Đây
không phải là chuyện tình lâm ly, ướt át, mặc dù câu chuyện có thật và
cảm động. Cô gái đã trao trọn trái tim mình cho chàng trai cho dù
hai người không hề quen biết nhau.
Một mình một ngựa
Cô
gái tên Abbey Conner, 20 tuổi. Chàng trai tên Loumonth Jack, 21 tuổi.
Abbey đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác, thế
nhưng trái tim cô mãi mãi thuộc về chàng trai, và chàng sẽ chẳng bao
giờ quên được nàng suốt phần đời còn lại.
Câu
chuyện từng được Bill Conner, ông bố của cô gái, kể lại nhiều lần cho
nhiều người, những ai từng đọc thấy hàng chữ “Abbey’s Ride for
Life” trên tấm biển gắn đàng sau chiếc xe đạp Trek của ông.
Ông Conner có hai người con,
Abbey và anh trai cô là Austin, 23 tuổi. Trong chuyến
vacation hơn 5 tháng trước đây, cả hai được tìm thấy nằm bất tỉnh, úp
mặt sâu xuống nước trong hồ bơi của một khách sạn ở Cancun, Mexico.
Người ta chỉ cứu được Austin, riêng Abbey bị tổn thương
não nghiêm trọng. Cô được chuyển tới bệnh viện Broward Health Medical
Center ở Fort Lauderdale, Florida. Tại đây, sau những cố gắng một cách
tuyệt vọng, các bác sĩ tuyên bố cô đã chết não và đi tới quyết định giải
phẫu để lấy nội tạng và các mô sinh học mà
cô tự nguyện hiến tặng năm 16 tuổi khi cô mới thi lấy bằng lái xe.
Cũng
trong ngày ông Conner choáng váng nhận được thông báo về quyết định
này, cách đó 670 miles đường chim bay, tại Lafayette, Louisiana,
bố mẹ của một thanh niên da màu cũng được các bác sĩ ngậm ngùi thông
báo về số phận không may của con trai mình.
Jack đang nằm chờ chết trên giường bệnh vì chứng suy tim
trầm trọng sau hai lần trụy tim. Sự sống chỉ còn đếm được từng ngày trên
những đầu ngón tay, ngoại trừ phép lạ.
Và “phép lạ” đến với anh thật. Trái tim còn tươi rói của Abbey được cấy ghép kịp thời vào trong buồng ngực của
Jack. Anh như được tái sinh.
Một người chết đi cho một người được sống.
Trái tim Abbey dọn về nơi cư ngụ mới. Không chỉ trái tim thôi, cô
hiến tặng đến bốn nội tạng, giúp cho bốn người trong độ tuổi từ 20 – 60
giành lại được sự sống trong cuộc chiến đấu với tử thần. Cô còn tặng cả
đôi mắt đẹp của mình
cho người khiếm thị ngắm nhìn được cuộc sống tươi đẹp muôn màu muôn vẻ.
Trái
tim còn đập nghĩa là vẫn còn sự sống. Ông Conner tin chắc như vậy.
Abbey, con gái ông, vẫn đang sống ở một nơi nào đó. Bằng mọi giá,
ông phải tìm gặp đứa con yêu của mình.
Ông
muốn rời khỏi nhà, tìm đến một nơi nào đó thật xa xôi để mong làm nhẹ
bớt nỗi buồn phiền đè nặng trong lòng. Hơn thế nữa, ông còn
muốn làm điều gì đó để tôn vinh cuộc sống ngắn ngủi và cao đẹp của con mình.
“Tôi
muốn làm cách nào để mọi người nhận thức được ý nghĩa, sự cần thiết,
tầm quan trọng và lòng nhân ái của việc hiến tặng nội tạng mình
khi lìa đời.” Conner chia sẻ điều này với những người thân và nảy ra ý
tưởng: với chiếc xe đạp Trek của mình, ông sẽ thực hiện chuyến đi
suốt chiều dọc nước Mỹ, từ Madison, Wisconsin,
quê nhà ông, đến tận Ft. Lauderdale, Florida, nơi ông nhìn mặt con gái
mình lần cuối để quảng bá, vận động mọi người hưởng ứng việc làm tốt đẹp
này.
“Tại
sao không?” Conner nói. “Có gì ghê gớm lắm đâu, và chẳng thấm thía gì
so với nghĩa cử của con gái tôi. Tôi thực sự mong muốn
ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc hiến tặng nội tạng như Abbey đã làm.”
Với
ý chí mạnh mẽ và tình yêu không bờ bến của ông bố, Conner quyết định
thực hiện cho bằng được việc này. Một mình một ngựa (sắt), ông
lên đường ngày 22 tháng Năm, ngay sau ngày dự lễ ra trường của Austin,
con trai ông, tại University of Wisconsin-Milwaukee.
“Tôi tin rằng Abbey cũng muốn tôi làm điều ấy,” ông nói.
Tình không biên giới
Khi
Jack được Louisiana Organ Procurement Agency thông báo về cuộc hành
trình “Abbey’s Ride for Life” của ông Conner, anh tìm cách liên
lạc với ông và nói rằng gia đình anh rất vui mừng được đón tiếp ông
trong chuyến đi miệt mài ấy.
Sau
bốn tuần lễ rong ruổi, vượt 1.400 dặm đường, ông Conner đã gặp được
Jack tại Baton Rouge Louisiana vào đúng ngày Chủ Nhật Father’s
Day. Trước mắt ông là chàng thanh niên da màu, vóc dáng thư sinh, tóc
tai cắt ngắn, quần áo chỉnh tề. Trông Jack có vẻ hiền lành, dễ mến và
ông có cảm giác thật gần gũi như từng quen biết nhau tự bao giờ.
Cả hai như bị hút vào nhau trong cái ôm dài đến hơn một phút. Nước mắt họ ứa ra.
Jack
lần lượt giới thiệu gia đình mình, ông bà, bố mẹ, anh chị em, những đứa
cháu… Hai ông bố, da trắng và da màu, ôm chặt lấy nhau, rưng
rưng dòng lệ.
Da
màu, thì đã sao! Ngay lúc này đây, ông Conner và mọi người ở quanh ông
không ai nghĩ tới chuyện da trắng, da vàng, da đen, da nâu. Hơn
lúc nào hết, chuyện màu da, màu tóc, màu mắt… hoàn toàn chẳng có ý
nghĩa gì. Điều thực sự có ý nghĩa là, trái tim Abbey trong lồng ngực
Jack đã mang hai gia đình xa lạ lại gần với nhau.
Đấy
không phải là tính cách của Abbey đó sao? Conner còn nhớ, cô bé từng kể
ông nghe một cảnh trong cuốn phim mà cô xem đến hai lần, “To Sir,
with Love”. Ông thầy giáo bị đứt tay và cô nữ sinh tỏ vẻ ngạc nhiên khi
nhìn thấy máu của ông thầy da đen cũng màu đỏ tươi giống như máu cô
vậy.”
Trái tim Abbey và hình hài Jack cũng thế thôi, cũng cùng chung dòng máu.
“Happy Father’s Day!” Jack mỉm cười bước đến bên ông, trên tay cầm gói quà.
Conner đón lấy, mở ra. Một chiếc stethoscope
– ống nghe của bác sĩ. Ông thoáng ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra.
“Cám ơn cháu. Cái này hay đấy.”
“Với cái này,” Jack nói, “Bác sẽ nghe rõ tiếng đập của con tim cô ấy.”
Conner
lặng người đi mấy giây. Ông bật ra một tiếng nấc không giấu được, đưa
cườm tay quệt ngấn nước mắt. Jack cởi tung nút áo để lộ vết sẹo
dài chạy dọc trước ngực. Conner gắn ống nghe vào hai tai, áp đầu dây
bên kia vào ngực Jack, đúng chỗ trái tim cậu. Không, trái tim con gái
ông. Ông nhắm mắt lại, chăm chú lắng nghe… Lát sau, ông gỡ ống nghe,
lặng im vài giây như cố trấn tĩnh, rồi buột miệng:
“Well, it’s working.”
“Oh yeah, definitely!” Jack đáp.
Không
chỉ nghe rõ nhịp đập đều đều của trái tim, Conner còn nghe được cả
tiếng thì thầm quen thuộc của Abbey, “Bố đến thăm con đấy phải
không? Con vẫn ổn mà, Bố đừng lo cho con. Chỗ này, buồng ngực của Jack
đấy, tốt lắm Bố à. Bố con mình vẫn gần nhau mà, phải không?”
Ông
đã bao lần ôm chặt con mình vào lòng, bao lần nghe hơi thở con, nhịp
tim con đập rộn ràng như thế này. Ông đã bao lần ôm ấp đứa con
yêu, từ thuở cô còn bé bỏng, từ thuở mẹ cô còn sống, và cả những lần
hai bố con xa nhau rồi gần nhau như thế này.
Conner
cúi đầu thật sâu, hai mắt nhắm nghiền, nước mắt lại muốn ứa ra. “Đúng
thế Abbey,” ông cũng thì thầm. “Bố đến thăm con đây. Bố đến
thăm con để xem con đã ‘sống’ như thế nào kể từ ngày xa Bố. Sau cùng
thì bố con mình đã gặp được nhau, phải không, ‘baby girl’ của Bố?”
“Baby girl”, ông Conner nhớ từng gọi con bé như vậy.
“Cám ơn cháu,” ông ngước lên, mỉm cười với Jack.
“Thật
là một phép lạ,” Jack nói. “Abbey giống như là bà tiên có phép mầu
trong chuyện cổ tích. Cháu đã chết đi, rồi được sống lại. Cháu
mang ơn cô ấy nhưng không có cách nào để trả ơn.”
“Đừng
nghĩ đến chuyện đền ơn đáp nghĩa,” ông Conner mỉm cười với chàng trai.
“Cách trả ơn tốt nhất là hãy sống tốt. Đơn giản là vậy. Sống
như Abbey vậy, giúp đỡ người khác và mang niềm vui đến cho mọi người.”
“Cháu hiểu,” Jack nói nhỏ. “Cháu còn phải cám ơn Bác nữa.”
“Bác phải cám ơn cháu chứ,” Conner lại mỉm cười. “Nhờ có cháu mà Bác được gặp lại Abbey. Bác thật hạnh phúc.”
Conner
ngắm nhìn chàng trai trạc tuổi con ông. Ông nhìn xuống chiếc ống nghe
vẫn cầm trên tay, món quà đặc biệt Jack tặng cho ông. Trong
đời mình, quả là ông chưa bao giờ nhận được quà tặng Father’s Day nào ý
nghĩa hơn thế.
Nhờ
có Jack, ông Conner biết được rằng trái tim con gái ông chưa có phút
giây nào ngừng đập, có điều trái tim ấy đã dọn sang hình hài khác.
Abbey đã cho không trái tim quý giá của mình. Cô đã cho không, không
điều kiện, không có bất cứ sự lựa chọn nào. Dẫu cho hình hài ấy, da dẻ
kia có như thế nào thì trái tim cô vẫn
rộn ràng những nhịp đập yêu thương.
Tình yêu cô gửi vào trái tim là tình không biên giới.
*
Abbey
lìa xa bố khi tuổi cô vừa tròn đôi mươi, tuổi tươi đẹp nhất của một đời
người. Trái tim cô đang tràn đầy nhựa sống, tràn đầy ước
mơ. Cô khao khát sống và thiết tha yêu đời. Cô theo đuổi ngành học
Public Relations tại trường University of Wisconsin-Whitewater với ước
mong có cơ hội mở rộng giao tiếp với nhiều người và cũng giúp được nhiều
người.
Với Conner, con gái ông vẫn đang sống; hơn thế nữa, cô thực hiện được điều ước muốn là làm đẹp cho cuộc sống. Còn gì hơn thế
nữa.
Với
Jack, anh bắt đầu lại cuộc sống. Anh yêu cuộc sống hơn bao giờ. Jack sẽ
trở lại trường học, sẽ nối lại những giấc mơ còn dở dang vì
phải bỏ dở chuyện học hành. Anh sẽ đi tiếp con đường Abbey đã đi; hay
nói một cách nào đó, anh đi theo tiếng gọi của con tim nồng ấm đang nằm
gọn trong lồng ngực anh.
Chia
tay gia đình Jack, ông Conner lần lượt ôm hôn từng người một trong gia
đình anh. Sau cùng, ông lại ôm chặt lấy Jack, gục đầu lên vai
anh, ngỡ như đang ôm ấp đứa con yêu quý của mình.
Và
rồi Conner lại leo lên lưng chiếc xe đạp, lại tiếp tục lên đường. Ông
phải đi cho hết cuộc hành trình. Lần này, ông có thêm bạn đồng
hành là băng ghi âm tiếng nhịp đập con tim của Abbey mà gia đình Jack
gửi tặng ông. Conner như được tiếp sức, ông cảm thấy sung sức hơn bao
giờ.
Conner
dự kiến ngày 10 tháng Bảy tới đây sẽ chạm “mức đến”, Broward Health
Medical Center tại Ft. Lauderdale, Florida, là nơi Abbey đã
được các bác sĩ giải phẫu lấy nội tạng. Nơi đây, ông sẽ thực hiện nốt
việc sau cùng là rải tro con mình xuống lòng biển khơi, như một dấu chấm
hết cho cuộc hành trình dài mãi đến 2.600 dặm trường.
Abbey yêu biển, cô sẽ về lại với thiên đường “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” của Florida.
Trả
lời các phóng viên báo chí về cuộc “hành trình đơn độc” trên lưng con
ngựa sắt, ông Conner nói, “Tôi không hề đơn độc. Lúc nào Abbey
cũng ở cạnh tôi. Một khi bạn làm điều gì có ý nghĩa, bạn sẽ không cảm
thấy đơn độc.”
Conner
tin tưởng một cách mạnh mẽ sẽ có nhiều người cùng đồng hành với ông.
Trong lá thư ngỏ gửi cho báo chí kể về cuộc hành trình “Abbey’s
Ride for Life” dọc nước Mỹ nhằm vận động việc ghi danh online để trở
thành người hiến tặng nội tạng, có đoạn ông viết:
“Thật
là ích kỷ khi bạn nhất định chôn theo bạn những gì có thể cứu vớt được
mạng sống con người. Bạn không mất gì cả trong lúc mang được
hạnh phúc đến cho những kẻ xấu số. Vậy tại sao bạn lại từ chối hay ngần
ngại? Sớm muộn gì thì bạn và tôi cũng phải chết mà, làm sao tránh khỏi
được. Vậy tại sao không làm cho cái chết của mình không vô nghĩa và phí
phạm?”
“Nếu
bạn muốn để lại một di sản,” ông viết ở một đoạn khác, “không có di sản
nào quý giá hơn là giúp cho người khác được tiếp tục sống,
một cuộc sống ý nghĩa.”
Phần tôi, rất lấy làm “tâm đắc” đoạn cuối lá thư của ông Conner:
“Bạn
vẫn đến nhà thờ, nhà nguyện để cầu nguyện sau khi chết sẽ được lên
thiên đường, phải không? Vậy tại sao bạn không làm việc đó? Lời
nguyện cầu của bạn sẽ sớm được cứu xét. Hãy trao tặng cho người khác
những gì thượng đế đã ban tặng cho bạn. Đấy là lẽ công bằng. Bạn đâu cần
phải mang theo tất cả, một khi thân xác bạn nhẹ nhàng thì bạn cũng dễ…
bay lên tới thiên đường.”
Lê Hữu
(Viết phỏng theo bản tin CBS News)* Nguồn ảnh: Photo by Caroline Ourso- Moving moment Dad hears daughter's
donated heart beat again: