涼 州 詞 LƯƠNG CHÂU TỪ
王 翰
欲飲琵琶馬上催。 Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
醉臥沙場君莫笑, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
古來征戰幾人回。 Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?
LƯƠNG CHÂU TỪ : không phải là tựa chính thức của bài thơ, mà là tên của một Khúc Hát ở vùng đất Lương Châu, vì ngoài bài nầy ra, ta còn có Lương Châu Từ của thi sĩ Vương Chi Hoán cũng thuộc đời Đường. Nên bài nầy còn có tựa là XUẤT TÁI 出塞 : có nghĩa là XUẤT CHINH RA NGOÀI BIÊN TÁI.
2. BỒ ĐÀO : là Trái Nho, nên BỒ ĐÀO MỸ TỬU là Rượu ngon được ủ bằng nho. NHO là trái của người Hồ, nên rượu Nho cũng là rượu của người Hồ cống nhập vào Trung Hoa. Bây giờ ta gọi là rượu VANG (Le Vin).
3. DẠ QUANG BÔI : là Ly uống rượu mà ban đêm phát ra ánh sáng. Ly làm bằng ngọc Dạ quang . " Có thể " là ly bằng Pha-Lê cũng do người Hồ cống vào Trung Hoa.
Trung Hoa xưa gọi những dân tộc ở phương bắc là Bắc Mông, phương Tây là Rợ Hồ, phương Nam là Nam Man. Gọi chung các nước của các dân tộc đó là PHIÊN BANG.
4. TỲ BÀ : là loại đàn có 4 dây, cũng từ đất Hồ cống nhập, nên còn gọi là Hồ Cầm, loại đàn mà cô Kiều đàn rất giỏi :
Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương !
Hai câu đầu nêu lên : Rượu Bồ Đào (rượu Nho), ly dạ quang (ly pha-lê), đàn Tì Bà, tất cả đều của Xứ Hồ : Hồ tửu, Hồ bôi, Hồ Cầm, thì sao không thể là HỒ CƠ chớ ?! (HỒ CƠ 胡姬 : là Người đẹp xứ Hồ). Những người đẹp nầy giỏi đàn hát, giúp vui trong quân ngũ để khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ hăng hái giết giặc. Ta thấy thúc quân không phải là tiếng chiêng tiếng trống, mà là tiếng đàn TÌ BÀ, Có lạ không ? Và chắc chắn là tiếng đàn thúc quân phải do những Hồ Cơ nầy ngồi trên mình ngựa đãm nhiệm. Cho nên, trước khi phi ngựa ra chiến trường, người chiến sĩ đã nói vói lại với người đẹp Hồ Cơ rằng : "Túy ngọa sa trường QUÂN mạc tiếu !.( ta lỡ có say mà nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! . Vì : " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?! Xưa nay, có mấy ai được trở về từ chiến trường đâu nàng ơi !!!
DIỄN NÔM :
BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU
Rượu vang rót vội chén pha-lê,
Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!
Lục bát :
Bồ đào rót chén dạ quang,
Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
Chớ cười chiến địa ta say,
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!
Người Hoa gọi tất cả các loại đá quí là BẢO THẠCH 寶石, mà cũng gọi là NGỌC 玉 nữa. Ví dụ : CẨM THẠCH 錦石 mà ta làm đồ trang sức để đeo, thì người Hoa không có gọi là đeo CẨM THẠCH 戴錦石, mà gọi là ĐỚI NGỌC 戴玉 là Đeo NGỌC. Nên PHA LÊ trong thiên nhiên ngày xưa rất hiếm, có được một khối Pha Lê để làm ly uống rượu không phải là dễ. Pha Lê lại lóng lánh trong ánh đèn đêm, nên ta có thể "nghĩ" DẠ QUANG BÔI ở đây là LY PHA LÊ được nói nhấn cho có vẻ cao quí và trịnh trọng !. Mặc dù theo truyền thuyết cho rằng NGỌC DẠ QUANG là Ngọc tự nó có thể phát sáng trong đêm, chớ không phải như Pha Lê phải nhờ ánh sáng mới lấp lánh được. Nhưng trong Văn Chương ai biết được....!!!
- Lac Nguyen nói...
Theo Nguyễn Dư:
- Người Ai Cập biết làm rượu nho sớm nhất, khoảng 4500 năm trước Công nguyên. Họ truyền dạy cho các nước chư hầu, dân nô lệ xung quanh. Sau đế quốc Ai Cập, đế quốc La Mã tiếp tục khuếch trương nghề trồng nho, làm rượu ra khắp châu Âu.
Thế kỉ 16, các nước phương Tây nằm bên bờ biển Đại Tây Dương như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan v.v. thi nhau dùng tàu thuyền đi tìm thị trường buôn bán. Họ đến được Ấn Độ, Trung quốc...
- Ngày xưa, đế quốc La Mã đã sớm nhận ra được vị trí quan trọng của một vùng đất có cửa sông đổ ra biển Đại Tây Dương. Rất thuận tiện cho tàu bè qua lại. Tại đây, năm 138, người La Mã khởi công xây dựng thành phố Portus Calle, buôn bán sầm uất.
Tên Portus Calle về sau được dùng để đặt tên nước Portugal. Portus trở thành thủ đô Porto.
Thành phố Porto và các vùng phụ cận, từ xưa đến nay,nổi tiếng nhờ... làm rượu nho.
- Thế kỉ 16, rượu làm tại Porto, đã được lái buôn người Bồ Đào Nha mang vào nước Tàu, đã được các nhà truyền giáo dùng trong các buổi lễ của nhà thờ.
Người Trung quốc có thể mua rượu nho ngoài phố. Giáo dân biết rượu nho qua bài giảng Kinh Thánh. Nhiều người được thấy rượu nho trong nhà thờ.
Người Trung quốc gọi rượu nho là rượu Porto hay rượu của Portugal.
Porto, Portugal được ghi âm và được đọc theo âm Hán Việt là Bồ đào, Bồ Đào Nha.
Hai cặp Bồ Đào, tên rượu nho và tên nước, viết giống nhau vì cùng từ một gốc (porto, portu) mà ra. Không phải ngẫu nhiên mà Bồ đào (rượu nho, quả nho) viết giống Bồ Đào Nha.
Nhưng...
- Nói rằng Bồ Đào là Porto, Portugal... là sai bét nhè!
Ai có say xỉn, ngất ngư không xem trời đất ra cái thá gì, cũng phải công nhận là... thời Vương Hàn (687-726) nước Tàu đã có bồ đào mĩ tửu rồi. Nghĩa là nước Tàu đã có rượu nho từ 8, 9 thế kỉ trước khi người Bồ Đào Nha đến buôn bán, lập thương điếm tại Ma Cao!
Đúng hay sai, xin nhờ một người sống cùng thời với Vương Hàn là Đỗ Phủ (712-770) phân xử giùm.
Đỗ Phủ sống rất vất vả vì phải chạy loạn An Lộc Sơn. Nay đây mai đó. Đỗ Phủ được chứng kiến nhiều thay đổi, xáo trộn của xã hội.
Bài Tẩy binh mã (Rửa khí giới) của Đỗ Phủ có câu:
Kinh sư giai kỵ hãn huyết mã,
Hồi Ngột ổi nhục Bồ Đào cung.
Nghĩa là:
Nơi Kinh sư toàn dùng giống ngựa "mồ hôi máu",
Quân Hồi Ngột no thịt ở cung Bồ Đào.
- Ngựa "mồ hôi máu" là giống ngựa hay ở phương Bắc, khi chạy đường trường, mồ hôi đổ ra đỏ như máu.
- Hồi Ngột là tên một dân tộc ở phương Bắc, sang giúp nhà Đường dẹp loạn An Lộc Sơn.
Hai câu thơ trên được N. T. dịch là:
Hồi Ngột đưa thêm quân trợ thuận
Kinh sư đều cưỡi ngựa truy phong (4).
Tẩy binh mã của Đỗ Phủ gián tiếp giúp chúng ta hiểu được câu thơ của Vương Hàn:
Bồ Đào mĩ tửu dạ quang bôi nghĩa là Tại cung Bồ Đào, uống rượu ngon bằng chén dạ quang.
Cung Bồ Đào ở Trường An, thời bình là nơi khách dừng ngựa, vào uống rượu nghe đàn hát (thơ Vương Hàn), thời loạn bị quân Hồi Ngột chiếm đóng, biến thành "cung ẩm thực", ăn uống xô bồ (thơ Đỗ Phủ).
Bồ Đào của Vương Hàn là tên một cung đời Đường, không phải là rượu nho của Bồ Đào Nha. Đời Đường, Trung Quốc chưa có thứ rượu này. Ngẫu nhiên tên cung đồng âm với tên rượu.
Lý Bạch (701-762), bạn của Đỗ Phủ, cũng có hai câu thơ tương tự như thơ Vương Hàn:
Lan Lăng mĩ tửu uất kim hương
Ngọc uyển thinh lai hổ phách quang (Khách trung tác)
Nghĩa là:
Rượu ngon đất Lan Lăng đượm mùi thơm cỏ uất kim
Đựng trong chén ngọc màu hổ phách sáng ngời .
Nói tóm lại:
- Các từ điển (từ thế kỉ 16 trở về sau) định nghĩa bồ đào là rượu nho là đúng.
Nhưng thơ của Vương Hàn (trước thế kỉ 16)mà dịch cung Bồ Đào thành rượu bồ đào, rượu nho là SAI.
Bồ Đào mĩ tửu! Rượu vào lời ra. Chữ say liền với chữ sai một vần.- Lac Nguyen nói...
Viết lại cho chính xác:
Nghĩa là nước Tàu đã có "rượu nho" từ 8, 9 thế kỉ trước khi người Bồ Đào Nha đến...
Rượu nho để trong ngoặc kép (có nghĩa là Bồ Đào - LN)🌺🌺🌺🌺🌺Gởi đến bạn đọc chơi một bài nhận xét nữa cũng khá "lý thú" sau đây :On Friday, July 1, 2022, 04:57:17 AM CDT, Danh Huu <danhhuu@gmail.com> wrote:Chào các bạn ! Tôi đã định không góp lời vào chuyện Dịch thơ Đường của người Tầu nữa, nhưng vì thấy có bài giảng của bạn Đỗ Chiêu Đức, nên cũng cảm thấy hào hứng, vậy xin có vài lời đóng góp. Nhưng trước hết, hãy kể về cái cơ duyên nào dẫn tới « Dịch thơ Đường » của tôi.
Số là năm 1975, tôi về sống ở Việt nam và muốn trau giồi tiếng Việt, nhưng không đào đâu ra sách để học. Đến nhà người quen nào hỏi họ cũng bảo : sinh viên đến thu cả rồi ! Cuối cùng tôi vào chợ lớn mua được cuốn Đường thi tam bách thủ của người Tầu, vì tôi biết 2 thứ tiếng Tầu : Bắc kinh và Quảng đông. Và tôi bắt đầu tập dịch sang thơ Việt. Thời đó, tôi chưa biết những chữ đó người Việt đọc như thế nào, phải đoán mò. Mãi sau này, khi qua Pháp, tôi mới tìm mua được những cuốn in lại ở bên Mỹ, các tập thơ như Đường Thi của Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim và Thơ Đường của Tản Đà, Trần Trọng San. Nhờ đó, tôi học được cách đọc Hán Việt của người Việt. Tuy nhiên, khi đem so sánh với những bài dịch của tôi, tôi cảm thấy bất ngờ, mà theo tôi, các vị tiền bối đã… hình như thiếu chú ý hoặc thấy chữ là dịch, dịch để giải khuây nên có nhiều bài dịch sai !
Như bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, tác giả chê Đường Minh Hoàng là kẻ Bất tín, bất nghĩa, bất nhân thì Tản Đà lại khen ngợi và gọi ông là Đức vua Hán, còn Dương Quý Phi được tác giả ca ngợi, 3 lần nhắc đến điệu vũ khúc Nghê thường của nàng thì bị Tản Đà bỏ qua và khinh bỉ gọi nàng là « gái mới choai ». Một ông giáo sư ở Sài Gòn còn tán tụng là : « Những ai đã đọc bài dịch này của Tản Đà rồi sẽ không còn dám cầm bút dịch nữa ». Tôi nhủ thầm : May là mình dịch trước khi đọc ! Từ đó, tôi ít khi đụng tới các bài thơ Đường. Ngoài việc đôi khi góp vui với các bạn ở vườn thơ thẩn này.
Ví dụ như bài thơ đây, bạn Chiêu Đức cũng giảng giống các vị tiền bối : Dạ quang bôi là ly làm bằng ngọc dạ quang. Nhưng ngọc là loại hột xoàn tính bằng cara, của đâu thừa mà đem khoét làm ly uống rượu, và ngọc là loại đá cực cứng, họ lấy gì để khoét thành ly uống rượu ? Ngọc chỉ có thể mài cạnh chứ không có vật cụ nào khoét lõm được nó cả. Pha lê cũng chỉ được tìm ra từ thế kỷ 17 ở Tây phương. Tuy rằng người Ai cập đã tìm thấy các viên đá pha lê nhiều mầu sắc để làm đồ trang sức từ rất lâu trước đó.
Theo tôi, đây là bài thơ phản chiến và có nhiều từ đã bị người trước hiểu sai nghĩa.
1.- Dạ quang bôi. Chữ Quang có nhiều nghĩa, ngoài nghĩa ánh sáng còn có nghĩa là vẻ vang (như Quang lâm), là « hết nhẵn » như ở đây. Và theo tôi, dạ quang bôi là : Đêm, cạn chén !
2.- Tì bà là đàn Tì bà của người Hồ sử dụng khi múa hát, không ai sử dụng đàn tì bà để thúc quân ra trận cả. Ra trận là phải dùng trống trận (cổ bề). Vậy Tì bà ở đây là ám chỉ xứ sở tì bà, nơi sản xuất rượu bồ đào (rượu nho). Hồ là nước bị coi là Địch nên tác giả không dám hài tên.
3.- Mã thượng thôi : Nghĩa cụm từ mã thượng là : mau mau, chứ không phải lên ngựa. Lên ngựa là thượng mã. Thôi là thôi thúc, là gấp. Mã thượng thôi là : mau mau đi !
3.- Túy ngọa : Nằm say. Nằm say ở chiến trường hàm ngụ sự chết.
Ý nghĩa toàn bài :
1.- Rượu nho là loại rượu ngon, đêm đến uống nó là phải cạn chén.
2.- Muốn uống rượu của xứ Tì bà, thì hãy mau mau đến đó !
3.- Có chết trên chiến trường thì cũng chẳng ai cười (hàm ý : đâu phải mình chết trên chiếu rượu).
4.- Xưa nay ra trận, có mấy ai toàn mạng để về đâu !
Tôi không góp bản dịch thơ của tôi và để các bạn tùy nghi suy nghĩ. Cám ơn bạn Chiêu Đức đã cho tôi ít hứng thú để góp phần.
Danh Hữu (Paris 01/7/22)....và tôi đã có bài hồi đáp như sau :'Kính Tiền bối,Rất hân hạnh đã làm cho Tiền Bối "cảm thấy hào hứng". CÁM ƠN Tiền bối đã góp ý về bài thơ thất ngôn tứ tuyệt LƯƠNG CHÂU TỪ rất nổi tiếng của Vương Hàn với những NGỮ NGHĨA thật LẠ !* Bồ đào mỹ tửu 葡萄美酒 là "Rượu nho là loại rượu ngon". Đúng rồi, không cải vào đâu được ! Nhưng Dạ Quang bôi 夜光杯 mà hiểu là "đêm đến uống nó là phải cạn chén." thì có hơi LẠ ! Bộ rượu nho uống ban ngày thì "không được cạn chén sao ?" Hơn nữa, DẠ QUANG ở đây là Hình dung Từ bổ nghĩa cho Danh từ BÔI đi theo sau nó, nên nghĩa đã hiển nhiên : DẠ QUANG BÔI là Ly Dạ Quang, làm bằng gì không cần biết, chỉ biết cái LY đó có tên là "Ly Dạ Quang"; như Từ Bôi 瓷杯 là Ly sành, ly bằng đồ gốm; Thạch Bôi 石杯 là Ly bằng đá; Mộc Bôi 木杯 là Ly bằng cây...* Dục ẩm tì bà 欲飲琵琶 mà hiểu là "Muốn uống rượu của xứ Tì bà" thì LẠ VÔ CÙNG ! Vì nó là "Rượu Bồ Đào" có tên gọi rõ ràng ở câu một rồi, nên đâu còn gọi với cái tên mơ hồ là "rượu của xứ Tì bà" nữa ! Còn Mã Thượng thôi 馬上催 mà giảng là "thì hãy mau mau đến đó !" Thì Tiền bối đã nhầm lẫn giữa Văn Ngôn và Bạch Thoại rồi ! Từ MÃ THƯỢNG 馬上 trong văn nói có nghĩa là :Liền, ngay, tức khắc ! Như thầy giáo nói với học sinh trong lớp khi đang làm bài tập là : 馬上做,馬上交!Mã Thượng tố, mã thượng giao ! Có nghĩa là : Làm ngay, nộp ngay ! Trở lại với câu thơ trên, có thể là Tiền bối đã ngắt câu sai rồi, vì câu thơ đó phải như thế nầy :欲飲,琵琶馬上催。 Dục ẩm, tì bà mã thượng thôi.Có nghĩa :(vừa) muốn uống, thì tiếng tì bà trên ngựa đã giục giã rồi !Từ MÃ THƯỢNG 馬上 là trên mình ngựa, trên lưng ngựa, chớ không phải LÊN NGỰA như Tiền bối đã hiểu nhầm.Hai câu sau thì không có gì để trao đổi, chỉ có điều "Nếu hiểu 2 câu đầu theo như ý của Tiền bối đã giảng" thì NÓ không ăn nhập gì với hai câu sau cả ! Thử nghĩ xem..." Rượu Nho là rượu ngon đó, ban đêm uống nó thì phải uống cho cạn ly (vế nầy vô nghĩa !); muốn uống rượu của xứ Tì Bà thì hãy mau đến đó đi ! (Câu nầy rất kỳ lạ, đang đánh giặc mà bảo bạn mình muốn uống rượu Tì Bà thì hãy lên ngay xứ Tì Bà để uống !?) Hai câu đầu nếu hiểu theo ý KỲ LẠ như trên thì làm sao ráp cho ăn với ý của hai câu sau là :醉臥沙場君莫笑, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,古來征戰幾人回。 Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ? cho được !!!Nói chung là...Ta nên hiểu đúng và dịch đúng theo ý của Tác Giả, chớ không phải dịch theo "ý của người đi trước"; nhưng nếu "người đi trước" đã hiểu đúng và dịch đúng, thì ta cũng không nên cố bới lông tìm vết để hiểu và dịch cho khác đi...Lâu lắm rồi mới được Tiền bối lên tiếng góp ý. Cám Ơn Tiền bối đã nêu những ý mới, mặc dù có hơi LẬP DỊ, nhưng cũng để cho những người đi sau không cứ nhắm mắt để theo người đi trước một cách mù quáng !Chúc Tiền bối luôn luôn VUI VẺ, KHỎE MẠNH !Chân thành cảm tạ !Đỗ Chiêu ĐứcKính bút.
bài rất hay
Trả lờiXóa