Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

Góc Nhớ Riêng Mình - Lê Trung Ngân

 
Góc Nhớ Riêng Mình
 
Tôi nghĩ: Trong mỗi chúng ta ai cũng có một góc nhớ cho riêng mình.
GÓC NHỚ đó là nơi ta giữ những kỷ niệm buồn vui cùng những người thân trong gia đình, cùng bạn bè. Mỗi khi buồn hay thất vọng về một điều gì, tôi thường ước được bay về một nơi mà ở đó tôi có thể nghe những thanh âm của bình yên trượt dài trên cơ thể, được nhìn mây nhởn nhơ bay. Nơi ấy ngày xưa vẫn có một góc sân con nhà tôi với đàn gà ung dung bới thóc, có khoảng vườn xanh những vạt rau, có cây chùm ruột trĩu quả trên cành. Tôi nghe bình yên bởi nơi ấy tôi còn có má, có những kỷ niệm về ba, anh chị em tôi và về những ngày thơ bé.
Ngày ấy gia đình tôi sống trong một căn nhà lá vách đất. Tôi nhớ những đêm mấy anh chị em nằm trên giường, áp tai vào vách để nghe gió thổi và đưa tay ra song tre cửa sổ hứng gió. Lúc ấy má sẽ từ dưới bếp đi lên với mẻ bắp rang mà khi chiều ba vừa vào trong rẩy bẻ về. Mấy chị em chúng tôi thôi trò “đùa gió” và quay ra chơi bán thuốc.. Anh Bảy đóng vai người bán thuốc, còn tôi và em tôi sẽ đóng vai khách hàng. Cứ hai cắc là anh sẽ bán cho chúng tôi năm viên thuốc. “Thuốc” là những hạt bắp vàng rượm của mẹ còn “tiền” là những miếng giấy báo được cắt vuông vức, nhỏ xinh. Ba má, các chị nhìn chúng tôi chơi và mỉm cười đầy hạnh phúc.
Chiều nào đi làm má cũng mang về khi thì cái bắp chuối, lúc lại là nắm rau lang, con cá.. Tối ấy cả nhà chúng tôi sẽ quây quần bên mâm cơm với đĩa rau khói bay nghi ngút và vài con cá khô chiên. Chỉ vậy thôi nhưng mấy anh chị em tôi ai ăn cũng thấy thật ngon. Chúng tôi đặc biệt mong trời mưa, bởi điều đó đồng nghĩa với việc hôm sau chúng tôi sẽ được ăn cơm với món cóc xào sả thơm lừng. Ngày ấy mỗi lần mưa, ngoài đường cóc nhái kêu ran. Mấy anh chị em chúng tôi ở nhà mong ba về để được nhìn thấy những con cóc mập nu được ba cột lại thành xâu rồi thả vào cái tĩnh con. Cả đêm ngủ mà tôi cứ nghe tiếng cóc đạp nước trong tĩnh, lòng mong cho trời mau sáng để được đứng xem ba mổ cóc. Tôi sẽ không thể quên tấm lưng trần của ba mỗi khi ông làm cóc.
Má vì con đông, hàng đêm thường thức khuya để may vá. Ban ngày phải đi ra đồng với ba tôi làm mướn cho người ta. Mái nhà nhỏ của chúng tôi ngày ấy yên ấm nhưng lúc nào cũng đầy những tiếng cười.
Rồi thời gian trôi, cùng với sự tảo tần của ba má, ngôi nhà của chúng tôi dần thay da đổi thịt. Chúng tôi được đùa giỡn trên nền xi măng, được ấm áp qua những mùa gió. Rồi chị Ba, chị Tư lần lượt lấy chồng, tôi đi học ở Sài Gòn thỉnh thoảng mới lại về nhà.
Qua bao mùa mưa, mái lá đã được thay mới bằng tôle, vách đất được thay bằng vách gỗ nhưng cái giếng, cây chùm ruột, khoảng sân mà ngày xưa ba hay ra ngồi vẫn giữ lại, mọi thứ trong nhà vẫn hệt như xưa. Bây giờ nơi tôi ở đã không còn những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, không còn những tiếng cóc kêu đêm để nhắc chúng tôi nhớ về món “đặc sản” của ba nhưng kỷ niệm về một mái nhà nhỏ bình yên có ba, có mẹ, có những ngày tuổi thơ êm đẹp vẫn theo tôi trong suốt cuộc đời.
GÓC NHỚ đó cũng là nơi cất giữ những ngu ngơ của tuổi mới lớn có ai đó dẫm nhẹ vào trái tim thơ dại, những lãng đãng của tuổi đôi mươi có ai đó đã từng làm tim tôi loạn nhịp, những ai đó tưởng đã nằm thật sâu trong góc nhớ ấy vậy mà thỉnh thoảng lại “bổng về quá thênh thang” khiến tôi thấy chút xao xuyến bồi hồi. Trong góc nhớ đó thấp thoáng khuôn mặt những người bạn đã khóc cười cùng tôi suốt thời trung học, đã mơ cùng tôi những giấc mơ hòa bình giữa cuộc chiến khốc liệt những ngày đang cùng ngồi ở mái trường trung học. Góc nhớ đó là hòn đảo nhỏ mà những khi cuộc đời vùi dập, tôi lại chèo con đò nhỏ của mình về cập bến, một mình bước lên hòn đảo của mình tìm lại chút bình an. Góc nhớ đó là những đêm trời tối cùng bạn bè ôm cây ghi-ta mà “có những đêm về sáng, đời sao buồn …” ta lại thắp ngọn đuốc từ trái tim mình để được đắm mình trong nỗi nhớ và chợt ngộ rằng biết: “nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa”.
 
Lê Trung Ngân

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI