Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lai lịch cùng ý nghĩa tên gọi Tây Ninh hiện nay


LAI LỊCH CÙNG Ý NGHĨA TÊN GỌI TỈNH TÂY NINH HIỆN NAY - Trần Minh Tạo


Xem hình

Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), thái tử Đởm kế ngôi Gia Long làm vua. Đặt niên hiệu Minh Mạng. Năm 1832, khai quốc đại thần, tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt qua đời. Vì có hiềm khích cá nhân từ trước, vua Minh Mạng và một số quần thần cùng phe nhân đó khởi động cái việc gọi là luận tội lúc còn sống của Lê Văn Duyệt. Kết quả: Lê Văn Duyệt bị truy thu quan tước, mồ mả bị xiềng xích và san bằng ; con nuôi là Lê Văn Khôi bị bắt giam nhưng tổ chức vượt ngục được.   

   Đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ, 1833, Lê Văn Khôi tập hợp phe đảng phản kích triều đình. Trong thời gian ngắn, toàn Nam Kỳ, kéo từ Biên Hòa đến tận Hà Tiên ngày nay, đều nằm dưới quyền cai trị của Lê Văn Khôi. Lúc đó, triều đình Minh Mạng sai binh tướng phản công quyết liệt. Lê Văn Khôi bèn cử người sang Tiêm-La ( Thái Lan ngày nay ) cầu cứu. Nhân cơ hội này,Tiêm-La xuất liền 5 đạo binh. Đạo thứ nhất, thủy binh, với 100 chiến thuyền, đánh chiếm Hà Tiên. Đạo thứ hai, vừa thuỷ vừa bộ, đánh chiếm thủ đô Nam Vang, lật đổ triều đình thân Việt Nam ở đây, đưa lực lượng thân mình lên thay rồi đánh lấy tiếp  Châu Đốc và An Giang. Đạo thứ ba, đánh lấy Cam Lộ ( Quảng Trị ). Đạo thứ 4, đánh lấy Cam Cát, Cam Môn ( Miền Trung ). Đạo thứ 5, đánh lấy Trấn Ninh ( Phía tây Nghệ An bây giờ ). Mục đích chính là  thôn tính Nam Kỳ của Việt Nam .
        Khi hay tin bị đồng loạt tấn công, vua Minh Mạng sai Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân, lấy quân vùng Gia Định, tiến về mặt Châu Đốc, An Giang đánh kìm chận quân Tiêm-La lại. Tại mặt trận Cam Lộ, Cam Môn, Cam Cát, Trấn Ninh, giao cho Lê Văn Thụy, Phan Văn Điển và Nguyễn Văn Xuân chống giữ. Mặt khác, bí mật hỗ trợ lực lượng Khmer thân Việt
Nam nổi dậy kháng cự Tiêm-La ngay từ trong nước. Chẳng bao lâu sau, trên dưới một tháng, quan binh triều đình nhà Nguyễn thu phục được Hà Tiên, Châu Đốc, An Giang; đẩy lùi toàn bộ liên quân Tiêm La-Khmer-Lào ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhân đó, tiến chiếm thủ đô Nam Vang. Đưa vua Chân Lạp cũ, là Nặc-Ông-Chân về nước. Sau đó, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương được lệnh lập ngay một đại đồn, gọi là đồn An Nam, nằm gần thủ đô Nam Vang. Trực tiếp tiến hành bảo hộ triều đình Nặc-Ông-Chân vẫn còn bị người Tiêm La đe dọa từ biên giới phía Bắc,Tây và Tây Nam .
         Năm sau,1834, Nặc-Ông-Chân mất. Vì không có con trai, nội bộ triều đình Chân Lạp bắt đầu lủng củng và chia rẻ. Năm 1835,Trương Minh Giảng lập một người con gái của Nặc-Ông-Chân, tên là Ang-Mey, làm quận chúa. Đặt cho tên Việt Nam là Ngọc Vân.(
Sau này, khi quân đội Việt Nam triệt thoái  về nước, nàng quận chúa người Khmer này “lưu vong”theo  .Bà cùng nhóm hoàng tộc của mình sống hẳn tại huyện Phú Châu ,thuộc tỉnh An Giang bây giờ, cách biên giới Kampuchia hiện nay không quá 30 cây số. Nằm cặp hữu ngạn Tiền giang ). Song song đó, vua Minh Mạng ra lệnh biến thẳng nước Chân Lạp thành một Trấn của Việt Nam, có tên gọi là Trấn Tây. Chia toàn Trấn này ra làm 2 huyện và 32 phủ. Giao cho Trương Minh Giảng làm Tướng Quân thành Trấn Tây ( kiêm Tổng đốc 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên ở bên Việt Nam.Lúc này An Giang bao trùm luôn các huyện thị phía Nam tỉnh Đồng Tháp bây giờ ,gồm có Lấp Vò ,Lai Vung ,Sa Đéc, Châu Thành ). Lê Đại Cương làm Tham Tán đại thần thành Trấn Tây ( kiêm tuần phủ tỉnh An Giang ). Cải bổ thống chế Bùi Công Huyên làm đô đốc thành Trấn Tây, có nhiệm vụ thống lĩnh  liên quân Việt Nam và Chân Lạp trong sứ mệnh vừa kiềm chế  âm mưu bành trướng của người Tiêm-La vừa sáp nhập, thôn tính  dần Chân Lạp vào bản đồ Đại Việt.
         Tuy nhiên, được vài năm, do sự nhũng nhiễu, hà lạm, hiếp đáp quá đáng của quan quân Việt Nam đang thực hiện sự “bảo hộ” tại đây, người Chân Lạp bắt đầu nổi dậy. Người Tiêm La nhân đó xúi giục và giúp đỡ thêm vào nhằm vừa mưu toan chiếm lấy Chân Lạp vừa tìm cơ hội  tấn công xâm lược toàn vùng Nam bộ của người Việt.
         Nắm được tình hình này,
tháng 7 năm 1836, Trương Minh Giảng  xin vua Minh Mạng lấy một phần đất phía tây bắc tỉnh Gia Định, giáp giới nước Chân Lạp, vốn thuộc huyện Bình Dương và Thuận An, phủ Tân Bình lâu nay, làm một phủ mới, gọi là Tây Ninh với  hai huyện trực thuộc bên dưới, đó là Tân Ninh và Quang Hóa. Phủ lỵ sẽ nằm tại huyện Quang Hóa, “ phía tả có sông Tiểu Đà thông với Quang Hóa ”, “ phía hữu có đàng lục bộ thông đến Trọc Giang ( giáp Biên Hòa )”, nằm trên một con đường “ thẳng đến con đàng lớn xứ Kha Lâm ” ( Ka-Tum bây giờ ), “ đất rộng bằng và tốt ”,“ người Hán và người Mọi ở xen nhau cày ruộng làm ăn ”.
        Theo tờ tấu của Trương Minh Giảng, việc lập Phủ Tây Ninh giáp nước Chân Lạp là để “
Trong, bền vững bờ cõi thành Gia Định”, “Ngoài, mạnh thêm thanh thế xứ Trấn Tây ”( Tức là nước Chân Lạp của người Khmer đang do quan quân  người Việt bảo hộ ).Và, bấy giờ, trước đề xuất này, vua Minh Mạng đã đồng ý. Như vậy, tên gọi Tây Ninh đã ra đời trong bối cảnh lịch sử này. Nó là tên của một phủ mới thuộc về tỉnh Gia Định, vào đời vua Minh Mạng. Mang nghĩa vừa làm “mạnh thêm thanh thế xứ Trấn Tây”, tức nhằm hậu thuẫn và giữ vững an ninh ( Ninh ) nơi xứ Kampuchia đã và đang trở thành thành Trấn Tây ( Tây ) của nước Đại Nam vào lúc đó  cùng vừa thực hiện phương lược  giữ “ bền vững bờ cõi thành Gia Định” : Tức là khi có thành Trấn Tây ( nước Kampuchia trước đó) làm “khu đệm” nhắm vào nước Tiêm-La rồi, lại có thêm Tây Ninh hậu thuẫn phía sau cho thành Trấn Tây nữa thì bờ cõi thành Gia Định vốn nằm phía sau Tây Ninh  ắt  sẽ đạt được sự bền vững, an toàn về mặt an ninh mà thôi.
Mùa Hạ  2012
Trần Minh Tạo
yahoo

                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...