Những người ở vào thế hệ "sáu , bẩy, tám bó" như
chúng tôi, thì mới hiểu thế nào là "xe chiếu bóng thùng". Bởi cách đây
"60 năm cuộc đời", thì nó là một thứ giải trí vô cùng hấp dẫn dành cho
tuổi thơ. Không thua gì các cô, các cậu mê chơi
game trên máy tính ngày nay.
Tôi còn nhớ như in, nơi sân trường tiểu học Chí Hòa,
gần gốc cây đa, lúc nào cũng có sẵn một ông dựng chiếc xe máy kéo theo
một cái thùng to tướng, và tay lúc nào cũng ngoắc bọn trẻ:
-Có phim mới nè, tới coi đi.
Bọn tôi hay kỳ kèo:
-Nửa giá đi chú....
Thường thì phải đủ tám đứa mua vé, thì ông chủ của
rạp "xi-nê thùng" mới kéo cửa che mấy cái lỗ nhòm, và bật máy. Chứ mới
có hai ba đứa thì ông bảo ngồi ghế chờ.
Phần lớn thời ấy là các phim ngắn đen trắng 8 ly,
loanh quanh với Bạch Tuyết 7 chú lùn, Sạc Lô vượt ngục, Aladin và cây
đèn thần, hay mấy phim hoạt họa..v.v.
Phim cũ chiếu nhiều lần, nên âm thanh bị rè, bị đứt.
Đã thế, nhiều lần "khán giả" lại phải la lên oai oái đòi lại tiền, vì
bình ắc quy hết điện.
Nhiều khi để câu khách, "chủ rạp" còn cho chiếu thêm phim thứ hai, thay vì một phim như thường lệ.
Bọn trẻ có 1 đồng ăn sôi để đến trường, nhưng cũng có khối đứa nhịn ăn để mua vé xem phim.
Để tiết kiệm, có đứa còn nghĩ ra trò: một đứa xem
mắt phải, một đứa xem mắt trái. Chủ xe thùng biết "mánh" nhưng vẫn làm
ngơ, bởi đôi khi cũng cần có những đứa "kẹo" như vậy để câu khách.
Có cái lạ, là ông chủ xe thùng chỉ có mươi cuốn phim
cũ mèm, mà lúc nào cũng có đám trẻ "chổng mông dí mắt" vào các cái lỗ,
để xem đi xem lại hoài mà không chán.Có đứa không tiền đứng chầu rìa ở ngoài, nghe đứa
bạn "thuật lại", rồi đến khi căng thẳng quá chịu không được, bèn đẩy bạn
sang một bên và nói "cho tao xem tí, chút nữa tao bao mày ăn đá nhận".
Khi cuốn phim chạy xè xè rồi kêu phựt một tiếng là
bọn trẻ biết đã hết phim, thì mấy cái đầu đều ngỏng dậy, ra vẻ tiếc
nuối. Có đứa khiếu nại:
-Sao phim ngắn quá ! Sao phim mờ quá !
Nhưng ông chủ rạp không bao giờ trả lời, mà chỉ quay sang ráp ngược cuộn phim để cho nó quay trở lại từ đầu.
Có đứa tiếc tiền, bèn nghĩ ra cách coi cọp. Khi màng
trập đóng lại lỗ nhòm coi phim, thì cũng là lúc nó đút cây que kem vào
chận lại. Khi ông chủ rạp tiếp tục chiếu phim kế tiếp thì nó đẩy que kem
lên xem tiếp.
Nhưng mánh này không tồn tại lâu, bởi mỗi lỗ đều
đánh số nên khi khách đông thì coi như thua. Kẻ gian lận đành phải rút
que kem đứng sang một bên dành chỗ cho người mua vé.
Nói là mua vé, nhưng ông chủ rạp xi nê thùng chỉ biết thu tiền, đếm đầu người, và mở lỗ, chứ chẳng có vé nào để xé.
Sau này "xe chiếu bóng thùng" ở thành phố vắng hẳn khách, nhiều ông phải đem đồ nghề về miền quê chiếu tiếp để kiếm bạc cắc.
Bởi có một dạo, các đoàn Công Dân Vụ (mặc áo nâu) thường đem phim dài cả tiếng về chiếu ở các sân đình, sân chùa hay nhà thờ.
Những cuốn phim màu ấy hấp dẫn hơn nhiều.
Lại không bị trả tiền nữa, ai lại không xem.
Bienxua.wordpress.com
bài rất hay
Trả lờiXóa