Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Sir William Golding (1911 - 1993) và Tác Phẩm "Chúa Tể Loài Ruồi"

SIR WILLIAM GOLDING (1911 – 1993)
Văn Hào Người Anh lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1983
và Tác Phẩm "CHÚA TỂ LOÀI RUỒI" (Lord of the Flies, 1954)

Phạm Văn Tuấn

1/ Cốt truyện "Chúa Tể Loài Ruồi".

Chiến tranh Nguyên Tử đã xẩy ra. Nền văn minh đã bị tàn phá. Một chiếc máy bay bị bắn và rơi trên một hòn đảo trong biển Thái Bình Dương. Trên máy bay này có một nhóm thiếu niên. Các cậu bé này được hoàn toàn tự do sinh sống và hành động trên hòn đảo. Ralph là một thiếu niên tóc vàng, mạnh khỏe, rất vui mừng vì không có "người lớn" coi chừng bọn trẻ này. Piggy là một cậu khác, mập, mắc bệnh suyễn, đeo kính cận thị nặng và gần như bị mù nếu không có kính. 

Piggy đi theo Ralph thám hiểm hòn đảo và khi 2 đứa trẻ tìm thấy một vỏ ốc trắng, Piggy khuyên Ralph thổi chiếc vỏ ốc. Nghe thấy tiếng loa này, các cậu thiếu niên khác dần dần xuất hiện. Dẫn đầu nhóm đi trong ánh nắng chói chan và theo kiểu nhà binh là Jack Merridew. Ngoài ra còn có cặp sinh đôi Sam và Eric, có Simon là cậu bé tóc đen, gầy và lùn, cùng với một số thiếu niên khác. Kể từ lúc này, các thiếu niên hoàn toàn được tự do, làm chủ lấy mình và phải tìm ra cách sinh tồn.

Nhóm thiếu niên tụ họp lại để bầu ra người trưởng nhóm. Ralph đắc cử dù rằng Jack muốn là người lãnh đạo. Nhiệm vụ thám hiểm hòn đảo được giao cho Ralph, Jack và Simon. Khi con ốc được thổi lên, các thiếu niên tụ họp lại và bàn với nhau rằng cần phải có các người đi săn. Một cậu bé có vết đen trên mặt nói rằng cậu ta sợ hãi một loại thú dữ trông giống như con rắn ở trong rừng. Thực ra, có loại thú vật đó không? Các cậu bé không đồng ý về điều này nhưng tất cả đều sợ bóng tối, sợ thú dữ, sợ những gì chưa biết về hòn đảo... Ralph đề nghị rằng cần phải đốt lửa lên, làm hiệu để báo cho các con tầu biển nào chạy qua gần đó. Jack muốn cung cấp thực phẩm cho nhóm nên quyết định làm thợ săn. Jack và một số bạn đi săn đã bôi mặt và dưới các mặt nạ này, chúng đã giết chết được một con heo rừng.

Nỗi sợ hãi một con thú dữ lại trở về với nhóm thiếu niên. Cậu bé trẻ nhất khóc lên vì nằm mơ thấy cảnh kinh hoàng trong khi vài cậu lớn hơn tìm cách bác bỏ điều cho rằng có thú dữ. Simon phát biểu rằng có lẽ thú dữ là "chính chúng ta" vì thế cậu ta bị các bạn khác chê cười. Nỗi sợ hãi lớn dần khi cặp sinh đôi nhìn thấy một thứ gì giống như một con thú, rồi Ralph và Jack dẫn nhóm thiếu niên đi thám hiểm, tới khi trở về, chúng đều tin rằng thực sự có một con thú dữ.

Tới lúc này, Jack không muốn ở trong bộ lạc của Ralph nữa, nó muốn đi riêng nên kêu gọi một số thiếu niên đi theo. Dù cho nỗi sợ hãi gia tăng, Jack vẫn dẫn đầu một nhóm thợ săn, đi vào trong rừng, tìm cách giết con heo rừng thứ hai. Muốn làm lễ ra quân, bọn thiếu niên này cắm cái đầu của con heo trước vào một cây cọc và nhẩy múa chung quanh như cách cúng dâng bán khai dành cho con thú dữ mà chúng chưa được biết tới. Jack tuyên bố với các đứa trẻ rằng nó là tù trưởng của một bộ lạc mới và mời tất cả tham dự bữa tiệc heo quay trên bờ biển.

Trong đêm tối hôm đó, Simon ngồi một mình trong rừng cây, nhìn vào cái đầu heo có nhiều ruồi bu chung quanh. Trời nóng nực. Không khí rất ẩm thấp. Sắp có cơn giông. Bỗng nhiên trong lúc mơ màng, chiếc đầu heo trở nên "Chúa Tể Loài Ruồi" (Lord of the Flies) và nói chuyện với Simon. "Chúa Tể" này nói rằng nó là con thú dữ và bọn trẻ không thể thoát khỏi tầm tay của nó bởi vì nó là một phần của mỗi người và chịu trách nhiệm về các khó khăn mà bọn trẻ gặp phải. Con thú đe dọa Simon đến nỗi cậu bé này ngất sỉu.

Cơn giông lớn dần dần, bao phủ toàn thể hòn đảo và Simon tìm cách đến gặp các đứa trẻ khác. Khi bị vấp ngã trong rừng, Simon bỗng nhìn thấy một người lính nhẩy dù đã chết vì bị vướng treo vào các tảng đá. Dù cho sợ hãi, Simon cũng cố thả dây cho người chết nằm xuống.

Khi Ralph cùng với Piggy và cặp anh em sinh đôi tới tham gia vào bữa tiệc heo quay, bốn cậu bé này mới nhận thấy rằng các cậu bé khác vâng lời và phục vụ Jack như một vị thần. Ralph và Jack tranh luận xem ai xứng đáng là người lãnh đạo. Jack nhận là có quyền chỉ huy, vì đã giết được con heo rừng, còn Ralph tự cho mình có quyền hành vì giữ được con ốc. Thay vì đánh nhau, Jack đề nghị cả bọn cùng nhẩy vũ điệu giết con heo rừng. Chúng bắt đầu hát: "Giết con thú dữ! Cắt cổ nó! Làm đổ máu nó!" trong khi đó cơn giông đang thành hình trên trời cao, các lằn chớp liên tiếp xé ngang bầu trời.
Giữa lúc bọn trẻ đang nhẩy múa cuồng loạn và trở nên một đám người nguy hiểm thì Simon xuất hiện. Bọn trẻ bèn tấn công Simon, gọi cậu bé này là con thú dữ rồi giết chết cậu bé đó bằng các cây gậy đi săn. Mưa lớn bắt đầu rơi và trong đêm tối, nước thủy triều đã lên cao, đưa xác cậu bé Simon vô tội ra khơi.

Đêm hôm sau, Jack và 2 cậu thợ săn khác đã tấn công Ralph, Piggy và cướp đi cặp kính của cậu này. Ralph có Sam và Eric về phe, chúng mang chiếc vỏ ốc ra đi vì thứ này được coi như biểu tượng của uy quyền.

Sáng ngày hôm sau, Ralph tìm gặp Jack, đòi cặp kính cho Piggy và tố cáo Jack là kẻ cắp. Jack phản ứng lại bằng cách tước khí giới của 3 đứa trẻ theo Ralph, trói Sam và Eric, trong khi đó Roger đẩy một tảng đá lớn, lăn vào Piggy. Cậu bé mập và cận thị nặng này nghe thấy tiếng động nhưng vì không có kính nên không nhìn thấy sự nguy hiểm tới gần. Piggy bị chết vì tảng đá lớn và con sò cũng bị nghiền nát. Jack tuyên bố trở nên thủ lãnh.


Vào ngày tiếp theo, Jack và các cậu bé theo hắn đi lùng Ralph. Ralph bị săn đuổi giống như các con heo rừng, phải trốn và chạy. Để đuổi Ralph ra khỏi cánh rừng, bọn Jack đã đốt lửa và lửa đã lan trên khắp hòn đảo. Tới lúc không còn hy vọng nữa, Ralph phải chạy ra bờ biển, tai nghe rõ tiếng săn đuổi đằng sau. Khi chạy đã kiệt sức, Ralph bỗng nhận thấy một sĩ quan hải quân đứng phía trước. Ralph được cứu sống.

Vị sĩ quan nói cho bọn trẻ biết rằng con tầu của ông ta tạt vào bờ vì nhìn thấy đám khói từ xa. Ông ta rất bất mãn khi nhìn thấy hoàn cảnh sinh sống của bọn trẻ, khi biết bọn trẻ đã tự quản trị quá dở trên hòn đảo và kinh hoàng khi hay tin vài đứa trẻ đã bị giết chết. Về phần Ralph, cậu bé này thấy rằng chính mình thoát khỏi những ghê sợ của đời người trên hòn đảo và cảm thấy an tâm khi được cứu sống. Khi nhớ lại những gì đã xẩy ra, Ralph bật khóc.

2/ Vài nhận xét về tác phẩm.


Văn Hào Sir William Golding đã lựa chọn tên của các nhân vật trong truyện "Chúa Tể Loài Ruồi" (Lord of the Flies, 1954) một cách đặc biệt, liên hệ tới cá tính của từng đứa trẻ.

Ralph mang ý nghĩa là "hướng dẫn", thướng hội họp bọn trẻ để chia xẻ quyền hành. Ralph là một cậu bé 12 tuổi, đẹp trai, mạnh khỏe như một võ sĩ quyền Anh. Lúc ban đầu, Ralph tin tưởng rằng bọn trẻ sẽ được cứu nên duy trì ngọn lửa nơi bờ biển để báo hiệu cho các con tầu đi qua. Ralph không có tư tưởng sâu sắc như Piggy, không biết các điều dị đoan như Simon và không mang tính gây hấn như Jack. Nó biết về lẽ công bằng, muốn chia xẻ quyền lãnh đạo, muốn thiết lập các nguyên tắc về hội nghị. Khi có một quyết định phải thi hành, Ralph muốn bọn trẻ bỏ phiếu. 

Ralph là hiện thân của nền dân chủ. Ralph có thể bị coi là ngu đần khi không dùng sức mạnh để kiềm chế các đứa trẻ trong hoàn cảnh thái quá. Ralph có thể là một con người tốt nhưng hoàn toàn không biết nhận ra trách nhiệm, và chịu trách nhiệm dù cho không có khả năng thực sự.

Jack là con người chiếm quyền bằng sức mạnh, lãnh trách nhiệm đi tìm kiếm thực phẩm và đối phó với nỗi sợ hãi con thú dữ. Đây là đứa trẻ cao và gầy, có tóc màu đỏ, làn da tàn nhang, ham muốn địa vị chỉ huy và có tính tàn nhẫn. Jack đã bắt các đứa trẻ đi trong nắng gắt và chỉ cho chúng nghỉ ngơi khi có đứa bị sỉu. Cách chỉ huy của Jack có vẻ độc tài hay thuộc về quân đội. 

Trái với bản tính tốt của Ralph, Jack là một con người ghen tị khi không được bầu làm trưởng nhóm. Jack bắt nạt kẻ yếu, đánh Piggy là cậu bé yếu đuối hơn mình. Bản chất thú vật của Jack đã hiện ra khi nó ở trong rừng rậm và các hành động của Jack mang vẻ sơ khai. 

Jack và Ralph giống như Cain và Abel trong Thánh Kinh, một người của giết chóc, một người của bảo tồn. Jack đã dùng tới sự sợ hãi và đe dọa bọn trẻ, những đứa trẻ nào không quy phục đều bị đánh đập hay bị giết chết. Jack chỉ nghĩ về mình và hình ảnh của Jack là một cách cho biết quyền lực đã được dùng ra sao.

Simon là danh từ theo tiếng Do Thái là "kẻ lắng nghe". Đây cũng là tên của một trong các tông đồ của Chúa Ki-Tô: Simon Peter và điều này ám chỉ vai trò tinh thần của nhân vật trong truyện. Simon là đứa bé vào khoảng 9 tuổi, gầy, nhỏ người, tóc đen, biết lắng nghe và tìm hiểu sự thực. Simon có vẻ hơi khác thường, khó kết bạn, ưa thích sống cô đơn vì mắc bệnh kinh phong, thường bị trêu chọc vì lời nói bất thường. Cậu bé này là người duy nhất nghe được lời nói của "Chúa Tể Loài Ruồi" và do bản chất thuộc về tinh thần, Simon khác với các đứa trẻ kia, biết rõ rằng chẳng có con thú dữ nào mà chỉ có nỗi sợ hãi ở trong lòng mỗi đứa trẻ. 

Simon là đứa trẻ có lòng thương người, giống như một tu sĩ hay một vị thánh, trái ngược với Jack, đã nhìn thấy người lính nhẩy dù bị chết và đã thả dây cho người chết nằm xuống mặc dù chính mình cũng rất sợ hãi. Simon không thể hòa mình với Jack hay nhóm thợ săn trẻ, để trở nên man rợ và đã bất lực khi bị các bạn tấn công đến chết, nhưng sức mạnh tinh thần của cậu bé này không dễ gì bị phá hủy.

Piggy là cậu bé với tên liên quan tới con heo rừng mà bọn trẻ săn đuổi và giết chết. Giống như Simon, cậu bé này cũng là đề tài trêu chọc của bọn trẻ tàn nhẫn bởi vì cậu ta có nhiều khuyết điểm: vừa béo mập, vừa mắc bệnh suyễn, mắt cận thị nặng và sống xa lánh bạn bè. Piggy hiểu biết hơn Ralph, nhiều khi làm cố vấn cho Ralph, chỉ dẫn Ralph thổi con ốc thành tiếng để kêu gọi bọn trẻ tập trung lại. 

Piggy là một cậu bé biết suy nghĩ, hiểu rõ rằng người trưởng thành trong hoàn cảnh tương tự như của lũ trẻ sẽ phải làm gì, cậu tin vào cách cắt nghiã theo khoa học. Cậu bé Piggy đã suy luận về sự giết chóc, thấy rõ khuyết điểm của luật rừng xanh và sự cần thiết của nền văn minh. Cậu bé này chống lại việc con người trở về với trạng thái nguyên thủy.

Roger tượng trưng cho việc dùng sức mạnh một cách thô bạo. Cậu bé này là cánh tay phải của Jack, giống như Piggy là cố vấn cho Ralph. Roger là nhân vật tàn ác nhất trong bọn trẻ, đã đẩy hòn đá lớn khiến cho Piggy bị chết, thường dùng sức mạnh mà không biết cân nhắc. Nó coi thường nền văn minh vì coi đó là sự cản trở công việc làm của nó.

Hai nhân vật cuối cùng đáng nói tới là Sam và Eric. Đây là cặp anh em sinh đôi, không biết hành động độc lập mà phải tùy thuộc vào nhau. Hai cậu bé này tượng trưng cho sự mất thực thể (identity) do sợ hãi con thú dữ.

Qua cuốn truyện "Chúa Tể Loài Ruồi", tác giả đã dùng tới nhiều chủ đề lẫn vào nhau để nói lên ý nghĩa của cốt truyện. Chủ đề thứ nhất là con người cần tới một nền văn minh, bởi vì pháp luật và các quy luật đã chế ngự bản chất xấu của con người. Tác giả không tin tưởng rằng con người thì tốt và xã hội thì xấu. Khi con người đã sống thành một cộng đồng, con người vẫn có các bản năng sơ khai nên cần tới các định chế như trường học, cơ quan cảnh sát để kiềm chế thứ bản năng sơ khai đó. Sự hiểu biết này không tùy thuộc vào tuổi tác và một cá nhân đạt được sự trưởng thành thực sự khi hiểu rõ bản chất của mình.

Theo tác giả, con người và con vật khác nhau nhờ nền văn minh đã dạy cho con người biết suy nghĩ và biết chọn lựa. Khi để thất lạc nền văn minh, con người sẽ trở về trạng thái nguyên thủy. Các cậu bé trong truyện đã bôi mặt làm mất đi thực thể (identity) của mình nên đã hành động độc ác, dễ phạm tội sát nhân.

Một chủ để khác của cuốn truyện là quyền lực và việc lạm quyền. Bọn trẻ biết chia xẻ quyền dân chủ khi chúng bàn thảo các chọn lựa và quyết định. Quyền lực độc đoán do một người thi hành, khiến cho các người khác bị đe dọa. Quyền lực thô bạo là thứ sơ khai nhất, không biết phân biệt đối tượng và quyền lực tinh thần nhận ra các sự thực bên trong và bên ngoài để rồi kết hợp cả hai.

Các đứa trẻ lạc vào hoang đảo, nên sợ hãi, cho là có thú dữ và mối sợ hãi này đã gia tăng vì chúng quá quan tâm đến vấn đề. Qua cuốn truyện, tác giả còn cho thấy con người hiểu biết về thiên nhiên, nhưng thiên nhiên đối với con người lại rất vô tình.

"Chúa Tể Loài Ruồi" là cuốn truyện trình bày các quan điểm qua cách nhìn và hành động của từng đứa trẻ. Các sự kiện xẩy ra dưới nhãn quan của Ralph khác với của Piggy hay của Simon. Các kinh nghiệm của bọn trẻ đã được đề cập tới nhưng việc xuất hiện người lính nhẩy dù đã cho biết rằng thế giới đang ở vào thời kỳ chiến tranh. 

Tác giả cũng trình bày quan điểm của vị sĩ quan khi nhìn thấy bọn trẻ hành động ra sao. Những gì đã xẩy ra cho bọn trẻ, những gì bọn trẻ đã làm, tất cả là một thứ thế giới thu nhỏ. Bọn trẻ đã không giữ được các quy luật mà chúng đặt ra, chúng dần dần hoảng sợ, bị ám ảnh, bị căng thẳng về tinh thần, trái với lòng hứng khởi lúc ban đầu khi chúng đi thám hiểm hòn đảo. Như vậy có hai chiều hướng, một thứ biết tôn trọng trật tự, kỷ luật, như khi bọn trẻ hội họp và đồng lòng đốt ngọn lửa báo hiệu. Chiều hướng thứ hai là tình trạng hỗn độn lúc bọn trẻ đi săn, lúc chúng nhẩy múa cuồng loạn tới độ sát nhân và vô trật tự.

"Chúa Tể Loài Ruồi" là một cuốn truyện kể về cuộc phiêu lưu trên một hòn đảo, các đứa trẻ lạc lõng phải đối đầu với sự sống còn, với nỗi kinh hãi vì cô đơn, với nỗi tuyệt vọng vì chúng đi dần tới độ hoang dã trước khi được tiếp cứu. Hoàn cảnh ban đầu rất thuận lợi cho bọn trẻ: hòn đảo là một thiên đường với trái cây và bông hoa, với nước ngọt chảy ra từ trong núi, với khí hậu ôn hòa và các cậu bé cảm thấy thoải mái, tự do vì không bị các người trưởng thành kiềm chế. 

Thế nhưng cuộc phiêu lưu này đã đi dần tới thất bại khi các quy luật của lý trí bị đảo ngược. Ralph là nhân vật biện hộ cho lý trí (reason) đã gặp hoàn cảnh bị săn đuổi không khác gì các con heo rừng và cuộc sống trên hòn đảo của các cậu bé không khác gì thế giới bên ngoài của chúng ta khi con người quản trị lẫn nhau rồi đi tới cảnh săn bắt và giết chóc. 

Như vậy mục đích của tác giả trong việc kể chuyện là tìm hiểu các khuyết điểm của xã hội. 

Hình ảnh của xã hội đẹp hay xấu không lệ thuộc vào một hệ thống chính trị nào, dù cho hệ thống này có vẻ duy lý (logical) hay đáng trọng, và theo tác giả, xã hội lệ thuộc vào bản chất hướng thiện (ethical nature) của các cá nhân. Con người lý trí đi tìm giết con thú dữ biết đâu rằng con thú dữ ở ngay bên trong mỗi con người và các khuyết điểm của bản chất cá nhân đã dẫn tới các điều xấu xa của xã hội.

Bi kịch xẩy ra trên hòn đảo đối với các cậu bé là sự diễn xuất lại một phần lịch sử của con người và tác phẩm "Chúa Tể Loài Ruồi" không phải một bi kịch của hoàn cảnh sinh sống mà là bi kịch của bản chất con người.

3/ Cuộc đời của Văn Hào Sir William Golding.


William Gerald Golding
hình chụp năm 1983
 
 
William Gerald Golding chào đời vào ngày 19 tháng 9 năm 1911 tại Cornwall, nước Anh. Cha của ông là một vị hiệu trưởng và bà mẹ hoạt động trong phong trào bình quyền của phụ nữ. Khi lớn lên, Golding làm theo ý muốn của cha mẹ, theo học khoa học tại Brasennore College và Đại Học Oxford nhưng sau 2 năm học tại Oxford, ông đã đổi ý, chuyển qua học ngành Văn Chương Anh, đặc biệt tìm hiểu về thơ văn cổ của nước Anh. 

Golding tốt nghiệp văn bằng cử nhân (B.A.) từ Đại Học Oxford vào năm 1935, rồi đi dạy học, đồng thời ông bắt đầu làm thơ, viết văn, đóng 
 
kịch và tập làm đạo diễn. Năm 1939, Thế Chiến Thứ Hai xẩy ra, ông gia nhập Hải Quân Hoàng 
Gia, đã phục vụ trên các con tầu vét mìn, khu trục hạm và tầu phóng hỏa tiễn. Ông cũng tham dự nhiều trận đánh lớn, kể cả lần đổ bộ lên bờ biển Normandy. 

Các nỗi kinh hoàng do trận Thế Chiến gây ra đã khiến cho William Golding có được cách nhìn vào bản chất độc ác của con người. Sau chiến tranh, ông trở về đời sống dạy học tại trung học Bishop Wordsworth thuộc thành phố Salisbury, nước Anh. Trong 15 năm, Golding đã đọc nhiều sách, ưa thích các tác phẩm cổ điển Hy Lạp, và các thiên anh hùng ca, các vở kịch Hy Lạp đã gây nên nhiều ảnh hưởng trong các tác phẩm của Golding, với cách dùng tới nhiều điều bí ẩn, cách mô tả về tế thần, về đời người qua số mệnh, về thảm kịch chua cay xẩy ra theo định luật sác xuất.

Sau khi viết và đã loại bỏ vài cuốn tiểu thuyết không ưng ý, William Golding hoàn tất cuốn "Chúa Tể Loài Ruồi". Đây là cuốn truyện phiêu lưu của các đứa trẻ đi dần tới cách đồi xử man rợ, đề cập tới sự tranh chấp giữa tâm hồn (mind) và bản năng (instincts), nói lên sự nguy hiểm và tàn phá nếu con người không bị kiềm chế bởi lương tâm (conscience). 

Lúc ban đầu, cuốn truyện này bị 21 nhà xuất bản từ chối nhưng khi nhà xuất bản Faber & Faber phổ biến cuốn truyện trên thị trường sách thì tác phẩm này được nhiều người chào đón, rồi vào năm 1962, danh tiếng của William Golding đã vang lừng tại Anh Quốc và Hoa Kỳ. 

Ngày nay, "Chúa Tể Loài Ruồi" là tác phẩm cạnh tranh với cuốn truyện "Bắt trên Cánh Đồng" (Catcher in the Rye) của J.D. Salinger, với nhiều triệu ấn bản được các học sinh, sinh viên tìm đọc tại các học đường.

Các cuốn tiểu thuyết khác của William Golding gồm "Martin Càng Tôm" (Pincher Martin, 1957), "Rơi Tự Do" (Free Fall, 1960), "Những Kẻ Thừa Kế" (The Inheritors, 1962), "Mũi Nhọn" (The Spire, 1964) và "Kim Tự Tháp" (The Pyramid, 1967) cùng vài công trình khác. William Golding cũng viết một kịch bản được trình diễn tại London với tên là "Con Bướm Đồng" (The Brass Butterfly, 1958).

William Golding sinh sống với gia đình tại thành phố Wiltshire, nước Anh. Sự thành công về tài chính nhờ tác phẩm "Chúa Tể Loài Ruồi" đã cho phép tác giả dành toàn thời gian vào việc cầm bút. Vào năm 1955, William Golding được bầu làm Hội Viên của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Anh Quốc, bộ môn Văn Học (The Royal Society of Literature) và được phong Hiệp Sĩ vào năm 1988.

Vào năm 1983, William Golding được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương (The Nobel Prize for Literature) vì toàn thể các tác phẩm của ông. Đây là cách xác nhận và trân trọng đối với Văn Hào Sir William Golding mà nhiều người cho rằng từ lâu, ông đã xứng đáng vì các công trình sáng tạo.
     
Phạm Văn Tuấn

 Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.

 

 

http://www.dslamvien.com/2022/04/sir-william-golding-1911-1993-va-tac.html 

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI