Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

THỦY TÁNG - Nguyễn Đức Tùng


Mọi thứ đều yên tĩnh. Có một lúc biển thôi gầm thét, mặt nước xanh như một lời hứa. Khoảnh khắc ấy trong chiều muộn sẽ qua nhanh, sóng lại tung bọt trắng xóa, hắt ướt sàn thuyền. Con bé chết đúng vào khoảnh khắc yên tĩnh ấy, người mẹ quỳ xuống bế nó lên trên tay, ôm chặt. Chung quanh không ai nói gì, hồi lâu chị ngất đi, buông tay ra, đứa bé rơi xuống tay một người đàn bà khác. Chị cúi thật lâu nhìn mặt đứa bé. Khuôn mặt bụ bẫm kháu khỉnh miệng nói bi bô lúc mới xuống thuyền, sau mười mấy ngày nay tái xanh, gò má nhô cao, môi nứt nẻ, mắt hõm sâu vì mất nước do tiêu chảy. Chị trao lại cho một phụ nữ trẻ, người này ôm lấy nó vào lòng như chính con mình, rồi chuyển cho một người khác nữa. Sinh vật nhỏ bé không còn sự sống được chuyền trên tay những người chung quanh, cuối cùng trở lại với người mẹ. Nhìn mặt con, lúc này chị mới khóc. Những lời cuối cùng của con bé, khi nó còn tỉnh táo, khi chưa đi vào hôn mê và co giật, là “mẹ”. Và “nước”. Nước là mẹ, chúng ta sinh ra từ nước. Chúng ta sinh ra từ biển. Từ mẹ. Từ muối. Từ nguyên thủy chúng ta đã khát. Mặt trời lăn đi trên sàn thuyền, biển tạm thời bớt hung hãn, trở nên êm ả hơn, đám đông những người áo quần tơi tả, mặt lọ lem, tiếng động của im lặng, gió thổi qua cánh buồm rách nát cột lại bằng quần dài và áo sơ mi và váy đầm kẻ hoa bay phần phật như ngọn cờ chiến bại sau cuộc chiến tranh lien miên, tiếng lăn khô khốc của chiếc thùng gỗ chứa nước không còn một giọt. Trên thuyền mọi người vây quanh, nghe được cả tiếng đập trong những lồng ngực thắc thỏm. Khung cảnh tựa như nghi lễ trước giờ tiễn biệt, người chủ thuyền, sau khi hỏi ý mọi người, quyết định thủy táng. Chúng tôi chờ thêm lát nữa, trước khi mặt trời sắp lặn xuống biển, cho gió bớt thổi tàn bạo, lên hết mạn thuyền. Người mẹ lúc này thôi khóc, xơ xác, nhưng mặt chị tỏ ra bình tĩnh. Chị im lặng đi theo con mình đến gần mạn thuyền, nơi mấy người đàn ông đang quỳ. Đứa bé nằm trên cái chiếu nhựa nửa xanh nửa đỏ không biết ai kiếm ở đâu ra, tay chân buông thõng, mắt nhắm, thoạt nhìn tưởng như đang ngủ, thản nhiên, dịu dàng. Tôi quỳ xuống ở xa, để cho những người phụ nữ đến gần hơn, tất cả đều cầu nguyện, đọc kinh rì rầm. Người mẹ được dìu đến sát bên con, hai tay chị ôm chặt lấy con giờ đây nằm gọn trong chiếc chiếu, chị không nói năng gì, không khóc, khuôn mặt nhợt nhạt thuộc về một thế giới khác. Như một người bỗng nhận ra linh hồn vốn không nằm trong thể xác, bỗng nhận ra thế giới thoạt kỳ thủy vốn không có gì cả. Chị đi một mình với đứa con gái lên bốn tuổi, chồng chị đã đi vượt biển trước đó cùng với con trai đầu lòng, sau nhiều tháng không nghe được tin tức gì, người ta nghĩ thuyền của họ đã mất tích. Trước một đứa trẻ bốn tuổi nằm trước mặt bạn, không cử động, không nói năng, như con cá trích, cá chuồn, ướp muối, thế giới dừng lại, thời gian dừng lại, cái sai dừng lại cái đúng dừng lại, sóng biển không còn đập ầm ầm vào mạn thuyền. Trời nhá nhem nhưng chưa tối hẳn, trăng bắt đầu hiện ra, một mảnh lưỡi liềm mỏng sáng bạc hiu hắt, chúng tôi, tôi và ba thanh niên khác, mỗi người cầm một góc chiếu giữ chặt, chúng tôi quỳ một hồi, để những người phụ nữ cầu nguyện. Tôi nghe tiếng đọc kinh, cảm thấy sức nặng trên tay bỗng nặng lên một cách lạ lùng, kéo trĩu xuống. Mảnh chiếu giờ đây đã cuộn tròn đứa bé vào trong, vừa đủ kín, sắp rách, không nhìn thấy mặt nó, nhưng cái chiếu ngắn bày đôi bàn chân ra hẳn bên ngoài, khẳng khiu, rồi một chiếc dép rơi xuống bên cạnh. Chỉ có một chiếc. Một đôi chân hồi chiều bạc trắng, bây giờ đổi qua xanh tím trước mắt tôi, một người cầm manh chiếu quay người lại hỏi có ai tìm chiếc dép còn lại của đứa bé không, mang cả đôi vào cho nó. Tôi không hiểu sao anh ta hỏi thế, tại sao lại cần đến dép hay giày cho một người sắp sửa đi qua thế giới khác, hay họ phải đi bộ thêm nhiều đoạn đường nữa mới tới nơi, như tôi từng đi bộ thời chiến tranh?

Người mẹ trở lại khoang thuyền, lục lọi hồi lâu trong đống đồ đạc chị mang theo, nhưng không tìm được thứ gì, không biết chiếc dép kia của đứa bé thất lạc đâu. Chúng tôi quyết định không thể chờ nữa, tôi cũng không nghĩ con bé cần giày dép làm gì, mọi người tiến sát mép thuyền, nâng chiếc chiếu lên cao, tiếng tụng niệm vang lớn. Vào lúc ấy một đứa bé gái khác, khoảng sáu hay bảy tuổi, da mặt đen nhẻm, quần áo gọn gàng, bất ngờ rút đôi dép trong chân nó ra, hồi đó gọi là dép Nhật, tới đưa cho người mẹ. Tôi không biết con bé này ở đâu ra, nó đi với ai, sao nó lại xuất hiện một mình, mọi thứ đều mù mờ không duyên cớ trong khoảnh khắc ấy. Chị lắc đầu từ chối, dùng dằng một hồi, đứa bé nói một câu gì đó tôi không nghe rõ, nhưng tỏ ra cương quyết, cuối cùng chị cũng nhận lấy và xỏ vào chân cho con mình. Đôi dép hơi rộng hơn bàn chân nhưng trông vẫn thích hợp, tươm tất hẳn, đôi bàn chân không còn trống trải sau mũi dép dài và nhọn. Người mẹ hôn lên mặt con lần nữa trước khi buông hẳn tay ra, lùi một quãng khá xa, mắt mở to. Chúng tôi cùng đứng thẳng người, giữ chặt mép chiếu trong tay, nâng cao nó lên, giữ thăng bằng, im lặng một lúc. Thời gian lặn xuống nước, để lại trên mặt biển những vòng tròn đồng tâm đỏ sẫm. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, lấy đà ném đứa bé ra xa xuống biển cùng với đôi dép của nó, được tặng bởi một người bạn nó chưa kịp quen biết. Tôi cúi mặt nhìn kỹ đôi dép sợ chúng sút ra, nhưng không, chúng vẫn nằm đó, ôm lấy đôi bàn chân nhỏ bé lướt qua mạn thuyền như chân của con chim hạc, vừa cất mình đã kêu lảnh lót vang xa trên mặt nước.

nguyễn đức tùng

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...