Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

BÀN TAY 6 NGÓN - Truyện Ngắn Của Bình Nguyên Lộc

 

THẦY giáo dò tên trong sổ rồi lại liếc học trò như để bắt mạch chúng, coi đứa nào xanh mặt vì không thuộc bài. Không thấy đứa nào tỏ vẻ lo sợ, thầy nhắm mắt chấm đùa thì trúng tên trò Kinh.

– Kinh, lên bảng trả bài ám-đọc.

Trò Kinh vừa đứng dậy, vừa nói lên các sự cử-động của mình bằng tiếng Pháp :

– Tôi đứng dậy, tôi ra khỏi bàn, tôi lên bảng và tôi đọc.

Rồi trò trả lời bằng tiếng Pháp : «Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngón. »

– Sáu…!

– Sáu…!

– Sáu chớ …!

Cả lớp cười rộ lên một cái rầm. Kinh giật mình, ngưng đọc. Thoạt tiên anh không hiểu gì hết. Nhưng chợt nhớ ra bàn tay mặt anh có sáu ngón, mặt tai anh ửng đỏ. Anh vội giấu bàn tay mặt dưới khuỷu tay trái đương khoanh trước ngực.

Thầy giáo đập thước rầm rầm lên bàn và la :

– Cười cái gì. Trò nào còn cười bị phạt chép năm chục trương bài nầy. Trò Quang, ta không nên . . . làm sao ?

Trò Quang đứng dậy, sợ-sệt đọc : «Ta không nên nhạo báng người tàn tật ».

– Tốt, giỏi, ngồi xuống !

***

Kinh nằm lăn qua, trở lại mãi, không sao nhắm mắt được. Anh nhớ rõ từng chi tiết buổi học trên đây, mười sáu năm về trước và thương hại cậu bé tội nghiệp, thuở ấy đã chịu biết bao khổ nhục giữa đám trẻ tàn-ác, cũng vì cái ngón thứ sáu này,

Anh giơ bàn tay lên xem. Cái ngón dư đó, mọc từ bên hông ngón cái, cong quớt vô như càng tôm, càng cua. Da nó non, mịn, hơi ửng hồng. Đầu ngón, một móng tay nhỏ xíu, nhọn hoắt, cong như ngói ống lợp chùa.

Thật là dị kỳ, không giống anh em nó chút nào, y như là ai mới nghịch gắn nó vào đó, và nó làm bằng những chất gì khác bơn là thịt và da.

Hèn chi trẻ nhỏ hồi đó và đến người lớn bây giờ không đùa sao được. Phải chi ai cũng có sáu ngón, thì anh sẽ được coi như người thường, đằng này…

– Ờ, (Kinh nghĩ) tại sao người đời cứ muốn cái gì cũng giống nhau hết, khác một chút là họ không tha. Mình mặc một bộ đồ mốt xưa họ cũng cười, mình dạy con theo phương pháp riêng của mình, họ cũng công kích. Mình có một tư tưởng nào hơi bạo, hơi đi trước họ, họ không khỏi nhìn mình như một người điên.

Kinh bật cười, nghĩ đến một người kia bỗng dưng mọc đuôi dài. Chàng thấy trong trí, đám người kia đi theo thằng cha có đuôi, mặc sức mà bàn tán, chế giễu. Rồi chàng nhớ đến bọn đầu cơ, luôn luôn rình mộ dịp tốt để hốt tiền. Bọn nầỵ không khỏi thương thuyết với người có đuôi, nhốt va lại trong một cái lều bằng bố, giữa chợ đông, rồi thì lùng-tùng xòa, lùng-tùng xoèng mại vô, mại vô, người có đuôi, năm cắc vô cửa nè !

Kinh lại nhớ đến những bức tranh khôi hài ở một tờ báo ngoại quốc kia. Tranh vẽ một nhà thông thái chế ra một hỏa tiễn rồi bắn mình lên sao Hỏa Tinh. Tới nơi thấy người ở Hỏa tinh có ba chân, mũi dài như vòi voi, và không có tai. Những người này bu quanh nhà thông thái và nói với nhau : «Các anh coi, thằng người dưới quả địa cầu mới dị tướng, xấu xí làm sao !»

Thì ra óc loài người rất hủ lậu. Về đời thượng cổ người nào đầu tiên dựng lên một cái chòi để ở, không thích ở lỗ nữa, chắc đã bị đồng loại rầy rà, làm tình, làm tội đến bao nhiêu !

Kinh thở dài : Loài người cứ muốn giống nhau, lại muốn cái gì cũng giống loài người. Họ bày ra đấng Tạo-Hóa, đấng Cứu-Thế với hình ảnh giống hình ảnh họ, với tư tưởng và tình cảm gần gần họ, hơi khoáng đạt, trong sạch hơn một chút, một chút thôi. Còn cái anh chàng nào đã tạo ra Tiên đó thì lại càng giản dị hơn nữa. Va cho Tiên là người phàm tu thành đạt và vẫn còn giữ rất nhiều phàm tánh.

Phải chăng vì tánh đó, thâu hẹp lại, mà thuở nhỏ anh đọc truyện Tàu cứ tưởng tượng Trương-Phi, Tiết-Nhơn-Quí là người Việt-Nam, rồi đến mười lăm, mươi sáu tuổi, khi biết rõ họ là người Tàu, anh tức mình sao những nhân vật anh yêu lại không phải người đồng chủng.

Kinh rờ ngón tay dư. Nó mềm mụp như bằng bột. Tuy ngón tay ấy cũng có xúc-giác, nhưng anh cảm thấy sự đụng chạm đó không giống khi anh rờ những ngón khác. Hình như là ngón thứ sáu đó không thuộc thân thể anh.

Kinh có tiếng là một anh chàng lập dị. Đó là lời xét đoán của người chung quanh anh. Thật ra những cái dị ấy, anh tự nhiên mà có, chớ không cố ý lập ra, và không cần dư luận, anh không thèm sửa đổi cho giống người ta.

Nhưng cái dị của ngón tay này thật là để không được nữa.

Anh làm ở Bưu-Điện. Mấy năm trước anh ngồi phòng bút toán ở trong. Năm nay anh đôi ra «ghi- sê ».

Thật là phiền. Mỗi khi anh bán ra một con cò là có cả chục con mắt ở ngoài dòm cái ngón tay chướng ấy. Chắc người ngoài họ bảo nhau : «Ở sở Bưu-điện có thầy sáu ngón». Khi họ sai thằng nhỏ đi mua cò, chắc họ dặn: «Mầy cứ lại chỗ thầy sáu ngón tay| là đúng chỗ bán cò».

Kinh khổ sở tưởng như nội Sàigòn người ta cứ ăn no rồi bàn nhau về cái ngón dư của anh.

Ra đường, anh đoán ai cũng nhận ra anh, và vì vậy luôn luôn anh nhét tay vào túi quần.

Phiền nhất là phải thối tiền cho phụ nữ. Hễ thối tiền thì phải chưng bày cái bàn tay có tật ấy ra hơn khi bán cò (khổ nhất là bàn tay mặt lại là bàn tay làm việc). Những cái mỉm cười kín đáo của những cô gái đẹp trước cục thịt dư sao mà nó mỉa mai, hỗn xược đến thế !

Một hôm, một bà đầm già thân mật hỏi : «Sao thầy không cắt nó đi ?» Mà lại hỏi trước một công chúng phụ nữ đông đảo. Anh muốn hụp xuống phía sau ghi-sê mà trốn những nụ cười tàn ác kia.

À, cái mụ đầm mới vô lễ chưa. Mắc mớ gi đến mụ chớ ?

Kinh thầm oán mụ đầm đó nhưng từ ngày ấy anh mới sực nhớ ra là có thể loại cái khó chịu nầy ra khỏi thân thể anh.

«Ờ, ờ, tại sao thuở giờ mình không nghĩ đến. Có gì đâu, phập một cái là mình được như người thường. Mình không đến nỗi xấu trai. Nếu không có cục nợ ấy thì cũng là người dễ coi như ai. Ờ, mà có đau đớn lắm không nè?

Anh đi hỏi thăm một bác sĩ hẹn ngày giờ cẩn thận.

– Không, không đau đớn gì đâu – bác-sĩ nói,– như con kiến cắn é mà !

Kinh yên lòng. Nhưng đêm nay cái đêm trước ngày «long-trọng» ấy, anh nghe ngài ngại.

Không biết nó sẽ đau đến bực nào. Muốn sao thì sao mình sẽ bặm môi ráng chịu, không rên la chi để bác sĩ cười. Làm trai mà ! Anh nghĩ đến cái ý làm trai một cách trịnh trọng y như là một chiến sĩ sắp ra trận ngày mai.

Kinh cầm ngón tay lúc-lắc, bụng bùi ngùi :

– Mấy mươi năm rồi mày ở với tao. Thôi mai mày vĩnh biệt nhé!

Kinh ngạc nhiên vì chợt nghe mình thành thật buồn buồn vì sự chia ly nầy.

– Mình đa cảm đến thế à ?

***

– Lại chích lần nữa à ? thưa ông ?

Bác sĩ cười hì hì đáp :

– Nhiều lần nữa chớ. Thứ thuốc tê nầy, chích đâu thì có hiệu quả đó, chỉ ở đó thôi. Thành ra tôi phải chích ít lắm là bốn phát chung quanh gốc ngón tay.

Bác sĩ rút kim ra, lụi phía bên kia. Kinh đau điếng.

– Phải dè đau như vầy, tôi không đòi thuốc tê. Để vậy cắt có lẽ ít đau hơn

– Phải có thuốc tê vì còn đốt.

– Đốt ?

Bác sĩ không trả lời, cắt sựt một cái, ngón lay đã rớt xuống mâm.

Ông tiếp lấy cây sắt trắng nướng đỏ mà thầy khán hộ vừa trao tới.

Kinh nghe lạnh cả mình. Nhưng không sao. Chỉ nóng vừa thôi khi cây sắt lửa ấy rà lên vết thương.

* * *

Trên đường về, Kinh nghe nhẹ người, tuy cái ngón dư ấy chỉ cân nặng độ hai chục gơ-ram.

Chỉ nửa phút thôi là anh biến ra một người thường sung sướng y như người khác. Bắt tay ai họ không còn nhìn xuống nữa. Thôi từ đây tha hồ mà thối liền nhé.

Kinh lấy làm lạ sao người đời thương hại sự thiếu, như là nhường nhịn người cụt tay chẳng hạn, mà không ưa sự dư. Có ông Phán trong sở chỉ vì dư tiền nhiều mà bị anh em ghét. Còn cái thằng cha Quân, thua xiểng-niểng, nợ tứ giăng lại được họ thành thật thương xót.

Được sống như người thường! Ý nghĩ đó cứ trở lại làm anh hớn hở như tìm được của quí. Tâm trạng anh là tâm trạng của một người tù mới mãn hạn. Anh nhìn mọi người qua đường, tự hào rằng ta đây cũng như ai.

***

Nhưng từ đó, Kinh thấy đời mình thật là nhỏ nhen, tầm thường như những cái tầm thường khác.

Ở ghi-sê không có lấy một cô gái đẹp nào tỏ vẻ thán phục bàn tay năm ngón của anh hết. Anh cố ý xỉa tiền chầm chậm, và chỉ làm cho người ta bực mình. Cho đến cô má lúm đồng tiền thường lui tới Bưu điện, cái cô mà nụ cười tinh quái hơn hết trước kia bây giờ hình như cũng quên rằng có một thời anh đã mang một bàn tay khác phàm.

Mà nghĩ cũng phải, bây giờ tay anh chỉ là một bàn tay thường thôi, có gì đâu mà người ta phải chú ý đến? Và chủ nó chỉ là một anh thơ ký thường như muôn ngàn anh thơ ký khác.

Kinh thở dài :

– Được yên thân lại không thú bằng bị quấy rầy!

Anh cảm thấy đã hiểu lắm hạnh phúc. Hạnh phúc của anh là ở những khi ước ao được như người thường, ở những lúc tưởng tượng mình chỉ có năm ngón như ai. Anh ngẫm nghĩ : «Hạnh phúc, ở chỗ muốn, chớ không phải chỗ được.»

Bỗng anh nhớ ra một điều thành thật và thấm thía hơn tư tưởng trên :«Bây giờ mình mới biết sợ... sợ tầm thường ! »./.

Bình-Nguyên Lộc

1 nhận xét:

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...