vang của người thành đạt. Trong "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu:

                     Vẻ vang rở rở GẤM NGÀY,
                 Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên ?

      Còn trong thơ Nôm "Truyện Tây Sương" thì sử dụng thẳng từ TRÚ CẨM để chỉ Trương Sinh (Quân Thụy) khi đã thi đậu:
                       Giờ còn đợi lĩnh thánh ân,
                  Rồi đây TRÚ CẨM thời xuân còn dài
             

       Hẹn bài viết tới !
           Thành ngữ Điển tích 116 : 
    TRÚC, TRUYỆN, TRƯƠNG, TRƯỜNG, TRƯỚNG.

                                                             杜 紹 德
                                                          Đỗ Chiêu Đức
Đình Tân Lân (Đồng Nai )

                  

Mời Xem Lại :


  

                    

“Quẳng gánh lo đi” đâu quá khó? - Vi Lê

Quẳng gánh lo đi mà vui sống,” vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần thực ra không hẳn là chuyện “nói nghe thì dễ, làm được mới khó.” Chỉ cần có quyết tâm thì mỗi người đều có thể “vượt qua chính mình.”
Có điều kiện tiếp xúc, nghe, thấy không quá nhiều nhưng đủ để tôi phải thừa nhận một điều rằng người Mỹ biết cách vượt qua nỗi buồn để sống lạc quan rất hay, rất đáng để mình học

.Khi đặt hoa cho đám tang, họ thường chọn màu sắc rực rỡ, sặc sỡ càng tốt. (Hình minh hoạ: Alexi J. Rosenfeld/Getty Images)

Cô em tôi là chủ một tiệm nail. Lần nọ, một bà khách quen của tiệm em đến làm nail và kể, vợ chồng bà vừa trở về sau chuyến du lịch châu Âu và chồng bà đã mất khi họ vừa trở về nhà sau chuyến đi ấy. Chồng bà bị ung thư thời kỳ cuối. Biết mình chẳng còn sống được bao lâu, tranh thủ những lúc sức khoẻ của ông tạm ổn, hai vợ chồng bà đã thực hiện những chuyến du lịch đến những nơi mà cả hai đều thích nhưng chưa có dịp đến trước đó. Ông đã tận hưởng cuộc sống của mình đến giây phút cuối cùng trong niềm hạnh phúc viên mãn nên lúc ra đi chẳng còn luyến tiếc điều gì. Trong khi đó, nhiều người bệnh nan y ở Việt Nam mà tôi từng thấy (nhất là bệnh ung thư) đã suy sụp tinh thần ngay từ giây phút nhận kết quả chẩn đoán từ bác sĩ. Từ bi quan, tuyệt vọng, họ bắt đầu chán ăn, mất ngủ, sụt cân nhanh chóng. Họ xem kết luận của bác sĩ như một cái án tử treo lơ lửng khiến tinh thần bị stress, thậm chí trầm cảm đến mức có người muốn huỷ hoại cuộc sống ngay khi biết mình mắc bệnh hoặc bệnh không có khả năng cứu chữa được nữa. Rốt cục, có người đã từ giã cuộc sống vì những lý do khác trong khi căn bệnh ấy chưa kịp phát tác.

Khi tôi đi đặt vòng hoa để viếng đám tang của một người thân, chị chủ tiệm bán hoa tư vấn: bên này người Mỹ họ lạc quan và thực tế lắm, khi đặt hoa cho đám tang, họ thường chọn màu sắc rực rỡ, sặc sỡ càng tốt. Mục đích là để không khí trong đám tang đỡ u uất, người đã mất thì cũng mất rồi, người ở lại cũng cần vực dậy tinh thần mà lạc quan sống tiếp chứ không lẽ cứ ủ rủ, bi luỵ hoài sao? Chứ thương (người đã mất) thì ai lại không thương? Trong khi ở Việt Nam, người ta thường chọn hoa màu trắng để chưng, cúng hay viếng người quá cố (màu trắng mới đúng là màu tang tóc chăng?) Những màu sắc sặc sỡ bị cho là chỏi, không tôn kính, không phù hợp. Hoá ra chính người Việt mình đã tự làm cho tình hình trở nên bi đát hơn, khiến cho mọi người thêm uỷ mị, khó nguôi ngoai để vượt qua nỗi đau mất mát người thân.

Cách người Mỹ bày biện một đám tang cũng đơn giản mà nhẹ nhõm chứ không quá sầu thảm như ở ta. Mọi người vẫn mặc trang phục màu đen để bày tỏ sự chia buồn nhưng những người trong gia đình có quan hệ trực tiếp với người quá cố không đeo tang, không mặc các loại áo sô, áo gai, đội mũ nhìn ghê rợn như ở ta. Và thay vì kèn trống (dành riêng cho đám tang) ồn ào chỉ gây đinh tai nhức óc cho người xung quanh hay các thể loại nhạc trong đám ma rên rỉ, sến súa nghe phản cảm, các đám tang người nước ngoài cũng mở nhạc nhưng là các bài nhạc không lời, nhẹ nhàng hay nhạc thiền mở với volume vừa phải nghe xong thấy thư giãn, dễ chịu. Không lẽ nếu không làm cho sự bi lụy quá lên như vậy thì dân mình sợ bị cho là không buồn bã, thương tiếc người đã mất hay đám tang bớt đi sự hoành tráng, long trọng hay sao? Hay bản thân họ không buồn bã, sầu thảm gì nên phải vay mượn thêm các yếu tố trên từ các dịch vụ để người ngoài khỏi đánh giá?

Lần đi nuôi người thân của tôi tại một bệnh viện, tôi lại có dịp chứng kiến tinh thần lạc quan bất kể bệnh tật của người Mỹ. Có những người bệnh được người thân vô thăm kèm theo hoa, quà và bánh sinh nhật. Họ kéo nhau ra bộ bàn ghế trên mảnh sân bên hông bệnh viện rồi tổ chức sinh nhật cho người bệnh như với một người bình thường. Họ vỗ tay ca hát chúc mừng sinh nhật, thổi nến và cắt bánh kem, vừa ăn bánh vừa chuyện trò vui vẻ như chưa từng có bệnh tật gì ở đây. Dù người thân của mình đang mắc bệnh nan y và cũng đang nằm ở ICU nhưng nhìn sự vui tươi, yêu đời của họ, tôi dường như cũng nhận được phần nào năng lượng tích cực từ họ để thấy cuộc đời này không toàn những điều u ám.tôi lại có dịp chứng kiến tinh thần lạc quan bất kể bệnh tật của người Mỹ. (Hình minh hoạ: CLEMENT MAHOUDEAU/AFP via Getty Images)

Nói vậy không có nghĩa là người Việt Nam không biết sống lạc quan, tích cực. Tôi từng chứng kiến một chị bạn mắc bệnh nan y, cơ thể đã yếu lắm sau những lần hoá trị, xạ trị liên tục lẫn sụt cân nhưng chị vẫn tự tin bay sang Mỹ thăm hết những người thân trong gia đình mình. Chị đã mua vé máy bay khoang đặc biệt, đi cùng một bác sĩ thân tín để chăm sóc chị trên các chặng bay. Trở về sau chuyến bay dài, chị thanh thản ra đi, không chút vướng bận. Nghe chuyện, bạn bè đều thán phục sự kiên cường của chị, ai cũng mong nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh ấy, họ cũng được mạnh mẽ, lạc quan đến phút cuối như chị.

Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, lo âu, những tư tưởng bi quan không hẳn là quên hết những khó khăn, thử thách đang tồn tại để phó mặc hên xui may rủi hay sống cho hôm nay mà bất chấp ngày mai. Lạc quan, hy vọng ở tương lai cũng không hứa hẹn những khó khăn ở hiện tại sẽ được giải quyết nhưng ít ra, tinh thần lạc quan giúp con người ta có thể chấp nhận hay vượt qua khó khăn một cách dễ dàng hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Xác định sự tiêu cực, bi quan không đơn giản ở ý chí của một người mà còn phụ thuộc ở khả năng “tự định bệnh” của họ, đôi khi còn cần đến sự hỗ trợ của người thân, thậm chí của bác sĩ tâm lý và cả những hỗ trợ y khoa, thuốc men điều trị.

Người Mỹ, người Việt Nam hay bất kỳ chủng tộc nào trên thế giới này đều trải qua những cung bậc thăng – trầm, những buồn – vui, được – mất trong cuộc sống này nhưng cách họ đối mặt với nghịch cảnh, đương đầu với khó khăn dường như nhẹ nhàng, dễ dàng hơn chúng ta ắt cũng không nằm ngoài lối sống bắt đầu trong mỗi gia đình từ khi họ còn nhỏ. Chưa kể nếp sống ấy của mỗi gia đình còn bị ảnh hưởng bởi văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, nguồn gốc vấn đề vẫn nằm ở nội tại của mỗi người. Nếu bản thân họ không tự vực mình dậy bằng ý chí và sức mạnh tự thân thì dù được hỗ trợ thế nào đi nữa cũng chẳng ai có thể giúp họ quẳng gánh lo trên vai đi mà vui sống được.
Vi Lê

Hoa Huỳnh chuyển

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Trang Thơ NKĐ : ĐI XA , LÀM GÌ ?, GIẢI BÀY ,LẠM BÀN, CHÚT NGHĨ SUY..(11/24. 1)

 

1./ ĐI XA

Già chậm tiến mà đời chóng vánh
Nghe thường thôi " hạ cánh an toàn "
Hoà bình sao lại nhiều hơn
Máy bay đâu để nó tuồn bay đi ?
Hỏi bằng cấp , có gì mà lái ?
Người lưng trời , ai lại kiểm tra
Gốc thời bằng gốc cây đa
Chờ khi trốc gốc ? Khó mà ngóng trông !
Rồi hạ cánh ! Không là sân Việt !
Ôm của đi dân tiếc gì đâu ?
Quê nhà , lắm chuyện khổ đau
Xứ người nó khỏe , chút nào ưu tư ?
Cứ nghe dạy ," Tiên ưu hậu lạc "!
Mà bây giờ thấy khác nhiều ra
Nhỏ to có chức đấy mà !
Cái "tôi" lo trước, cửa nhà vinh vang !
10g21.06/11/2024
Ngô Kế Đang.
Xe Renault 1898
2./ LÀM GÌ ?
Học trò nay cũng về hưu nữa !
Hai thế hệ rồi chẳng khá hơn
Cũng là bán cháo , buồn chan chứa
Dạy "chữ" cả đời, " nghĩa" mất luôn
" Tôn sư trọng đạo" nghe càng thấm
Đương nhiệm, đương thời có khá đâu
Về hưu đôi.lúc nằm suy ngẫm
Ăn ít đi thôi, chắc sống lâu !
Hỏi đời được mấy như Sư Mạnh ?
Dẫu thiếu dẫu nghèo vẫn cố vui !
Xem nhẹ nghề thầy ,làm sao tránh
Lạc hậu hơn người , chắc chắn thôi
Bây giờ trường lớp khang trang hẳn
So với ban sơ , tốt lắm rồi
Từng dưới gốc cây , ngồi quanh quẩn
Phả bằng mật cát , viết lên thôi !
"Lương sư hưng quốc", người xưa dạy
"Là nghề cao quý nhất " người ơi !
Có ai không học , nên người vậy ?
Tin tưởng rằng đời sẽ đẹp hơn !
5g39.07/11/2024
Ngô Kế Đang.


3./ GIẢI BÀY
Tình cờ trên mạng nghe người chửi
Vỏn vẹn một câu, nhói cả lòng
Hỏi rằng người có biết không ?
Mượn Ngô Thì Nhiệm chỉ mong giải bày !
" Ai công hầu , ai khanh tướng
Trong trần ai , ai dễ biết ai ! "
Lời đâu ? Của Đặng Trần Thường !
Chỉ vì hiềm khích mà vương trong lòng
"Thế chiến quốc, thể xuân thu
Gặp thời thế, thể thời phải thế "
Ngô Thì Nhiệm , nỗi lo chung
Thành tâm xây dựng , trên cùng là dân !
Phải lo là cái dân cần
Cơm no áo ấm rồi dần vượt lên
Trong , ngoài nước cũng một tên
Việt Nam ta đẹp , vững bền ngàn năm !
10g39.11/11/2024
Ngô Kế Đang

.4./ LẠM BÀN
Mười ba năm rồi được cho về nghỉ
Thầy giáo hưu thành tài xế xe ôm
Ngày hai buổi, canh giờ đưa đón cháu
Học thật nhiều - chỉnh lý có hay không ?
Vẫn rượu cũ thay bình cho thấy mới
Khác gì đâu ? Kiến thức mới gì đâu ?
Học tràn lan, chẳng còn ai theo dõi
Dạy tư nhiều - chính phụ cũng như nhau !
Nói tăng lương để nâng cao mức sống
Đầu tư nhiều , không kiểm " bổng"
dạy tư
Mà thực tế đời còn bao bị động
Người về hưu, nâng hoá hạ đó ư ?
Bác sĩ sai lầm thì chết đi con bệnh
Thầy giáo sai lầm, thể hệ ra sao ?
Vẫn bước đi , những bước đi khập khểnh !
Áo vá chầm , giáo dục thấy mà đau
" Lương sư hưng quốc" người xưa đã dạy
Cứ chạy theo tính toán giá , lương, tiền
Thì cuộc sống còn phân tâm lắm đấy
Khi hết lo thì cống hiến hẳn nhiên !
7g30.12/11/2024
Ngô Kế Đang.
 Quê Bình Định 1930
5./ CHÚT NGHĨ SUY
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
Ta không chê trách họ Từ
Ta chê họ Đặng , sống như Trần Thường !
Đâu chỉ biết chạy đường hoạn lộ
Không được rồi, lại cố hiềm riêng
Việc chung , việc nước trước tiên
Có đâu tìm trả khi quyền trong tay ?
Dựa nhà Nguyễn chờ ngày bức tử
Đem hiềm xưa , xử sự thế sao ?
Rồi thì trả giá thôi nào
Bị nhà Nguyễn diệt , nỗi đau tận cùng !
Hỏi nàng Kiêu, hiểu trung thế đấy
Gặp thể thời , đành vậy tính sao !
Bắt phong trần , tránh đâu nào ?
Đoạn trường lưu lạc, biết bao tủi hờn
Ngô Thì Nhiệm lòng son , vì nước
Đâu phải vì chức tước, cam tâm !
Chữ tâm sáng , mới nâng tầm
Lấy xưa soi rọi , tránh lầm lạc thôi !
5g00.27/11/2024
Ngô Kế Đang.

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...