Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

TÔI HỌC PHẬT - ĐỖ HỒNG NGỌC

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 347 ngày 01.7.2020)
Ghi chú: Bạn tôi, anh Trần Tuấn Mẫn, Tạp chí Văn hóa Phật giáo cho biết anh đã thôi việc ở Tòa soạn kể từ ngày 1.7.2020 vì tuổi đã cao. Tôi gởi anh bài này như một kỷ niệm riêng. Bài đã in trên Tạp chí VHPG số 347 ngày 1.7.2020. Xin chia sẻ cùng các bạn. ĐHN
******************************************************
 

 
Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…
 
Vào tuổi tám mươi, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rã rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang… chủ yếu là một dịp để “nhìn lại mình”… và gần đây nhất là tập Tạp bút Để Làm Gì không phải để hỏi cũng chẳng phải để thở than chi! Tôi cũng mong gom góp, tập hợp một số bài viết, sách, biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tập tuyển học Phật để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!
 
Duyên may lại đến.
Cách đây mấy năm, một buổi chiều, nhận được 4 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày hơn ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.
Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi anh 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.
Gần đây, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay tình cờ thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen online. Nghĩ chắc… Nguyễn Hiền Đức đây rồi! Và đúng vậy.
Nguyễn Hiền Đức tâm sự: Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC – THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.
Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông…
* * *
 
Tôi có chút “duyên” với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ. Lại đến một mình. Sanh ở Phan Thiết mấy ngày thì tôi được về nhà Ngoại ở làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, dưới chân núi Tà Cú, nơi có Linh Sơn Trường Thọ Tự. Nhỏ xíu, tôi đã được theo cha mẹ, các cậu, dì, lên chơi Chùa núi. Khi là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đọc Bát Nhã, đọc Suzuki, Krishnamurti… nhưng đọc chỉ để mà đọc. Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ Không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc… Từ đó mà gaté, gaté, paragaté… Nó như giúp tôi trả lời câu hỏi cho chính mình, Why, tại sao? Tôi vẫn thường tự đặt ra cho mình những câu hỏi “tại sao” như vậy. Rồi lại hỏi bằng cách nào đây (How?) để mà “hành thâm Bát nhã”? Câu trả lời nằm ở Kim Cang. Ở Kim Cang tôi học Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… Không có chánh định thì làm sao có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ… Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Pháp Hoa, học vô tướng, thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Quán Thế Âm… với tôn trọng (respect), chân thành (guenuine), thấu cảm (empathy) để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp… Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp.
Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, tự giác giác tha. Thế nhưng, các vị Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bồ-tát…!
Rồi từ những điều học hỏi, nghiền ngẫm, thể nghiệm… bấy nay mà tôi mạnh dạn sẻ chia với “Thấp thoáng lời Kinh”, “Thoảng hương Sen”, “Thiền và Sức khỏe”, “Nếp sống An lạc”… như một ứng dụng Phật pháp vào đời sống.
Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ…
Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già… Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng kia mà ta mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.
Tôi lại gặp duyên may trong lúc một mình lõm bõm học Phật như vậy khi gắn bó với Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi còn nhớ buổi họp đầu tiên để thực hiện tạp chi Văn Hóa Phật Giáo có sự hiện diện của quý thầy cùng với các vị cư sĩ tôi hằng mến mộ như Cao Huy Thuần, Trần Tuấn Mẫn, Trần Đình Sơn, Nguyên Cẩn… Anh Cao Huy Thuần sau đó nói riêng với tôi: Này, tôi “thách” anh Đỗ Hồng Ngọc viết được mỗi tháng một bài cho Văn hóa Phật giáo đó. Thế là tôi gắn với Văn hóa Phật giáo từ thuở ban đầu đó đến nay đã gần 15 năm! Thực ra tôi viết Văn Hóa Phật Giáo là để học.
Nhớ những bài viết đầu tiên gởi Văn Hóa Phật Giáo tôi băn khoăn nên để mục này là “Lõm bõm học Phật” hay “Thấp thoáng Lời Kinh”, bởi biết mình chỉ học lõm bõm, thấp thoáng, chẳng chính quy hiện đại gì cả. Trần Tuấn Mẫn kêu “Lõm bõm” thiếu nghiêm túc. Chọn “Thấp thoáng Lời Kinh” nhé. Chẳng ngờ độc giả “chịu” cách viết “bên lề” như vậy. Thường khi bài đăng xong tôi hỏi Trần Tuấn Mẫn thế nào, có bị “rầy la, sỉ vả” gì không? Mẫn bảo viết tiếp đi, nhanh lên, được khen lắm đó. Đó là một lời khuyến khích động viên qúy báu, giúp mình tự tin hơn. Tôi viết từ những cảm nhận riêng với một văn phong đời thường về Tâm Kinh Bát nhã, về Kim Cang, Pháp Hoa, Duy-ma-cật… Tôi biết ở Ban Biên tập có những bậc tôn túc, những cao nhân và nhất là độc giả Phật tử khắp nơi đều là những vị thầy của mình, sẽ là “bộ lọc” cho những bài viết của mình, có gì sai họ sẽ chỉ dẫn. Thật vậy, thỉnh thoảng Trần Tuấn Mẫn giúp tôi chỉnh một chữ, thỉnh thoảng anh Lê Văn Lợi từ Huế khen một câu hoặc nhắc cho một ý… Khi tôi viết mục “Thoảng hương sen”, là những suy gẫm, những cảm nhận tích lũy trong nhiều năm tháng học Phật của mình, Văn Hóa Phật Giáo đã sửa thành “Hương Sen” mà bỏ đi chữ “Thoảng”. Tôi hiểu. Với tôi, viết cho Văn hóa Phật giáo là một cách học Phật tốt nhất.
Khi tôi xuất bản cuốn Thấp thoáng Lời Kinh thì Trần Tuấn Mẫn viết trên Văn hóa Phật giáo, số 163, ngày 15-10-2012:
Đọc xong tác phẩm Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc. Im lặng, thanh thản, hoan hỷ như vừa trải qua một cuộc du lịch kỳ thú đến những vùng đất xa xôi, kỳ ảo, để rồi sau đó tâm trí như loãng đi, mơ hồ, lung linh, băn khoăn trong niềm vui thú vị vẫn còn đó, quanh quất lâu dài. Gập sách lại, tôi bỗng thấy thấp thoáng lời sách, từ ngữ, câu văn từ bài này chuyển sang bài nọ, chữ nghĩa nhẹ nhàng đổi chỗ nhau, nhưng vẫn rất tự nhiên, rất trật tự và rất đẹp. Phải chăng tác giả cũng thấy thấp thoáng chứ không nghe văng vẳng lời kinh vì không trực tiếp nghe được kim thanh của Đức Phật. Anh chỉ tự nghiên cứu kinh điển, tự cảm nghiệm và những dòng kinh chợt đến chợt đi trong tâm tưởng. Có lẽ anh dùng từ thấp thoáng cũng là do sự khiêm tốn, muốn bảo rằng những gì anh viết ra không phải là từ sự nghiên cứu mang tính kinh viện mà chủ yếu là do cảm nhận, do sự suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân. Tôi vui vì nghĩ như thế, vì nghĩ mình thông cảm được với anh và được anh truyền cho niềm cảm hứng và mấy phần kiến thức Phật học (…).
Các bài viết ở đây, theo lời tác giả, là “những loay hoay, bứt rứt”, “những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu nay tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám mà sẻ chia cùng bạn bè tương lân”. Những lời tâm sự ấy là chân thật, là tình nghĩa và những gì anh viết ra thì chân xác trong chừng mức có sự chấp nhận của những người đã học Phật, đã tu Phật hay từng chiêm nghiệm về cuộc đời. Anh nhận định sâu sắc về các đề tài nói trên, nhưng vốn là một bác sĩ nhiều kinh nghiệm chữa trị thân và tâm, có khi anh tế nhị và có đôi chút dí dỏm nên chuyển ý sang bình diện cụ thể, thiết thực, gợi ý chúng ta về sự suy nghĩ, về thái độ tích cực trong cuộc sống hằng ngày nên cố ý chuyển ý nghĩa của vài lời kinh như là một thể cách khế cơ (…).
Nhẹ nhàng mà thâm sâu, dí dỏm mà chân thật là tính chất của Đỗ Hồng Ngọc. Thật hay và thật vui khi anh bàn về Hơi thở ra vào, Bồ-tát Di lặc, Du hý ta-bà, Luân hồi sanh tử v.v…
Đọc Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc, tôi bỗng cảm thấy mình chỉ thấp thoáng lời anh và loay hoay, bứt rứt về cái kiến thức Phật học của mình. Những đoạn kinh tôi đã thuộc lòng bỗng trở nên “thấp thoáng”…
Với tôi, Trần Tuấn Mẫn vừa là bạn, mà cũng là thầy, từ thuở Vô Môn Quan, đến Bàng Ẩn, rồi Lăng Già… và nhất là Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo suốt 15 năm qua.
 
Đỗ Hồng Ngọc                       
(Saigon 6.2020)

 

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...