Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Ký, Đường, Tự, Kim - Đỗ Duy Ngọc.

CHỮ KÝ TRONG TÊN TIỆM ĂN,
CHỮ ĐƯỜNG TRONG TIỆM THUỐC,  



CHỮ TỰ Ở CÁC CHÙA VÀ
CHỮ KIM Ở TIỆM VÀNG....


Đỗ Duy Ngọc.


Thời còn đi học, nhất là mấy năm đầu, bởi vì học ban Việt Hán, có môn
Hán văn nên chịu tìm tòi chữ Hán dữ lắm. Còn nhớ hồi ấy GS Trần Trọng
San, một người có in sách dịch thơ Đường và GS Phan Hồng Lạc dạy môn
đấy. Học Hán văn thì phải có tự điển, cuốn Tự điển Hán Việt của tác
giả Thiều Chửu là cuốn sinh viên nào cũng ráng mua về để tra cứu.
Trong lớp có mấy bạn là thầy tu Phật giáo đã có học chữ Hán trong chùa
nên rất giỏi môn này.

Tôi nhờ có chút hoa tay nên chỉ được viết chữ đẹp thôi, còn Hán không
rộng lắm. Để khắc phục yếu kém của mình, tôi và vài người bạn thường
vào Chợ Lớn, nhìn các bảng hiệu để đoán chữ như là một cách học thêm.
Thuộc cho đủ 214 bộ thủ trong chữ Hán cũng là việc không dễ cho những
người mới học chữ Hán, nhưng không thuộc được 214 bộ này thì sẽ khó
tiến bộ và tiếp thu rất chậm.

Và trong những lần lang thang học chữ như thế, tôi lại có thắc mắc sao
tên các tiệm, các quán ăn của người Hoa thường có chữ Ký, các tiệm
thuốc và chữa bệnh có chữ Đường, các chùa chiền thường có thêm chữ Tự,
nhiều tiệm vàng có chữ Kim v.v... Chính vì tò mò nên tôi tìm hiểu cho
ra, bởi tánh tôi ngay từ bé muốn biết cái gì cũng phải tường tận.

Trước hết là chữ Ký. 記.

Ở Sài Gòn, Chợ Lớn ta thường bắt gặp nhiều bảng hiệu như Lương ký mì
gia, Bồi Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia...
bằng tiếng Việt kèm thêm tiếng Hoa. Theo tự điển thì Ký có nghĩa là
ghi chép, là ghi lại như nhật ký, bút ký... nhà báo gọi là ký giả...

Tuy nhiên trong trường hợp này, Ký không chỉ là ghi chép. Nó còn có
nghĩa là ghi nhớ, như vậy đặt tên quán có chữ Ký là để thực khách đến
ăn và nhớ tên quán của mình. Cho nên trước chữ Ký là tên riêng hoặc từ
mang ý nghĩa tốt đẹp thành biển hiệu của quán. Còn mì gia được hiểu
đơn giản chỉ là tiệm mì, nhà làm mì, nơi bán mì, mì gia truyền. Tức là
muốn khẳng định đây là quán bán mì ngon do quán làm ra, bằng công thức
truyền từ đời này sang đời khác.

Nhưng từ Ký không chỉ có ở các tiệm bán mì, nó còn có ở các quán ăn
như Chuyên Ký bán cơm thố, Tuyền Ký là quán ăn của người Hẹ, hay Phúc
Ký, Phát Ký. Và theo An Chi, một người chuyên nghiên cứu về chữ nghĩa
thì sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ “ký” lộ ra rất nhiều
nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, danh dự, dấu hiệu đều có lý. Nhưng cuối
cùng thì ông cũng nói cách giải thích khoa học nhất:

“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark
và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn
hiệu, thương hiệu.

Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký,
v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng
người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một tên mà “ký” là trung tâm
(đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng
cho cửa hàng của mình”.

Tóm lại chữ Ký trên biển hiệu của các quán ăn người Hoa có nghĩa là
ghi nhớ đến quán, là để nhớ đến, là nhãn hiệu xem như đã được cầu
chứng.

Lại tiếp đến từ Đường 堂 ở các tiệm thuốc Bắc hay các nơi bắt mạch, hốt
thuốc của người Hoa như Ích Sanh Đường, Hạnh Lâm Đường, Tế Sinh
Đường... Chữ Đường vốn trong tiếng Hán là có ý chỉ nhà lớn, phủ quan.
Thế nhưng các tiệm thuốc có mang chữ Đường xuất phát từ một chuyện
thời xưa ở bên Tàu của một trong những thầy thuốc danh tiếng bậc nhất
trong lịch sử Trung Quốc: Thánh Y Trương Cơ.

Trương Cơ (张机), tự Trọng Cảnh, sinh năm 150 mất năm 219, là một thầy
thuốc Trung Quốc hoạt động vào cuối đời Đông Hán. Ông được xưng tụng
là “Thánh y” (医圣) của Đông y. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Thương
hàn tạp bệnh luận, tuy đã thất lạc trong giai đoạn Tam Quốc nhưng sau
đó đã được tổng hợp lại thành hai tập sách Thương hàn luận và Kim quỹ
yếu lược, là hai trong bốn bộ sách quan trọng nhất của Đông y. Có một
thời gian ông đến làm thái thú tại Trường Sa, đúng lúc dân gian đang
có dịch thương hàn. Để cứu chữa cho dân, ông đã vừa làm việc quan vừa
chữa bệnh. Và như vậy ông đã công nhiên phá vỡ giới luật nghiêm ngặt
thời phong kiến: ngồi tại công đường kê đơn bốc thuốc cho dân. Ông
thường ghi thêm trước tên của mình bốn chữ tọa đường y sinh.
(Wikipedia)

Sau này để ghi nhớ công ơn của vị thánh y đầy đức độ và tài giỏi,
người ta thường gọi những người ngồi trong nhà thuốc trị bệnh thành
“tọa đường y sinh”, tức là người thầy thuốc ngồi ở nhà lớn. Và cũng từ
đó, các thầy thuốc Bắc thường cho chữ Đường vào tên nhà thuốc của mình
thành một thói quen cho đến nay.

Đến chữ Tự trong tên của các chùa. Tự (寺): là tiếng Hán, theo tự điển
giải nghĩa là chùa.


Ngày nay chữ này được dùng đứng sau làm thành tố chính để kết hợp với
một từ định danh nào đó tạo thành một cụm danh từ nêu tên gọi một ngôi
chùa cụ thể, như Trấn Quốc Tự, Kim Liên tự, Quang Minh Tự, Bửu Lâm tự,
Vĩnh Nghiêm Tự, Thiếu Lâm Tự, Pháp Vân Tự... và như thế ai cũng hiểu
Tự nghĩa là chùa cho nên ghi là thế nhưng người Việt vẫn thường gọi là
chùa Trấn Quốc, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thiếu Lâm, chùa Pháp Vân...
Nhưng thật ra trong ngôn ngữ Trung Quốc cổ đại thì nghĩa của Tự không
phải là chùa vì Phật giáo mới tiến nhập Trung Quốc từ đầu Công Nguyên,
trong khi chữ Hán thì đã có sớm hơn rất nhiều.

Vốn ngày xưa Tự vốn là từ để chỉ cơ quan làm việc cụ thể của bộ máy
chính quyền phong kiến. Sách Hán thư chú: Phàm phủ đình sở tại giai vị
chi tự (nói chung nơi làm việc của phủ đình đều gọi là Tự). Khang Hy
tự điển chú khá rõ điều này: Hán dĩ Thái thường, Quang lộc, Huân vệ
úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ vi
cửu khanh. Hậu nguy dĩ lai danh tuy nhưng cửu nhi sở lị chi cục vị chi
Tự. Nhân danh Cửu tự (đời Hán lấy Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy,
Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ làm Cửu
khanh. Ngụy trở về sau tuy vẫn để như cũ nhưng các sở cục thì gọi là
Tự. Vì vậy mà thành tên Cửu tự (thay cho Cửu Khanh). Thế tại làm sao
từ chỗ làm việc, Tự biến thành nghĩa là chùa?

Hán Minh Đế Lưu Trang (25-75CN) là vị vua đầu tiên thừa nhận địa vị
của Phật giáo ở Trung Quốc. Tương truyền nhà vua nằm mộng thấy “người
vàng” bay qua sân điện, bèn sai sứ giả 12 người do Lang Trung Thái Âm
dẫn đầu sang Tây Trúc cầu tìm đạo Phật. Đó là sự kiện năm Vĩnh Bình 7
(năm 64 CN). Ba năm sau (năm 67CN), sứ giả về với hai tăng nhân người
Ấn Độ cùng rất nhiều kinh sách và tượng Phật được thồ trên lưng ngựa
trắng. Lúc các tăng nhân cùng kinh, tượng, về đến kinh đô, triều đình
chưa chuẩn bị kịp chỗ ở riêng nên cho ở tạm trong Hồng Lô tự (một cơ
quan trong Cửu khanh hay Cửu Tự). Sau đó nhà vua mới cho xây dựng cái
mà chúng ta gọi là chùa để thờ Phật và các tăng nhân tu tập. Kiến trúc
xây dựng theo kiểu mẫu dinh thự của quý tộc đương thời.

Sau đó chùa được xây dựng ngày càng nhiều cũng theo kiểu mẫu nhà ở của
địa phương. Chính vì vậy mà chùa ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam khi
tiếp nhận Phật giáo theo hướng Trung Quốc, có kiểu chùa rất riêng,
không theo quy chuẩn mái cong tháp nhọn như nơi Phật giáo phát nguyên.

Nhân vì kinh và tượng Phật được thồ về trên lưng ngựa trắng nên đặt
tên chùa là Bạch Mã. Tự là chỗ đầu tiên tăng nhân tạm trú khi đến
Trung Quốc nên được chuyển sang làm thành tố chính để gọi tên cho ngôi
chùa: Bạch Mã Tự, ngôi chùa phật giáo đầu tiên của Trung Quốc. Kể từ
đó, nơi thờ Phật và để kinh sách cho các đạo hữu tín đồ đến học tập,
đọc kinh, nghe thuyết pháp đều có chữ Tự sau tên gọi.

Lại bàn về chữ Kim ở các tiệm vàng. Trước 1975 ở miền Nam, tên tiệm
vàng nào cũng có chữ Kim. Nó bắt nguồn từ một thương hiệu vàng nổi
tiếng ở Việt Nam là vàng lá Kim Thành. Vàng lá Kim Thành là nhãn hiệu
vàng thương phẩm nổi tiếng tại vùng Đông Nam Á vào thời kỳ trước
1975, được dùng làm phương tiện trao đổi và cất giữ tài sản. Vàng lá
Kim Thành có độ tinh khiết 999,9. Một lượng vàng lá Kim Thành có cân
nặng đúng 37,5 g (khoảng 1,2 troy ounce), gồm 3 lá: 2 lá nặng 15 g mỗi
lá và 1 lá nặng 7,5 g. Các lá này được bọc chung trong lớp giấy dầu
mang nhãn hiệu của nhà sản xuất.(Wikipedia)

Kim Thành là nhà buôn bán và tinh chế vàng lớn nhất vào lúc đó, với
trụ sở tại Sài Gòn và chi nhánh tại Hà Nội, Hồng Kông và Phnôm Pênh.
Vàng lá Kim Thành nổi tiếng như cồn thế cho nên các tiệm buôn vàng bắt
chước theo gắn tên Kim vào tên hiệu của mình.

Hơn nữa,
Kim 金 có nghĩa là Vàng, là kim loại qúy có ký hiệu hóa học là
Au (L. aurum) và số nguyên tử là 79. Vàng 24K là vàng ròng, không tạp
chất. Đặt tên có chữ Kim là tiệm bán vàng tốt, vàng nguyên chất, vàng
có uy tín. Ngày trước người ta chỉ dùng một tên, một từ có thể là tên
riêng, tên chủ hiệu hoặc một chữ mang ước vọng, mong đợi của chủ nhân
kèm với chữ Kim. Ví như Kim Vân, Kim Liên, Kim Phúc, Kim Đức, Kim
Phát... Sau năm 1975 hình như truyền thống này có bớt đi nhiều, giờ
đây tiệm vàng đặt tên theo ý thích của chủ nhân, cũng chẳng cần kèm
theo chữ Kim nữa.

Rảnh vì trốn dịch, nhớ thì viết tào lao chơi vậy thôi chứ thật ra chữ
nghĩa nó vô cùng. Để giải thích thì vô cùng tận. Thời nay có ông Hoàng
Tuấn Công, đang ở miền ngoài, ông này kiến thức sâu lắm lại rất rành
về chữ nghĩa. Viết thế này mà bị ông ấy phê một bài là quê một cục.
Nên đành dừng ở đây vậy. Nói nhiều, viết nhiều dễ lộ cái ngu, cái kém
của mình he...he.

Đỗ Duy Ngọc.

Hoa Huỳnh chuyển

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI